Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Chuyện Tấm Cám trong con mắt Thiền, phần 5, 6

Share |

Giảm Tăng

Thích Thái Hòa

Phần 5: Tác Dụng Của Chuyện

Câu chuyện Tấm Cám có tác dụng như thế nào đối với con người tự thân, gia đình và xã hội?

Đối với con người tự thân, ta luôn có những mâu thuẫn nội tại. Mâu thuẫn ấy là gì? Chính là hai hạt giống thiện ác luôn luôn xung đột ở nơi tâm thức ta, khiến cho đời sống của ta khi thì thiện, khi thì ác, khi thì vui, khi thì buồn, khi thì hạnh phúc, khi thì đau khổ. Trong chuyện Tấm Cám, Bụt là thiện tâm của ta. Dì ghẻ là ác tâm của ta. Tấm là tâm hành liên hệ đến thiện. Cám là tâm hành liên hệ đến ác.

Nếu tự thân con người nhận ra được nhân quả thiện ác đều ở nơi tâm ta và khi hạt nhân thiện hay ác ở nơi tâm đã khởi, thì quả báo vui hay khổ ắt sẽ đến với ta, không bằng hình thức nầy, thì cũng bằng hình thức khác; và không ngay nơi đời nầy, thì cũng sẽ đời sau. Nhân quả không mất, thiện ác báo ứng rõ ràng.

Nếu con người tự thân nhận ra được đạo lý nầy, thì xấu hay tốt, hạnh phúc hay đau khổ đều vốn có sẵn ở nơi tự tâm của họ, vốn có nơi hành động của họ, nên họ tự động điều chỉnh tâm họ và hành động của họ đi theo cái tốt, thì tự thân của đời họ sẽ được cải thiện và sẽ được thăng hoa.

Mỗi khi con người tự thân đã hiểu được lý nhân quả, nghiệp báo luân hồi, tự nỗ lực điều chỉnh và hoàn thiện đời sống bản thân, thì chính con người ấy sẽ sống có lợi ích cho gia đình và xã hội. Và họ có thể đóng góp một cách tích cực vào đời sống hạnh phúc gia đình và hoàn thiện xã hội mà họ đang hiện hữu.

Đối với gia đình cũng vậy. Nếu đời sống của con người tự thân không tự hoàn thiện và thăng hoa theo lý nhân quả, thì đời sống của gia đình không do đâu mà có hạnh phúc. Mọi hạnh phúc của các gia đình đều tự tan vỡ. Qua chuyện Tấm Cám, đã cho ta thấy rõ, sự mâu thuẫn cùng cực trong đời sống gia đình, mẹ ghẻ con chồng, giữa chị em cùng cha khác mẹ.

Và đời sống gia đình đâu có phải chỉ mâu thuẫn chừng đó. Vợ chồng có khi mâu thuẫn với nhau trở nên gay gắt, không thể sống chung và phải chia tay, để lại những vết đau cho tự thân và những bất hạnh cho những thế hệ con cháu trong hiện tại và tương lai.

Vậy, qua câu chuyên Tấm Cám, đã hiện lên cho ta bài học và kinh nghiệm về đời sống mâu thuẫn của gia đình và cách giải quyết những mâu thuẫn ấy, để tự hoàn thiện đời sống gia đình qua đạo lý nhân quả “ở hiền gặp lành; gieo gió gặt bão”, để mỗi thành viên trong gia đình tự hoàn thiện lấy bản thân mình và tự điều chỉnh đời mình theo định hướng tốt của nhân quả, mà chuyện Tấm Cám là một bài học rất thật trong đời sống của gia đình.

Đối với đời sống xã hội cũng vậy. Đời sống xã hội chỉ là hình ảnh phóng đại của đời sống gia đình và đời sống gia đình là hình ảnh phóng đại của đời sống tự thân. Và đời sống tự thân là phản ảnh trung thực những hạt giống thiện ác ở nơi tự tâm. Những mâu thuẫn tự nội không được chuyển hóa, nó sẽ dẫn đến mâu thuẫn đời sống tự thân, đời sống gia đình và xã hội.

Lại nữa, con người tự thân có nhân quả của con người tự thân, con người gia đình có nhân quả của con người gia đình và con người xã hội có nhân quả của con người xã hội. Dù nhân quả của mỗi thành phần rộng hẹp có khác nhau, nhưng sự liên hệ của các hệ thống nhân quả ấy là nghiệp và được tác động bởi duyên, để từ nhân sinh khởi quả báo một cách chính xác không hề sai lệch.

Như vậy, câu chuyện Tấm Cám đã nói gì với con người xã hội? Xã hội Ấn độ thời Phật được phân chia thành bốn giai cấp rõ rệt gồm: Bà la môn (Brahmana), ấy là giai cấp giáo sĩ; Sát đế lợi (Ksatriya), ấy là giai cấp vua chúa, nắm quyền uy chính trị; Tỳ xá (Vaisya), ấy là giai cấp thương gia, nắm kinh tế và Thủ đà la (Sudra), ấy là giai cấp làm thuê mướn hay nô lệ; Giai cấp người trong xã hội Trung hoa và Việt nam cũng đã ảnh hưởng Nho giáo và phân chia thành bốn giai cấp khác nhau, gồm sĩ, nông, công, thương. Những giai cấp như vậy, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau tạo ra những mâu thuẫn và xung đột xã hội.

Cách phân loại các giai cấp người ở trong xã hội, tùy theo vùng, tùy theo từng thời kỳ khác nhau, và tùy theo từng tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa đã ảnh hưởng lên đời sống của con người trong từng thời kỳ phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, xã hội con người dù có phân cấp theo cách nhìn của tôn giáo, hay học thuyết chính trị nào đi nữa, thì chung quy, chúng không ra ngoài hai thành phần, gồm giai cấp thống trị và giai cấp bị trị.

Những mâu thuẫn chính yếu của xã hội con người, ngàn đời vẫn là mâu thuẫn giữa giai cấp giàu và nghèo, giữa giai cấp thống trị và bị trị.

Trong chuyện Tấm Cám, ở mặt xã hội, mẹ con Cám là tiêu biểu cho giai cấp thống trị và Tấm là tiêu biểu cho giai cấp bị trị. Bụt không thuộc về giai cấp thống trị hay bị trị nào của xã hội, nhưng lại có khả năng giúp đỡ những con người bị áp bức trong xã hội thoát khỏi những tình trạng khổ đau của họ, bằng tình thương và trí chân thật của Ngài.

Đứng về mặt dân tộc, Bụt không thuộc về những dân tộc xâm lược và luôn luôn đứng về phía những dân tộc bị xâm lược, để bảo vệ công bằng lẽ phải cho xã hội con người của dân tộc ấy.

Ở xã hội Việt nam, khi nhà Trần bị suy thoái, phép nước mất cương kỹ, bề tôi lấn lướt vua, theo quốc sử ghi rằng, năm 1397, Lê Quý Ly sau đổi là Hồ Quý Ly, đã tự mình chuyên quyền quyết định việc triều chính, ngay cả việc dời kinh đô từ Thăng Long vào động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đã được Khu mật chủ sự thị sử Nguyễn Nhữ Thuyết can ngăn với lời lẽ như sau: “Ngày xưa nhà Chu, nhà Ngụy dời đô đều thấy không tốt. Nay đất Long Đỗ, có núi Tản viên, có sông Lô, sông Nhị, núi cao, sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi, các đế vương ngày xưa mở nghiệp dựng nước, không đời nào là không lấy đất ấy, làm nơi gốc rễ lâu bền. Nên cứ theo như trước. Bấy giờ quân Nguyên bị khuất, giặc Chiêm nạp đầu.

Xin nghĩ lại một chút, để làm thế vững bền nhà nước. An Tôn là đất chật hẹp hẻo lánh, cuối nước đầu non, nên với loạn mà không nên với trị, chỉ cậy hiểm độc thôi. Người xưa có câu: Cốt ở đức, không cốt ở hiểm”. Dù được Nhữ Thuyết can ngăn như vậy, nhưng Hồ Quý Ly không nghe. Không những Nhữ Thuyết can, mà Phạm Cự Luận cũng can, nhưng Hồ Quý Ly nói: “Ý đã định trước rồi, người còn nói gì nữa”. Đến đây là thi hành. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 645, Nxb văn học 2006).

Cũng theo quốc sử, năm 1399, Hồ Quý Ly ra lệnh tướng quân Phạm Khả Vĩnh thắt cổ vua Thuận Tông chết. Sau đó Hồ Quý Ly giết luôn Thái bảo Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, và những người liên hệ với những vị nầy đều bị Hồ Quý Ly giết hơn 370 người. Tịch thu tài sản. Con gái bắt làm nô tỳ, các con trai từ hai tuổi trở lên đều bắt chôn sống hoặc nhận chìm xuống nước cho chết… Năm 1400, Hồ Quý Ly buộc Thiếu Đế nhường ngôi, cho làm Bảo Ninh đại vương không giết, vì vua là cháu ngoại, bắt dòng tôn thất và các quan dâng biểu, để lên ngôi, khi ấy ông còn giả bộ trung nghĩa, đạo đức lên giọng nói: “Ta sắp chết đến nơi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới đất nữa”. Rồi, ông tự lập làm vua, đặt niên hiệu Thánh nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, đổi họ Lê thành họ Hồ. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 655, Nxb văn học 2006).

Một năm sau, tức năm 1401, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương lên làm Thái Thượng Hoàng. Hoàn cảnh xã hội Việt nam lúc này giặc giã nổi lên chống đối họ Hồ nhiều nơi, nước Minh nhòm ngó sự bất ổn của nội thân Việt nam, nên xua 10 vạn quân xâm lược vào năm 1406, do Tham tướng Đô đốc Hoàng Trung lãnh đạo, lấy cớ là đưa Trần vương là Thiêm Bình về nước, đánh vào Lãnh kinh, quân của Hồ thua chạy. Theo quốc sử, cũng vào mùa thu năm này, nhà Minh lại sai các tướng của họ như Trương Phụ, Huỳnh Dương Bá, Trần Húc đem 40 vạn quân xâm lược nước ta.

Các tướng tài giỏi của Hồ, cũng như quan quân thấy Hồ tàn bạo, nên không ai có lòng đánh giặc, một số đầu hàng với quân Minh, Minh phong cho họ làm quan. Tháng 11, năm Đinh Hợi, tức năm 1407, quân Minh đánh bắt được cha con Hồ Quý Ly, và con cái cháu chắt dẫn đến Kim Lăng và buộc dâng ấn tín, sau đó họ đều bị Minh tàn hại, đất nước lại lệ thuộc Minh.

Ở vào giai đoạn đất nước bị lệ thuộc nầy, người Minh chở hết văn hóa phẩm của Việt nam về Kim Lăng, cái nào không chở được thì đốt kể cả một tờ giấy loại. Minh kêu gọi những người ẩn dật tài giỏi ra làm quan, có một số ra, có một số không. Số ra được Minh đưa về Kim Lăng huấn luyện, rồi đưa về lại Việt nam làm quan cho Minh. Một số không ra, thì tiếp tục ẩn dật, hoặc tiếp tục chiêu quân chống Minh. Minh đô hộ và cai trị nước ta một cách gian ác và tàn bạo.

Một số tướng chống Minh đã đưa Giản Định Đế lên ngôi ở Mô Độ, châu Trường yên, nay là Ninh Bình, lấy niên hiệu là Hưng Khánh. Còn một số khác chống Minh, như Phạm Chấn, Trần Ngạn Chiêu ở Đông triều lại lập Trần Nguyệt Hồ làm vua tại Bình Than, để cờ chiêu an gọi là Trung nghĩa quân. Các tướng như Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân đều phò vua giúp nước chống Minh ở giai đoạn nầy và đã có những thành quả nhất định, nhưng sau đó bị gièm pha, và hai vị nầy cũng đã bị vua giết.

Vấn đề nầy, Ngô Sĩ Liên đã có lời bình như sau: “Vua may thoát hiểm cầu người hiền giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân có mưu lược, đủ lập được công khôi phục, dựng nghiệp trung hưng, trận thắng Bô Cô, thế nước lại đấy, thế mà nghe lời gièm của kẻ hoạn quan, một lúc giết hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh, thì làm sao, nên việc được”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 696, Nxb Văn học 2006).

Do sự bất minh của vua như vậy, nên Đặng Dung con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Dị con của Nguyễn Cảnh Chân, đã đưa Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập nên làm vua. Vua lên ngôi ở Chi La (nay là huyện Đức Thọ), đổi niên hiệu là Trùng Quang, để chống Minh.

Cuộc chống Minh của nhân dân ta cho đến khi thành công, giành lại chủ quyền dân tộc, phải đến Lê Lợi,…

Nên, việc xuất hiện câu chuyện Tấm Cám ở trong giai đoạn lịch sử của dân tộc ta vào giai đoạn cuối Trần và lệ thuộc Minh, nó có một ý nghĩa hết sức quan yếu.

Quan yếu, vì đây là giai đoạn mà mù tối nhất của đất nước, chánh tà khó phân định, trung nghĩa không rõ ràng, thiện ác khó nhận ra, vì vậy chuyện Tấm Cám xuất hiện ở giai đoạn nầy như là một bản hiến pháp và bộ luật dân sự của đất nước, dù nó chỉ xuất hiện dưới hình thức là một chuyện kể dân gian. Qua bản hiến pháp và bộ luật dân sự ấy, người dân biết được đâu là chánh, đâu là tà; đâu là trung nghĩa, đâu là phi trung nghĩa; đâu là cái thiện chân thật, đâu là cái thiện giả dối, để từ đó định hướng cho mọi hành động phò nước cứu nguy, thoát khỏi ách ngoại xâm, không phạm vào tội ác.

Như vậy, chuyện Tấm Cám xuất hiện ở giai đoạn lịch sử đen tối của đất nước ở giai đoạn nầy, vừa có tác dụng như là một bản hiến pháp bất thành văn, để nhắc nhở cho mọi thành phần xã hội rằng: “Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão”. Mà chính cha con Hồ Quý Ly là một bằng chứng cụ thể, đã gieo gió, nên gặt bão. Nên, chính họ đã bị luật nhân quả xử lý.

Với chuyện Tấm Cám, Tấm bị mẹ Cám bày mưu để giết, nhằm đưa Cám soán ngôi hoàng hậu của Tấm là biểu tượng cho vua quan cuối Trần bị ám hại bởi Hồ Quý Ly để soán ngôi, mà cụ thể là vua Trần Thuận Tông, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh,… và sau đó, lại đưa con mình là Hồ Hán Thương lên ngôi nắm giữ quyền chính.

Rồi nữa, Tấm là tiêu biểu cho những gì tốt đẹp của dân tộc Việt nam đang bị nhà Minh ám hại và cướp mất. Mẹ con Cám là biểu tượng cho sự tà tâm, gian ác của nhà Minh và những quan lại làm tay sai cho Minh để hại dân, hại nước. Đọc lời chiếu dụ tháng 2 năm Tân mão (1411) của Minh đối với nhân dân ta, đã giúp cho ta thấy những thủ đoạn đạo đức của họ. Lời dụ, Minh nói: “Giao chỉ đã thuộc bản đồ, mà mấy năm chưa được yên nghỉ, xót nỗi sau khốn khổ, ban ơn rộng yêu thương, cho cả nhân dân đều nhuần đức trạch”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 701, Nxb Văn hóa 2006).

Trong lời chiếu dụ quan viên và quân dân, Minh nói: “Người cõi Giao châu đều là dân trời, đã có lòng yêu nuôi, đều là con đẻ của trẫm, chúng nhất thời theo giặc, trẫm nghe bị giết, thực lấy làm xót thương, há nỡ để như thế mãi! Nhưng vì kẻ làm bậy chủ có mấy người, mà nhân dân ở nơi bãi biển hang núi bị chúng bách hiếp, hoặc phải giúp lương, hoặc phải theo chúng, đến đâu làm giặc đấy, đều là bất đắc dĩ cả, bị chúng đánh lừa, không phải bản tâm. Nếu biết tỉnh hối đều cho đổi mới. Làm ác chỉ có mấy người, trăm họ không có tội gì. Trong ấy nếu có người dũng cảm, người kiến thức, có thể bắt được mấy người đem nộp, cũng cho quan to tước cao; những kẻ làm ác, nếu biết gột rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, không những là được khoan tha tội lỗi, lại cho làm quan nữa”. (Sđd, tr 702).

Trong lời dụ nầy, Minh đã bộc lộ, đạo đức giả của nó để dụ quan viên và quân dân nhẹ dạ của ta tiếp tay với nó, để làm điều phi nhân, phi nghĩa hại dân, hại nước.

Và không những Minh có chiếu dụ đối với quan viên và quân dân Đại Việt như đã dẫn ở trên, mà còn có sắc chỉ kích động cho thổ quan như sau: “Các người là tài hào kiệt, có tính thuần hậu, sáng suốt biết trước, trước đã đem lòng ra sức, hết trung với triều đình, nghĩ đến công lao của các ngươi, đặc ân cho chức cao quý. Nay nghe các ngươi biết trọn chức vụ, hết sức lập công, bắt giết kẻ nghịch, giữ yên cõi đất, nghĩ đến lòng trung thành ấy, xiết nỗi khen vui. Hiện nay bọn giặc còn sót chưa dẹp yên hết, các ngươi nên cố lập công cho thêm tốt, gắng sức tiêu diệt cho hết, để nối công trước. Ta đặc cách sai người sang ủy lạo và khen thưởng. Các người phải kính theo, nhớ lấy mệnh lệnh yêu mến nầy”. (Sđd, tr 702).

Đọc các dụ và sắc của Minh, ta thấy những giả tâm của nó đối với quan viên và quân dân nước ta, chẳng khác nào mẹ con Cám đã gian tâm và đạo đức giả với Tấm, khi Tấm đã làm hoàng hậu về giỗ cha, mẹ con Cám đã dụ Tấm leo lên hái cau và rồi chặt cây cau, khiến Tấm rớt xuống ao mà chết.

Cũng vậy, những lời dụ của Minh là những bẫy sập, khiến cho những quan dân nước ta nhẹ dạ, ham danh lợi nhất thời dễ rơi vào bẫy sập. Nên, bản hiến pháp và luật dân sự xét xử bất thành văn của đất nước ở giai đoạn nầy, cần phải xuất hiện, để nêu rõ thiện ác, chánh tà, chính nghĩa, phi nghĩa dưới hình thức câu chuyện Tấm Cám, để cảnh tỉnh và soi đường hành động cho bối cảnh của xã hội Việt nam đương thời.

Và, nhờ bản hiến pháp và luật dân sự xét xử qua chuyện Tấm Cám bất thành văn ấy đã xuất hiện, và nó đã được dân chúng chuyển tải khắp mọi thành phần xã hội. Khiến người dân bấy giờ đã ý thức được thiện ác rõ ràng, chánh tà cụ thể, chân ngụy có nhân quả khác nhau. Làm ác thì bị ác báo; làm thiện thì được thiện báo, nên họ sẵn sàng sống và chết cho cái thiện mà không để rơi vào cạm bẫy của cái ác.

Đối với dân tộc làm ác là gì? Là giết vua chiếm ngôi, bạc đãi người trung chính, áp bức người hiền lương, tàn hại muôn dân, sưu cao thuế nặng, làm tay sai cho ngoại lai, bán rẽ cái hay, cái đẹp của con người và đất nước.

Đối với ngoại bang xâm lược, nhà Minh là mẹ con Cám. Nhân dân Việt nam là Tấm. Cái gian ác của nhà Minh đối dân ta là đốt hết kinh sách văn hóa của người Việt, ngay cả một tờ giấy loại, để đưa dân tộc Việt nam lệ thuộc Minh hoàn toàn, thế mà có nhiều nho sĩ chạy theo, muốn biến đất nước nầy trở thành Tống Nho như Trương Hán Siêu, Lê Quát,… chẳng hạn. Vì vậy, ở chuyện Tấm Cám, họ là thuộc thành phần của mẹ con Cám. Nó là tiêu biểu cho cái ác, cái gian tà. Và những thành phần dân tộc chống lại Minh giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc là Tấm. Nó là tiêu biểu cho cái thiện, cái chính nghĩa.

Trong chuyện Tấm Cám, Bụt xuất hiện để giúp Tấm thoát khỏi sự gian ác của mẹ con Cám, ở mặt xã hội nó được tiêu biểu rằng, đạo Phật lúc nào và ở đâu, đối với ai, đối với xã hội nào cũng không xu phụ quyền thế, mà luôn đứng về phía lẽ phải, phía của cái thiện, cái chánh, cái bị áp bức và có khả năng yểm trợ cho những thành phần xã hội thực hiện những điều tốt đẹp nầy, mà qua chuyện Tấm cám ta thấy đã minh họa cụ thể.

Trong chuyện Tấm Cám, Bụt đã xuất hiện nhiều lần trước những đau khổ của Tấm do mẹ con Cám gây ra và đã giúp đỡ Tấm thành công. Như vậy, Bụt và lời dạy của Ngài hết sức thiết thực, nên hễ bất cứ ai tin tưởng và thực hành, đều có kết quả tốt đẹp, dù là con người tự thân hay gia đình và xã hội.

Bụt đã dạy Tấm cách giữ gìn xương của cá bống, để có những thành quả phi thường. Cũng vậy, ở nơi con người nào, ở gia đình nào và ở bất cứ xã hội nào biết tuân giữ lời Phật dạy, thì tất cả họ đều đạt đến những thành quả phi thường, mà họ không thể nào nghĩ tới nổi.

Và qua chuyện Tấm Cám, Bụt dạy Tấm phải cất giữ xương của bống và nhờ vậy, mà Tấm đạt được những gì Tấm mong muốn một cách bất ngờ là biểu tượng rằng, những lời dạy của đức Phật là cốt lõi hay là xương sống tạo nên mọi hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội.

Và chính nhờ chuyện Tấm Cám xuất hiện vào thời điểm tối tăm ấy của lịch sử đất nước, nó lại trở thành một điểm sáng dẫn đạo cho cả dân tộc đi ra khỏi bóng đêm nô lệ, mà Lê Lợi đã nương vào điểm sáng ấy, để chiêu binh khởi nghĩa. Nguyễn Trãi đã từ nơi điểm sáng ấy, mà viết Bình Ngô Đại Cáo rằng: “Dùng nhân nghĩa cốt để yên dân”.

Từ đó, việc khởi quân chống Minh của Lê Lợi dẫn đến thành công, giang sơn quy về một mối. Lê Lợi lên ngôi trị vì thiên hạ. Và việc lên ngôi trị vì thiên hạ của Lê Lợi, chẳng khác nào Tấm từ ngôi nhà của bà già nghèo bán nước được lên kiệu về cung vua làm hoàng hậu hưởng cuộc đời phú quý, vinh hoa.

Các nhà Văn học, thường xếp chuyện Tấm Cám vào loại Thần kỳ. Vì đọc chuyện, ta thấy Bụt đã giúp cho Tấm thành công một cách phi thường, mà chính bản thân Tấm cũng không ngờ được. Vì vậy, họ xếp chuyện nầy vào chuyện Thần kỳ thì cũng đúng thôi.

Nhưng, tôi thì không xếp chuyện nầy vào loại như vậy, tôi xem nó là bản hiến pháp và luật dân sự bất thành văn vào thời đại cuối Trần và chống Minh của dân tộc ta. Và xếp nó vào một trong những bản hiến pháp và luật dân sự bất thành văn đầu tiên của dân tộc. Và nó không những chỉ là bản Hiến Pháp bất thành văn đơn thuần, mà còn là một bộ luật dân sự xử phạt sống động và tự nhiên.

Sự xử phạt bị can không cần có quan tòa, không cần có luật sư đoàn biện hộ, nhưng cực kỳ chính xác và nghiêm minh đối với những kẻ gian tà, bất thiện và đã ban thưởng một cách đúng đắn, không thiên lệch đối với những ai sống theo điều thiện và trung chính, mà không cần có kẻ từ trời cao đứng ra ban thưởng.

Còn nữa



Phần cuối: Phần Gợi Ý

Trong câu chuyện Tấm Cám, Tấm là tiêu biểu cho thành phần bị áp bức bởi gia đình và xã hội. Bụt là tiêu biểu cho Từ bi và Trí tuệ xuất hiện trong gia đình và xã hội để che chở cho những thành phần bị áp bức ấy.

Và trong câu chuyện, nếu Tấm là một người phật tử có tu học, hiểu được lý nhân quả, Tấm sẽ mỉm cười đối với những gì bất hạnh của mình. Vì Tấm nhận ra được tính luân hồi trong nhân quả liên hệ đến nhiều đời của mình. Và khi đã trả hết nghiệp báo với mẹ con Cám để làm hoàng hậu, Tấm đã không tiếp tục vay lại nghiệp báo ấy. Vì định luật nhân quả nghiệp báo xảy ra rất chính xác và rõ ràng cho bất cứ ai rằng: “Đã vay thì phải trả. Tiếp tục vay, thì tiếp tục trả. Không trả dưới hình thức nầy, thì cũng phải trả dưới những hình thức khác. Chỉ có không vay, thì không trả”.

Tại sao Tấm mồ côi cha mẹ sớm? Vì nhiều đời trong quá khứ, Tấm đã từng là những người con coi thường cha mẹ, hất hủi cha mẹ và có những hành xử bất hiếu với cha mẹ, làm cho cha mẹ đau khổ rất nhiều, với nhân quá khứ của Tấm như vậy, nên đời nay sinh ra, Tấm phải chịu thiếu thốn tình thương của cha mẹ, và nhận lấy thân phận đời sống của một em bé mồ côi mẹ cha, ở với dì ghẻ để chịu đựng những nỗi đắng cay, ngang trái, phũ phàng, đúng như nhân mình đã từng gieo.

Dì ghẻ của Tấm hiện tại đối xử với Tấm như vậy, kết quả xảy ra phản ảnh rất đúng với nghiệp nhân trong quá khứ mà Tấm đã gây ra. Tấm đã trả kết quả cho nhân ấy không phải một đời mà phải trải qua bốn đời luân hồi trong nhân quả. Một đời Tấm làm chim Vàng anh, một đời làm cây Xoan đào, một đời làm Khung cửi và một đời làm quả Thị. Và khi trở thành quả Thị, thì Tấm mới thoát được khổ báo bất hiếu mà hưởng được phước báo.

Nhưng, không may ở trong phước báo làm hoàng hậu ấy, Tấm lại tiếp tục tạo ra oan nghiệp xấu ác đối với mẹ con Cám. Và như vậy, theo định luật luân hồi trong nhân quả của sinh tử, sau khi chết, Tấm lại gặp mẹ con Cám dưới nhiều hình thức khác nhau, để trả quả báo cũ và rồi lại tạo nghiệp báo mới, cứ như vậy mà Tấm ở đâu thì Cám ở đó và Cám ở đâu thì Tấm ở đó.

Tấm và Cám gắn liền với nhau không phải chỉ có ý nghĩa trên mặt thực tế, mà còn gắn liền với nhau trong ý nghĩa của luân hồi trong nhân quả. Nghĩa là nhân quả ở đâu, thì luân hồi ở đó; luân hồi ở đâu thì nhân quả ở đó. Tác giả nhân gian đã sử dụng từ ngữ Tấm Cám, để ẩn dụ cho đạo lý nhân quả luân hồi luôn luôn gắn liền với nhau và có mặt trong nhau. Với dụng ngữ mang tính ẩn ngữ như vậy quá ư là độc đáo.

Nếu Tấm là một phật tử dễ thương, có tu học hẳn hoi, khi đã được thoát nghiệp xấu để làm hoàng hậu, cô ấy sẽ thầm cảm ơn mẹ con của Cám và tìm cách giúp đỡ cho mẹ con của Cám thấy được nhân quả luân hồi để tu tập và chuyển hóa những nhân xấu ác, làm dẫn sinh những kết quả an lành, thì câu chuyện Tấm Cám là rất hay và nó lại được nâng lên tầm giáo dục có trí tuệ và từ bi trong đạo Phật.

Tuy nhiên, câu chuyện Tấm Cám đã giúp cho người ta thấy rằng: chết, nghiệp báo vẫn còn đó cho ta, và nghiệp có khả năng tái tạo cho ta đời sống luân hồi trong nhân quả. Nên, ta gieo nhân gì, thì ta gặt quả ấy.

Và, nếu kết thúc câu chuyện, Tấm sau khi đã có đủ phước báo để làm hoàng hậu, có nhiều quyền lực, không có tâm trả thù mẹ con của Cám, mà còn biết cảm ơn mẹ con của Cám và nâng đỡ mẹ con của Cám với tấm lòng độ lượng, hiểu biết và đầy cảm thông, thì câu chuyện Tấm Cám là một câu chuyện mang tính giáo dục tuyệt vời, đóng góp vào sự an bình của gia đình và bình trị của xã hội rất lớn!

Vì vậy, đọc chuyện Tấm Cám, trong văn học cổ tích Việt nam, ta phải đọc bằng tất cả trái tim và khả năng của mình, để ở đó, ta có thể phát hiện ra diện mạo của mình, diện mạo của gia đình mình, của dân tộc mình và diện mạo triết lý, đạo đức, tín ngưỡng, văn hóa, chính trị của xã hội.

Và từ đó, ta có một hướng đi sáng và hoàn chỉnh cho con người tự thân, có một định hướng tốt để giáo dục cho gia đình và nếu ta là những thành phần lãnh đạo đất nước, ta sẽ có một cái nhìn hợp lý, để thấy rõ những mâu thuẫn xã hội do đâu và do đâu mà người dân coi thường luật pháp?

Nếu không hiểu rõ định lý nhân quả nghiệp báo, ta không đưa ra được những phương pháp để giải quyết những mâu thuẫn của gia đình và xã hội. Nếu không hiểu được định luật nhân quả nghiệp báo mà thiết lập luật pháp, thì ta càng thiết lập luật pháp bao nhiêu, nó lại càng bị phản tác dụng bấy nhiêu.

Triết lý “ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão” là triết lý quá cụ thể, mà chuyện Tấm Cám trong văn học cổ tích Việt nam, đã chuyển tải để cống hiến cho ta một hướng đi, một hành động hợp lý, để từ đó cuộc sống tự thân nở hoa, cuộc sống của gia đình ổn định và xã hội thăng hoa.

Do đó, nếu đọc chuyện Tấm Cám với tất cả tấm lòng, thì ở đó không những ta phát hiện và khai quật được những của báu vô giá mà người xưa đã để lại cho ta, không phải chỉ có giá trị về mặt khoa học nhân văn, mà còn có giá trị rất lớn về khoa học tâm linh, khoa học chính trị và xã hội nữa.

Ngày xưa, đối với ngũ kinh Trung hoa, đức Khổng Tử chỉ viết kinh Xuân Thu, còn Dịch, Lễ, Thi và Thơ, ông chỉ san định mà không phải trước tác. Ngay cả vào thời đức Khổng Tử, ông đã không biết tác giả Dịch, Lễ, Thi, Thơ là ai và chính những cái không phải là ai đó, mới là cái của tất cả mọi người, của cuộc sống, của xã hội và của lịch sử loài người.

Cũng vậy, trong văn học Việt nam, kho tàng chuyện cổ tích Việt nam, hàng ngàn mẫu chuyện, ta không biết nó là của ai, nó đến từ những tư duy nào, từ những nguồn văn hóa nào, từ những truyền thống tâm linh nào, nhưng nó đã được người Việt nam, tiếp thu, gạn lọc, đúc kết thành những câu chuyện, có khi mang tính thần kỳ, có khi mang tính ngụ ngôn, ẩn dụ hay thời sự, rồi ứng dụng nó vào trong những sinh hoạt thực tế, tạo ra những thuần phong mỹ tục và văn hóa đặc thù của người Việt. Và chính những thuần phong ấy, đã giữ gìn được gia phong của một dòng họ, quốc phong của một đất nước và cương kỷ của xã hội con người.

Nên, những gì tôi đã khai quật được ở trong chuyện Tấm Cám, cũng chỉ là những khai quật khiêm tốn, hy vọng có nhiều vị sẽ tiếp tục khai quật những giá trị còn tiềm ẩn thẳm sâu trong câu chuyện ấy để cống hiến cho đời và báo đáp ân xưa!

Hết


Tư liệu Tham Khảo

- Mâu Tử Lý Hoặc Luận, Hoàng Minh Tập, Đại Chính 52.

- Lục Độ Tập Kinh, Khương Tăng Hội dịch, Đại Chính 3

- Thiền Uyển Tập Anh, Lê Triều Vĩnh Thạnh, Thập Nhất Niên, Tứ Nguyệt, Cốc Nhật Trùng Khắc.

- Thánh Đăng Lục, Khắc bản, 1750.

- Lĩnh Nam Trích Quái, Trần Thế Pháp, Thế kỷ 15.

- Nghiên Cứu Về Mâu Tử, Lê Mạnh Thát, Tu Thư Vạn Hạnh, 1982.

- Lục Độ Tập Kinh Và Lịch Sử Khởi Nguyên Đân Tộc Ta, Lê Mạnh Thát, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1972.

- Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, Nxbản TP. Hồ Chí Minh, 1999.

- Khóa Hư Lục, Thích Thanh Kiểm dịch, Nxb Tôn Giáo, 2003.

- Thánh Đăng Lục Giảng Giải, Thích Thanh Từ, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1999.

- Lịch Sử PG Việt Nam I, Lê Mạnh Thát, Nxb Thuận Hóa 1999.

- Lịch Sử PGVN II, Lê Mạnh Thát, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001.

- Lịch Sử PGVN III, Lê Mạnh Thát, Nxb TP. Hồ Chí Minh 2002.

- Toàn Tập Trần Thái Tông, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 2004.

- Toàn Tập Trần Nhân Tông, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 2006.

- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang, Nxb Văn Học Hà Nội 1992.

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên, Nxb Văn Học, 2006.

- Chuyện Tấm Cám Thời Đại Mới, Athena, 2008.

- Truyện Cổ Tích Việt Nam http://www.ebooks.svdcmedia.com; Bách Khoa Toàn Thư wikipedia; Vietmedia,…


Phần 1 I Phần 2 I Phần 3 I Phần 4 I Phần 5

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang