Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

NHIẾP SỰ VÀ NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP TRONG BỒ TÁT ĐẠO QUA KINH THẮNG MAN

Share |


Thích Thái Hòa

I. Nhiếp thọ liên hệ nhiếp sự:
Muốn thành tựu nhiếp thọ chánh pháp thì phải thực hành nhiếp sự, tức là bốn nhiếp pháp (Catvāri samgraha).
Tứ nhiếp pháp là một trong những phương pháp nhiếp thọ chúng sanh của Bồ tát đạo. Tứ nhiếp pháp gồm:
1. Bố thí nhiếp (Dāna samgraha) hay còn gọi là Bố thí nhiếp sự: Nghĩa là Bồ tát thực hành nhiếp thọ bằng cách đối với những chúng sanh nào ái lạc về tài sản, thì Bồ tát sẵn sàng bố thí tài sản cho họ, nếu chúng sanh nào ái lạc đối với pháp, thì Bồ tát sẵn sàng bố thí pháp cho họ, nhờ vậy mà khiến họ khởi tâm thân ái, cảm mến Bồ tát và Bồ tát dựa vào đó mà đưa họ vào đạo và truyền trao đạo pháp cho họ.
2. Ái ngữ nhiếp ( Priyavādi samgraha) là phương tiện nhiếp thọ chúng sanh bằng ái ngữ của Bồ tát. Nghĩa là dùng lời nói có chất liệu của trí tuệ và từ bi mà chia sẻ với chúng sanh, an ủi, vỗ về và khích lệ, khi họ thành công hay đau khổ, khiến tâm họ khởi sinh sự thân ái, nhờ đó mà Bồ tát đưa họ vào đạo và truyền trao đạo pháp cho họ.
3. Lợi hành nhiếp (Arthacaryā samgraha) hay còn gọi là Lợi hành nhiếp sự: Nghĩa là Bồ tát dùng thân để hành thiện, dùng ngữ để hành thiện, dùng ý để hành thiện, nhằm làm lợi ích cho chúng sanh, khiến họ sanh tâm thân ái, nhờ đó mà Bồ tát đưa họ vào đạo và truyền trao đạo pháp cho họ.
4. Đồng sự nhiếp (Samānārthata samgraha): Nghĩa là Bồ tát sử dụng phương tiện tùy thuận, tùy chuyển, đồng thực hành, đồng hưởng lợi, hưởng lợi bình đẳng, đồng lao cộng khổ với chúng sanh, tùy theo căn tánh của chúng sanh mà biểu hiện nhiếp sự, khiến cho họ khởi tâm thân ái, nhân đó Bồ tát đưa họ vào đạo và trao truyền đạo pháp cho họ.
Tứ nhiếp sự này là bốn nguyên tắc để nhiếp thọ chúng sanh hoàn toàn dựa trên đại bi tâm mà thi thiết. Nếu bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự mà không mang chất liệu của đại bi tâm thì những cái ấy không phải là nhiếp thọ chánh pháp của Bồ tát.
Đại bi tâm là tâm thương yêu, tâm phụng sự chúng sanh có nội dung không chiếm hữu, do có nội dung đó, nên Bồ tát là người bạn chân tình của hết thảy chúng sanh, không mời mà tự đến hết việc rồi tự đi, không làm cho ai phiền hà mà cũng không làm cho ai sợ hãi.
Tứ nhiếp pháp là vậy, nên thực hành tứ nhiếp pháp thì có sự chuyển hóa lớn và có công đức lớn, bởi vậy tứ nhiếp pháp trở thành những phương pháp then chốt của sự thực hành Bồ tát đạo.
II. Nhiếp thọ liên hệ đến Ba la mật:
Thực hành Bồ tát đạo chính là thực hành các Ba la mật.
Ba la mật có sáu hoặc mười. Sáu Ba la mật gồm có:
1. Bố thí Ba la mật: Là bố thí viên mãn. Đó là sự bố thí không sinh khởi từ ngã tưởng mà sinh khởi từ bồ đề tâm và được duy trì, phát triển từ thệ và nguyện.
Bố thí Ba la mật là để nhiếp phục tham ở nơi tự tâm, đồng thời cũng là để nhiếp phục chúng sanh đưa họ trở về với Phật đạo.
Do đó, trong sự thực hành bố thí Ba la mật, Bồ tát gồm đủ cả tự giác và giác tha, tự lợi và lợi tha để tiến dần về với giác hạnh viên mãn.
2. Trì giới Ba la mật: Là giữ giới một cách viên mãn. Đó là sự duy trì giới đầy đủ cả ba tụ.
Tụ thứ nhất là Nhiếp luật nghi giới, nghĩa là Bồ tát trì giới viên mãn, khiến cho các điều ác ở nơi thân, ngữ và ý đều được đoạn trừ.
Tụ thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới, nghĩa là Bồ tát đối với tự thân thực hành đầy đủ ba mươi bảy phẩm trợ đạo, thành tựu hết thảy thiện pháp hữu lậu và vô lậu.
Do đó, Bồ tát thành tựu viên mãn hết thảy thiện vô lậu, khiến thân, ngữ, ý của Bồ tát luôn luôn an trú ở sự thanh tịnh, và chúng sanh nương dựa vào sự thanh tịnh của Bồ tát mà sống có lợi ích.
Tụ thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới, nghĩa là Bồ tát thực hành đầy đủ tứ nhiếp pháp, lục ba la mật, tứ vô lượng tâm để làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
Do thực hành trì giới, Bồ tát có năng lực nhiếp phục các ác, hưng khởi các thiện cho mình và cho chúng sanh, đưa mình và chúng sanh đi về hướng Phật đạo.
3. Nhẫn nhục Ba la mật: Là viên mãn đối với sự kiên trì, chịu đựng để đạt đến sự vững chãi của thệ và nguyện, nhằm phát triển rộng lớn bồ đề tâm.
Như vậy, Bồ tát thực hành nhẫn nhục là đạt được lợi ích ngay trong đời sống hiện tại, đó là nhiếp phục được những hận thù và giải tỏa được những nội kết giữa mình và người.
Vậy, nhẫn nhục là một trong những pháp hành nhiếp thọ chúng sanh có hiệu quả nhất và đem lại rất nhiều lợi ích cho chúng sanh.
4. Tinh tấn Ba la mật: Là viên mãn đối với sự nỗ lực. Nghĩa là Bồ tát nỗ lực thắp sáng bồ đề tâm, thực hành thệ nguyện cũng như nhiếp thọ chúng sanh không biết mỏi mệt.
5. Thiền định Ba la mật: Là viên mãn đối với sự an tịnh. Nghĩa là Bồ tát thực hành thiền định là để nhiếp phục phiền não và sở tri, để đưa tới tâm an tịnh và tuệ an tịnh, ngay giữa những phiền muộn của thế gian.
6. Trí tuệ Ba la mật: Là viên mãn đối với tuệ giác. Nghĩa là trí tuệ hiểu rõ tướng và tánh, thể và dụng, năng lực và nhân duyên, kết quả và sự tồn tại của kết quả cũng như gốc rễ và ngọn ngành chân thật của vạn hữu.
Bồ tát do thành tựu tuệ dần dần đến chỗ viên mãn, nên các vô minh lậu hoặc, cũng từ từ bị nhiếp phục và xóa sạch bởi tuệ. Do đó, những sai lầm nghiêm trọng không thể xảy ra, và những sai lầm vi tế từ từ bị nhiếp phục.
7. Phương tiện Ba la mật: Là khả năng vận dụng tài tình của Bồ tát phát khởi, sau khi thành đạt Tuệ Ba la mật.
Đây là giai đoạn Bồ tát thành tựu các phương pháp nhiếp thọ chúng sanh một cách thông minh.
8. Nguyện Ba la mật: Là viên mãn sự duy trì và thực hiện mọi tâm nguyện nhiếp thọ chúng sanh.
9. Lực ba la mật: Là viên mãn về năng lực nhiếp thọ. Nghĩa là ở giai đoạn này Bồ tát đủ năng lực và trí tuệ để vượt qua mọi khó khăn, nhằm nhiếp phục những loại chúng sanh thường vi phạm những căn bản đạo đức, có khả năng chế ngự mọi phiền não của mình, khi trực diện với những chúng sanh ác kiến và ác hạnh, có khả năng vô hạn để đáp ứng những nhu cầu vô hạn của chúng sanh, trên con đường thoát khổ, có khả năng biểu hiện dưới nhiều hình thức và một thân thể có thể hóa ra nhiều thân thể để nhiếp thọ nhiều chúng sanh trong cùng một lúc, có khả năng sống thiểu dục và tri túc giữa các nền văn minh vật chất xa hoa, có đủ năng lực làm hết thảy lợi ích cho chúng sanh, cùng một lúc trong mọi không gian và mọi thời gian, có khả năng nhiếp thọ những chúng sanh ngu si, xảo trá, hót nịnh, có năng lực áp đảo sinh tử, chứ không bị sinh tử áp đảo; có năng lực chánh niệm và tự tại trong khi xả thân và thọ thân; có khả năng thí xả mọi bảo vật; có năng lực nhiếp thọ những chúng sanh có quan điểm và xu hướng dị biệt; có năng lực diệt trừ phiền não, nhưng không một mình thể nhập Niết bàn.
Bồ tát thành tựu các năng lực lớn lao như vậy là do quá trình thực hành Bố thí ba la mật cho đến Tuệ ba la mật một cách liên tục và quyết liệt với động cơ thúc đẩy bởi bồ đề tâm qua xúc tác của thệ và nguyện.
10. Trí Ba la mật: Tức là viên mãn về sự hiểu biết. Nghĩa là biết rõ mọi hình thái sinh khởi biến diệt và không biến diệt của vạn hữu.
Trí Ba la mật hỗ trợ cho hành giả thành tựu Tuệ ba la mật. Trí ba la mật giúp cho hành giả thấy rõ mọi hình thái chân thực của vạn hữu, còn Tuệ ba la mật giúp cho hành giả thấy rõ bản chất của mọi sự hiện hữu trong từng phút giây diễn ra của sự sống.
Nói gọn: Trí ba la mật khiến cho hành giả thấy rõ bản chất của mọi sự hiện hữu cần có điều kiện của thời gian, còn Tuệ ba la mật khiến cho hành giả khi tiếp xúc hay không tiếp xúc với mọi sự hiện hữu cũng đều biết rõ ngay tự tánh và tự tướng của mọi sự hiện hữu một cách tức thì.
Với sáu ba la mật hay mười ba la mật này, Bồ tát sử dụng để nhiếp thọ khiến cho bản thân Bồ tát luôn luôn an trú ở trong chánh pháp, phẩm chất đạo đức sáng ngời, làm nơi nương tựa cho chúng sanh và nhiếp thọ chúng sanh trở về với chánh pháp.
Trong mười ba la mật, sáu ba la mật là con đường tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha của Bồ tát và bốn ba la mật sau là sự thực hành hoàn toàn thuộc về giác tha và lợi tha của Bồ tát đạo, đó là sự nhiếp thọ vì lợi ích cho hết thảy chúng sanh và sự tồn tại cũng như sự phát triển của chánh pháp.
Nếu nhiếp thọ mà không chuyển tải nội dung của ba la mật thì sự nhiếp thọ không thể thành tựu. Do nhiếp thọ có nội dung chuyển tải ba la mật, nên sự nhiếp thọ đó thành tựu qua các mặt, như Du Già Sư Địa luận* nói như sau:
1. Đốn phổ nhiếp thọ: Tức là sự nhiếp thọ trực tiếp và cùng khắp, gom thâu hết thảy chúng sanh làm thân bằng quyến thuộc trong gia đình của tâm linh.
2. Tăng thượng nhiếp thọ: Tức là sự nhiếp thọ làm tăng trưởng phẩm chất đạo đức cho mọi người tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mình.
3. Nhiếp thủ nhiếp thọ: Sự nhiếp thọ bằng cách che chở, giáo dục và bảo hộ với tư cách là một nhà giáo dục, một bậc thầy đối với học chúng.
4. Trường thời nhiếp thọ: Sự nhiếp thọ lâu dài đối với mọi người và mọi chúng sanh có căn khí chậm lụt.
5. Đoản thời nhiếp thọ: Sự nhiếp thọ ngắn hạn, tạm thời đối với những hạng loại có căn khí trung bình.
6. Tối hậu nhiếp thọ: Sự nhiếp thọ không kể thời gian, miễn làm thế nào đạt được mục tiêu tối hậu, không những chỉ đời này mà ngay cả đời sau.
Như vậy, nhiếp thọ của Bồ tát mà thành tựu chính là thành tựu nội dung của các ba la mật.
III. Nhiếp thọ không thể nghĩ bàn:
Nhiếp thọ không thể nghĩ bàn, vì đây là sự nhiếp thọ hoàn toàn thiết lập trên nền tảng của bồ đề tâm và được xúc tác bởi thệ và nguyện của một vị Bồ tát, nên ta không thể sử dụng tâm lượng phàm phu để trắc lượng, ta không thể dùng ngôn ngữ ước lệ để diễn tả và lại càng không thể sử dụng mọi tư duy hữu ngã để tư duy.
Bởi sự nhiếp thọ được đặt trên nền tảng ấy, nên sự nhiếp thọ không thể nghĩ bàn. Nó không thể nghĩ bàn, bởi vì nó liên hệ đến những điểm như sau:
1. Chánh pháp không thể nghĩ bàn:
Bồ tát nhiếp thọ là vì sự tồn tại của chánh pháp. Nhưng chánh pháp thì không thể nghĩ bàn, vì nó siêu lý luận, đến để mà thấy và được chứng nghiệm bởi kẻ trí.
Do đó, sự tồn tại của chánh pháp không phải do Bồ tát luận lý giỏi mà do Bồ tát thực hành giỏi, chính do sự thực hành giỏi về chánh pháp của Bồ tát, nên Bồ tát có khả năng hộ trì chánh pháp, khiến cho chánh pháp không bị hủy diệt.
Như vậy, chánh pháp tồn tại là tồn tại từ sự nhiếp hộ không thể nghĩ bàn của Bồ tát.
2. Lợi ích không thể nghĩ bàn:
Nhiếp thọ chánh pháp là vì lợi ích chúng sanh. Nhưng chánh pháp là không thể nghĩ bàn, thì sự lợi ích của chúng sanh từ nơi nhiếp thọ chánh pháp cũng không thể nghĩ bàn.
Nhiếp thọ chánh pháp là vì lợi ích chúng sanh, nên người nhiếp thọ chánh pháp có thể xả bỏ thân mạng và tài sản vì sự nghiệp này.
Vì do xả bỏ thân thể để nhiếp thọ, nên người nhiếp thọ sẽ thành tựu pháp thân của Như lai không thể nghĩ bàn. Vì do xả bỏ sinh mạng mà người nhiếp thọ ấy ở trong sinh tử mà siêu việt sinh tử, thông đạt hết thảy Phật pháp một cách sâu xa, không thể nghĩ bàn; và vì do xả bỏ tài sản để nhiếp thọ ấy, ở trong sinh tử mà thành tựu hết thảy công đức không thể nghĩ bàn, mọi thứ công đức của chúng sanh không thể so sánh.
3. Sự tồn tại của chánh pháp không thể nghĩ bàn:
Sự tồn tại của chánh pháp hay sự không tồn tại của chánh pháp là tùy thuộc vào nhiếp thọ hay không nhiếp thọ.
Người nhiếp thọ chánh pháp là người có khả năng tự hành và hóa tha. Tự hành tức là tự thân thực hành để chứng nghiệm sự thâm diệu của chánh pháp và sự hóa tha là khuyến khích, nâng đỡ và tạo điều kiện để người khác cũng thực hành và chứng nghiệm những thâm diệu của chánh pháp ấy.
Nhờ tự thân thực hành chánh pháp, nên người ấy có thể trở thành ngọn đèn sáng, soi chiếu trong đêm trường sinh tử và nhờ tự thân thực hành chánh pháp, mà người ấy có thể làm ngọn hải đảo an toàn cho mọi ghe thuyền trên biển đời sinh tử .
Và do tự thân thực hành chánh pháp, nên vị ấy có khả năng thiết lập chánh pháp để cứu độ chúng sanh, nhờ đó mà chánh pháp luôn luôn tồn tại, và sự tiếp nối cũng như sự tồn tại của chánh pháp từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ không gian này đến không gian khác cho đến vô tận thời gian và không gian, không có thời gian và không gian nào là không có chánh pháp.
Do đó, chánh pháp tồn tại không thể nghĩ bàn.
IV. Nhiếp thọ chánh pháp là đại nguyện chân thật:
Đại nguyện chân thật của Bồ tát khởi lên là do Bồ tát thường trực quán chiếu và thấy rõ con đường dẫn đến thế gian đầy bùn lầy sinh tử, đầy lo âu và khổ não, nhưng chúng sanh lại chen lấn và giành giựt nhau đi trên con đường nầy để kiếm tìm sương khói hạnh phúc và cuối đường chỉ còn lại đôi chân ngã quỵ cùng với nét mặt hốt hoảng, bơ phờ. Và Bồ tát cũng thường trực quán chiếu để thấy rõ con đường dẫn đến thoát ly sinh tử, con đường không còn có bụi tình ái dục, làm cho những lữ hành bị cay mắt và mù mắt; con đường không còn có hận thù và nước mắt, chỉ có nụ cười và bước chân thanh thản; con đường không còn có những nghi kỵ và sợ hãi mà chỉ là hiểu biết và cảm thông, nên Bồ tát khởi lên đại nguyện chân thật để nhiếp thọ chánh pháp, vì chánh pháp là con đường an ổn dẫn chúng sanh vượt thoát sinh tử, đi tới hạnh phúc chân thật.
Đại nguyện chân thực của Bồ tát khởi lên, là do Bồ tát thường xuyên quán chiếu sâu xa và thấy rõ chân lý tối thượng chỉ có một, đó là đệ nhất nghĩa đế hay Niết bàn tuyệt đối, nhưng lại có vô số cửa ngõ hay có vô số pháp môn để hội nhập, vì vậy mà Bồ tát phát khởi đại nguyện học hỏi vô lượng pháp môn không biết mỏi mệt. Bồ tát học hỏi vô lượng pháp môn không phải để tích lũy kiến thức, biến mình trở thành những kẻ ngụy biện mà làm chướng ngại sự hội nhập chánh pháp mà Bồ tát học hỏi vô lượng pháp môn với một đại nguyện Bồ đề, làm lợi ích và nhiếp thọ hết thảy chúng sanh vào ở trong chánh pháp.
Phu nhân Thắng Man bạch Phật: “Bồ tát có hằng sa các nguyện, hết thảy đều ở trong một đại nguyện đó là nguyện nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp mới là chân thật đại nguyện”.
Nguyện nhiếp thọ chánh pháp là nguyện bao gồm tất cả các nguyện, nên nó được xem như là đại nguyện chân thật. Và để minh họa ý nghĩa sâu xa này, Phu nhân Thắng Man nêu lên bốn ví dụ.
1. Ví dụ mây lớn và mưa:
Thắng Man Phu nhân đã dùng vầng mây lớn xuất hiện trong thời kỳ khởi thỉ của thế giới để dụ cho ý nghĩa lớn lao của sự nhiếp thọ chánh pháp về mặt phước đức và thiện căn vô lượng chuyển tải nội dung của trí tuệ.
2. Ví dụ khối nước lớn:
Thắng Man Phu nhân dùng khối nước lớn làm nẩy sinh kho tàng ba ngàn đại thiên thế giới và bốn trăm ức đủ loại các lục địa trong thời kỳ khởi thỉ của thế giới là để dụ cho ý nghĩa sâu xa này, từ nhiếp thọ chánh pháp mà sinh khởi giáo pháp đại thừa, các năng lực thần thông, các địa vị Bồ tát, sự an lạc cũng như thiện căn chư Thiên và con người… đều từ nơi nhiếp thọ chánh pháp mà lưu xuất.
Đây là dụ nội dung nhiếp thọ chánh pháp chuyển tải chất liệu của từ bi.
3. Ví dụ đất lớn:
Thắng Man Phu nhân đã dùng sự đảm nhận của quả đất đối với biển cả, núi rừng, cỏ cây và chúng sanh để ví dụ cho bốn trọng trách trong ý nghĩa sâu xa của nhiếp thọ chánh pháp.
Trọng trách thứ nhất là thiết lập Nhân thừa và Thiên thừa để nhiếp phục những chúng sanh thiếu căn bản đạo đức và hiểu biết.
Trọng trách thứ hai là thiết lập Thanh văn thừa để đáp ứng và nhiếp phục những ai có nhu cầu học hỏi chánh pháp và khát vọng đời sống giải thoát.
Trọng trách thứ ba là thiết lập Duyên giác thừa để đáp ứng cho những ai có nhu cầu tự độ và tự mình chứng nghiệm đời sống giải thoát.
Trọng trách thứ tư là thiết lập Bồ tát thừa hay Đại thừa để đáp ứng cho những ai có ý chí và phát khởi tâm nguyện rộng lớn, không những tự mình tu tập để chứng nghiệm đời sống giải thoát mà còn khuyến khích, giáo hóa và có khả năng sử dụng vô số phương tiện để nhiếp phục chúng sanh đưa họ trở về với Phật đạo nữa.
Người nhiếp thọ chánh pháp với trọng trách như vậy, ví như bà mẹ hiền đem khả năng chịu đựng để chuyên chở và làm sinh trưởng hết thảy thiện căn cho đàn con, cũng giống như quả đất đem lực chịu đựng để chuyên chở biển cả, núi rừng, cây cỏ và muôn loài vậy. Đây là dụ cho sự kiên nhẫn của nhiếp thọ chánh pháp.
4. Ví dụ kho báu:
Thắng Man Phu nhân đã sử dụng bốn loại kho báu gồm: vô giá, thượng giá, trung giá và hạ giá ở trong lòng đất như: như ý bảo châu là vô giá, ngọc trai là thượng giá, vàng là trung giá và thiếc, đồng… là hạ giá để ví dụ cho Nhân thừa và Thiên thừa là hạ giá, Thanh văn thừa và Duyên giác thừa là trung giá, Bồ tát thừa là thượng giá, Nhất thừa hay Phật thừa là vô giá. Và tất cả các thừa ấy đều được hàm chứa và biểu hiện từ nhiếp thọ chánh pháp để sinh khởi và nuôi lớn hết thảy thiện căn cho hết thảy chủng loại chúng sanh.
Đây là dụ cho thành quả của sự nhiếp thọ chánh pháp.
Như vậy, nhiếp thọ chánh pháp là đại nguyện chân thật, nó từ bồ đề tâm mà vận khởi trí và bi, rồi kiên trì hành động không biết mỏi mệt và cuối cùng thành tựu kết quả chân thật của sự nhiếp thọ chánh pháp.
V. Thể và dụng của nhiếp thọ:
Bản thể của nhiếp thọ chánh pháp, chính là bản thể thanh tịnh của đại bi. Bản thể ấy thường trú và hiện hữu ngay ở nơi các pháp sinh diệt. Bản thể ấy chính là pháp thân thanh tịnh. Bồ tát không hủy diệt bản thể ấy bằng sự thối thất bồ đề tâm; không hủy diệt bản thể ấy bằng những tâm ý độc hại; bằng những tâm ý tham lam chiếm đoạt tất cả những tài sản có giá trị tinh thần và vật chất của chúng sanh; không khởi tâm kiêu mạn, tật đố, ganh tỵ, bỏn sẻn với chúng sanh; vì chúng sanh mà tích lũy tài sản, chứ không tích lũy tài sản riêng cho chính mình; vì hạnh phúc của chúng sanh, mà nỗ lực học hỏi và thực hành các thiện pháp một cách liên tục không biết mỏi mệt. Và tác dụng của nhiếp thọ chánh pháp là luôn luôn chia xẻ cho chúng sanh bất cứ cái gì mà mình có thể chia xẻ được như, những tài sản thuộc về vật chất lẫn tinh thần, chia xẻ những lời nói chân thật, không hư ngụy, sẵn sàng hành động để cứu giúp mọi người, không để cho họ bị thiệt hại về mặt vật chất cũng như bi thiệt hại về những giá trị tinh thần; sẵn sàng giúp đỡ cho họ xoay chuyển từ ác nghiệp hướng về thiện nghiệp, từ nhận thức sai lầm trở về với chánh kiến; sẵn sàng hỗ trợ cho những ai muốn thăng hoa, nhưng thiếu phương tiện học hỏi và thực tập, và Bồ tát không từ chối bất cứ sự truyền thông và truyền tin nào đúng với sự thật cho những ai đang bị bưng bít để tái lập sự hiểu biết chân thật cho họ, và tác dụng sau cùng của nhiếp thọ chánh pháp là giúp cho mọi người được nhiếp thọ đạt đến sự hiểu biết toàn diện, sự an ổn cao nhất là Niết bàn tuyệt đối. Nên, chánh pháp là bản thể đại bi và nhiếp thọ chánh pháp là từ nơi bản thể đại bi mà biểu hiện.
Trong kinh Thắng Man, Phu nhân bạch Thế Tôn rằng: “… Nhiếp thọ chánh pháp không khác chánh pháp, không khác biệt chánh pháp. Chánh pháp chính là nhiếp thọ chánh pháp… Nhiếp thọ chánh pháp không khác biệt Ba la mật, Ba la mật không khác biệt nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp chính là Ba la mật”.
Như vậy, theo Thắng Man Phu nhân, chánh pháp là bản chất của nhiếp thọ và nhiếp thọ là công năng hay là tác dụng của chánh pháp.
Bản chất và công năng đó được cụ thể hóa qua con đường thực hành các Ba la mật.
Sự nhiếp thọ nhờ chuyển tải nội dung các Ba la mật, nên tác dụng của nhiếp thọ đối với hết thảy chúng sanh có kết quả.
Mỗi khi tác dụng đã chuyển tải bản chất, thì tác dụng ấy chính là bản chất; tác dụng ấy không khác biệt bản chất, nó tồn tại là tồn tại với bản chất của nó, mà không bao giờ có sự tách biệt.
Bởi vậy, Thắng Man Phu nhân nói: “Nhiếp thọ chánh pháp không khác chánh pháp, không khác biệt chánh pháp, chánh pháp chính là nhiếp thọ chánh pháp”.
Và nhiếp thọ chánh pháp bằng sự không tách rời khỏi các Ba la mật, tức là không rời khỏi Bồ tát đạo. Nhờ thực hành Bồ tát đạo với những phương tiện thiện xảo của nó, khiến cho chúng sanh được thành thục ở trong Phật đạo.
Bởi vậy mà Thắng Man Phu nhân nói: “Nhiếp thọ chánh pháp không khác biệt Ba la mật; Ba la mật không khác biệt nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp chính là Ba la mật”.
VI. Con người nhiếp thọ chánh pháp.
Trong kinh điển A Hàm và Nikàya đức Thế Tôn định nghĩa Như Lai như sau: “Những gì Như Lai đã làm, Như Lai mới nói- những gì Như Lai nói là Như Lai đã làm, nên gọi là Như Lai”. Cũng vậy, con người nhiếp thọ chánh pháp, người ấy phải có nội dung của chánh pháp để nhiếp thọ. Người ấy là người phải có đời sống của chánh pháp.
Đời sống của chánh pháp là đời sống buông bỏ mọi tham dục, buông bỏ mọi chấp ngã, biết rõ thế gian là hư ảo, nên không tham ái trước bất cứ một cái gì của thế gian dù là thân mạng hay tài sản, vì vậy biết chúng là giả hợp, nên không chấp thủ nó. Nhờ vậy mà tự thân của người nhiếp thọ chánh pháp có đời sống tự tại và tự do.
Vị ấy tự tại đối với hệ lụy của các dục và tự do đối với những áp bức của sinh tử hay áp bức của vô minh. Do đó, vị ấy đủ năng lực đem thân và tâm để phụng sự chánh pháp bằng cách nhiếp thọ, khiến cho hết thảy chúng sanh đều được thành thục những lợi ích ở trong chánh pháp.
Bởi vậy, Thắng Man Phu nhân nói: “Nhiếp thọ chánh pháp, người nhiếp thọ chánh pháp là không khác biệt với nhiếp thọ chánh pháp. Người không khác biệt với nhiếp thọ chánh pháp là người thiện nam hay thiện nữ nhiếp thọ chánh pháp, chính là nhiếp thọ chánh pháp”.
Nói gọn: Không có chánh pháp thì không có con người nhiếp thọ và không có con người nhiếp thọ thì không có chánh pháp.
Nên, chánh pháp và con người nhiếp thọ chánh pháp, cả hai không tách rời nhau, chúng có mặt trong nhau. Người nhiếp thọ chánh pháp được xem như là mặt biểu hiện cụ thể của chánh pháp và chánh pháp là chiều sâu và chiều cao của con người nhiếp thọ.
Do đó, chánh pháp và người nhiếp thọ chánh pháp không thể tách rời nhau, chúng luôn luôn có mặt trong nhau và hỗ trợ nhau.
Và vào thời kỳ mà chánh pháp sắp sửa hủy diệt là thời kỳ nào và người nhiếp thọ chánh pháp phải làm gì trong thời kỳ ấy?
Thời kỳ mà chánh pháp sắp sửa hủy diệt là thời kỳ được Thắng Man Phu nhân mô tả như sau: “… Khi chánh pháp gần hủy diệt, tỷ khưu, tỷ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di kết thành bè đảng, tranh cãi, kiện tụng, chia rẽ nhau…”
Họ kết thành bè phái, chia rẽ, kiện tụng và tranh chấp nhau là do họ không còn thiết lập đời sống của họ trên chánh pháp mà trên tà pháp, không sống trên chánh mạng mà sống trên tà mạng và mọi sự học hỏi của họ không được thiết lập trên nền tảng của chánh kiến mà thiết lập trên tà kiến, đó là những điều kiện tất yếu khiến cho chánh pháp sớm bị hủy diệt, không phải do thiên ma ngoại đạo mà do các đệ tử Thế Tôn đã học hỏi và thực hành sai lạc chánh pháp.
Hay nói cách khác, khi nào và ở đâu mà sự nhiếp thọ chánh pháp và con người nhiếp thọ chánh pháp là hai thực thể cá biệt, riêng lẽ không ăn nhập vào nhau, thì lúc đó và ở đó chánh pháp sắp bị hủy diệt. Và lúc nào cũng như ở đâu nhiếp thọ chánh pháp và con người nhiếp thọ chánh pháp đan xen vào nhau tạo thành một thực thể sống động bất khả phân, thì ở đó và lúc đó chánh pháp được hưng thạnh và tồn tại đúng chân nghĩa của nó. Thắng Man Phu nhân nói: “Người nhiếp thọ chánh pháp, người đó phải là con người phải biết sử dụng đức tính chân thật, đức tính ngay thẳng, đức tính không dối trá, đức tính không hư ngụy, đức tính ái kính và ái hộ chánh pháp để nhiếp thọ chánh pháp”.
Đây là những đức tính hết sức quan trọng trong sự nghiệp nhiếp thọ chánh pháp. Nếu không có những đức tính này, thì người nhiếp thọ chánh pháp chỉ là những xác chết vô hồn, không tạo ra được một sinh lực thánh thiện nào cho chính họ và những người có căn duyên với họ.
Do đó, ở trong thời kỳ chánh pháp sắp bị hủy diệt bởi các tỷ khưu, tỷ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di chia bè kết đảng để tranh danh đoạt lợi, kiện cáo nhau thì người nhiếp thọ chánh pháp phải sống bằng đức tính chân thật không dối trá, không hư ngụy của mình, thì người đó mới có khả năng gia nhập trong cộng đồng bảo vệ chánh pháp. Với ý nghĩa này Thắng Man Phu nhân nói như sau: “Những ai gia nhập ở trong bằng hữu của chánh pháp chắc chắn họ sẽ được đức Phật thọ ký”.
Bằng những đức tính chân thật, không hư ngụy, người ấy đủ điều kiện để gia nhập vào cộng đồng duy trì và bảo vệ chánh pháp. Và người đó chắc chắn được đức Phật ấn chứng.
VII. Hứa khả, xác chứng và khích lệ.
Điểm nổi bật của Thắng Man Phu nhân ở trong chương nhiếp thọ, là mỗi lần Phu nhân trình bày từng ý nghĩa của nhiếp thọ đều nương nhờ vào uy lực của đức Thế Tôn và thỉnh cầu Ngài cho phép, và mỗi lần thỉnh cầu của Phu nhân đều được đức Thế Tôn hứa khả rằng: “Con hãy nói, ta sẽ lắng nghe”.
Phu nhân Thắng Man nói: “Bồ tát có hằng sa ước nguyện, hết thảy đều ở trong một đại nguyện đó là nguyện nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp mới chân thật là đại nguyện”.
Sau khi Phu nhân Thắng Man nói như vậy, Phu nhân đã được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có trí tuệ phương tiện rất sâu thẳm, đã gieo trồng thiện căn lâu dài. Lời nói của Phu nhân về chân thật đại nguyện là khế hợp với sự nhiếp thọ chánh pháp mà chư Phật ba đời đã nói, đang nói và sẽ nói. Và nó cũng phù hợp với sự nhiếp thọ chánh pháp mà đức Thế Tôn đã đang và sẽ trình bày.
Như vậy, sự trình bày nhiếp thọ chánh pháp của Phu nhân Thắng Man có tính cách căn để và phổ quát đã được đức Thế Tôn khen ngợi và ấn chứng.
Và để minh họa ý nghĩa sâu rộng của nhiếp thọ chánh pháp, Thắng Man Phu nhân đã đưa ra bốn ví dụ là mây, nước, đất và kho tàng để cụ thể hóa ý nghĩa này.
Đồng thời Thắng Man Phu nhân cũng trình bày sự không khác biệt giữa tính và dụng của sự nhiếp thọ chánh pháp, sự không khác biệt giữa chánh pháp và con người nhiếp thọ, và điều thú vị hơn nữa là Thắng Man Phu nhân đã tiên liệu được thời kỳ xuống cấp của chánh pháp và sự biến chất thê thảm của hàng xuất gia và tại gia dưới danh nghĩa đệ tử của Thế Tôn.
Đứng trước tình trạng này, người nhiếp thọ chánh pháp theo Thắng Man Phu nhân là phải an trú vào đức tính chân thật không hư ngụy để nhiếp thọ chánh pháp.
Những trình bày về ý nghĩa căn để và phổ quát, sâu xa và cụ thể về nhiếp thọ chánh pháp của Phu nhân Thắng Man đều được đức Thế Tôn ấn chứng rằng: “Hỡi Phu nhân Thắng Man, thật đúng như vậy! Đúng như những lời con nói về năng lực tinh tấn lớn lao của sự nhiếp thọ chánh pháp”.
Và sau đó đức Thế Tôn đưa ra ví dụ để ấn chứng cho ý nghĩa rộng lớn và năng lực vô biên của sự nhiếp thọ chánh pháp mà Phu nhân Thắng Man đã trình bày. Ba ví dụ ấy như sau:
1. Đại lực sĩ: Một đại lực sĩ đụng chạm vào một chút xíu nơi thân thể của một người, người ấy đã cảm thấy đau đớn khổ não vô cùng.
Cũng vậy, chỉ cần một chút xíu của nhiếp thọ chánh pháp cũng làm cho ma quân vô cùng khổ não.
2. Trâu chúa: Đối với trâu chúa mọi con trâu khác không thể nào so sánh.
Cũng vậy, những gì tốt đẹp do sự nhiếp thọ chánh pháp của Đại thừa đem lại, thì các điều thiện của các thừa khác không thể so sánh bằng một chút xíu nào.
3. Núi Tu di: Núi Tu di cao, rộng, lớn và uy nghiêm vượt hẳn các núi khác không thể so sánh dù một chút xíu.
Cũng vậy, sự xả bỏ thân mạng, tài sản của Đại thừa với tâm không thủ trước để nhiếp thọ chánh pháp, thì các thừa khác không thể so sánh.
Sau phần ấn chứng của đức Thế Tôn đối với ý nghĩa căn để và phổ triển của sự nhiếp thọ chánh pháp do Phu nhân Thắng Man trình bày, Ngài còn khích lệ Thắng Man thực hành và đức Thế Tôn cũng sẽ trình bày ý nghĩa lợi ích và công đức không thể nghĩ bàn của sự nhiếp thọ chánh pháp.
Nhiếp thọ chánh pháp là khiến cho chánh pháp tồn tại mãi mãi giữa thế gian để đem lại lợi ích và nuôi lớn thiện căn cho hết thảy muôn loài.
VIII. Kết Luận.
Nói tóm lại, cốt lõi của nhiếp thọ chánh pháp là để duy trì và phát triển ý nghĩa sâu xa của chánh pháp làm nơi trú ngụ an toàn cho hết thảy chúng sanh.
Ta không thể ngồi yên, để chấp tay cầu nguyện cho chánh pháp trường tồn, hay dua nịnh với mọi quyền lực của thế gian để hy vọng chánh pháp được sáng ngời, mà ta phải có cái nhìn của chánh pháp và phải biết biến cái nhìn ấy trở thành hành động hay đời sống của chánh pháp.
Chánh pháp không thể nào biểu hiện một cách cụ thể, khi những kẻ mệnh danh bảo vệ chánh pháp lại là những kẻ sống bằng đời sống cố chấp, hư ngụy, tà kiến, kiêu mạn và tà mạng. Và chánh pháp không bao giờ bị hủy diệt hay sáng ngời bởi những tà thuyết, tà pháp và phi pháp.
Tự thân của chánh pháp là chân thật, sáng ngời, bất khả hoại, nên những vị nhiếp thọ chánh pháp luôn luôn an trú ở trong phẩm tánh chân thật của tâm bồ đề để nhiêu ích cho tự thân và mọi người. Và từ tâm ấy mà khởi lên bi trí hóa độ và nhiếp thọ chúng sanh, khiến cho tất cả oán thân đều được thường trú ở trong chánh pháp.
Tóm lại, bất cứ ở đâu và lúc nào, ý nghĩ, lời nói và hành sử của ta, thiếu phẩm tính chân thật của tâm bồ đề, ta không thể tồn tại ở trong chánh pháp và mất hẳn tính chất căn bản ấy, ta không còn là sứ giả nhiếp thọ chánh pháp để đem lại an lạc cho tự thân và lợi ích cho muôn loài.

* Du Già 48 – trang 563b 29, Đại Chính 30.

Web http://www.hoangphap.info ( Ấn bản )

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang