Home
PHÁP THOẠI
NGHIÊN CỨU
PHẬT HỌC
THIỀN HỌC
VĂN HOÁ
LUẬT HỌC
TĂNG GIÀ
TUỔI TRẺ
CHUYÊN ĐỀ
HOẰNG PHÁP
THUVIENCOPHAP.org | Hôm nay:
Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010
VUA TRẦN NHÂN TÔN VỚI KINH KIM CANG
THÍCH THÁI HÒA
Trần Nhân Tôn con của Thượng hoàng Trần Thánh Tôn. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, “vua sinh ngày 11 tháng 11 năm Giáp ngọ (Nguyên phong thứ 8, 1258), được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim tiên đồng tử; ở hai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn; ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, thọ 51 tuổi, băng ở Ngọa vân am, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần. Song vui lòng ở kinh Phật, tuy bảo là đến chỗ siêu thoát, nhưng không phải là đạo trung dung của thánh nhân.” (ĐVSKTT I, tr 450, Nxb Văn Học, 2006).
Vậy, trong sự tu tập và hành hoạt độ đời của vua Trần Nhân Tôn còn gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, là vị sơ Tổ của Phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần đã có ảnh hưởng kinh Kim Cang như thế nào?
Đọc hai nguồn tư liệu chính về vua Trần Nhân Tôn, gồm Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, của Ngô Sĩ Liên viết từ đời Lê; và Thánh Đăng Ngữ Lục, được viết từ đời Trần, không ghi tên tác giả, ấy là tác phẩm ghi lại các ngữ lục và thơ văn của các vua nhà Trần, kể từ vua Trần Thái Tôn đến vua Trần Minh Tôn.
Bản Thánh Đăng này đã được khắc in nhiều lần bởi Huệ Đăng ở Long Động, vào năm Ất dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705) và bản khắc in năm 1750, do Tính Quảng – Thích Điều Điều ở viện Thiền Phong, núi Tử Sầm đề tựa.
Ngoài ra còn có các nguồn tư liệu khác như: Việt Điện U linh Tập, do Lý Tế Xuyên viết khoảng năm 1329; Nam Ông Mộng Lục, do Hồ Nguyên Trừng viết, 1438; Việt Âm thi Tập, do Phan Huy Tiên viết khoảng 1334; Đại Việt Sử Ký Tục Biên của Phan Phu Tiên; Toàn Việt Thi Lục của Lê Quý Đôn; Thiền Tông Bản Hạnh của Chân Nguyên đời Lê… và Tam Tổ Thực Lục, bản trùng khắc, thời Thành Thái thứ 9, năm 1897, do Tỷ kheo Diệu Trạm viết lời dẫn, Sa môn Thanh Cừ, Thanh Vân giúp việc khắc bản.
Qua các nguồn tư liệu ấy cho ta cái nhìn bao quát cuộc đời của vua Trần Nhân Tôn có bốn giai đoạn rõ ràng. – Giai đoạn tuổi trẻ và học tập – Giai đoạn làm vua – Giai đoạn làm Thượng hoàng – Và giai đoạn xuất gia làm Tăng sĩ.
Đối với giai đoạn tuổi trẻ và học tập, khi mới sinh ra, vua đã được phụ hoàng Trần Thánh Tôn đặt tên là Kim Phật. Đặt tên cho Thái tử như vậy, giúp cho ta biết rằng, ý nguyện và con đường giáo dục của vua Trần Thánh Tôn đối với Thái tử Kim Phật sau này như thế nào. Ấy là con đường giáo dục, không những khiến Thái tử Kim Phật, lớn lên có khả năng gánh vác sự nghiệp của quốc gia xã tắc, mà còn là bậc đại khí có khả năng làm Thầy khắp cả mười phương thiên hạ, như ở trong Thiền Tông Bản Hạnh mô tả:
“Thái tử trí cả bằng nay,
Gánh vác đại khí làm thầy mười phương.”
Khi lớn lên, Thái tử Kim Phật được vua Trần Thánh Tôn đặt tên là Khâm, không những vua trực tiếp giáo dục mà còn có cả Tuệ Trung Thượng Sĩ nữa. Theo Thánh Đăng Lục cho ta biết: “Bản chất của vua thông minh, hiếu học, có nhiều tài năng, xem hết các sách, thông suốt hết cả nội điển lẫn ngoại điển. Thường bàn luận về tâm tông với các thiền khách. Lại tham học với Tuệ Trung Thượng Sĩ, đạt đến chỗ cốt tủy của thiền và thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm thầy.”
Và theo Trần Quang Chỉ, ghi ở trong bức tranh Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ, đã cho ta biết về sự nghiệp học tập của vua lúc tuổi trẻ như sau: “Học thông tam giáo và hiểu sâu phật điển. Ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật không thứ gì là không mau chóng nắm bắt được sâu sắc”. (Lê Mạnh Thát – Toàn Tập Trần Nhân Tông, Nxb Tổng Hợp TP HCM 2006).
Như vậy, ta thấy vua Trần Nhân Tôn lúc thiếu thời đã được Phụ hoàng Trần Thánh Tôn giáo dục với một nền giáo dục cả đạo đời toàn diện.
Theo Thánh Đăng Lục, năm 16 tuổi được lập làm hoàng Thái tử, Ngài đã cố ý từ chối mấy lần, nhường lại cho em, nhưng phụ hoàng không chấp nhận. Tuy sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc, nhưng Trần Nhân Tôn vẫn hướng tâm về đời sống tu hành. Một hôm, Trần Nhân Tôn vượt kinh thành trốn đi, định vào núi Yên tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người quá mỏi mệt, Ngài liền nằm nghỉ ở trong tháp. Vị Tăng trong chùa thấy dáng mạo khác thường liền làm cơm thiết đãi. Hôm ấy, Thái hậu liền trình bày hết cho Thánh Tôn nghe, Vua nghe xong, liền sai quần thần đi tìm kiếm khắp nơi, bất đắc dĩ, Ngài mới trở về.
Giai đoạn làm vua, cũng theo Thánh Đăng Lục, Trần Nhân Tôn lên ngôi, ngày 12 tháng 02 năm Mậu dần, tức năm 1278. Tuy ở trong cảnh vinh hoa tột bực, nhưng vua Trần Nhân Tôn vẫn tự giữ mình thanh tịnh.
Có lần ngủ trưa trong chùa Tư Phúc ở đại nội, vua nằm chiêm bao thấy từ nơi rốn mọc lên hoa sen vàng, lớn như bánh xe, trên hoa có đức Phật vàng, có một người đứng bên cạnh chỉ vào vua và hỏi: “Biết đức Phật này chăng? Đó là đức Phật Biến Chiếu đấy!”. Ngay đó, vua giựt mình tỉnh dậy, đem giấc mộng trình lên vua cha. Thượng hoàng Trần Thánh Tôn rất mừng, cho là việc khác thường. Sau giấc chiêm bao này vua ăn chay trường, thân thể ốm gầy, phụ hoàng Thánh Tôn thấy lạ liền hỏi. Nhân Tôn thưa thực lý do với phụ hoàng. Thánh Tôn khóc bảo: “Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con làm như thế, thì sự nghiệp của Tổ tông sẽ ra sao? Trần Nhân Tôn nghe phụ hoàng nói vậy cũng rơi nước mắt”.
Theo quốc sử, mới lên ngôi, vua Trần Nhân Tôn, đã thực hiện chính sách “đại xá cho thiên hạ”. Và cũng nhiều lần thực hiện chính sách “đại xá cho thiên hạ” trong quãng đời làm vua của mình. Vua cũng đã trực tiếp giải quyết việc khiếu kiện của người dân đối với Trần Thiên Thư là em của Đỗ Khắc Chung, ngay giữa đường,… Về ngoại giao, vua đã ban giao tốt với triều đình ở phương Nam, đối xử thận trọng và khôn khéo từ chối những yêu sách của triều đình Hốt tất liệt ở phương Bắc và không trực tiếp đến chầu. Đối với chính trị và quân sự, vua đã triệu tập hội nghị Bình Than năm 1282, để cùng với vương hầu, các tướng sĩ bàn kế đánh giặc Nguyên giữ nước. Năm 1284, vua lại triệu tập hội nghị Diên Hồng, cùng với các bô lão trong nước bàn kế đánh giặc Nguyên, trong hội nghị muôn người như một đều nói lên một lời là “đánh”. Nhờ những hội nghị như vậy mà đoàn kết được vua tôi và nhân dân, nên đã hai lần đánh bại Nguyên Mông, khiến vua đã có lời cảm thán:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
Cuộc đời làm vua, Trần Nhân Tôn phải đối mặt và chiến thắng hai cuộc chiến tranh với Nguyên Mông, ổn định chính trị, phát triển quân sự hùng mạnh, giữ vững biên cương, giao hảo với các nước láng giềng, mở mang nền học vấn, phát triển kinh tế, chủ trương tự chủ về ngôn ngữ. Theo Quốc sử, tháng tư, năm Mậu tý (1288), Vua chiếu chỉ cho Ty hành khiển giao hảo với Hàn lâm viện. Theo lệ cũ, hễ tuyên đọc chiếu chỉ của vua, thì Hàn lâm viện, đưa trước bản thảo chiếu chỉ, cho Ty hành khiển để tập đọc trước. Đến khi tuyên đọc, thì gồm giảng đọc cả âm lẫn nghĩa khiến cho dân thường dễ hiểu”. (ĐVSKTT, tr. 477, Nxb Văn Học, 2006).
Như vậy, quãng đời làm vua của Trần Nhân Tông, hai lần đánh dẹp ngoại xâm hùng mạnh của phương Bắc, giữ yên bờ cõi và phát triển đất nước nhiều mặt, cấu kết được lòng dân, xóa bỏ lý lịch của những người phản trắc, để họ yên tâm phục vụ đất nước, phát huy tính tự chủ về ngôn ngữ, chữ viết. Chữ Nôm là ngôn ngữ tiếng Việt được phát huy đầu tiên và được sử dụng trong nền hành chánh vào thời vua Trần Nhân Tôn vậy.
Theo Quốc sử, ngày 3 tháng 2 năm Nhâm thìn (1292), Vua Trần Nhân Tôn lập hoàng tử Trần Thuyên làm đông cung thái tử. Và ngày mồng 9 tháng 3 năm Quí tỵ (1293), nhường ngôi cho Thái tử Thuyên. Thái tử Thuyên lên ngôi hoàng đế, hiệu Trần Anh Tôn, tôn phong Trần Nhân Tôn lên Thái Thượng Hoàng với hiệu Hiến nghiêu quang thánh thái thượng hoàng đế.
Sau khi vua Trần Nhân Tôn nhường ngôi cho con là Trần Anh Tôn, lên làm Thái thượng hoàng, rồi đi xuất gia, hoằng hóa sang Chiêm, được vua Chiêm kính trọng hết mức. Trong chuyến hoằng hóa này, Thượng hoàng đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm, sau đó vua Chiêm đã dâng hai châu Ô và Lý cho Đại Việt.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 6, Thượng hoàng Trần Nhân Tôn đi chơi ở Vũ lâm vào tháng 7, năm Giáp ngọ (1294), và quyết định xuất gia tại đây. Vua xuất gia tại Vũ lâm, nhưng thờ ai làm Thầy và được truyền trao giới pháp như thế nào, hiện không có tư liệu nào ghi rõ, chỉ có Thánh Đăng Ngữ Lục nói: “Trần Nhân Tôn đã tham học với Tuệ Trung Thượng Sĩ, đạt sâu tới chỗ cốt tủy của thiền và thờ Thượng Sĩ làm Thầy”. Và cũng theo Thánh Đăng Ngữ Lục, thì tháng 10, năm Kỷ hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), Ngài đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng tu hành, sống theo mười hai hạnh đầu đà, tự lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài lập chùa, xây tinh xá, thuyết pháp độ tăng, học chúng tụ về đông đảo,…”. Điều này, cũng đã được sách Tam Tổ Thực Lục của Tính Quảng và Ngô Thời Nhiệm ghi lại giống như Thánh Đăng Lục vậy.
Như vậy, theo Thánh Đăng Lục, ta thấy sau khi đã xuất gia, ở núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tôn, tức Điều Ngự Giác Hoàng, thực hành mười hai hạnh đầu đà, tự lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, xây dựng chùa chiền, thiết lập tinh xá, thuyết pháp độ tăng, học chúng tụ về đông đảo. Sau đó, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường đón chư Tăng về đây lập hội giảng kinh trải qua mấy năm, rồi Ngài lại vân du đến Bố chánh, lập am Tri Kiến và dừng chân ở tại đây một thời gian. Và Ngài cũng đã từng đi khắp mọi thôn xóm, khuyến hóa dân chúng thực hành Thập thiện, buông bỏ những hủ tục dâm từ. Điều Ngự Giác Hoàng đã trao truyền Bồ tát giới tại gia cho vua Trần Anh Tông và nhiều vị quan chức ở trong triều đình, vào mùa Đông, năm Giáp thìn.
Sau đó, Ngài đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Chí Linh xiển dương Tông giáo, tức là yếu chỉ của thiền. Mở đầu buổi khai đường thuyết pháp, Ngài niêm hương báo ân, rồi lên pháp tòa, vị thượng thủ đánh bảng,… xong, liền thỉnh mời Điều Ngự, Ngài liền nói: “Đức Thích Ca Văn Phật, vì một việc lớn mà xuất hiện ở đời, 49 năm mở miệng mà chưa nói một lời, nay ta vì các ngươi lên pháp tòa này nói cái gì đây?”
Nói xong, Ngài ngồi xuống trên giường thiền, yên lặng hồi lâu, mới cất giọng nói:
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú
Bất thị tầm thường không quá xuân.
Nghĩa là:
Chim Quyên kêu rả, trăng ngày sáng,
Không phải tầm thường, xuân luống qua.
Trong lời mở đầu cho buổi pháp thoại, Điều Ngự Giác Hoàng nói: “Đức Thích Ca Văn Phật, vì một việc lớn mà xuất hiện ở đời, 49 năm mở miệng mà chưa nói một lời, nay ta vì các ngươi lên pháp tòa này nói cái gì đây?”
Ngài Điều Ngự nói lời mở đầu này, tức là Ngài đã chỉ thẳng “thực tính Bát Nhã Kim Cang” cho thính chúng đương hội, tại chùa Sùng Nghiêm, ở núi Chí Linh. Giống như ở kinh Kim Cang, đức Phật đã chỉ thẳng “Thực tính Bát Nhã Kim Cang” cho thính chúng lúc bấy giờ, tại Kỳ viên, nước Xá vệ bằng cách hỏi Tôn giả Tu Bồ Đề rằng:
“Này Tu bồ đề! Thầy nghĩ như thế nào? Như Lai có chứng đắc Vô thượng giác không? Có pháp nào được nói bởi Như Lai không?” Tôn giả Tu bồ đề thưa: “Đúng như con hiểu nghĩa của Ngài dạy, thì không có pháp nào được khẳng định gọi là Vô thượng giác và cũng không có pháp nào khẳng định được nói bởi Như Lai. Vì pháp được nói bởi Như Lai, pháp ấy đều không thể nắm bắt, không thể diễn đạt, không thể gọi là pháp, không thể gọi là phi pháp” (Đại Chính 8, La Thập, tr. 749b). Và cũng ở kinh này, một đoạn khác, đức Phật lại hỏi Tôn giả Tu bồ đề rằng: “Này Tu bồ đề! Thầy Nghĩ như thế nào, có pháp nào được nói bởi Như Lai không? Tôn giả Tu bồ đề thưa: Không có pháp nào được nói bởi Như Lai cả” (Đại Chính 8, La Thập, tr. 750a). Và một đoạn khác của kinh Kim Cang này, đức Phật lại nói với Tôn giả Tu bồ đề rằng: “Này Tu bồ đề! Thầy đừng nghĩ rằng: Như Lai có ý niệm ta sẽ thuyết pháp. Đừng nghĩ như thế. Tại sao? Nếu có người nghĩ rằng, có pháp được thuyết bởi Như Lai là người ấy phỉ báng Như Lai, vì họ không lãnh hội được lời nói của Như Lai.
Này Tu bồ đề! Thuyết pháp, nghĩa là không có pháp gì để thuyết, nên gọi là thuyết pháp.”(Đại Chính 8, La Thập, tr. 751c).
Như vậy, qua những đoạn kinh Kim Cang vừa được trích dẫn ở trên, đức Phật, không những đã chỉ rõ “Thực tính Kim Cang Bát Nhã” cho thính chúng lúc bấy giờ, mà còn chỉ rõ “Pháp hành và pháp thuyết vô trú” của Ngài đối với “Thực tính bát nhã” cho thính chúng đương hội lúc bấy giờ nữa.
Như vậy, ta thấy Trần Nhân Tông tức là Điều Ngự Giác Hoàng, đối với hội chúng ở chùa Sùng Nghiêm lúc bấy giờ, không những, Ngài đã chỉ thẳng “Thực tính Bát nhã kim cang” mà còn chỉ thẳng “Pháp hành và pháp thuyết vô trú của Phật đối với “Thực tính bát nhã” cho hội chúng ngay trong lời mở đầu pháp thoại của Ngài nữa. Và như vậy, ta thấy rõ giáo lý “Thực tính bát nhã; Pháp hành và pháp thuyết vô trú”, của kinh Kim Cang đã có một ảnh hưởng nhất định trong cuộc đời tu tập, chứng ngộ và hoằng hóa của vị Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam, ở cuối thế kỷ mười ba và đầu thế kỷ mười bốn.
Cũng trong thời pháp thoại này, có vị Tăng hỏi Điều Ngự rằng:
Thế nào là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp? Điều Ngự trả lời:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa là:
Nếu lấy sắc thấy ta
Lấy âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.
Chính đây là bài kệ mà Điều Ngự đã dẫn từ kinh Kim Cang một cách tự nhiên để trả lời, câu hỏi của một vị Tăng, hỏi Ngài về ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Điều này, ở kinh Kim Cang, đức Phật dạy rằng: “Nầy Tu bồ đề! Thầy nghĩ như thế nào? Có thể nhìn thấy Như Lai qua ba mươi hai tướng tốt không?
Tu bồ đề thưa: Đúng như vậy, đúng như vậy, nhìn thấy Như Lai bằng ba mươi hai tướng tốt. Đức Phật dạy: Này Tu bồ đề, nếu nhìn thấy Như Lai qua ba mươi hai tướng, thì vị Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai sao?
Ngài Tu bồ đề, bạch đức Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Như con hiểu ý nghĩa được nói bởi Ngài, thì không thể nhìn thấy Như Lai bằng ba mươi hai tướng tốt.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Nhìn ta bằng hình sắc
Tìm ta bằng âm thanh
Người ấy đi đường tà
Không thể thấy Như Lai.
(Đại Chính 8, La Thập, tr. 752a).
Điều Ngự Giác Hoàng – Trần Nhân Tông, đã trả lời câu hỏi của một vị Tăng “Thế nào là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp?”, bằng thi kệ của kinh Kim Cang đã được dẫn chứng ở trên, điều ấy lại chứng tỏ rằng, giáo lý nói về “Pháp thân vô trú” của kinh Kim Cang đã được Điều Ngự giác ngộ một cách triệt để, khiến khi có một vị Tăng hỏi: “Thế nào là Phật? Điều Ngự đáp: Trấu cám dưới cối”. Lại hỏi: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn độ sang?”. Đáp: “Bánh vẽ”. Lại hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Đáp: “Đồng hầm đất không khác”.
Điều Ngự đã trả lời “Trấu cám dưới cối; Bánh vẽ; Đồng hầm đất không khác,…” cho người hỏi là đều chỉ cho người hỏi thấy rõ về “pháp thân vô trú”. Nghĩa là hết thảy pháp thuộc thế gian, xuất thế gian đều từ nơi “pháp thân vô trú” mà biểu hiện sự khác biệt.
Lại có vị hỏi rằng: Xưa có vị Tăng hỏi Triệu Châu: “Con chó có Phật tính hay không?” Triệu Châu đáp: “Không”, ý chỉ thế nào?
Điều Ngự Trả lời:
Chất muối trong nước
Keo xanh trong màu.
Điều Ngự trả lời như vậy, là chỉ rõ “Thực tướng vô tướng” được diễn tả ở trong kinh Kim Cang cho người hỏi. Và ở trong kinh này, “Thực tướng vô tướng” đã được đức Phật chỉ rõ cho Tôn giả Tu bồ đề như sau: “Này Tu bồ đề! Cái gì có hình tướng, cái đó có sự hư dối. Nếu thấy rõ vô tướng ngay nơi các tướng tức là thấy Như Lai”. (Đại Chính 8, La Thập, tr. 749a).
“Vô tướng” không phải là không có tướng gì, mà tất cả tướng đang có mặt và đang biểu hiện đầy đủ và linh hoạt trong một tướng, chính tướng ấy là vô tướng. Vì vậy, Điều Ngự nói: “Chất muối trong nước; Keo xanh trong màu”. Bằng cách nhìn “vô tướng” ta thấy ngay “Trong nước có chất muối và trong màu có keo xanh”. Thực tướng vô tướng là phải thấy ngay nơi các tướng. Ngay nơi các tướng mà thấy vô tướng. Nên, theo Điều Ngự, lìa các tướng, để giác ngộ thực tướng là điều không thể có.
Và Lục Tổ Huệ Năng cũng đã từng nói như vậy ở trong kinh Pháp Bảo Đàn rằng: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, do như cầu thố giác”. Nghĩa là “Phật pháp ở trong thế gian, sự giác ngộ không thể xa rời thế gian, xa lìa thế gian mà tìm kiếm sự giác ngộ, chẳng khác nào người đi tìm kiếm sừng thỏ”.
Điều Ngự Giác Hoàng nói: “Chất muối trong nước; Keo xanh trong màu”, là một cách nói khác về “Thực tướng vô tướng, hay hết thảy pháp đều là phật pháp”, của kinh Kim Cang, mà chính bản thân của Điều Ngự đã trực nghiệm, chứng ngộ và ứng dụng nó trong khi làm vua, làm Thái Thượng hoàng an dân hay lúc làm Tăng sĩ để độ đời.
“Thực tướng vô tướng hay hết thảy pháp đều là Phật pháp” của kinh Kim Cang là cốt điểm mà Điều Ngự đã giác ngộ, và đã đem ra ứng dụng và viết thành “Cư trần lạc đạo phú”, khiến cho các nhà nghiên cứu về Trần Nhân Tông sau này cho rằng, “Cư trần lạc đạo phú” là tư tưởng chủ não cho mọi hành hoạt của ông và trở thành tư tưởng thiền học đặc trưng của Trúc Lâm Yên Tử.
Đọc Cư Trần Lạc Đạo Phú của Trần Nhân Tôn, ta thấy vua đã ảnh hưởng rất nhiều về giáo lý của kinh Kim Cang, nhất là giáo lý nói về “Nhất thiết pháp giai thị phật pháp” của kinh này (Đại Chính 8, La Thập, tr. 751b).
Nhất thiết pháp giai thị phật pháp, nghĩa là hết thảy pháp đều là phật pháp hay hết thảy pháp đều là pháp giác ngộ.
Trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ nhất vua nói:
“Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”.
Thành thị là chỉ cho cuộc đời, nơi sinh hoạt ồn ào, nơi bụi đời phiền não; Sơn lâm là chỉ cho đạo, nơi sinh hoạt trong sự vắng lặng, hay nơi sinh hoạt theo bản thể thanh tịnh tự nhiên.
Vua nói: “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”, nghĩa là ngay nơi các tướng thế gian, mà giác ngộ thực tướng vô tướng, sống và hành sử đúng theo thực tướng vô tướng ấy.
Làm hưng vượng đất nước mà không thấy nhân ngã; dẹp giặc, giữ yên bờ cõi mà tâm không sân hận, thù oán hay tự đắc; được cả giang sơn gấm vóc, xã tắc đoàn tụ vui vầy mà lòng không đắm trước; ngồi với cao lương mỹ vị mà dạ chẳng khát thèm; xúc tiếp với cung phi, mỹ nữ mỗi ngày mà tâm thường nghĩ đến sự xả ly, ngồi trên thiên hạ mà thấy rõ các pháp thế gian đều hoạt khởi trong hư huyễn, đó chính là “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm”, mà vua Trần Nhân Tông đã thực hiện.
Và điều ấy, ta lại thấy vua nói rõ trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ hai rằng:
Dứt trừ nhân ngã,
thì ra thực tướng Kim Cang.
Dừng hết tham sân,
mới làu lòng mầu viên giác.
Nhân, ngã vốn không có cách biệt, vốn không có tự tính, nên tất cả tướng của nó đều là vô tướng. Ở ngay nơi nhân ngã của thế gian, mà hành động vô tướng, thì ngay nơi nhân ngã ấy là đạo, chứ đạo ở đâu nữa, mà đi tìm và ngay nơi mọi sinh hoạt của thế gian, mà hành động với tâm vô tướng, với lòng vô ngã, thì những sinh hoạt ấy là sinh hoạt của đạo, của tâm không nhân ngã và của đời sống giác ngộ, chứ đạo đâu nữa mà kiếm tìm, và giác ngộ đâu nằm ở ngoài cuộc đời mà lao lung tìm kiếm. Giác ngộ là giác ngộ ngay trong mọi sinh hoạt của đời thường và giải thoát là giải thoát ngay nơi tâm ràng buộc bởi những ý niệm phiền não, phân biệt nhân ngã, chứ đâu phải ngoài những sự ràng buộc của thế gian mà có giải thoát.
Đạo vốn rộng lớn mênh mông không bờ mé, tịch lặng chiếu soi, không buộc không giải. Buộc là tâm bị phiền não bám vào, giải là phiền não nơi tâm yên lắng, tánh của tâm tự nhiên tĩnh lặng sáng trong soi chiếu.
Vì vậy, trong bài giảng tại viện Kỳ Lân, ngày mồng 9 tháng giêng nhuận, năm Bính ngọ (1306), Điều Ngự đã nói với đại chúng rằng: “Này xem, đạo lớn mênh mông, đâu buộc đâu ràng, bản tánh sáng trong, không thiện không ác. Bởi do phân biệt, lắm ngả sinh ngang, thoáng khởi ám mờ, biến thành trời đất. Thánh phàm cùng chung đầu mối, phải trái đâu thể phân chia,…”
Theo Điều Ngự, đạo là vậy, nên trong bài kệ Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội mười, Vua nói:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bửu hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Nghĩa là:
Sống đời, vui đạo hãy tùy duyên
Chừ đói cứ ăn, mệt ngủ liền
Có báu trong nhà ngưng tìm kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
Như vậy, ta đã rõ Trần Nhân Tôn đã giác ngộ kinh Kim Cang bằng “Thực tướng Vô tướng; bằng “Hết thảy pháp đều là phật pháp”, và rồi Vua đã thực hiện những điều ấy trong đời sống của chính mình, qua nhiều vai trò và hình thức khác nhau, đem lại nhiều lợi ích không phải chỉ cho non sông gấm vóc, mà cho tất cả thế gian này trong hơn năm mươi năm giữa cuộc đời, ông hiện thân làm người, nên trong Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca ông nói:
Niệm lòng vặc vặc
Giác tính quang quang
Chẳng còn bỉ thử.
Tranh chấp nhân ngã
Trần duyên rũ hết
Thị phi chẳng hề.
Rèn một tấm lòng
Đêm ngày đon đả.
Ngồi trong trần thế
Chẳng quản sự thay.
Văng vẳng ngàn kia,
Dầu lòng dong thả.
Học đòi chư Phật
Cho được viên thành;
Xướng khúc vô sinh
An thiền tiêu sá.
Điều Ngự đã học đòi chư Phật cho được viên thành, xướng khúc vô sinh, an thiền tiêu sá bằng cách nào? Bằng cách:
Ai ai chả biết
Bằng huyễn chiêm bao;
Xẩy tỉnh giấc hòe
Châu rơi lã chã.
Cốc hay thân huyễn,
Chẳng khác phù vân;
Vạn sự giai không,
Tựa dường bọt bể.
Chính đoạn này ở trong Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, ông đã diễn tả nó bằng tâm bất động, đúng chân như, không mắc kẹt mọi ý tưởng nhân ngã thị phi, đúng như bài kệ quán chiếu đối với các pháp thuộc hữu vi, mà đức Phật đã dạy cho Tôn giả Tu bồ đề ở kinh Kim Cang rằng:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào ảnh,
Như lộ, diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
(Đại Chính 8, La Thập, tr 752b)
Nghĩa là:
Hãy quán chiếu như vậy:
Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn, bào, ảnh,
Như sương mai, điện chớp.
Với một cuộc đời hành hoạt đầy sống động như vậy, ta có thể gọi Trần Nhân Tôn là người con chí hiếu, là nhà chiến lược giỏi, là nhà lãnh đạo đất nước tài hoa, là bậc minh quân, là nhà chính trị và văn hóa lớn, là nhà tư tưởng lớn, là bậc minh triết, sơ Tổ Trúc Lâm Yên Tử, là vị Phật sống đời Trần,…
Và dù ta có dùng bao nhiêu mỹ hiệu để gọi Ngài là gì đi nữa, thì Ngài không bị ràng buộc nơi những mỹ hiệu mà ta đã và đang gọi cho Ngài. Và dù cho ta có khen để mà chê Ngài, như Ngô Sĩ Liên đời Lê, đứng từ lập trường Nho giáo viết sử, hưởng bỗng lộc triều đình mà viết rằng: “Song vui ở kinh Phật, tuy bảo là đến chỗ siêu thoát, nhưng không phải là đạo trung dung của Thánh nhân” (ĐVSKTT I, tr 450, Nxb Văn học 2006), thì những lời khen chê ấy, cũng chẳng dính dáng gì đến bản chất “Thực tướng vô tướng”, nơi mà Ngài đã sống và hành hoạt.
“Thực tướng vô tướng” mà bản thân Vua đã chứng nghiệm ngay ở nơi cõi đời đầy nhân ngã bụi bặm này, hay cái nhìn “hết thảy pháp đều là phật pháp” hoặc trực nhận được “cái chân thực ngay nơi cái huyễn mộng” của cuộc đời, mà kinh Kim Cang đã hiển thị cho Ngài. Vì vậy mà Vua nói “Dứt trừ nhân ngã, thì ra thực tướng kim cương; dừng hết tham sân, mới làu lòng mầu viên giác” hay “Xướng khúc vô sinh, an thiền tiêu sá”.
Nên, đối với một vị giác ngộ như vậy, ta có thể gọi Ngài bằng bất cứ danh từ nào cũng được, nhưng không phải vì vậy mà Ngài trở thành cái danh từ theo ta gọi.
Ta có thể gọi Ngài là vị “Cư trần lạc đạo”, hay là vị đã thấy Phật ngay giữa những bụi bặm của cuộc đời và sống với Phật ngay giữa những bụi bặm ấy; hay là vị đã “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”, hoặc đã thể nhập được với thực tính không sanh diệt giữa những sinh diệt vô tận của dòng đời, khi ta đọc bài kệ thị tịch của Ngài nói cho Thị giả Bảo Sát, vào giờ Tý, ngày mồng một, tháng mười một, năm Mậu Thân (1308) tại Ngọa Vân Am, núi Yên Tử rằng:
Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi hữu.
Nghĩa là:
Hết thảy pháp không sinh
Hết thảy pháp không diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền
Làm gì có đến đi.
Trong bài kệ ấy, bốn câu trên, Ngài đã dẫn ra từ kinh Hoa Nghiêm, nói về chân lý không sanh diệt. Câu sau cùng là Ngài đã nói về nghĩa Như của kinh Kim Cang.
Nghĩa Như ở kinh Kim Cang, chính là chư pháp Như nghĩa. Nghĩa Như là Chân Như nơi các pháp, không có đến, không có đi, không có sanh, không có diệt,…
Điều này, ở kinh Kim Cang, đức Phật đã chỉ ra cho Tôn giả Tu bồ đề rằng: “Này Tu bồ đề! Nếu có người nói rằng: Như Lai có đến, có đi, có ngồi, có nằm là người ấy không hiểu được ý nghĩa lời nói của Như Lai. Tại sao? Vì Như Lai không đến từ đâu, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai” (Đại Chính 8, La Thập, tr. 752b)
Ở trong giờ phút thị tịch, Trần Nhân Tôn, tức Điều Ngự Giác Hoàng, đã nói cho Thị giả Bảo Sát rằng: “Hà khứ lai chi hữu? = Làm gì có đến có đi?” Bảo Sát liền hỏi: “Chỉ có chân như, khi chẳng sanh, chẳng diệt thì thế nào?” Điều Ngự liền vả ngay vào miệng Bảo Sát mà nói: “Đừng nói mớ!” Nói xong, Ngài nằm theo lối sư tử mà tịch.
Vì sao? Bảo Sát hỏi vậy, liền bị Điều Ngự cho là nói “mớ” và bị vả? Vì theo Điều Ngự, đối với chân lý rốt ráo tối hậu (đệ nhất nghĩa đế), khởi niệm là sai, mở miệng là quấy. Chính điều này, Điều Ngự đã khai thị cho đại chúng trong lời mở đầu tại buổi giảng ở viện Kỳ Lân, vào ngày mồng 9 tháng giêng nhuận năm Bính Ngọ (1306) rồi, mà Bảo Sát không lãnh hội, vì thế mà hỏi lại, nên bị Điều Ngự vả.
Lãnh hội “chân lý rốt ráo tối hậu” hay “hết thảy pháp không sinh, không diệt”, bằng tuệ giác, thì ngay đó là chư Phật hiện tiền, “niệm lòng vặc vặc, giác tính quang quang”. Và nếu không phải vậy, mà khởi tâm động niệm nghĩ suy, thì “mây bay vạn dặm”.
Kể từ khi con người bằng xương, bằng thịt của Trần Nhân Tông vắng bóng đã trải dài ngót bảy thế kỷ, biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà viết sử, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nói và nhận định về Ngài theo những cảm thức khác nhau của họ, nhưng tất cả đều đã nói “mớ” về Ngài. Không nói “mớ” sao được, khi Ngài là bậc đã “dứt trừ nhân ngã, thì ra thực tướng kim cang”, trong lúc đó những người viết, cảm nhận và hội thảo về Ngài, thì còn mang đầy nhân ngã, thị phi, nên những gì họ nói, viết về Ngài sao mà không “mớ” cho được? Vì nói “mớ”, nên dù viết cách nào, dù nói cách nào về Ngài, tất cả đều bị Ngài vả vậy!
Như vậy, ta thấy kinh Kim Cang là giáo lý chủ não cho Phật giáo đời Trần. Giáo lý ấy đã đẩy thúc vua Trần Nhân Tông hay Điều Ngự Giác Hoàng hành động cho lợi ích chung một cách tích cực, một cách hết lòng mà vô trú, và giáo lý ấy không những ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ, nếp sống đối với Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, mà còn ảnh hưởng đối với Trần Anh Tông và cả Trần Minh Tông sau này nữa vậy.
Vì vậy, giáo lý kinh Kim Cang đối với nhà Trần nói chung và Trần Nhân Tông nói riêng, đã đóng vai trò chủ não cho sự đạt ngộ tâm linh, cũng như trong những hành hoạt, vì những lợi ích chung cho nhân quần xã hội trong thời đại của họ.
Thích Thái Hòa
TẬP SAN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC PHÁP LUÂN
Số 11 - PL. 2553
Thiền môn
2010-12-07T02:08:00-08:00
2010-12-07T02:08:00-08:00
Loading...