Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Đi trong truyền thống xuyên suốt

Share |


Thích Thái Hòa
Trong truyền thống trí tuệ và từ bi của đạo Phật, người Phật tử khi nhìn một hậu quả xảy ra dù xấu hay tốt; dù thuận hay nghịch, họ không nhìn bằng con mắt đơn thuần hiện tại mà họ nhìn bằng con mắt xuyên suốt nhân duyên, nhân quả.

Đối với nhân duyên, họ không nhìn mọi sự hiện hữu mang tính cá thể đơn thuần, mà nhìn mọi sự hiện hữu trong sự tương quan tương sinh. Nếu cái nầy hiện hữu như là tác nhân, thì cái kia hiện hữu như là tác duyên cho cái nầy, và nếu ngược lại cái kia hiện hữu như là tác nhân, thì cái nầy hiện hữu như là tác duyên cho cái kia.

Lại nữa, giữa cái nầy và cái kia, không có bất cứ cái nào là làm tác nhân hay tác duyên vĩnh viễn, vì sao? Vì tất cả đều là tương giao vô thường và chính vì mọi sự hiện hữu trong sự tương giao, nên chúng là vô thường. Và vì là tương giao vô thường, nên cái nầy có thể là nhân cho cái kia và cái kia có thể là duyên cho cái nầy, khiến chúng tương giao sinh khởi tương tục.

Đối với cách nhìn nhân duyên, thì cái nghe không tự hiện hữu mà nó hiện hữu trong sự tương quan và tương liên. Không có âm thanh, không có hệ thần kinh thính giác, không có không gian để âm thanh và hệ thần kinh vận hành và tác động lên nhau và không có ý thức biểu hiện hiện tiền, thì cái nghe không thể biểu hiện…

Do đó, cái nghe hiện khởi từ nhân duyên là cái nghe mầu nhiệm. Nó mầu nhiệm, vì mọi yếu tố tạo thành cái nghe cùng hiện hữu đồng thời và chúng cùng hòa điệu trong sự tương giao để biểu hiện. Và nó mầu nhiệm, vì cái nghe không có bất cứ tự tính nào cho chính nó. Bản thân của cái nghe là không có ngã tính, nên nó có thể hội nhập với tất cả những yếu tố liên hệ để sinh khởi cái nghe một cách mầu nhiệm. Ta nghe với cái nghe không mang tính ngã, ta có thể nghe được một cách chính xác những gì mà mọi sự hiện hữu đang nói với ta mỗi ngày qua ngôn ngữ của âm thanh hay những loại ngôn ngữ biểu tượng và ngay cả những loại âm thanh không âm thanh gì cả; những loại ngôn ngữ không có ngôn ngữ gì cả.

Tròn hay khuyết của một vầng trăng, thắm nồng hay nhạt phai của một ráng nắng, một vầng mây hay sự vỗ nhẹ của một cánh bướm bên những cành hoa lan… đều đã nói lên cho ta những ngôn ngữ mầu nhiệm từ nơi những thực tại tương giao sống động. Và ta có thể nghe được tiếng nói của thực tại ấy một cách trọn vẹn, khi nào tâm hồn ta ở vào trạng thái thoáng mở, không thiên chấp và không bị mắc kẹt bởi bất cứ cái gì.

Nếu tâm ta bị mắc kẹt bởi bất cứ cái gì, thì không những ta bị mù quáng đối với những cái khác, mà ta còn mù quáng ngay đối với cái ta đang bị mắc kẹt ấy nữa.

Vì vậy, với sự quán chiếu sâu xa về nhân duyên, người Phật tử không rơi vào những cách nhìn bị những góc cạnh làm khuất lấp thực tại và họ không bị rơi vào những cái nghe làm khuất lấp chánh kiến.

Đối với nhân quả, họ nhìn mọi sự hiện hữu xuyên suốt khắp cả ba đời. Mọi vấn đề xảy ra cho họ dù tốt hay xấu; dù thuận lợi hay khó khăn, họ biết rõ những điều ấy, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà từ nghiệp cảm nhân duyên không phải một đời mà có liên hệ đến nhiều đời đối với họ hay đối với người khác.

Họ có cách nhìn sâu từ quả để thấy nhân và họ cũng có cách nhìn sâu từ nhân để thấy quả; họ có cách nhìn để thấy rõ từ hiện tượng đến bản chất và từ bản đến hiện tượng, từ năng lực đến tác dụng của nhân và quả, chính ở trong đời sống của họ và những gì liên quan đến họ.

Với cách nhìn ấy, họ có đủ sự trầm tĩnh để mỉm cười khi thấy những khổ đau đang có mặt nơi họ và đang đến với họ, và họ lại càng có khả năng và trầm tĩnh hơn để ngăn chặn những nguyên nhân sinh khởi và tái phát khổ đau bằng những phương pháp chế ngự và chuyển hóa những hạt giống chấp ngã đang vận hành và hiện khởi nơi tâm thức của họ mỗi khi có những tác duyên thuận hay nghịch.

Đối với những khổ đau đã phát sinh, họ không tiếp tục tạo ra những tác nhân và tác duyên tương ứng, khiến cho chúng không thể nào tiếp tục sinh khởi; đối với những khổ đau chưa phát sinh, họ nỗ lực chặt đứt các nhân duyên liên hệ đối với chúng, khiến cho chúng vĩnh viễn không thể nào sinh khởi; đối với những sự an lạc chân thật nào đã phát sinh, họ tiếp tục nuôi dưỡng bằng cách tiếp tục tạo ra và tác động bởi những nhân duyên tương ứng, khiến cho những an lạc ấy tiếp tục phát triển từ một điểm đến toàn thể, từ một khoảnh khắc đến lâu dài và đối với những an lạc chân thật nào chưa sinh khởi, thì họ nỗ lực làm cho nó sinh khởi từ tác nhân và từ tác nhân mà lớn mạnh qua các tác duyên liên hệ.

Với những cách nhìn ấy, người Phật tử đi trong truyền thống trí tuệ và từ bi của chư Phật, họ luôn luôn bám lấy những hạt giống tham dục ở nơi tâm của họ để chuyển hóa, khiến cho những hạt giống ấy luôn luôn ở vào trạng thái của tâm an tịnh và từ sự an tịnh của tâm, họ vận khởi tâm từ vô lượng, khiến cho những hạt giống tham dục ở nơi tâm của họ được thuần hóa theo chiều hướng của tâm từ vô lượng; họ vận khởi tâm bi vô lượng, khiến cho những hạt giống tham dục nơi tâm của họ được thuần hóa theo chiều hướng của tâm bi vô lượng; họ vận khởi tâm hỷ vô lượng, khiến cho những hạt giống tham dục ở nơi tâm của họ được thuần hóa theo tâm hỷ vô lượng và họ vận khởi tâm xả vô lượng, khiến cho những hạt giống tham dục nơi tâm của họ được thuần hóa theo tâm xả vô lượng.

Mỗi khi các dục ở trong tâm của họ đã được thuần hóa bởi những tâm nầy, thì tâm của họ hoàn toàn ở trạng thái vô dục, vô ưu nhưng lại tròn đầy sinh lực của trí tuệ và từ bi.
Với sinh lực trí tuệ, người Phật tử đích thực không bao giờ bị rơi vào những nhận thức cục bộ đối với không gian và phiến diện hay mù quáng đối với thời gian; và với sinh lực của từ bi, người Phật tử hành xử với muôn loài bằng tình yêu không thiên lệch, không chiếm hữu, luôn luôn biết bảo vệ và tôn trọng sự sống đối với tất cả; biết tôn trọng và bảo vệ công bằng lẽ phải; biết tôn trọng và bảo vệ những phẩm chất chân thực và những nhân cách cao khiết.

Nên, tình yêu ấy có khả năng trị liệu khổ đau mà không để lại bất cứ một di chứng nào liên hệ đến nhân duyên hay nhân quả của sự đau khổ; và trí tuệ ấy có khả năng bứng tận gốc rễ những phân biệt nhị nguyên, những tranh chấp thắng bại liên hệ đến ngã và phi ngã, đến pháp hay phi pháp, mà không để lại bất cứ một di chứng nào của vô minh hay mù quáng.

Với truyền thông ấy, những người Phật tử đích thực đã đi, đang đi và sẽ đi xuyên suốt hết thảy mọi thời đại, và truyền thống ấy lúc nào và ở đâu nó cũng đều là hiện đại, nó hiện đại ngay nơi bản chất hay tính thể của chính nó, chứ không phải nó hiện đại theo những lệ thuộc của thời đại.

Thích Thái Hòa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang