Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Tăng thân làng mai


»»  read more

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Đi trong đại trí và đại bi

Img14565Một người Phật tử có chí lớn, người ấy không lập thân trên sở học hay nghề nghiệp, mà lập thân trên hạnh và nguyện của tâm bồ đề.

Tâm bồ đề là tâm tuệ giác. Tâm ấy được tạo nên bởi hai chất liệu của đại bi và đại trí. Đại trí là sự hiểu biết chính xác và cùng khắp đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, trong mọi không gian và trong mọi thời gian.

Đại bi là sự thương yêu không chiếm hữu và không bị điều động bởi ngã ý, nó có khả năng dìu dắt tất cả mọi sự hiện hữu và không hiện hữu dẫn sinh đời sống an bình bằng chất liệu của đại trí. Bi và trí như vậy là bi và trí của tâm bồ đề.

Người Phật tử thực tập bi và trí bằng hạnh nguyện mỗi ngày trong mỗi động tác, để thành tựu phước đức và trí tuệ cho tự thân và mở lớn hạnh nguyện ấy, đến với một người, hai người, nhiều người, mọi người và rộng lớn cho đến cùng hết thảy mọi loài trong mọi không gian và trong mọi thời gian.

Bởi vậy, bi và trí của người Phật tử không còn bị ngăn cách giữa không gian nầy với không gian kia; giữa thời gian nầy với thời gian kia; giữa người nầy với người kia; giữa chủng loại nầy với chủng loại kia. Với trí và bi như vậy, nên trái tim của người Phật tử không phải chỉ có khả năng dung hóa một mặt trời của một thái dương hệ, mà có khả năng dung hóa vô biên mặt trời của vô biên thái dương hệ trong vô biên thế giới. Và trí và bi của người Phật tử như vậy, nên đời sống và hành hoạt của người Phật tử không phải chỉ cảm nhận sự an bình và tươi mát của một vầng trăng trong một thái dương hệ mà cảm nhận vô lượng sự an bình và tươi mát từ vô biên vầng trăng của vô biên thái dương hệ.

Dung hóa ở trong đại trí và đại bi, và từ trí bi ấy, mà người Phật tử khởi lên đại hạnh và đại nguyện làm lợi ích cho hết thảy muôn loài với vô số hình thức thuận nghịch khác nhau.

Dù là ở trong thuận cảnh, người Phật tử đang được mọi người và ngay cả chưthiên, hết lòng kính ngưỡng, ca ngợi và tung hoa cúng dường đuợc biểu hiện dưới vô số hình thức, nhưng tâm của người Phật tử không hề bị chao động và không hề khởi lên tâm kiêu mạn và thủ đắc. Và, dù đang đi trong nghịch cảnh, và đang bị vô số sự chống đối, hủy nhục, nhưng không phải vì vậy, mà người Phật tử khởi tâm nhàm chán để đánh mất tâm bồ đề và hạnh nguyện lớn rộng của mình.

Mọi hành hoạt của người Phật tử là vì lợi ích cho mọi người và mọi loài mà không phải vì bản thân, nên thành công không phải là niềm tự hào, thì thất bại cũng không phải là nỗi đắng cay. Thành công là vì mọi người và mọi loài có nhiều niệm thiện; thất bại là vì mọi người và mọi loài có nhiều tà ý và ác tâm, chứ không phải từ nơi hạnh nguyện bi và trí của người Phật tử.

Mọi hành hoạt của người Phật tử không phải vì người thiện mà bỏ người ác hay vì người ác mà bỏ người thiện, mà người Phật tử hành hoạt theo đại bi và đại trí, nên đối với người thiện, người Phật tử nguyện thân cận để giúp đỡ cho họ chuyển hóa từ thiện hữu hạn đến thiện vô cùng, và đối với người ác, người Phật tử nguyện thân cận để giúp đỡ cho điều ác của họ ngày càng giảm thiểu, để khiến cho tất cả họ đều hướng về đời sống của đại bi và đại trí.

Nên, thiện hay ác đối với người Phật tử không phải là điều thủ đắc hay không thủ đắc.

Và, vì sống bằng đời sống của đại trí và đại bi, nên người Phật tử không phải không biết làm kinh tế, mà còn có khả năng làm kinh tế một cách tài tình, để có điều kiện giúp đỡ cho những người nghèo khổ không nơi nương tựa vật chất, khiến cho họ không bị rơi vào những sợ hãi lạnh lẽo, đói khát và nhờ vậy, mà người Phật tử thành tựu hạnh nguyện tài thí một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.

Người Phật tử không phải chỉ nỗ lực học hỏi một pháp môn, mà nỗ lực học hỏi và thông đạt vô lượng pháp môn, để diễn đạt chánh pháp không bị ngăn ngại, giúp cho những người không nơi nương tựa tinh thần hay tâm linh, khiến cho họ trừ diệt được hết thảy tà si mà mến yêu chánh kiến, và nhờ vậy, mà người Phật tử thành tựu hạnh nguyện pháp thí một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.

Người Phật tử nỗ lực thực tập hết thảy các loại thiền định một cách sâu xa, để có đầy đủ ý chí và nghị lực, giúp cho những người tà ý, loạn tâm, trừ diệt được những tâm chí yếu hèn, sợ hãi trước những khó khăn, trước những biến đổi, thăng trầm, sống chết, và nhờ vậy, mà người Phật tử thành tựu hạnh nguyện vô úy thí, một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.

Người Phật tử nguyện không làm điều ác, chỉ làm điều lành và nguyện phụng sự hết thảy chúng sanh, để cho mình và người đều thành tựu đời sống đạo đức cao thượng và có sự an lạc ngay trong những hành xử đời thường.

Người Phật tử nguyện nhẫn nhục cả thân, miệng và ý để thành tựu hạnh nguyện giải tỏa oán kết giữa mình và mọi người, giữa mình và mọi loài và để cùng nhau chung sống hòa bình.

Người Phật tử nguyện thực tập tinh cần theo hạnh và nguyện của đại trí và đại bi, khiến cho mọi tâm ý buồn chán và giải đãi không thể phát sinh, nhằm thành tựu sự thăng tiến ngay trong đời sống giác ngộ.

Người Phật tử nguyện thực tập các loại thiền định để thâm nhập tự tánh thanh tịnh của toàn thể pháp giới và chứng nhập pháp thân thanh tịnh.

Người Phật tử nguyện lắng nghe mọi âm thanh, nhìn sâu vào mọi sắc tướng, ngửi sâu các hương thơm, nếm sâu các mùi vị, tiếp xúc và nhận biết sâu các đối tượng, bằng sự quán chiếu sâu xa, để thành tựu tuệ giác siêu việt, ngay trong từng giây phút của sự sống.

Người Phật tử sống bằng đời sống như vậy, nên họ ở đâu và lúc nào, cũng dùng chất liệu của đại bi và đại trí để trang nghiêm báo thân và từ báo thân ấy, họ có vô số ứng hóa thân để hành đạo, đem lại nhiều niềm vui sống cho mọi người và mọi loài, trong từng ứng xử và trong từng bước đi của đại bi và đại trí trong mọi thời đại.

Thích Thái Hòa

»»  read more

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

NHẬT KÝ TU HỌC VÀ BUỔI GIỚI THIỆU BẢN SÁCH CỦA GS NGUYỄN MẠNH HÙNG ' Tay Buông Ráng Hồng'


salaKính thưa Ôn Thích Thái Hòa, Quý Thầy, Chú Mạnh Hùng, Quý vị khách mời và toàn thể các thành viên Diễn đàn Vẻ Đẹp Phật Pháp!

Ngày 31/07/2011 vừa qua, trong không khí ấm cúng, Diễn đàn Vẻ Đẹp Phật Pháp đã có một buổi nói chuyện chuyên đề rất thân tình và ấm cúng với Thầy Trần Kim Cang và Chú Nguyễn Mạnh Hùng. Mặc dù bận rộn với trăm công nghìn việc nhưng Thầy Trần Kim Cang và Chú Mạnh Hùng đã dành chút thời gian quý báu của mình để đến với không gian nhỏ bé nhưng đầy ấm cúng của Diễn đàn Vẻ Đẹp Phật Pháp và đã có những lời chia sẻ thân tình, bổ ích dành cho các bạn trẻ về những kinh nghiệm của chính bản thân mình trong quá trình tu tập. Qua đó, mỗi bạn trẻ sẽ tự tìm cho mình hướng đi tích cực nhất và phù hợp nhất cho bản thân mình để cùng nhau đạt đến hạnh nguyện và tịnh độ.

Con xin phép thay mặt Diễn đàn Vẻ Đẹp Phật Pháp được vắn tắt lại diễn biến buổi nói chuyện chuyên đề vào ngày 31/07/2011 như sau:

1) Sau phần chào đón Thầy Trần Kim Cang các vị khách mời đến với buổi tu tập, Thầy Pháp Bảo thay mặt Diễn đàn VĐPP khai mạc buổi tu tập bằng lời chào trân trọng và thành kính đến Thầy Trần Kim Cang, Chú Mạnh Hùng và các vị khách mời của chương trình.

2) Tiếp đến là thời khắc trang nghiêm của Lạy Phật và Tọa Thiền

3) Thầy Trần Kim Cang có đôi lời chia sẻ về kinh nghiệm tu tập cũng như một số vấn đề liên quan đến Khí Công Kim Cang Thiền:

* Thầy Trần Kim Cang đã có những chia sẻ vô cùng xúc động về sự hiếu đạo và về quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Trong cuộc sống, mỗi chúng ta có thể vì một lý do nào đó mà chưa thể tận hiếu với cha mẹ rồi đến khi không còn cơ hội nữa sẽ để lại sự nuối tiếc. Thầy nhắc nhở các bạn trẻ hãy thực hành chữ hiếu cho thật tốt vì hiếu là một trong những vấn đề cốt lõi để đạt đến thành công trên con đường tu tập để đến với hạnh nguyện, đến với tịnh độ.

* Thầy chia sẻ và phổ biến các kiến thức liên quan đến Khí Công Kim Cang Thiền (Nội dung chi tiết xin vui lòng xem tại file đính kèm – Khí Công Kim Cang Thiền)

4) Chú Mạnh Hùng có đôi lời chia sẻ về quyển sách vừa được phát hành “Tay Buông Ráng Hồng” của Thượng Tọa Thầy Thích Thái Hòa:

* Chú Mạnh Hùng bày tỏ cảm xúc chân thành và niềm hoan hỷ khi được là đơn vị xuất bản quyển sách “Tay Buông Ráng Hồng” của Thầy Thích Thái Hòa và hy vọng sẽ tiếp tục được là đơn vị xuất bản các ấn phẩm tiếp theo của Thầy.

* Chú Mạnh Hùng chia sẻ những điều tâm niệm quanh nội dung và ý nghĩa của quyển sách “Tay Buông Ráng Hồng”. Chú Mạnh Hùng trích dẫn 3 đoạn tâm đắc mà Chú đã chọn để trình bày cho bìa quyển sách

“Có cây chanh ở bên bờ suối mát, nhưng cây chanh không tiếp nhận sự tươi mát của suối, cây chanh càng ngày càng héo tàn và chẳng bao lâu cây chanh bị chết khô. Bạn thấy cây chanh có tội nghiệp không?

Cũng như vậy có rất nhiều người suốt đời sống bên bậc Hiền Thiện, hoặc ở bên Giáo Pháp của Đức Như Lai, nhưng họ càng ngày càng khô héo.

Họ khô héo là tại họ chỉ thích ngồi bên một bậc Hiền Thiện mà không muốn mình trở thành bậc Hiền Thiện và họ khô héo là do họ chỉ thích ngồi bên chánh pháp mà không chịu hành pháp.”

Chú Mạnh Hùng phân tích về việc Thầy Thích Thái Hòa đã mượn hình tượng một cây chanh ở bên bờ suối mát nhưng lại bị khô heo rồi chẳng bao lâu sau cây chanh bị chết khô, rồi tiếp đến là hình tượng những người được sống bên cạnh bậc Hiền Thiện, bên cạnh Giáo Pháp của Đức Như Lai nhưng lại cũng ngày càng khô héo để đặt ra một vấn đề trên con đường tu tập của nhiều người hiện nay. Hình tượng này có ý nghĩa gì và Thầy Thái Hòa muốn nhắc nhở chúng ta điều gì qua hình ảnh này, tại sao cây chanh lại khô héo rồi chết, tại sao những người kia lại khô héo khi sống bên các bậc Hiền Thiện, bên Giáo Pháp của Đức Như Lai? Hãy nghiền ngẫm câu cuối của Thầy, chúng ta có thể hiểu được cây chanh khô héo là vì canh chanh không chịu tiếp nhận sự tươi mát của bờ suối, không chịu uống nước suối để nguồn nước ngấm vào cơ thể của chính cây chanh từ đó cây chanh có thể trở nên xanh tươi hơn, mát hơn và tránh được sự khô héo do thiếu nước, thiếu dưỡng chất. Cũng như vậy, những người ngồi bên các bậc Hiền Thiện, bên Giáo Pháp của Đức Như Lai mà ngỡ là mình đã là đã được thọ ân đức của các bậc Hiền Thiện, thọ được Giáo Pháp của Đức Như Lai rồi có tư tưởng thỏa mãn và ngộ nhận là mình đã đạt được hạnh nguyện và đến được với tịnh độ. Họ đâu biết rằng thọ ân đức của bậc Hiền Thiện, thọ Giáo Pháp của Đức Như Lai mà không “Hành”, không “Tu tập” và không muốn “trở thành bậc Hiền Thiện” thì việc thọ ân đức, thọ Giáo Pháp đó chỉ giống như hành động đem kinh sách về “gối đầu nằm” hay “cất trong tủ”.

* Quý Thầy, Chú Mạnh Hùng và ban thị giả cũng đã có một cuộc trao đổi thú vị quanh tiêu đề quyển sách là “Tay Buông Ráng Hồng”. (Xin vui lòng xem 4 clip “Chia sẻ của Chú Mạnh Hùng” đã được post trên Facebook tại địa chỉ http://www.facebook.com/groups/vedepphatphap/?ap=1#!/groups/vedepphatphap/?ap=1 để có thông tin đầy đủ hơn).

5) Chị Nhuận Thánh Đức trình bày và giới thiệu chương trình Du lịch Tâm linh với khóa tu 2 ngày (ngày 06 và ngày 07/08/2011) tại Tu Viện Bát Nhã/Chùa Phước Huệ tại Bảo Lộc, Lâm Đồng và kính thỉnh sự tham gia của Thầy Trần Kim Cang, Chú Mạnh Hùng và quý vị khách mời để chương trình được thêm phần ý nghĩa. (Chi tiết nội dung Chương trình Du lịch Tâm linh – khóa tu 2 ngày (ngày 06 và ngày 07/08/2011 tại Tu Viện Bát Nhã/Chùa Phước Huệ tại Bảo Lộc, Lâm Đồng xin xem thêm tại tại địa chỉ: http://www.facebook.com/groups/vedepphatphap/doc/?id=154518067959776 )

6) Các thành viên Diễn đàn VĐPP có buổi liên hoan nhẹ, giao lưu và chụp ảnh lưu niệm cùng Thầy Trần Kim Cang, Chú Mạnh Hùng và Quý vị khách mời.

7) Còn rất nhiều nội dung mà các thành viên Diễn đàn VĐPP muốn được trao đổi và thọ giáo từ Thầy Trần Kim Cang và Chú Mạnh Hùng, nhưng do hạn chế về mặt thời gian mà Diễn đàn VĐPP xin hẹn một dịp khác sẽ tiếp tục được có những buổi nói chuyện chuyên đề cùng Thầy Kim Cang và Chú Mạnh Hùng.

Diễn đàn VĐPP chia tay và tiễn Thầy Trần Kim Cang, Chú Mạnh Hùng cùng Quý vị khách mời hồi gia.

8) Các thành viên Diễn đàn VĐPP họp bàn chi tiết để chuẩn bị cho khóa tu 2 ngày (ngày 06 và ngày 07/08/2011 tại Tu Viện Bát Nhã/Chùa Phước Huệ tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Trên đây là bản tóm tắt diễn biến buổi tu tập của Diễn đàn VĐPP dưới sự chủ trì của Thầy Pháp Bảo, chúng con kính thỉnh Ôn, Quý Thầy, Chú Mạnh Hùng, Quý vị khách mời và toàn thể các thành viên Diễn đàn Vẻ Đẹp Phật Pháp biết và thông qua.

Thay mặt Diễn đàn VĐPP, con kính gửi lời chúc sức khỏe, mọi sự an lành và hạnh phúc đến Ôn Thích Thái Hoà, Quý Thầy, Chú Mạnh Hùng, Quý vị khách mời và toàn thể các thành viên Diễn đàn Vẻ Đẹp Phật Pháp.

Nhuận Tịnh Hương và Ban Bản Tin VĐPP thủ bút. Vài hình ảnh lưu niệm

"Không làm các việc ác; Nên làm các việc lành; Giữ tâm ý trong sạch; Là lời Chư Phật dạy"



Mời quý vị truy cập tiếp chương trình ở trang

: http://www.facebook.com/groups/vedepphatphap/


ảnh Thiền đường Trăng Rằm cung cấp:



Chiếc lá và người quét lá ...
Phước Duyên ( MM)

*Xin tặng người hữu duyên.
Trời bỗng dưng đổ mưa. Mưa xối xả. Mưa như trút. Tiếng mưa như báo hiệu cơn bão sắp về, mưa như mưa mùa lụt tháng 10, một chuyện hiếm thấy vào tháng 12 Âm lịch. Mới buổi sáng trời còn tạnh ráo vậy mà. mm thở dài. Chuyện này cũng không có gì lạ đối với mm. Cứ mỗi khi mm dự định làm điều gì đó quan trọng là y như rằng sẽ có trở ngại, khó khăn. Hình như chưa bao giờ mm có được điều mình muốn, hoặc nếu có thì cũng chưa bao giờ đạt được một cách dễ dàng, thuận lợi và trọn vẹn cả.
mm vẫn quyết định sẽ đi. Cô đánh răng, gội đầu, tắm rửa sạch sẽ. Mưa gió và trở ngại không đủ để ngăn cản được bước chân cô, vì cô không thể chịu đựng thêm nữa. Cái nhu cầu cần giải tỏa, cần một người lắng nghe, cần một liều thuốc chữa trị phiền não, khổ đau trong cô đã lên tới đỉnh điểm, sức chịu đựng trong cô đã không còn nữa. Cô tự thấy ngạc nhiên vì đến giờ phút này mà mình còn ở đây chứ không phải là một bệnh viện tâm thần nào đó. Cô phải tìm, phải gặp được Thầy, ngay hôm nay! Nếu không đi, cô không dám chắc liệu ngày mai cô còn đủ tỉnh táo để ngăn mình khỏi những hành động đáng tiếc nữa hay không. Thực sự, nhiều khi mm đã tự hỏi “liệu cái chết có giúp cô thanh thản hơn không”.
mm đứng trước bàn thờ, chắp tay cầu nguyện đức Phật từ bi phù hộ cô gặp được người cần gặp, đủ can đảm để nói được điều cần nói, tìm được thứ cần tìm.
Trời vẫn cứ mưa, ngày càng to và nặng hạt hơn. mm vẫn cứ đi. Đường đến chùa sao mà xa quá, vắng quá, lạnh lẽo quá. mm không biết mình có nhầm đường không nữa. Cô chỉ biết hy vọng là không, hy vọng là mình đủ phước đủ duyên để đến được nơi ấy.
Kia rồi! mm đã thấy cái bảng chỉ đường với hàng chữ “chùa Phước Duyên” cùng mũi tên bên dưới. Bỗng nhiên, cô thấy sợ, lại hồi hộp, lại lưỡng lự. Nhưng…như có cái gì lôi kéo, mm vẫn tiến về phía trước.
Tới chùa rồi. Vắng quá! Không có bóng một ai cả! Ừ, thì làm gì có ai lại đến chùa vào một ngày mưa gió, lại là vào giờ này kia chứ. Các thầy trong chùa cũng không ai ra sân làm chi. Mưa, lạnh ghê thế này mà. Lại lưỡng lự, lại sợ. Bệnh nhát gan của mm lại bộc phát rồi. mm đứng ngần ngừ một lúc trước cổng chùa rồi cuối cùng cũng quyết định dắt xe vào. Cô dựng xe ở mép sân, gần sát cổng. Lưỡng lự... Lại ngồi yên trên xe. “Thôi nào, cố lên! Bây giờ hoặc không bao giờ. Thầy ở trong kia mà, chỉ cách mình có 20m thôi. Đứng dậy, đi vào và nói cho con gặp thầy Thái Hòa là xong thôi mà”. Tự động viên mình như vậy, mm cởi áo mưa, căng dù lên và đi thẳng đến …hồ nước, nơi có tượng đức Quán Thế Âm. Cô lại không đủ can đảm để đi đến nơi cần đến. Cô sợ. Sợ nhiều cái quá! Nhiều cái “ngộ nhỡ…”, “lỡ mà…” quá! Lỡ không có Thầy trong kia. Lỡ Thầy nhập thất rồi. Lỡ họ không cho mình gặp. Lỡ họ nói mình điên. Lỡ Ôn Lương Phương nhận ra mình… mm ước sao mình đủ dũng cảm để bước vào trong kia. Chỉ 20m và một câu hỏi thôi là đã xong một nửa đoạn đường nhưng cô không thể vượt qua được. “Thầy ơi! Thầy có nghe thấy lời con nói không? Ước chi bỗng dưng Thầy xuất hiện trước mặt con lúc này, hỏi con cần gì, tìm ai”. mm đã đứng như thế rất lâu, rất lâu. Rồi cô quyết định đi về phía Đại Hùng Bảo Điện. Người ta đóng cửa rồi, sẽ không ai nhìn thấy cô cả. Ngồi đó, cô thấy mình được che chở. mm ngồi co ro, thu mình lại, nhìn cảnh chùa vắng lặng, nghe tiếng mưa rơi, tiếng cuốc kêu, tiếng ếch nhái oàm oạp, ồm ộp và thật lạ, cô thấy lòng mình bình yên. Thỉnh thoảng, những ý nghĩ, những kỉ niệm đau buồn lại ùa đến khiến cô thấy nhức nhối trong tim, nhưng nhanh chóng qua đi chứ không dai dẳng như trước nữa.
Có tiếng cười đùa. mm quay lại nhìn. Là hai chú điệu. Họ cười với mm rồi đi vào. “Không phải Thầy!” mm ước giá như đó là Thầy Thái Hòa, người mm cần gặp. Nhưng ước thì có ích chi. Cả đời mm toàn ước và không có cái ước nào thành sự thật cả. Vô nghĩa!
Một chiếc xe đang đi vào chùa. Trên xe là một cô gái. Cô ấy có vẻ ngạc nhiên. Cô cười và đi thẳng vào sân sau. “Chắc là một phật tử. Chắc chị ấy ngạc nhiên khi thấy mình ngồi đây lắm đây. Mà kệ! Chùa thì ai ngồi chẳng được. Nghĩ sao thì nghĩ. Dù sao thì cũng có ai thương mình đâu. Dù sao thì trong mắt người khác mình cũng là một đứa bỏ đi, một đứa phiền nhiễu, lì lợm, đáng ghét rồi mà. Không còn chi quan trọng với mình nữa cả.”
- Này!
mm giật bắn người, suýt ngã ra nền nhà vì sợ. Lấy lại bình tĩnh, cô quay đầu. Trước mắt cô là một vị đại đức.
- Làm chi mà ngồi đây?
- Dạ ngồi cho đỡ buồn.
mm quay mặt đi, cố lấy giọng thật bình thường để trả lời nhưng thật ra thì mm đã khóc từ lúc nào. Lạ thật! Mấy ngày nay buồn mà mm có khóc được đâu. mm tưởng mình chai sạn rồi, tưởng lòng mình chết rồi, tưởng không còn nước mắt để khóc nữa.Vậy mà mới nghe Thầy hỏi một câu, mm đã khóc òa, không kìm nén được. Như dòng suối lâu nay bị đá cản không chảy được, giờ có người chỉ đưa tay chạm nhẹ, lấy đi một hạt sỏi nhỏ cũng đủ làm dòng nước tuôn trào. mm khóc không phải vì khổ, không phải vì buồn, vì tuyệt vọng mà vì tủi.
- Vậy là vì buồn mà tới chùa hả? Thôi, ngồi đó làm chi. Đi vô đây uống nước nói chuyện.
- Dạ.
Dạ mà không có ý thức. Dạ như một phản xạ- có người hỏi thì trả lời. mm thấy không còn đủ sức lực để kháng cự, để lì lợm, để sợ sệt, để suy nghĩ nữa.
- Vô thưa Ôn đi con. Ôn ngồi trên ghế đó.
- Dạ thưa Ôn!
- Ừ! Lên chơi hay có chuyện chi?
- Dạ con lên chơi thôi.
- Rứa thì ra ngồi uống nước.
- Dạ!
- “Ngồi xuống đây đi con. Uống nước này”. Thầy chỉ ghế và đưa cho mm chén trà. Ấm! Không biết là tại chén trà ấm hay lòng mm đã bớt lạnh?
Mọi người đang nói chuyện. Ai cũng vui vẻ-trừ mm. Đối với mm, tất cả những âm thanh đang phát ra đó chỉ là một mớ hỗn độn, vô nghĩa. Nhìn người lại nghĩ đến mình, mm càng thấy tủi thân. Cô lại lạc vào những suy nghĩ riêng tư, những băn khoăn, nuối tiếc. Có lẽ thấy bệnh của mm nặng, cần liều thuốc mạnh, Thầy bảo mm theo Thầy vào thư phòng nói chuyện. Cô chỉ biết ngoan ngoãn đi theo. Tựa kẻ lữ hành lạc lối trong rừng thẳm, giữa bóng tối mịt mù, chỉ mong thoát ra nhưng bất lực, buông xuôi cho số phận, chợt nhìn thấy ánh sáng lóe lên từ phía xa kia, không cần suy nghĩ, không cần đắn đo, đôi chân mm cứ vậy mà bước về hướng đó.
mm ngồi đó, đối diện với Thầy. Thầy không nói gì cả nhưng mm cảm nhận được sự ấm áp, tình thương, sự cảm thông và cả nỗi xót xa trong đôi mắt Thầy. Ánh nhìn như soi rọi vào tận thẳm sâu trong tâm hồn, chiếu vào những cảm xúc, nỗi đau câm nín của cô. Ánh nhìn thôi thúc mm nói. Lần đầu tiên trong suốt 24 năm qua cô kể với người khác chuyện của mình. Những suy nghĩ, những áp lực, những tình cảm, những nuối tiếc, hối hận, cả những hổ thẹn. Tất cả. Không cần kìm nén. Không cần đắn đo. Không cần dấu diếm. Thầy vẫn kiên trì lắng nghe, không hề chê bai, không hề tội nghiệp, cũng chẳng tỏ ý khinh thường.
Rồi mm cũng kể xong. Thầy mỉm cười:
- Dấu trong lòng chừng đó chuyện chắc là mệt lắm phải không con! Con uống nước đi!
Khi mm đã bình tâm trở lại, Thầy nói cho cô nghe một số chuyện, một số điều nên làm, một số thứ cần buông bỏ để được thảnh thơi. Thầy nói rất ít. Và mm thấy biết ơn vì điều đó. Lúc này, thực sự thứ cô cần là sự cảm thông, là sự yên tĩnh. Mọi lời giáo huấn sẽ trở nên phí phạm. Cô sẽ còn trở lại đây nhiều lần nữa mà.
- Coi như là con có duyên. Đây là quyển sách thầy của Thầy mới viết. Cho con. Mở rộng đường mà đi con nhé”
mm cầm lấy cuốn sách- là cuốn “Mở lớn con đường” của Thầy Thái Hòa. Thầy còn cho mm một cái đĩa CD ghi lại những bài thuyết pháp của thầy Thái Hòa nữa. mm thấy ngạc nhiên vô cùng. Vậy là lời cầu nguyện của cô cũng đã được nghe thấy. Dù không được trực tiếp nói chuyện với thầy Thái Hòa, nhưng cũng như là đã nói. Thì ra người nói chuyện với mm này giờ là đệ tử của Thầy. mm còn được đọc sách và nghe đĩa của Thầy nữa. Ôi chao! Vậy là mm cũng còn có duyên. Vậy là mm vẫn còn có phước.
- Giờ thì để cặp ở đây rồi ra ngoài kia làm bánh lọc với mọi người. Xong, ở lại ăn cơm chiều rồi mới về nghe con.
Trong cuộc đời mm, chưa lần nào cô thấy việc làm bánh lọc lại hạnh phúc đến vậy. Lần đầu tiên cô cảm nhận được niềm vui khi để toàn bộ tâm ý mình vào cái bánh đang làm; khi ý thức được từng hành động của mình; khi trong đầu không hề có một ý nghĩ nào khác ngoài cái bánh- không hề có sầu lo, muộn phiền. Một niềm vui trong lành như sương mai, nhẹ nhàng như gió xuân hây hẩy. Cô cảm nhận được cả sự ấm áp của tình thương giữa những con người chưa một lần gặp mặt. Không còn ích kỷ; không còn nghi ngờ. Chỉ có tình thương, tình người.

Cũng là con đường hồi trưa đã đi nhưng lúc này mm không còn thấy vắng vẻ, cô quạnh nữa. Gánh nặng trong lòng cô đã nhẹ đi nhiều. Cô chợt mỉm cười khi nhớ đến câu nói mộc mạc mà đầy ý nghĩa của Thầy: “Mình muốn ăn chả, nhưng sức người ta chỉ có thể đáp ứng được cho mình củ sắn thì cũng đừng cố đòi ăn bằng được chả- người ta sợ rồi bỏ chạy mất”. Ừ, chỉ tại mm tham, cố đòi ở người ấy thứ người ấy không có nên mới ra nông nổi này. Từ nay, mm sẽ cố để không đòi hỏi ở bất kỳ ai bất cứ điều gì. Sẽ khó lắm đây, nhưng mm tin mình sẽ làm được. Từ nay, mm sẽ gắng để thôi không sầu nữa. Khi nào buồn, mm sẽ nhớ đến hình ảnh Ôn Lương Phương quét lá. Từng nhát chổi nhẹ nhàng, chậm rãi. Những chiếc lá ngoan ngoãn nằm gọn thành đống trên sân chùa. Tà áo vàng thanh thoát bay bay, vô tư đùa cùng gió chiều trong ánh hoàng hôn đang tắt dần, mặc cho bóng tối đang tràn về từ phía chân trời xa.

Tựa do BBT VĐPP đề

»»  read more

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

PHÁP TỰ TỨ CỦA TĂNG



PHÁP TỰ TỨ CỦA TĂNG
Thích Thái Hòa

I -Ý nghĩa và duyên khởi

Tự tứ tiếng Pàli Pavàranà; Phạn là pravàranà, Hán phiên âm là bát-hòa-la, bát lợi ba thích noa và dịch là tự tứ, thỉnh thỉnh, tùy ý, tùy ý sự, mãn túc, hỷ duyệt,…

Pravàranà, Phật đà thập và Trúc đạo sinh dịch là Tự tứ ( Ngũ phần luật 19, Đại chính 22, tr 130c). Tự là tự mình, tứ là buông ra. Nghĩa là vị tỷ kheo sau khi hạ an cư đủ ba tháng, tự mình buông ra lời nói thỉnh cầu một vị tỷ kheo khác đầy đủ năm đức, chỉ điểm những lỗi lầm cho mình qua ba mặt thấy, nghe và nghi, giúp cho mình biết và tự mình cầu xin sám hối để được thanh tịnh.

Ý nghĩa tự tứ là vậy, nên ở Trung A Hàm, Tăng già đề bà dịch là thỉnh thỉnh (Trung A Hàm 29, Thỉnh Thỉnh kinh, Đại Chính 1, tr 610); ở Căn bản nhất thiết hữu bộ tỳ nại da, Nghĩa Tịnh dịch là Tùy ý sự (Đại Chính 23, tr 1044). Nghĩa là pháp tự tứ là tỷ kheo sau khi hạ đủ, tùy ý thỉnh tỷ kheo khác đủ năm đức chỉ bày cho ba sự gồm: Thấy việc sai lầm chỉ bày cho mình; nghe việc sai lầm chỉ bày cho mình và nghi ngờ việc sai lầm chỉ bày cho mình, để tự mình thấy có tội thì như pháp sám hối, khiến thân tâm trở lại thanh tịnh. Do sau khi mãn hạ, sám hối đúng pháp đối với ba sự: kiến, văn và nghi, nên gọi là mãn túc và tự mình sinh tâm vui mừng, sau khi đã sám hối ba sự đúng pháp và được thanh tịnh, để nhận thêm tuổi hạ, nên gọi là hỷ duyệt. Và ở Luật Tứ Phần 37, Phật đà da xá và Trúc phật niệm dịch là cầu thính. (Đại chính 22, tr 836b).

Pháp Tự tứ, một năm chỉ xẩy ra cho tỷ kheo Tăng một lần, sau khi hạ đủ. Nghĩa là tác pháp kết giới an cư vào ngày mười sáu tháng tư, thì thời điểm tự tứ thích hợp đối với Tăng là ngày rằm tháng bảy. Và nếu tác pháp kết giới hậu an cư, tức là vào ngày mười bảy tháng tư, thì thời điểm thích hợp cho Tăng tác pháp tự tứ là ngày mười sáu tháng bảy,…

Tuy vậy, nhật kỳ tự tứ, Tăng có thể thay đổi để thích ứng những nhu cầu tu học thực tế, nhưng Tăng phải tác pháp yết ma. (Tứ Phần Luật 38, Đại chính 22, tr 840b).

Nói tóm lại, thời gian thích hợp để Tăng tác pháp tự tứ là thời gian sau khi hạ đủ. Và tự tứ của Tăng tỷ kheo một năm chỉ xảy ra một lần sau khi hạ đủ mà thôi.

Mục đích của Tăng tự tứ là ngoài việc biểu hiện cụ thể bản thể hòa hợp và thanh tịnh của Tăng, còn xác định cụ thể sự tăng trưởng lớn mạnh về Giới- định- tuệ của một vị tỷ kheo, sau khi hạ mãn và chấm dứt kỳ hạn an cư, và các tỷ kheo lại tiếp lên đường hoằng pháp.

Theo kinh Thỉnh Thỉnh, bấy giờ tại Tu viện Trúc lâm, vườn Già lan đà, ở Thành Vương- xá, cùng với chúng đại tỷ kheo năm trăm vị đều có mặt cùng ngồi thọ hạ. Bấy giờ ngày trăng thứ 15, từ tâm giải thoát, Đức Thế Tôn nói về hình thức Thỉnh thỉnh.

Ngài dạy các tỷ kheo rằng: Quý vị là đệ tử chân thực của ta, từ nơi miệng mà pháp sanh ra, được chuyển hóa bởi pháp, quý vị hãy dạy cho nhau, tuần tự dạy nhau thỉnh cầu chỉ điểm.

Bấy giờ Tôn giả Xá lợi phất theo đúng phép tắc cầu thỉnh, đã đến trước Đức Thế Tôn chấp tay cung kính xin thỉnh Ngài chỉ giáo về các hành vi của thân, ngữ và ý. Đức Thế Tôn nói, Ngài không có phiền trách gì đến các hành vi thân, ngữ và ý của Tôn giả. Ngài khen Tôn giả là bậc thông tuệ, đại tuệ, tốc tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ và thành tựu thực tuệ,…

Tôn giả Xá Lợi Phất, bạch Thế Tôn rằng, đối với các hành vi thân, ngữ, ý của năm trăm tỷ kheo, Ngài có phiền trách gì không? Thế Tôn dạy, đối với các hành vi của năm trăm tỷ kheo nầy, Ngài cũng không có gì phiền trách cả. Vì sao? Vì các vị nầy đã đạt đến chỗ không còn mắc kẹt, các lậu hoặc đã đoạn tận, phạm hạnh đã thiết lập, điều đáng làm đã làm, đã xả bỏ sự tái sinh đời sau,…

Vì vậy, tôi không có gì phiền trách, các hành vi thuộc về thân, ngữ và ý của năm trăm vị tỷ kheo nầy.

Như vậy, duyên khởi của pháp tự tứ, sau khi mãn hạ đã được ghi lại ở kinh Thỉnh Thỉnh nầy. (Trung A hàm 29, Đại chính 1, tr 610a).

Lại theo Luật Tứ Phần 37, duyên khởi pháp tự tứ là pháp cầu thính. Bấy giờ nhóm sáu tỷ kheo nói với nhau như vậy: “Đức Phật dạy: Các Tỷ kheo phải cùng dạy bảo nhau, cùng nhau trao đổi, giác ngộ cho nhau”. Họ liền cử tội tỷ kheo thanh tịnh. Các Tỷ kheo đến bạch đức Thế Tôn, Ngài dạy: “Không được vô cớ cử tội người vô tội. Nếu muốn cử tội tỷ kheo hữu sự, trước hết phải nói cho vị ấy biết, để vị ấy cầu thính, sau đó mới được cử”. (Đại chính 37, tr 836a).

Cầu thính là cầu nghe vị tỷ kheo khác cử tội. Người được thỉnh cầu nghe cử tội, người ấy phải có đủ năm pháp gồm: - Tri thời, nghĩa là biết đúng lúc cử tội và không đúng lúc cử tội. - Như thực, nghĩa là phải biết đúng pháp mà cử tội, chứ không phải không biết mà cử tội. - Hữu lợi ích, nghĩa là biết cử tội đem lại lợi ích cho người thỉnh cầu, chứ không phải không có lợi ích. - Nhu nhuyến, nghĩa là dùng lời nói dịu dàng để cử tội chứ không thô lỗ, sân hận - Từ tâm, nghĩa là cử tội với từ tâm mà không sân hận (Đại chính 22, tr 836b).

Đức Phật dạy, một tỷ kheo phải đầy đủ năm pháp ấy, mới được phép nhận sự cầu thính của các tỷ kheo khác. Và tỷ kheo đã nhận sự cầu thính cử tội, thì không được tự ý bỏ đi nơi khác.

Cũng theo luật Tứ Phần 37, nhóm tỷ kheo sáu người đã hứa khả cầu thính cho tỷ kheo khác, rồi tự ý bỏ đi. Các tỷ kheo thanh tịnh đem việc nầy trình lên Đức Phật, Ngài dạy: “Không được hứa với người rồi tự ý bỏ đi; không được nhận lời hứa của người, rồi tự ý bỏ đi. Từ nay cho phép an cư rồi tự tứ. Cho phép tự tứ khỏi phải cầu thính. Tại sao? Vì tự tứ chính là thính” (Đại chính 22, tr 836b).

Nhưng, duyên khởi Tự tứ, theo Luật ngũ phần: Do các tỷ kheo nói với nhau rằng, chỉ có A la hán mới xứng đáng chỉ bảo cầu thính. Nhân đây, đức Phật dạy pháp Tự tứ ( Ngũ Phần Luật, Đại chính 22, tr 131b).

II -Tăng Số Và Tác Pháp

Túc số Tăng để tiến hành tác pháp yết ma tự tứ tối thiểu là năm vị tỷ kheo. Vì trong đó, một vị được Tăng bạch nhị yết ma cử làm tự tứ nhân. Và sau khi Tăng đã cử tự tứ nhân xong, thì từ vị Thượng tọa xuống đến vị tân tỷ kheo đều lần lược từng vị đối diện với vị tự tứ nhân nói lời yêu cầu chỉ điểm về tam sự gồm kiến tội, văn tội và nghi tội, để cho đương sự nếu thấy có tội, thì đúng như pháp mà sám hối. Và nếu Tăng chỉ có bốn vị, thì không thể tiến hành tác pháp yết ma cử tự tứ nhân chỉ điểm tam sự, mà chỉ thực hành pháp đối thủ tự tứ. Nghĩa là một vị tỷ kheo đối diện với một tỷ kheo khác hoặc quỳ, hoặc đứng để nói lời tự tứ. Và nếu một tỷ kheo thì chỉ có tâm niệm tự tứ.

Trong pháp tự tứ có những trường hợp được dự dục, nếu tỷ kheo có những duyên sự như pháp. Và tỷ kheo gởi dự dục với một tỷ kheo và nhờ vị ấy bạch lại với Tăng thì chỉ nói hòa hợp mà không cần phải nói thanh tịnh. Vì sao? Vì tự tứ là đương sự tự nguyện, tự giác yêu cầu trực tiếp tự tứ nhân chỉ điểm cho ba sự để sám hối cho được thanh tịnh. Nên, dự dục đối với tự tứ chỉ nói hòa hợp mà không nói thanh tịnh là vậy. Một tỷ kheo có thể nhận gởi dục tự tứ từ nhiều người. (Tứ Phần Luật 38, Đại chính 22, tr 838b).

III -Tăng Pháp Tự Tứ

Tăng pháp tự tứ có hai giai đoạn tiến hành:

*- Giai đoạn tiến hành tiền phương tiện:

Sau khi khi nghe Pháp hiệu tập Tăng, các tỷ kheo như pháp tuần tự vào giới trường, sau khi mỗi vị đã an trú tĩnh tọa đúng vị trí. Thượng tọa bỉnh pháp pháp hỏi:

- Tăng đã họp chưa?

Duy na đáp:

- Tăng đã họp.

Thượng tọa hỏi:

- Hòa hiệp không?

Duy na đáp:

- Hòa hiệp.

Thượng tọa hỏi:

- Người chưa thọ cụ túc đã ra chưa?

Duy na đáp:

- Đã ra.

Thượng tọa hỏi:

- Các tỷ kheo không đến có thuyết dục tự tứ không?

Nếu có, duy na đáp: Dạ có. Có tỷ kheo,… có “gởi dục tự tứ”, xin bạch như vậy. Nếu không có, duy na đáp: Dạ không.

Thượng tọa hỏi:

- Có ai sai tỷ-kheo-ni đến thỉnh giáo giới tự tứ không?

Nếu không, duy na đáp không. Nếu có, duy na đáp có. Và gọi tỷ-kheo-ni thọ sai vào giới trường, vị ấy đảnh lễ đại Tăng, quỳ xuống và bạch:

“Bạch Đại đức Tăng! Đệ tử chúng con, tỷ-kheo-ni Tăng, trú xứ,… hạ an cư đã xong. Ni Tăng sai chúng con tỷ-kheo-ni đến đại Tăng, vì tỷ-kheo-ni Tăng cầu nói ba sự tự tứ, là các tội được thấy, được nghe và được nghi. Ngưỡng mong Đại đức Tăng rũ lòng thương tưởng chỉ giáo. Nếu chúng con thấy có tội sẽ như pháp sám hối. (nói ba lần).

Bấy giờ trong Tăng, tỷ kheo nào thấy có điều gì cần chỉ giáo ba việc kiến, văn và nghi đối với Ni chúng thì nói, nếu không thì tất cả đều im lặng. Và sau đó Thượng tọa có lời giáo giới đối với Ni chúng rằng:

“Trong đại Tăng, từ trên xuống dưới thảy đều im lặng như vậy, thật do Ni chúng bên trong chuyên cần ba nghiệp, bên ngoài vô sự, cho nên không có điều gì trái phạm. Tuy nhiên như vậy, các vị hãy nói lại với Ni chúng, đại Tăng có giáo sắc rằng: Ni chúng như pháp mà tự tứ, cẩn thận chớ buông lung”.

Tỷ-kheo-ni thọ sai đáp:

“Y giáo phụng hành”. Rồi đảnh lễ Tăng và lui ra.

Thượng tọa hỏi:

- Tăng nay hòa hợp để làm gì?

Duy na đáp:

- Yết ma tự tứ.

*- Giai đoạn Tăng tác pháp tiến hành chính thức tự tứ:

Giai đoạn nầy có ba phần như sau:

1 - Tăng Yết Ma Sai Tự Tứ Nhân:

Tự tứ nhân hay còn gọi là Ngũ đức sư. Ấy là người Tăng tác pháp Bạch nhị yết ma cử làm người tự tứ. Một lần Tăng yết ma chỉ đựợc phép cử từ một đến ba vị. Không được phép cử bốn, vì bốn vị trở lên thành túc số của Tăng. Tăng không thể cử Tăng. Tăng cử Tăng là phi pháp.

Theo Luật Tứ Phần, vị được Tăng cử làm người tự tứ phải hội đủ năm đức tính:

a -Bất ái: Nghĩa là khi nhận làm việc Tăng sai chỉ tội tỷ kheo khác, sau khi hạ mãn qua ba việc kiến, văn và nghi, vị nầy không có tâm thiên ái.

b -Bất sân: Nghĩa là khi nhận làm việc Tăng sai chỉ tội cho vị tỷ kheo khác, sau khi hạ mãn, qua ba việc kiến, văn và nghi, vị nầy không được có tâm sân hận, thù ghét.

c -Bất bố: Nghĩa là khi nhận làm việc Tăng sai chỉ tội cho vị tỷ kheo khác, sau khi hạ mãn, qua ba việc kiến, văn và nghi, vị nầy không được có tâm sợ hãi.

d -Bất si: Nghĩa là khi nhận làm việc Tăng sai chỉ tội vị tỷ kheo khác, sau khi mãn hạ, qua ba việc kiến, văn và nghi, vị nầy không được có tâm mù quáng.

e -Tri tự tứ vị tự tứ: Nghĩa là khi nhận làm việc Tăng sai chỉ tội vị tỷ kheo khác, sau khi mãn hạ, phải biết rõ các tỷ kheo cùng trong trú xứ, vị nào đã được chỉ tội theo pháp tự tứ và vị nào chưa được chỉ tội theo pháp tự tứ. (Đại chính 22, tr 836b).

Đối với đức tính thứ 5 nầy, theo Ngũ phần luật 19, là “Tri thời, tri phi thời”). Biết tự tứ đúng thời và biết tự tứ không đúng thời (Đại chính 22, tr131a).

Sau hỏi tiền phương xong, Thượng tọa bỉnh pháp tiếp tục hỏi:

- Trong chúng có vị nhân giả nào kham năng làm người nhận tự tứ nhân không?

Vị tỷ kheo hội đủ năm đức tính cần thiết để làm người nhận tự tứ tự đáp:

- “Tôi tỷ kheo,… kham năng”.

- Thượng tọa bỉnh pháp Bạch nhị yết ma Tăng sai tự tứ nhân:

Văn Yết ma như sau:

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỷ kheo có tên,…làm người thọ tự tứ. Đây là lời tác bạch!”.

“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai tỷ kheo có tên,… làm người thọ tự tứ. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng sai tỷ kheo có tên,…làm người thọ tự tứ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói”.

“Tăng đã chấp thuận sai tỷ kheo có tên,… làm người thọ tự tứ nhân rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc nầy tôi ghi nhận như vậy”.( Đại chính 22, tr836bc).

2- Đơn Bạch Tự Tứ:

Các tỷ kheo thọ sai, từ chỗ ngồi đứng dậy bước ra đảnh lễ Tăng. Một trong ba vị được thọ sai bạch Tăng chính thức tác pháp tự tứ.

Văn bạch:

Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay hòa hợp tự tứ. Đây là lời tác bạch”.(Đại chính 22, tr 837a).

3- Chính Thức Tự Tứ:

Thượng tọa bỉnh pháp nói tự tứ trước. Tiếp theo các vị tự tứ nhân nói tự tứ với nhau. Sau đó lần lược các tỷ kheo từ một đến ba vị nói tự tứ. Nếu tự tứ nhân đến, mà đứng, thì người nói tự tứ

có thể đứng hoặc quỳ; nếu vị tự tứ nhân quỳ, thì người nói tự tứ phải quỳ.

Văn nói tự tứ như sau:

Đại đức nhất tâm niệm. Hôm nay chúng Tăng tự tứ. Tôi tỷ kheo,… cũng tự tứ. Nếu có tội được thấy , được nghe và được nghi, nguyện Đại đức thương tưởng chỉ giáo cho tôi. Nếu tôi thấy có tội, sẽ như pháp sám hối”. (nói ba lần). (Đại chính 22, tr 837a).

Người nhận tự tứ đáp: Thiện. Người tự tứ đáp: Nhĩ.

Sau khi các tỷ kheo tuần tự tự tứ xong. Vị tự tứ nhân bước ra giữa Tăng bạch: “Tăng nhất tâm tự tứ đã xong”.

Sau khi vị tự tứ nhân bạch Tăng xong. Phần còn lại là hồi hướng.

VI - Các Pháp Tự Tứ Khác:

1- Tự tứ vắn tắt:

Nếu vì nạn duyên không đủ thời gian để Tăng tiến hành đúng Tăng pháp tự tứ, thì phải tự tứ vắn tắt. Nhưng muốn tự tứ vắn tắt thì phải yết ma.

Văn bạch: “Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay mỗi mỗi đồng loạt nói tự tứ ba lần. Đây là lới tác bạch”.( Đại chính 22, tr839a).

Do gặp một trong tám nạn duyên, thì mới tiến hành tự tứ vắn tắt. Tám nạn duyên gồm: - Nạn vua. - Nạn giặc. - Nạn lửa. - Nạn nước. - Nạn bệnh. - Nạn người. - Nạn phi nhân. - Nạn độc trùng. (Đại chính 22, tr 838c).

Hoặc do bị chướng sự, nên tiến hành tự tứ vắn tắt. Các chướng sự gồm: - Chúng đông mà giới trường lại hẹp. – Trong Tăng có quá nhiều tỷ kheo bệnh, không thể ngồi hoặc quỳ lâu. - Trời mưa lớn. - Gặp đại thí hội mà đêm đi qua đã lâu. - Chướng ngại do đấu tranh. - Hoặc bàn luận A tỳ đàm, đoán sự tỳ ni, thuyết pháp,… mà đêm đi qua đã lâu, chúng Tăng chưa đứng dậy, nên tự tứ vắn tắt. Đại chính 22, tr 838c).

Nếu không có nạn duyên và chướng sự mà tự tứ vắn tắt là phạm tác. Phạm tác là phạm vào những học xứ quy định làm mà không làm, hoặc làm sai.

2- Tự tứ đối thủ:

Nếu Tăng không đủ túc số năm người, không thể tiến hành theo Tăng pháp tự tự, thì thực hành theo tự tứ đối thủ. Nghĩa là nếu bốn người, thì một người quỳ xuống bạch với ba người; nếu ba người, thì một người quỳ xuống bạch với hai người và nếu hai người, thì hai người quỳ đối diện với nhau mà tác bạch để tự tứ.

Văn nói tự tứ đối thủ:

Ngày nay chúng Tăng tự tứ. Tôi tỷ kheo ,… cũng tự tứ thanh tịnh”. (Đại chính 22, tr 837c).

3- Tự tứ tâm niệm:

Nếu một mình tỷ kheo, thì y hậu tề chỉnh, tâm niệm vào giới trường hay quỳ trước bàn Phật, nghĩ đến ngày tự tứ Tăng, miệng nói: “Hôm nay ngày chúng Tăng tự tứ, tôi tỷ kheo,… thanh tịnh”. (nói ba lâần ). (Đại chính 22, tr 837c- 838a1).

V -Triển Hạn Nhật Kỳ Tự Tứ:

Tăng triển hạn nhật kỳ tự tứ có hai trường hợp:

1- Do tu tập:

Do thời gian an cư, các tỷ kheo Tăng tu tập về giới, định, tuệ một cách tinh cần, nên có nhiều an lạc. Vì vậy muốn kéo dài thêm thời gian an cư để thuận lợi cho sự đoạn trừ các lậu hoặc và chứng đắc các Thánh quả Niết bàn. Trường hợp nầy, Tăng có thể tác pháp yết ma triển hạn nhật kỳ tự tứ tối đa là một tháng.

Tăng trong trú xứ tập hợp tại giới trường, Thượng tọa bỉnh pháp bạch Tăng:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng. Tăng ngày hôm nay không tự tứ. Đợi đủ bốn tháng an cư xong sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch”. (Đại chính 22, tr 840b).

2- Do Tăng chưa được thanh tịnh và hòa hợp:

Do các tỷ kheo ở trong cùng một trú xứ có tránh sự mà chưa như pháp dập tắc, hoặc do có các tỷ kheo từ trú xứ khác đến, Tăng tại trú xứ an cư chưa sắp xếp yên ổn, nên triển hạn nhật kỳ tự tứ. Văn bạch Tăng:

“Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Ngày hôm nay Tăng không tự tứ. Đợi đến ngày 15 (hoặc 16) tháng đến sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch”.( Đại chính 22, tr 840c).

Nếu đã hết kỳ triển hạn mà sự tranh chấp giữa các tỷ kheo chưa được dập tắt như pháp, Tăng có thể triển hạn thêm 15 ngày nữa. Hết thời kỳ triển hạn mà Tăng trong trú xứ chưa hòa hợp, hay các tỷ kheo khách cũng chưa rời khỏi trú xứ, thì phải y luật cưỡng bức các tỷ kheo tránh sự phải hòa hợp để tự tứ, nếu không được, các tỷ theo thanh tịnh đồng ra khỏi cương giới của trú xứ kết tiểu giới để tự tứ. Tự tứ xong, giải tiểu giới.

VI - Các Trường Hợp Ngăn Tự Tứ:

1- Phạm Tăng tàn:

Trong trú xứ có tỷ kheo phạm Tăng tàn, tùy theo mức độ phạm tội mà Tăng yết ma cho vị ấy hành pháp đúng theo mức độ phạm tội rồi, mới tự tứ.

2- Phạm Ba dật đề:

Trong trú xứ có tỷ kheo phạm học giới, có người bảo rằng, đó là phạm Ba dật đề, hoặc có người bảo rằng, đó là phạm Ba la đề đề xá ni, Tăng cử một tỷ kheo thanh tịnh, đến dẫn vị tỷ kheo phạm Ba dật đề ấy, hoặc Ba la đề đề xá ni ấy, ra khỏi vị trí giới trường mà mắt thấy Tăng tác pháp, nhưng tai không nghe được lời tác pháp của Tăng, khuyên bảo vị tỷ kheo phạm Ba dật đề ấy sám hối. Sau đó vị tỷ kheo thanh tịnh dẫn vị tỷ kheo phạm giới ấy đến trước Tăng thưa rằng: “ Tỷ kheo phạm tội, tôi đã bảo sám hối rồi”. Phải phương tiện tác pháp như vậy rồi mới tự tứ.

3- Phạm Thâu lan giá:

Trong một trú xứ, có tỷ kheo phạm Thâu lan giá, có người bảo rằng đó là phạm Thâu lan giá, hoặc có người bảo rằng, đó là phạm Ba la di, khiến có thể dẫn đến sự tranh cãi, không hòa hợp. Nếu sợ bản thể của Tăng bị vỡ, thì việc tự tứ của Tăng phải dời qua một thời gian thích hợp khác.

4- Ngăn Tự tứ vô căn cứ:

Ngăn cản tỷ kheo không có căn cứ, không đưa ra được nguyên nhân, việc ngăn cản như vậy không thành. Tỷ kheo không thanh tịnh không được ngăn cản tỷ kheo thanh tịnh tự tứ.

5- Ngăn tự tứ có căn cứ:

Ngăn cản tỷ kheo tự tứ có căn cứ, có tác nhân, gọi là ngăn tự tứ có căn cứ.

6- Ngăn tự tứ khi đang nói:

Ngăn tự tứ khi đang nói một lần hoặc hai lần, gọi là ngăn tự tứ khi đang nói. Khi chưa nói hoặc đã nói xong, không thể gọi là ngăn tự tứ.

7- Ngăn tự tứ bởi người không thanh tịnh:

Người không thanh tịnh về thân, về ngữ, về ý, không có trí, không biết rõ ràng, không biết hỏi, không biết trả lời, đối với những người như vậy không thể ngăn tự tứ, nên Tăng vẫn tiến hành tự tứ.

8- Ngăn tự tứ bởi thân nghiệp thanh tịnh:

Người thân nghiệp thanh tịnh, nhưng ngữ nghiệp không thanh tịnh, ý nghiệp không thanh tịnh, không có trí, không có nhận biết rõ ràng, không biết hỏi, không biết trả lời, đối với người như vậy, không thể ngăn tự tứ, nên Tăng vẫn tiến hành tự tứ.

9- Ngăn tự tứ với thân nghiệp và khẩu nghiệp thanh tịnh:

Đối với người thân nghiệp, khẩu nghiệp thanh tịnh, nhưng ý nghiệp không thanh tịnh, không có trí, không nhận biết rõ ràng, không biết hỏi, không biết trả lời, đối với người như vậy, không thể ngăn tự tứ, nên Tăng vẫn tiến hành tự tứ.

10- Ngăn tự tứ với ba nghiệp thanh tịnh, có trí, có phân minh, có biết hỏi và biết đáp:

Nếu vị tỷ kheo nầy ngăn vị tỷ kheo khác không cho tự tứ, các tỷ kheo khác, nên hỏi vị tỷ kheo ngăn ấy rằng: Vì sao Thầy ngăn tỷ kheo nầy tự tứ? Vì do phạm giới, phá kiến, hay phá oai nghi?

Vì ấy trả lời, vì phạm giới. Các tỷ kheo, nên hỏi là phạm giới nào? Nếu nói phá kiến, thì hỏi phá kiến nào? Nếu nói phá oai nghi, thì hỏi phá oai nghi nào? Nếu vị ấy trả lời là do có một trong ba mà ngăn. Nếu hỏi cặn kẽ một trong ba ấy, không trả lời được cụ thể, Nên, đối với giới, họ nói phạm Ba la di, thì Tăng chỉ xử lý ngang mức tội Tăng tàn, rồi Tăng mới tự tứ. Nếu họ nói tội Tăng tàn, thì Tăng chỉ xử lý ngang mức tội Ba dật đề, rồi sau đó tự tứ,… Nghĩa là vị ấy chỉ đưa ra tội danh mà không đưa ra đầy đủ các yếu tố phạm tội, thì Tăng sẽ xử trị dưới mức tội của người ấy đã đưa ra để ngăn người phạm tội trước khi tự tứ. Và nếu người ngăn tự tứ có trí trả lời rõ ràng, chứng cứ cụ thể về tội Ba la di của người phạm giới để ngăn tự tứ, thì Tăng phải làm phép diệt tẫn người phạm tội ấy, trước khi tự tứ.

11- Ngăn tự tứ từ ba sự:

Ngăn tự tứ từ ba sự gồm: Kiến, văn và nghi. Nếu do từ ba sự nầy mà ngăn tự tứ? Các tỷ kheo hỏi tỷ kheo ngăn tự tứ rằng: Trong ba sự, Thầy do sự nào mà ngăn tự tứ? Nếu vị ấy trả lời từ một trong ba sự một cách cụ thể hay không cụ thể, thì phải tùy theo những chứng cứ trong sự trả lời của vị ấy, sau đó đúng như pháp mà xử trị, rồi tự tứ. (Tham khảo Tứ Phần Luật 38, Đại chính 22, tr 839a -840b).

VII -Tự Tứ Liên Hệ Giữa Cựu và Khách:

Theo Luật Tứ Phần 38, tự tứ liên hệ giữa cựu trú tỷ kheo và khách tỷ kheo như sau:

1- Trú xứ có khách tỷ kheo đến với số lượng nhiều:

Ngày tự tứ, trú xứ nào có khách tỷ kheo đến, các khách tỷ kheo biết những cựu trú tỷ kheo chưa vào giới trường, nhưng họ nói rằng,: “Chúng ta có năm người hay hơn năm người, có thể tác pháp yết ma tự tứ”. Và họ liền tác pháp yết ma tự tứ. Trong khi họ tác pháp yết ma tự tứ, các cựu trú tỷ kheo đến giới trường với số ít, nếu là hàng Thượng tọa, thì theo thứ tự của hàng Thượng tọa mà tự tứ. Nếu là hàng Hạ tọa, thì theo thứ tự của hàng Hạ tọa mà tự tứ.

Nếu những cựu trú tỷ kheo đến giới trường với số lượng ít, các khách tỷ kheo đã tự tứ xong, cả chúng chưa đứng dậy, hay hầu hết chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, thì các cựu trú tỷ kheo phải nói: “Thanh tịnh tự tứ”. Nếu không nói như vậy, là sai luật sẽ bị xử trị như pháp.

2- Trú xứ có tỷ kheo khách đến với số lượng bằng:

Nội dung như điều 1, nhưng số lượng cựu trú tỷ kheo đến giới trường bằng số lượng của khách tỷ kheo, thì các khách tỷ kheo, nên tác pháp cùng tự tứ lại, nếu không là sai luật, sẽ bị xử trị như pháp.

3- Trú xứ có tỷ kheo khách đến với số lượng ít:

Nội dung như điều 1 và 2, nhưng số lượng cựu trú tỷ kheo đến giới trường nhiều, số lượng tỷ kheo khách ít, dù tỷ kheo khách tự tứ rồi, cũng nên cùng với các tỷ kheo cựu trú tự tứ lại, nếu không là sai luật, sẽ bị xử trị như pháp.

4- Trú xứ có cựu trú tỷ kheo nhiều, khách tỷ kheo ít:

Ngày tự tứ, trú xứ nào, có các cựu trú tỷ kheo nhiều, họ đến giới trường và họ biết rằng, các tỷ kheo khách chưa đến, nhưng họ nói: “Chúng ta có năm người hay hơn năm người có thể tác pháp yết ma tự tứ”. Trong khi họ tác pháp yết ma tự tứ, các tỷ kheo khách đến với số lượng ít, nếu là hàng Thượng tọa, thì theo thứ tự của hàng Thượng tọa mà tự tứ; nếu là hàng Hạ tọa, thì cứ thứ tự theo hàng Hạ tọa mà tự tứ.

Nếu khi tỷ kheo khách đến tự tứ rồi, nhưng cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, thì các tỷ kheo khách đến với số lượng ít phải nói: “Thanh tịnh tự tứ”. Nếu không nói như vậy là sai luật, nên sẽ bị xử trị như pháp.

5- Trú xứ có số cựu tỷ kheo bằng số lượng tỷ kheo khách:

Nội dung như điều 4, nhưng số lượng cựu tỷ kheo và tỷ kheo khách bằng nhau, thì các tỷ kheo cựu với các tỷ kheo khách

nên cùng với các tỷ kheo khách tác pháp tự tứ lại, dù đã đứng dậy hay chưa đứng dậy. Nếu các tỷ kheo cựu không tác pháp tự tứ lại là sai luật sẽ như pháp xử trị.

6- Trú xứ số cựu tỷ kheo ít, số lượng tỷ kheo khách nhiều:

Nội dung như điều 4 và 5, nhưng số lượng cựu tỷ kheo ít, số lượng tỷ kheo khách nhiều, số cựu tỷ kheo dù tác pháp tự tứ rồi, cũng nên cùng với tỷ kheo khách tác pháp tự tứ lại. Nếu không là sai luật, sẽ như pháp xử trị.

7- Trú xứ cựu tỷ kheo có treo dấu hiệu:

Nếu ngày tự tứ, tỷ kheo khách đến nơi một trú xứ nào đó, thấy các tỷ kheo cựu trú có treo những dấu hiệu đã tự tứ, mà không tìm hỏi, liền tác pháp yết ma tự tứ. Tác pháp yết ma tự tứ như vậy là bất thành mà lại bị tội.

Nếu thấy rồi, liền tìm. Tìm được các tỷ kheo cựu trú rồi, cùng nhau hòa hợp tác pháp yết ma tự tứ. Tác pháp yết ma như vậy là thành tựu,...

8- Tỷ kheo ni, thức xoa ma na, Sa di ni đều không được phép ngăn tác pháp yết ma tự tứ của tỷ kheo. Các tỷ kheo không được trước tỷ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di ni, tác pháp yết ma tự tứ hoặc ngăn tự tứ.

9- Các cư sĩ không được ngăn tác pháp tự tứ của các tỷ kheo và các tỷ kheo không được tác pháp yết ma tự tứ và ngăn tự tứ trước mặt các cư sĩ.

Bấy giờ vua Ba tư nặc sai quân lính đến hộ vệ chúng Tăng. Các tỷ kheo nói với binh lính rằng: “Quý vị nên đi ra ngoài một chút, chúng tôi muốn tác pháp yết ma tự tứ”.

Quân lính nói: “ Nhà vua sai chúng tôi đến đây để hộ vệ chúng Tăng, nên chúng tôi không dám rời đi chỗ khác”.

Các tỷ kheo liền thưa đức Phật việc ấy, Ngài dạy: “Các Thầy nên yêu cầu họ tránh một lần nữa. Nếu họ tránh thì tốt, nếu họ không tránh, thì các tỷ kheo nên đến chỗ mà họ không thấy không nghe để tác pháp yết ma tự tứ, chứ không được ở trước người chưa thọ đại giới mà tác pháp yết ma tự tứ”. (Tham khảo Tứ Phần Luật 38, Đại chính 22, tr 841a – 843b).

VIII - Tránh Những Sai Lầm Khi Thực Hành Pháp Tự Tứ

Theo Luật Tứ Phần 37, 38, những sai lầm trong khi tự tứ cần phải tránh như sau:

1- Tránh đồng loạt tự tứ gây nên ồn ào. Tự tứ từng người một.

2- Tự tứ theo Tăng Pháp, tỷ kheo phải tự tứ từ tự tứ nhân, không được tùy ý tự tứ.

3- Không được ngồi tại chỗ để tự tứ, phải rời chỗ ngồi và quỳ để tự tứ.

4- Thượng tọa rời chỗ ngồi và quỳ để tự tứ, tăng tỷ kheo cũng phải rời chỗ ngồi và quỳ để tự tứ.

5- Không được có ý nghĩ lén nói tự tứ, sợ tỷ kheo khác, vì mình tác yết ma hoặc ngăn mình tự tứ. Phải nói tự tứ một cách rõ ràng, đầy đủ, khiến cho người khác nghe được.

6- Không được có ý nghĩ, ta nên tự tứ nhanh; nếu không, tỷ kheo khác vì ta tác yết ma ngăn tự tứ. Đức Phật cho phép an cư rồi thong thả tự tứ.

7- Không được nói tự tứ một lần, phải nói tự tứ ba lần.

8- Không được lật ngược y, quấn y nơi cổ, trùm trên đầu hoặc phủ cả hai vai để tụ tứ; không được mang dép hoặc ngồi trên giường hoặc trên đất để tự tứ. Phải trạc y bên phải, quỳ chắp tay nói lời tự tứ. Tỷ kheo bệnh, thì tùy duyên thích hợp để tự tứ.

9- Tự tứ không được ngồi ở ngoài thuyết giới đường. Tự tứ nhân phải bạch Tăng, trước khi nói tự tứ.

10- Không được tự tứ phi pháp biệt chúng. Không được tự tứ phi pháp hòa hợp chúng. Không được tự tứ như pháp biệt chúng. Phải tự tứ như pháp hòa hợp chúng.

11- Trong trú xứ có vị tiền an cư, có vị hậu an cư thì nhật kỳ tự tứ phải thuận theo số đông để tự tứ.

12- Tự tứ vào ngày mười bốn hoặc rằm, sau giờ Đại thực hay tiểu thực.

13- Vì hoàn cảnh, nếu nơi không có giới trường, Thượng tọa phải tập Tăng, bạch nhị yết ma kết tiểu giới với không gian vừa đủ cho các tỷ kheo tự tứ ngồi kín vòng, để tác pháp tự tứ và sau khi tự tứ xong, phải bạch nhị yết ma giải tiểu giới trước khi đi.

14- Tăng năm vị, trong đó có một người thọ dục, thì không được tác pháp bạch nhị yết ma cử tự tứ nhân. Vì không đủ túc số Tăng như pháp.

15- Tăng chỉ có bốn vị hiện diện, không được nhận dục của người thứ năm, tức là người vắng mặt. Nếu chỉ có ba người, không được nhận gởi dục của người thứ tư. Phần còn lại cũng nên hiểu như vậy.

16- Tâm niệm tự tứ không có dự dục.

17- Khi tự tứ không biết tội, không biết người, nhưng sau khi tự tứ xong lại biết tội, biết người. Tuy vậy, nhưng không được đem những việc đã qua để cử tội lại.

Khi tự tứ không biết tội, nhưng biết người. Tự tứ rồi biết tội, biết người, nhưng không được đem việc cũ của người mà cử tội lại.

Khi tự tứ biết tội, nhưng không biết người. Nhưng, nếu tự tứ rồi không được đem việc cũ của người mà cử tội lại. (Tham khảo Tứ Phần Luật 37, 38, Đại chính 22, từ tr 836c – 840).

IX - Sau Tự Tứ:

Sau tự tứ, các tỷ kheo có thể rời khỏi trú xứ an cư để đi hoằng đạo, nhưng trước khi các tỷ kheo rời khỏi trú xứ, Tăng phải tác pháp yết ma giải đại giới an cư và kết lại đại giới của trú xứ. Vì khi an cư Tỷ kheo Tăng các nơi về tập trung đông tại trú xứ, do đó phải yết ma mở rộng đại giới, nay xuất hạ các tỷ kheo tùy duyên hoằng hóa, nên phải kết lại đại giới của trú xứ cho thích hợp.

Tăng có thể tác pháp thọ ca thi na y, để tiện việc cho các tỷ kheo cất giữ vải trong vòng ba mươi ngày đủ để may y mới, không bị phạm vào các học xứ quy định liên hệ đến việc chứa vải và rời y để nghỉ qua đêm.

Và sau khi an cư xong, thì Tăng phân chia bình đẳng các lợi dưỡng đến các tỷ kheo, do tín đồ cúng dường suốt ba tháng, sau khi đã sử dụng cho việc an cư của Tăng còn dư lại.

X - Chánh Pháp Tồn Tại

Chánh pháp tồn tại đúng ý nghĩa và có lợi ích thiết thực cho thế gian hay không là vai trò của Tăng đoàn. Tăng đoàn thực hành đúng Pháp và Luật của Phật đã chế định trong sự cùng nhau cộng trú hòa hợp và thanh tịnh, cùng nhau giải tán trong sự hòa hợp và thanh tịnh. Hòa hợp và thanh tịnh là bản thể của Tăng đoàn và là pháp lý tồn tại của tổ chức giáo đoàn đệ tử của Đức Thế Tôn trên thế gian này.

Sự tồn tại và phát triển của Tăng đoàn dựa trên bản thể hòa hợp và thanh tịnh, đó là sự tồn tại chuyển tải đúng nội dung của chánh pháp. Chánh pháp tồn tại và được chuyển vận từ ý nghĩa này mà lan rộng từ một trú xứ đến nhiều trú xứ, từ một quốc gia đến toàn thể thế giới.

Tuy rằng, các tỷ kheo sinh hoạt nhiều trú xứ và nhiều quốc gia khác nhau, có những dị biệt về phong tục tập quán, nhưng họ thống nhất với nhau về một bậc Thầy giác ngộ, đó là Đức Thế Tôn. Họ thống nhất với nhau về Pháp là Pháp Bát Chánh đạo. Họ thống nhất với nhau về bản thể tỷ kheo thành tựu từ pháp bạch Tứ yết ma. Họ thống nhất với nhau về Tăng là bốn tỷ kheo trở lên cùng sinh hoạt với nhau trong bản thể hòa hợp và thanh tịnh. Họ sống hòa hợp và thanh tịnh với nhau trong các Tăng sự thuyết giới, an cư, tự tứ và các pháp sự khác.

Thống nhất của Tăng đoàn như vậy, không phải đơn thuần là thống nhất về mặt tổ chức và hành chánh mà thống nhất ngay nơi nguồn gốc và bản thể. Bất cứ pháp gì có cùng một nguồn gốc và bản thể, tự nó là thống nhất.

Ở trú xứ nào, không có các tỷ kheo cùng nhau hòa hợp, thanh tịnh, không cùng nhau thuyết giới, an cư và tự tứ đúng pháp, thì trú xứ ấy xem như không có Tăng bảo trú trì và ở xứ sở đó Chánh pháp chưa được chuyển vận, mặt trời Chánh pháp chưa được sáng lên, ruộng đồng Chánh pháp chưa được cày xới, quần chúng trú xứ ấy lấy ruộng ở đâu mà gieo trồng hạt giống phước đức?

Do đó, Pháp an cư của Tăng từ Đức Thế Tôn chế định; Pháp tự tứ của Tăng cũng từ Đức Thế Tôn chế định. Pháp ấy phù hợp với an tịnh của Niết bàn. Và Tăng chỉ đúng nghĩa là Tăng, khi mọi sinh hoạt của Tăng đều được biểu hiện từ nơi Phật và Pháp. Pháp an cư của Tăng là một trong những biểu hiện cụ thể ấy. Và do sự biểu hiện ấy mà Chánh pháp trường tồn, làm cho thế gian bớt tăm tối và là phước điền cho thế giới chư thiên và loài người gieo trồng phước đức vậy.

Thích Thái Hòa

[1] Phật Thuyết Tam Chuyển Pháp Luân kinh, Tạp, tr 504, Đại Chính 2.

[2] Giới kinh của Đức Phật Thích Ca, muời hai năm đầu, kể từ khi thành đạo, theo Tứ Phần Luật, Đại Chính 22.

[3] Tứ Phần Luật 37, An cư kiền độ, tr 830b, Đại Chính 22. Pàli, A, A, ii 97.

[4] Phạm Võng Kinh, tr 1008a, Đại Chính 24.

[5] Dẫn theo Tứ Phần Luật San Phiền Bổ Khuyết Hành Sự Sao, tr 58a, Đại Chính 40.

[6] Theo Luật Tứ Phần 58, có ba thời kỳ an cư: -Tiền an cư – Trung an cư - Hậu an cư, tr 998b11, Đại Chính 22. Theo Luật Tăng kỳ 27: Tiền an cư từ 16 tháng 4 đến 15 tháng 7. - Hậu an cư từ 16 tháng 5 đến 15 tháng 8., tr 451b10, Đại chính 22.

[7] Tứ Phần 37, tr 380, Đại Chính 22.

»»  read more

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang