· Đến với nhau:
Kính thưa quí vị trong Hội Đồng Dòng Thánh ;
Kính thưa quý Xơ đang có mặt trong khung cảnh ấm cúng đạo vị này !
Thưa quí vị, hôm nay là ngày 16 tháng 12 năm Mậu Dần, tức là ngày 01 tháng 02 năm 1999, tại dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chúng tôi đáp ứng lời mời và lòng mong mỏi của quí vị là muốn chúng tôi chia sẻ giáo lý Phật giáo và những kinh nghiệm tu học của tu sĩ Phật giáo đến với quí vị, nên chúng tôi có mặt hôm nay với quí vị.
Thưa quí vị ! Trong kinh A Hàm, cũng như kinh Nikāya, đức Phật chúng tôi có dạy : “Ngài xuật hiện trong cõi đời này là vì hạnh phúc và an lạc của chư thiên và loài người”
Thưa quí vị ! Làm thế nào để trong đời sống của chúng ta có hạnh phúc và an lạc ? Đó là vấn đề. Bời vì đau khổ là một sự thực trong cuộc sống con người, thì hạnh phúc và an lạc cũng là một sự thực trong cuộc sống con người.
Thưa quí vị ! Chúng ta là những tu sĩ Phật giáo và tu sĩ Thiên Chúa Giáo, cho nên chúng ta gặp nhau rất nhiều điểm :
- Điểm thứ nhất là chúng ta gặp ở trong đời sống của một tu sĩ.
- Điểm thứ hai là chúng ta gặp nhau trên phương diện của những người có Tôn giáo, có niềm tin.
- Điểm thứ ba là chúng ta đến với nhau trên tình cảm của một con người. Chúng ta đến với nhau là đến giữa con người với con người, giữa những con người có niềm tin Tôn giáo với nhau. Chúng ta đến với nhau là để giúp nhau thăng hoa đời sống từ thấp lên cao. Đó là những lý do khiến chúng ta đi đến với nhau mà không có một cái gì trở ngại.
Thưa quí vị ! Trước hết, chúng tôi muốn nói với quí vị rằng, giáo lý Phật giáo đề cập đến rất nhiều vấn đề, nhưng chúng tôi đến đây để chia sẻ giáo lý Phật giáo với quí vị vài tiếng đồng hồ, thì không ăn thua vào đâu cả. Tuy nhiên, giáo lý Phật giáo nó liên hệ móc xích, vấn đề này liên hệ với vấn đề khác, cho nên muốn tháo gỡ những móc xích này thì mình phải tháo gỡ những móc xích khác, muốn hiểu móc xích này, thì mình phải hiểu những móc xích khác. Do đó, sáng nay chúng tôi muốn chia sẻ đến quí vị pháp môn nghe chuông. Chúng tôi nghĩ rằng, pháp môn nghe chuông cũng được quí vị đang hành trì và thực hành mỗi ngày.
· Người có đường về :
Thưa quí vị ! Có một vài đảng viên Cộng sản, họ đến chùa tâm sự với tôi rất là tội và tôi rất thương họ. Họ nói rằng, mấy thầy, mấy cha, mấy cô, mấy xơ sướng lắm, còn chúng tôi một đôi khi có cảm giác bơ vơ trong cuộc sống. Bấy giờ tôi hỏi vì sao mà quí vị lại nói như thế ? Quí vị ấy đáp : Bởi vì, mỗi buổi sáng khi nghe chuông chùa, chuông nhà thờ rung thì quí thầy, quí sư cô, quí cha, quí xơ trở vê tiếp nhận một sức sống mới từ nơi Đức Phật, từ nơi Thượng Đế, để chuẩn bị cho mình một ngày rất đẹp. Còn chúng tôi là đảng viên cộng sản, cả ngày chúng tôi lo lăng xăng với công việc, nhưng mà buổi tối thì chúng tôi không có đường về của tâm linh, do đó chúng tôi cảm thấy mình là những người đang bơ vơ trong cuộc sống. Chúng tôi nhận ra rằng, người hạnh phúc nhất ở trên đời này phải là mấy thầy, mấy cha, mấy cô, mấy xơ…Họ nói với tôi như vậy, tôi nghĩ không biết họ nói như vậy mà mình có được như vậy không ?... (Tiếng cười giòn vang lên)
Bấy giờ tôi cười và nói với họ : Cũng không sao cả, tuy quí vị là đảng viên cộng sản thì ban ngày đi làm việc, còn buổi tối quí vị cứ nghe chuông : Nếu vị nào có duyên nghe chuông chùa thì nghe, vị nào có duyên nghe chuông nhà thờ thì nghe, ai mà cấm mình nghe được! Điều quan trọng là mình có chịu lắng nghe hay không mà thôi. Và tôi có nói với họ rằng : Nếu mình không tạo ra một cõi Phật từ nơi tâm hồn mình, thì cõi Phật hiện thực sẽ không bao giờ xảy ra trong đời sống hiện tại và tương lai ; Không tạo ra một cõi Chúa từ nơi tâm hồn của mình, thì cõi Chúa sẽ không bao giờ có mặt trong đời sống hiện tại và tương lai. Và nếu mình không tự tạo ra cho mình một thiên đường cộng sản ở nơi tâm hồn, thì thiên đường cộng sản cũng không bao giờ có mặt một cách hiện thực. Cho nên, vấn đề là mình có tạo được tất cả những gì tốt đẹp ở nơi tâm của chính mình hay không.
Và tôi có nói với họ rằng : Chúng tôi không phải là những nhà duy vật và duy tâm cực đoan, chúng tôi chỉ nói lên sự thật.
Đương nhiên giữa đời này tâm và vật đều có giá trị nhất định của nó, mình không nên đề cao cái này bỏ cái kia, mình phải biết chấp nhận sự có mặt của cả hai để có thể tạo ra được sự an lạc trong đời sống.
· Phiền não tan mây khói :
Thưa quí vị ! Bây giờ chúng ta sẽ tập nghe chuông xem thử sao. (Thính giả lên tiếng cười)
Khi chúng tôi thỉnh một tiếng chuông ngân lên, thì đây không phải là tiếng chuông chùa và cũng không phải là tiếng chuông nhà thờ, nhưng tùy theo cách mình nghe như thế nào thì chuông sẽ đi vào trong tâm thức của mình như thế ấy. Thành thử tôi thỉnh tiếng chuông là quí vị tập trung tâm ý theo dõi hơi thở để đưa tiếng chuông đi vào trong lòng của mình. Khi tiếng chuông thực sự đi vào trong lòng mình rồi, thì mọi u uất, rộn ràng, tầm thường trong tâm thức của mình sẽ lắng xuống, lúc đó sự tĩnh lặng sẽ trả về cho ta một trạng thái bình yên của một con người nguyên vẹn.
Chúng tôi sẽ xưng tán bài kệ trước khi thỉnh chuông. Quí vị ngồi ngay thẳng và thật là thoải mái để lắng nghe.
“Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng thân an miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi”.
Thưa quí vị! Sau khi chúng ta nghe chuông với một tâm hồn hoàn toàn tỉnh thức, thì tiếng chuông sẽ đi sâu vào ở trong tâm thức chúng ta. Tiếng chuông của thế giới hiện tượng không còn tồn tại, nhưng tiếng chuông trong tâm thức vẫn còn mãi mãi trong mỗi chúng ta.
Phiền não, tiếng Phạn gọi là kleśa. Kleśa có nghĩa là cái làm cho mình trở ngại trên con đường đi tới an lạc và hạnh phúc. Phiền não khiến ta không tiếp xúc được với an lạc và hạnh phúc. Kleśa cũng có nghĩa làm cho cuộc sống trở nên oi bức, khó chịu đưa đến đời sống mất hạnh phúc, an lạc.
Cho nên, khi nghe chuông với một tâm hồn tỉnh thức thì tiếng chuông đó mới có khả năng hóa giải những u uất, khúc mắc trong tâm hồn chúng ta. Vì chính những oi bức trong tâm hồn đó đã làm cho mình không đi đến được với nhau, không tạo cho nhau những chất liệu hạnh phúc, an lạc trong cuộc sống hằng ngày.
Tiếng chuông ngân lên là để đưa mình trở về với chính mình, khiến cho mình có chủ quyền thực sự trong đời sống hằng ngày của mình. Một đôi khi, mình nói điều gì, làm việc gì mà hậu quả lại xảy ra mình không biết, thì nhờ tiếng chuông sẽ đưa mình trở về một cách thực sự để biết được điều đó. Và điều này tại tu viện Từ Hiếu chúng tôi đang thực tập hằng ngày và đã có kết quả rất lớn. Cho nên, nghe tiếng chuông phiền não sẽ tan thành mây khói. Nhưng, thưa quí vị! Nếu mình có tâm hồn thơ mộng một chút, thì khi phiền não đã tan thành mây khói và bấy giờ chúng ta nhìn mây, nhìn khói cũng đẹp lắm. Có nhiều lúc nhìn thế giới hiện thực mình cũng ngao ngán, thỉnh thoảng ta nhìn lên bầu trời, thấy trời xanh mây trắng bay cũng đẹp lắm chứ! Cho nên, mây khói không phải là đối tượng để mình nhàm chán, nếu mình có chánh niệm tỉnh giác, thì mình nhìn mây khói vẫn đẹp như thường. Cái quan trọng ở chỗ là tâm mình có yên lắng được hay không, khi chúng ta nhìn những hiện tượng mây khói ấy trong cuộc đời.
· Miệng mỉm cười và nghe chuông:
“Ý lặng thân an miệng mỉm cười”, mình có thể cười với nụ cười thanh thoát được, khi nào tâm của mình ở trong trạng thái an tịnh.
Thưa quí vị! Tại sao chúng ta chỉ cười mỉm thôi mà không cười xòa cho khỏe? Bởi vì, khi ta đang vui với cái gì đó, mà ta cười xòa lên một tiếng, chứng tỏ rằng, ta đã đánh mất ta trong khi vui. Cho nên khi nghe chuông, mình mỉm cười, cũng có nghĩa là mình có sự tự chủ trong khi cười và nụ cười đó là nụ cười của bậc Thánh, nụ cười của những con người đã vượt lên được những cái buồn, vui tầm thường của trần thế.
Trong Phật giáo chúng tôi có bốn nụ cười mang bốn trạng thái khác nhau:
Nụ cười thứ nhất thuộc về Khổ để: Nghĩa là vì khổ quá cho nên cười. Nụ cười ấy, gọi là nụ cười bế tắc không có lối thoát.
Nụ cười thứ hai là nụ cười Tập đế: Tức là nụ cười thấy rõ được nguyên nhân đưa tới khổ đau.
Nụ cười thứ ba thuộc về Đạo đế: Nghĩa là nụ cười của những người đang đi trên con đường thong dong, tự tại của bậc Thánh. Nhìn người khác đả kích, châm biếm mình, nhưng mình vẫn mỉm cười. Mình cười như vậy không phải là mình cười chệch hướng, mà mình cười là bởi vì mình thương người ta. Tại sao người đó lại nói như thế? Tại sao họ lại buông ra những lời nói có tính cách nội kết, chia rẽ như vậy? Mình phải thương họ mà cười, nụ cười đó, gọi là nụ cười Đạo đế.
Nụ cười thứ tư là nụ cười Diệt đế: Diệt tức là vắng lặng, trầm tĩnh… Đế tức là sự thật…
Vậy, nụ cười Diệt đế là nụ cười ở trạng thái an lạc và bình thản trong tâm hồn. Nụ cười của Diệt đế là nụ cười không còn bị tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, tình dục của cuộc đời cám dỗ. Nụ cười Diệt đế là nụ cười dù đứng trước một đống tiền lớn cũng không hề lay động, mà luôn luôn bảo vệ được lý tưởng của mình.
Mình là một tu sĩ, mình phải biết sống đời sống thiểu dục, tri túc. Cho nên, cái gì có thể thích hợp với đời sống tu sĩ thì mình nên mỉm cười và an trú ở đó. Vẫn biết rằng, người đời sẽ cho mình dại, nhưng cái dại hơn là chính họ không hiểu được đời sống thiểu dục, tri túc.
Quí vị biết rằng, chúng tôi là những tăng sĩ tại tu viện Từ Hiếu, mỗi lần chúng tôi đưa các tăng sinh đi làm ruộng ở Tây Linh, và những lúc đang làm việc, nhưng khi nghe tiếng chuông nhà thờ Tây Linh rung lên, thì tất cả chúng tôi hoàn toàn dừng lại các công việc đang làm, để theo dõi hơi thở, thân và tâm an trú một trăm phần trăm trong sự bình an, để đưa tiếng chuông đi vào lòng. Và khi chúng tôi đang giảng dạy mà tiếng chuông đồng hồ vang lên, chúng tôi cũng dừng lại, theo dõi hơi thở để trở về lại với chính mình. Do đó, bất cứ trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể thực tập trở về với chính mình được cả. Ta thực tập là ta đưa hơi thở nương chuông đi về với chánh niệm.
· Người yêu giản dị và thủy chung:
Quí vị biết không? Một hôm có một số người Tây phương gồm nhiều nước đến thăm tu viện Từ Hiếu. Họ đã gặp tôi nói chuyện và hỏi chúng tôi nhiều vấn đề về cách sống trong Phật giáo. Sau khi trao đổi xong, tôi mỉm cười và hỏi họ như thế này: Theo các bạn trong cuộc sống cái gì là quan trọng nhất? Có người trả lời rằng: Trong đời sống có nhà cửa, vợ con, công danh, sự nghiệp là quan trọng; Hoặc là có nhiều tiền của…mới là quan trọng v.v… Mỗi người có một cách trả lời riêng của mình, nhưng chung qui cũng không ngoài ý nghĩ trên.
Bấy giờ họ lại hỏi tôi: Thế thì theo thầy, trong cuộc sống cái gì là quan trọng? Tôi mỉm cười và trả lời với họ: Vẫn biết trong cuộc sống nhà cửa, xe cộ, tiền tài… là quan trọng, nhưng đó mới chỉ là quan trọng thứ yếu. Cái quan trọng nhất chính là hơi thở. Nếu trong đời sống của các bạn mà hơi thở không còn, thì tất cả những gì đang có của các bạn đều trở thành vô nghĩa.
Như vậy, theo chúng tôi thì hơi thở mới là then chốt của sự sống. Hơi thở của các bạn trung thành với các bạn một trăm phần trăm, nhưng có khi nào các bạn để ý đến nó chưa? Bởi vì bạn đi đâu, ở đâu hơi thở luôn luôn có mặt với bạn ở đó. Vậy, các bạn không thấy được hơi thở đang có mặt với bạn thì các bạn thấy được cái gì trong cuộc sống? Và nếu các bạn không biết chăm sóc và nuôi dưỡng hơi thở của mình, thì làm sao các bạn có thể yêu cuộc đời, yêu mọi người và yêu thiên nhiên? Nếu nhận diện được hơi thở của mình thì các bạn mới có tình yêu thiên nhiên một cách tha thiết. Hơi thở gắn liền với thiên nhiên, nếu thiên nhiên bị ô nhiễm thì hơi thở cũng bị ô nhiễm. Và tôi có nói với họ rằng, trong các loại thức ăn thì hơi thở là thức ăn bổ dưỡng nhất. Vì sao? Bởi vì thức ăn đó không cần đi qua bộ phận tiêu hóa, nó đi thẳng vào cơ thể và nuôi dưỡng cơ thể một cách trực tiếp. Vì vậy, các bạn qua Việt nam và gặp chúng tôi là những tu sĩ, chúng tôi nói rằng, hơi thở là bảo vật quí giá nhất trong đời sống. Khi những vị ấy nghe chúng tôi nói như vậy, họ rất ngạc nhiên và im lặng.
Có những người ở đời nghĩ rằng, đời sống của chúng tôi chắc là cô đơn lắm! Nhưng, sự suy nghĩ của họ như vậy là không đúng. Bởi vì, chúng tôi đã có một người yêu đích thực của chúng tôi rồi, người yêu đích thực ấy của chúng tôi, chính là hơi thở. Và chính người yêu đó, khi tôi đi đâu là nó theo đó – tôi ngủ nó giúp tôi ngủ; tôi thức nó cũng giúp tôi thức; Tôi ăn nó cũng giúp tôi ăn; Tôi nói nó cũng giúp tôi nói; tôi cười nó cũng giúp tôi cười,… Hơi thở đã đem lại cho tôi niềm vui sống một cách trực tiếp. Vì vậy, tôi yêu hơi thở và hơi thở yêu tôi.
· Hãy đứng dậy từ tâm hồn và đôi chân:
Chánh niệm là trở lại với chính mình có ý thức và biết rõ được những gì đang xảy ra trong từng giây phút ở hiện tại. ví dụ: khi mình đang đi, đứng, nằm, ngồi… mình ý thức được rằng mình đang đi, đứng, nằm, ngồi… có nghĩa là ý thức và hơi thở quyện với nhau làm một và sáng trong hoàn toàn, đó gọi là chánh niệm. Cho nên, khi nghe chuông phải có chánh niệm, chúng ta mới có khả năng nghe được tiếng chuông khi ngân lên, lắng xuống, tan dần ở trong không gian vật lý và tâm thức.
Ta nghe chuông giỏi là khi đi đâu, ở đâu và lúc nào, cũng có thể thực tập chánh niệm được cả. Riêng tôi, tôi thấy cuộc đời càng gập ghềnh, lên xuống khó khăn bao nhiêu, thì sự tu tập càng thấy thú vị bấy nhiêu. Chúng ta là những người đang đi trên con đường tuệ giác, nên người đời không thể nào cản trở được. Người tu, không nên đổ lỗi cho người này người kia; người tu không nên nói tại vì, bời vì… cái quan trọng là mình có ưa tu hay không. Nếu ta nói tại vì, bởi vì, do cái này và cái kia là ta hèn yếu, mình hèn yếu thì mình sẽ ngã quị trước mọi hoàn cảnh. Người tu, mình không thể hèn yếu và không thể ngã quị, và nếu có ngã quị, thì mình phải biết đứng dậy, bằng chính tâm hồn và đôi chân của mình.
· Thương là phải hành động:
Tu tập chánh niệm là mình sẽ nhận diện được một cách rõ ràng trong tâm mình có nhiều loại hoa. Có những loại hoa tạm thời, tồn tại rất mong manh, ta biết vậy, nên không cần chăm sóc, nuôi dưỡng nó, ta chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng những loài hoa rất đẹp, rất quí. Khi những loài hoa đẹp và quí ấy đã nở ra ở trong tâm mình và trong đời sống hằng ngày của mình, thì đời sống của mình rất đẹp và không còn khổ đau nữa. Loài hoa đó, trong Phật giáo chúng tôi, gọi là hoa tuệ giác, tức là bông hoa của trí tuệ giác ngộ.
Đạo đức học Việt Nam có câu: “Thương người như thể thương thân”, có nghĩa là mình ý thức được thân của mình chính là thân của mọi người, và thân của mọi người chính là thân của mình. Mình đừng nghĩ rằng, nỗi đau hay sự bình an của mình không liên hệ đến nỗi đau và sự bình an của kẻ khác. Vì vậy, muốn có bình an thì mình phải nỗ lực làm cho cuộc đời bình an, bằng cách làm nở ra những bông hoa tuệ giác vốn có ở nơi tâm hồn của chính mình. Bông hoa tuệ giác là bông hoa có hai chất liệu của hiểu biết và thương yêu. Vì thế, muốn thương một người khác thì mình phải hiểu được người đó. Tình thương của người đời thường có chất liệu của sự mù quáng. Ngược lại, tình thương của người biết tu tập sẽ luôn luôn đi kèm với chất liệu của hiểu. Hiểu là chất liệu quan trọng để đi đến một tình thương đích thực. Có nhiều người chỉ nói thương mà không thể hiện bằng hành động, cho nên tình thương của họ bị vương lụy và khổ đau. Trong Phật giáo chúng tôi nói: Thương là phải hành động theo trí tuệ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của mình đến với mọi người, chứ không phải mình thương có tính cách lý thuyết, tri thức. Thương là phải hành động bằng tất cả trái tim.
· Không áp đặt mà chỉ sống hết lòng:
Ở tu viện Từ Hiếu, chúng tôi thường nói với những tăng sinh trẻ rằng: Chúng ta đến với nhau bằng tất cả tình thường để cùng nhau tu tập, cùng nhau tạo nên vẻ đẹp cho cuộc đời, chứ không phải đến với nhau bằng quyền lực hay bằng địa vị để áp đặt cho nhau. Bởi vì, trong cuộc sống con người, có ai muốn người khác áp đặt cho mình đâu! Ai cũng muốn có tự do chủ quyền của mình. Áp đặt là một hành vi cực ác đối với mọi đời sống. Vả lại, trong đời sống tu tập như chúng ta, giới luật uy nghi đã hưỡng dẫn cho ta một đời sống có lý tưởng và đẹp lắm rồi, cần gì phải có sự áp đặt? Bổn phận của người tu sĩ là chỉ có nhắc nhở và đánh thức tuệ giác ở nơi người kia dậy mà thôi. Khi người kia có ý thức tuệ giác rồi, thì họ làm bất cứ việc gì đều có lợi ích, và họ rất hoan hỷ và hạnh phúc với việc làm đó. Vì vậy, ý thức tuệ giác là một trong những chất liệu tạo nên hạnh phúc của đời sống tu tập. Mình giáo dục các tu sinh là phải giáo dục làm sao để cho họ khơi mở được ý thức tuệ giác nơi họ. Đi ra giữa cuộc đời, mình cũng giáo dục để khơi mở ý thức tuệ giác cho phật tử, cho con chiên, khiến họ lưu hiện được những chất liệu hạnh phúc trong đời sống hằng ngày của họ. Lẽ đương nhiên, trong một tu viện, chúng ta là những người đang tu tập chắc chắn sẽ có những cái hay, cái dở, nhưng nếu chúng ta có tuệ giác, chúng ta sẽ loại bỏ được những cái gì chưa hay và chỉ duy trì những cái hay. Mình không phải làm nghệ sĩ đóng phim, tu tập là phải tu tập một cách thực sự, để những bông hoa tuệ giác nơi mình nở ra thật đẹp. Nguyên tắc sống trong một đoàn thể là phải sống hêt mình với nhau và phải làm được những gì mình đã nói.
· Chuyển hóa cơn giận:
Quí vị biết rằng: Chất liệu giận hờn là một trong những độc tố khiến cho đời sống con người phải đau khổ. Khi giận, mình sẽ đánh mất mình, không nhận ra được thực tại là gì. Cơn giận có mặt ở đâu là mù quáng, khổ đau có mặt ở đó, cho nên khi cơn giận đang có mặt, thì mình phải đưa ý thức trở về với hơi thở chánh niệm, để lấy lại chủ quyền cho chính mình.
Trong kinh, Đức Phật chúng tôi dạy có năm phương pháp để diệt trừ cơn giận:
Phương pháp thứ nhất: Nếu mình thấy người kia có hành động không dễ thương, nhưng lời nói dễ thương, nếu mình là kẻ trí, thì không để ý đến hành động không dễ thương mà chỉ để ý tới lời nói dễ thương của người đó. Như vậy, mình sẽ không còn giận người kia nữa.
Phương pháp thứ hai: Nếu một người có lời nói không dễ thương, nhưng hành động lại dễ thương, mình là kẻ trí thì không để ý đến lời nói không dễ thương mà chỉ để ý đến hành động dễ thương của người đó. Như vậy, mình sẽ không còn giận người kia nữa.
Phương pháp thứ ba: Nếu một người có lời nói không dễ thương, nhưng trong tâm có chút ít dễ thương, mình là kẻ trí thì không để ý tới hành động và lời nói không dễ thương, mà chỉ để ý đến chút ít dễ thương trong tâm người đó, để có thể hóa giải và diệt trừ được phiền giận của mình đối với người ấy.
Phương pháp thứ tứ: Nếu một người có hành động, lời nói và trong tâm không còn chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí đứng trước một con người như thế, mình phải khởi lên lòng bác ái, lòng từ bi và mình biết rõ người đó hiện tại đang rất đau khổ, tương lai cũng sẽ đau khổ. Họ đang đi về nẻo đường cực kỳ xấu ác, nếu không gặp được bậc Thiện Tri Thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa để đi về các nẻo đường hạnh phúc, cho nên mình phải khởi tâm thương họ. Nghĩ như thế, ta mở lòng thương xót và lân mẫn, nên ta diệt trừ được sự phiền giận của ta đối với người kia.
Phương pháp thứ năm: Nếu có một ai đó có hành động dễ thương, lời nói dễ thương và trong tâm cũng có sự dễ thương, đây là người rất tuyệt vời, nếu mình sinh tâm phiền giận những người như thế, thì mình đã đánh mất cơ hội nuôi dưỡng sự lành mạnh cho mình. Cho nên, khi tiếp xúc với những người như thế này, mình phải biết nhận diện tất cả những cái dễ thương nơi người ấy để có thể chuyển hóa cơn giận.
Khi mình chuyển hóa được cơn giận rồi, thì cơn giận không còn có khả năng thao túng mình; Không làm cho mình đánh mất mình trong cuộc sống.
· Duy trì cái đẹp:
Thưa quí vị! Ngày hôm qua 15/12 Mậu Dần một số sinh viên ở ngoài Hà Nội, họ vào tham quan chùa Từ Hiếu, họ đã gặp tôi và có những cô nữ sinh trẻ hỏi tôi: Vì sao thầy đi tu? Thầy còn trẻ mà đi tu như vậy uổng lắm! Tôi mỉm cười và hỏi lại: Quí vị đã hiểu tu là như thế nào mà nói như thế? Và tôi cũng nói với họ rằng, quí vị ở đời như thế mới là uổng chứ! Tôi đi tu, vì tôi thấy cuộc đời là đẹp. Tôi đi tu là vì tôi muốn duy trì cái đẹp cho cuộc đời, chứ không phải tôi đi tu là vì chán đời như quí vị nghĩ đâu. Tôi nói như vậy, các sinh viên trẻ chợt hiểu ra rằng: “Té ra những người đi tu là để duy trì cái đẹp cho cuộc đời”. Sau đó, họ nói chuyện với chúng tôi rất vui vẻ và gần gũi.
· Đôi lời cảm tưởng:
Thôi! Đến đây đã hết giờ, chúng tôi xin nhường lại vài phút để quí vị có những thắc mắc gì trong bài pháp thoại mà tôi đã trình bày cho quí vị.
Một vị Xơ trong hội chúng đứng dậy và nói: Trước hết với lòng tri ân, con xin phát biểu một vài suy nghĩ mong Thầy lắng nghe: Thưa Thầy, trong bài pháp thầy vừa giảng, con rất đồng cảm sâu sắc về năm phương pháp chuyển hóa cơn giận, đồng thời đem lại niềm vui an lạc cho người khác để đưa vào cụ thể trong đời sống rất là hay. Và đó cũng là điều mà hai bên đều cần phải thực tập… (tiếng vỗ tay vang lên trong dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm)
Một vị Xơ khác đứng lên và nói: Thưa thầy! Trong bài pháp thầy trình bày, con rất vui khi nghe thầy nói về tiếng chuông và cách thực tập lắng nghe chuông. Lắng nghe chuông bằng tâm thức thì chúng ta trở về với chính mình và tiếp xúc được với Phật và Chúa. Đó là một phương pháp rất mới cho con thực tập hằng ngày. Con rất là vui… (tiếng vỗ thay lại vang lên một lần nữa…)
Một vị Xơ khác đứng lên và tiếp lời: Kính thưa thầy, bây giờ thời gian mau hết quá, chúng con không dám nói nhiều. Tuy nhiên, trong giây phút ngắn ngủi này, con cũng như toàn thể chị em ở đây vô cùng cảm ơn thầy đã đáp ứng lời mời của chúng con, mà đến đây để giữ lại một cái gì an lạc cho tâm hồn. Từ cách thức cho đến những lời chia sẻ của Thầy đến với chị em chúng con một cách nhẹ nhàng. Đến đây chúng con chúc Thầy luôn an lạc (tiếng vỗ tay vang lên lần nữa…)
Thưa quí vị! Trước khi chúng tôi từ giã Dòng để trở về trú xứ, chúng tôi xin nguyện Đức Phật gia hộ cho tất cả chúng ta luôn luôn sống trong sự hạnh phúc, an lạc. Và luôn luôn có hạnh nguyện làm đẹp cuộc đời.
Thái Tịnh kính ghi.