GIỚI THIỆU KINH PHÁP HOA
THÍCH THÁI HÒA
(Phần 2)
5. Con đường giáo hóa và chuyển hóa:
Tất cả những vị đang tu học trong Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa đều là đối tượng giáo hóa và giáo hóa của Pháp Hoa.
Đối với những vị đã là Bồ-tát, thì Pháp Hoa giáo hóa cho họ nhanh chóng trở thành một vị Phật. Đối với đối tượng Thanh văn và Duyên giác, Pháp Hoa phải giáo hóa và giáo hóa lâu dài, bằng những phương pháp thực dụng và xảo diệu, để đưa họ lên Bồ-tát thừa và thọ ký cho họ thành Phật trong tương lai.
Nên mục đích của Pháp Hoa là giáo dục và giáo hóa các Thánh giả trong Tam thừa thấy rõ tướng trạng “như thật” của các pháp để thành Phật, giáo hóa chúng sanh bằng tuệ giác và bằng từ bi Pháp Hoa.
Phương pháp giáo dục của Pháp Hoa là thiết lập giáo lý Tứ diệ đế để giáo hóa cho những vị có chủng tính Thanh văn, giáo lý Duyên khởi để giáo hóa cho những vị vừa có chủng tính Thanh văn, vừa có chủng tính Duyên giác, và thiết lập giáo lý Lục độ để giáo hóa cho những vị có chủng tính Bồ-tát.
Bởi vậy, giáo học Pháp Hoa đầy đủ cả Tam thừa, nhưng trong đó đối tượng chính để giáo hóa và giáo dục lâu dài của Pháp Hoa là Thanh văn.
Phương tiện giáo dục cho hàng Thanh văn là giáo học Tứ diệu đế, nhưng khi quý vị Thanh văn đã thuần thục với giáo lý này, thì Pháp Hoa nâng cấp họ lên và giáo hóa khiến cho họ trở thành Bồ-tát.
Nhưng, ở trong Thanh văn có những trình độ cần phải giáo hóa khác nhau:
Trình độ thượng căn, thượng trí, như Tôn giả Xá-lợi-phất, thì ở kinh Pháp Hoa, Đức Phật chỉ thẳng “chư pháp thực tướng” và nói quả Phật mới là thật.
Phương pháp giáo hóa này, là phương pháp nói thẳng, đánh thức trực tiếp vào tuệ giác của Thanh văn, khiến cho tuệ giác ấy nhận ra ngay Phật tính và bản nguyện Bồ-tát vốn có của hàng Bồ-tát và thọ ký thành Phật trong tương lai.
Giáo hóa bằng phương pháp này, ở kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã thành công đối với Tôn giả Xá-lợi-phất.
Trình độ trung căn, trung trí như các Tôn giả Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên, Đại Ca-diếp và Mục-kiền-liên, ở kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã giáo dục bằng cách đưa ra những ví dụ: Ba cõi ví như nhà lửa; xe dê, xe hươu và xe trâu ở ngoài cửa của Ba cõi là dụ cho Tam thừa, tu tập giáo lý Tam thừa ra khỏi nhà lửa của Tam giới, nhưng chưa phải thành tựu Niết-bàn của Phật,…[1]
Qua ví dụ nhà lửa và ba xe mà Đức Phật đã trình bày, khiến cho các Tôn giả nhận ra được giáo lý Nhất thừa, thấy rằng mình vốn có Phật tính và đã từng có bản nguyện Bồ-tát và chính những vị này đã đưa ra ví dụ Trưởng giả và cùng tử, để ví dụ Trưởng giả là Phật và cùng tử là chính mình ở phẩm Tín giải; nghĩa là tu tập mà quên mất bản nguyện Bồ-tát là liền trở thành Thanh văn và là cùng tử. Chỉ cần nhớ lại bản nguyện Đại thừa là tức khắc trở thành Bồ-tát.
Tiếp theo, Đức Phật dạy cho họ về ví dụ Dược thảo,[2] để chỉ cho họ thấy căn cơ trình độ chúng sanh có cao, có vừa, có thấp, nhưng pháp Nhất thừa là pháp bình đẳng, hết thảy mọi căn cơ tùy theo sức mình mà lãnh hội và cuối cùng cũng đều thành tựu địa vị Phật.
Như vậy, phương pháp giáo dục thứ hai đối với hàng Thanh văn của Đức Phật ở kinh Pháp Hoa bằng thí dụ, và qua thí dụ mà đối tượng giáo dục nhận ra được bản nguyện Bồ-tát vốn có của mình.
Và đối với các vị Thanh văn với trình độ dưới trung bình, Đức Phật nói về nhân duyên Thầy - trò đã từng cùng nhau tu tập Pháp Hoa, từ thời Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, quốc độ của Ngài tên là Hảo Thành, thời kỳ của Ngài xuất hiện là Đại Tướng và thời kỳ ấy trải qua đến nay là cực kỳ lâu xa.
Đức Thích-ca đã từng là vị Ssa-di Bồ-tát tu học Pháp Hoa với Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, đã lãnh hội Pháp Hoa, đã tu tập Pháp Hoa và đã diễn giảng Pháp Hoa từ thời ấy, và Ngài đã thành tựu Vô thượng Bồ-đề, giáo hóa vô số chúng sanh, đã từng thiết lập giáo pháp Tam thừa để giáo hóa hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, nhưng cuối cùng đều khiến cho họ hiểu và chứng nhập giáo pháp Nhất thừa.
Và những vị đã từng học hỏi, tu tập giáo pháp Tam thừa với Ngài đã trải qua nhiều thời gian, hiện vẫn đang còn có mặt ở trong chính hội Pháp Hoa này và hiện nay, họ đang được Như Lai trực tiếp giảng dạy Pháp Hoa cho nữa.
Niết-bàn của Thanh văn và Duyên giác là do Như Lai tạm thiết lập để cho những vị tu tập Thanh văn hạnh nghỉ ngơi, sau những tháng ngày dài, băng qua con đường hiểm nghèo của sinh tử.
Bây giờ quý vị đã khỏe, lấy lại sức lực, để tiếp tục lên đường đến nơi “bảo sở”, tức là Niết-bàn của Phật.
Và để minh họa cho ý này, Đức Phật đã đưa ra ví dụ “hóa thành”, là thành phố tạm nghỉ ngơi để tiếp tục đi tới “bảo sở”, là kinh đô.
Hóa thành là dụ cho Niết-bàn của Thanh văn, Duyên giác và kinh đô là dụ cho Niết-bàn của Phật.[3]
Ở phẩm Thọ Ký, Đức Phật thọ ký cho năm trăm đệ tử Thanh văn, mà đứng đầu là Phú-lâu-na, Đức Phật đã nói về bản nguyện Bồ-tát của Tôn giả Phú-lâu-na là đã có và đã thực hành ở nơi chín mươi ức Đức Phật quá khứ.
Tôn giả Phú-lâu-na không phải chỉ có khả năng thuyết pháp và tuyên dương Chánh pháp của Như Lai mà thôi, Tôn giả từng là người đứng đứng đầu trong việc duy trì và tuyên dương Chánh pháp của chín mươi ức chư Phật quá khứ. Tôn giả đã có đủ thần lực của Bồ-tát, sống lâu bao nhiêu thì thực hành Phạm hạnh bấy nhiêu.
Tôn giả đã từng giáo hóa vô lượng, vô số chúng sanh, khiến họ an trú vững chãi trong Tuệ giác Vô thượng.
Và bất cứ thời kỳ của Phật nào trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, Tôn giả đều là người thuyết pháp giỏi nhất…[4]
Đức Phật thọ ký cho Phú-lâu-na thành Phật, rồi Tôn giả Kiều-trần-như và các vị khác cũng hiểu được vấn đề Đức Phật giáo hóa, nên họ đều được Đức Phật thọ ký thành Phật.
Và họ đã đưa ra ví dụ “ngọc trong chéo áo” để minh họa rằng, Phật tính vốn có, bản nguyện tu học Bồ-tát thừa họ cũng đã từng phát khởi và thực hành, mà nay lại quên mất. Vì quên mất Phật tính và bản nguyện Bồ-tát của mình, nên bị nghèo nàn trí tuệ và phước đức, cũng giống như người có viên ngọc trong chéo áo mà quên mất, nên phải lang thang khổ nhọc vì cơm áo và được đôi chút cơm áo tự cho là đủ.
Bằng sự giáo hóa và giáo dục Pháp Hoa như vậy, Đức Phật đã thọ ký cho Ngài Xá-lợi-phất ở phẩm 3, cho bốn vị Đại đệ tử ở phẩm 6, cho năm trăm Đại A-la-hán và 1200 vị A-la-hán ở phẩm 8, và Ngài lại tiếp tục thọ ký thành Phật cho các bậc hữu học, vô học ở phẩm 9, thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa thành Phật và chứng minh cho sự thành Phật của Long nữ tám tuổi ở phẩm 12, và lại thọ ký cho chúng Tỷ-kheo ni như bà Ma-ha Ba-xà ba-đềha, Da-du-đà-la, … ở phẩm 13.
Như vậy, Pháp Hoa đã giáo hóa hai Đại bộ Tăng- Ni Thanh văn trở thành giáo đoàn Bồ-tát Tăng, bằng những phương pháp đánh thức trực tiếp hoặc gián tiếp, khiến cho tất cả quý vị tự nhận ra Phật tính và tự nhận ra bản nguyện Bồ-tát vốn có của mình, nên đã được Đức Phật thọ ký thành Phật.
Như vậy, sự giáo hóa và giáo dục của Pháp Hoa là sự giáo hóa và giáo dục bằng phương pháp “đánh thức và khai phóng”. Nghĩa là đánh thức vào khả năng hay bản nguyện vốn có của họ, khiến cho họ tỉnh dậy và bước tới.
Giáo hóa và giáo dục như vậy thật là phương thức cực kỳ độc đáo và đặc biệt của Pháp Hoa.
Ở phẩm Tùng Địa Dõng Xuất, ta thấy sự giáo dục và giáo hóa của Pháp Hoa không mang tính cách đối phó có vẻ thời cuộc mà mang một tầm chiến lược lâu dài đến bất khả thuyết, để gánh vác và truyền bá Pháp Hoa đến bất tận.
Đó cũng là một trong những tầm nhìn độc đáo và đặc biệt về giáo dục của Pháp Hoa.
Và với sự giáo dục ấy, Pháp Hoa đã thành công khi chuyển hóa toàn bộ giáo đoàn Thanh văn Tăng thành giáo đoàn Bồ-tát Tăng.
Và lại càng chứng tỏ thành công hơn nữa, khi ở phẩm Tùng Địa Dõng Xuất, Đức Phật đã từ chối sự phát tâm giữ gìn và truyền bá ở nơi cõi này của hơn tám hHằng hà sa số Bồ-tát Đại sĩ đến từ các thế giới khác.
Ngài nói: “Ở quốc độ này, Như Lai đã giáo dục và giáo hóa có đến sáu vạn Hằng hà sa Bồ-tát Đại sĩ, và mỗi vị Đại sĩ lại có sáu vạn Hằng hà sa tùy thuộc.
Thầy trò của các Bồ-tát Đại sĩ này, sau khi Như Lai diệt độ có thể đủ mọi khả năng để duy trì và phát triển Pháp Hoa, xin khỏi phiền đến quý vị”.
Tầm nhìn và sự giáo hóa sứ giả Pháp Hoa như vậy là cực kỳ đặc biệt và độc đáo mà không có bất cứ một sự giáo hóa và giáo dục nào có thể so sánh.
6. Hạnh nguyện:
Hạnh nguyện Pháp Hoa được bắt đầu khai triển và ứng dụng là từ phẩm Pháp Sư.
Hạnh nguyện Pháp Hoa là hạnh nguyện biến Pháp Hoa trở thành đời sống qua sự thọ trì, đọc tụng, diễn giảng, khiến cho mình chứng nhập thực tướng của vạn hữu và khiến cho tất cả mọi người cũng đều chứng nhập thực tướng ấy, bằng con đường Bồ-tát, với đầy đủ sáu hạnh, bao gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ với tâm từ bi là đời sống Pháp Hoa đã bắt đầu sinh khởi và lớn mạnh bằng tuệ giác.
Trí tuệ Ba-la-mật là điểm đến của bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định, nhưng đồng thời nó cũng đồng hành với các hạnh ấy, khiến cho các hạnh ấy không bị chệch hướng của Phật đạo.
Ở phẩm Pháp Sư, Đức Phật nói với Bồ-tát Dược Vương, muốn có đời sống Pháp Hoa thì căn bản là phải có hạt giống Pháp Hoa, và dù hạt giống Pháp Hoa được gieo vào trong tâm thức chỉ là một bài kệ hay chỉ là một câu kinh mà biết tiếp nhận bài kệ hay một câu kinh ấy với tâm hoan hỷ, chỉ chừng ấy căn bản cũng đủ để thực hiện đời sống Pháp Hoa, và cũng đủ điều kiện để Đức Phật thọ ký cho tương lai làm Phật.
Nên, không có đức tin Pháp Hoa thì không bao giờ khởi lên hạnh nguyện Pháp Hoa, và không có hạnh nguyện Pháp Hoa thì không bao giờ có đời sống Pháp Hoa.
Bồ-tát khác với Thanh văn là do có hạnh và nguyện. Nguyện thành Phật để có đời sống Toàn giác và nguyện hóa độ chúng sanh bằng sự thực hành Lục độ với tâm từ bi.
Phẩm Pháp Sư cho ta thấy, đời sống Pháp Hoa là phải có sức mạnh của đức tin Pháp Hoa, phải có sức mạnh của chí nguyện và phải có sức mạnh của thiện căn, thì mới có thể đi vào ngôi nhà của Như Lai là tâm đại từ bi, mới có thể mặc áo của Như Lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục và mới có thể ngồi tòa Như Lai là hết thảy pháp Không, nghĩa là ngồi ở nơi bản thể Ngã Không và Pháp Không của hết thảy mọi sự hiện hữu.
Phải có tâm đại từ bi, phải có tâm nhu hòa nhẫn nhục, phải có tuệ giác về Không, mới có thể giảng dạy truyền bá Pháp Hoa đến cho mọi người.
Việc tháp của Phật Đa Bảo xuất hiện trong kinh Pháp Hoa là để khuyến khích sự phát khởi hạnh nguyện sống bằng đời sống Pháp Hoa và Pháp Hoa phải được nói ra và truyền bá từ đời sống ấy.
Nên, việc tháp Phật Đa Bảo và báo thân của Ngài xuất hiện trong kinh Pháp Hoa là chứng minh cho hạnh nguyện Pháp Hoa và khuyến khích ai đã có bản nguyện Pháp Hoa thì hãy sống theo hạnh nguyện ấy.
Đề-bà-đạt-đa vô lượng kiếp về trước đã có hạnh nguyện Pháp Hoa, nên cần quay về sống với bản nguyện ấy, thì hiện tại tức khắc các tội báo do ngũ nghịch gây ra đều rơi rụng và sẽ được thọ ký thành Phật. Và Long nữ tuy mới tám tuổi, dù là đang thọ báo thân súc sinh nữ, nhưng hạnh nguyện Pháp Hoa không quên mất, lại được Ngài Văn thù nhắc nhở, giáo hóa, khuyến khích, thực hành thuần thục và khi hạnh nguyện Pháp Hoa đã thuần thục, thì việc thành Phật là không còn bị chướng ngại bởi bất cứ điều ứ gì và có thể xảy ra trong khoảnh khắc.
Phẩm Khuyến Trì, cho ta thấy rằng, 500 vị A-la-hán đã hoàn thành tuệ giác Thanh văn và 8000 vị khác đang tiếp tục để hoàn thành tuệ giác Thanh văn, khi nghe nói đến hạnh nguyện Pháp Hoa, cũng đã phát nguyện với đức Thế Tôn sống bằng đời sống hoằng truyền Pháp Hoa như sau:
“Bạch đức Thế Tôn! Chúng con cũng ở nơi quốc độ khác, sẽ thuyết giảng kinh Pháp Hoa này một cách rộng rãi.
Vì sao? Vì ở trong cõi nước Ta-bà, con người tệ ác, tăng thượng mạn nhiều, phước đức mỏng manh, lắm sân si, tâm không chân thật, khúc mắc, dua nịnh, dơ bẩn.”[5]
Sự phát nguyện này nói lên rằng hạt giống Pháp Hoa đã thực sự có mặt trong mặt quý vị, và quý vị đã phát khởi hạnh nguyện hoằng truyền Pháp Hoa một cách khiêm tốn.
Và sáu ngàn Tỷ-kheo ni, đứng đầu là bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề, sau khi được Phật thọ ký cũng đã phát khởi hạnh nguyện Pháp Hoa như sau:
“Kính bạch Đấng Đạo Sư Thế Tôn, vị làm an ổn trời, người!
Chúng con đã được Ngài thọ ký xong, trong tâm hoàn toàn an lạc.
Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng có khả năng hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở cõi nước khác.”[6]
Sau khi các vị Thanh văn mới chuyển hướng tiến lên Bồ-tát thừa đã phát khởi hạnh nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa là đến những vị Bồ-tát, đã từng tu học và có một số thành quả nhất định đối với Bồ-tát thừa như: Nắm vững các pháp tổng trì, có khả năng giữ gìn các thiện pháp không bị để rơi mất, họ cũng đã phát khởi hạnh nguyện đối với Pháp Hoa như sau:
“Bạch Thế Tôn! Nếu Ngài dạy chúng con, kính hộ và giảng dạy kinh Pháp Hoa này, thì chúng con sẽ làm đúng như lời Ngài dạy, bằng cách tuyên dương pháp ấy một cách rộng rãi”.
Và tất cả những vị đã phát khởi hạnh nguyện sống đời sống Pháp Hoa, và cũng vì thương đời mà hoằng truyền kinh Pháp Hoa; vì thương đời mà nhẫn nhục để tuyên dương Pháp Hoa và vì thương đời mà không tiếc thân mạng để tuyên dương kinh ấy.
Vì vậy, đối với Bồ-tát, Pháp Hoa không còn là hạnh nguyện mà chính là đời sống.
Với đời sống ấy, Bồ-tát luôn luôn sống với tâm nhu hòa, nhẫn nhục, hiền từ, không sợ hãi, khéo tùy thuận mà thông minh.
Đời sống ấy không bị cuốn hút bởi hình tướng của các pháp và cũng không bị chi phối bởi những nhận thức về pháp mà luôn luôn nhìn sâu vào thực tướng của các pháp, để thấy rõ tính chất như thật của nó.
Với đời sống ấy, Bồ-tát không gần gũi các nhà nắm quyền lực chính trị, không thân gần những người tà pháp, những người nuôi sống bằng tà mạng, những người có tà kiến, tu tập vị kỷ,… Bồ-tát thích sống đời của thiền định, nhiếp phục tâm ý, quán chiếu tự tính Không của các pháp và thấy rõ tính như thật của chúng.
Với đời sống ấy, Bồ-tát sống với khẩu hành thanh tịnh, với ý hành thanh tịnh và với nguyện hành thanh tịnh.
- Nguyện làm phát khởi tâm đại bi nơi hàng xuất gia và tại gia.
- Nguyện làm phát khởi tâm đại bi nơi những người không phải là Bồ-tát, với những quán chiếu như sau:
Những người không phát khởi được tâm nguyện đại bi là những người mất mát rất lớn.
Như Lai phương tiện tùy nghi thuyết pháp mà họ không nghe, không biết, không hiểu, không hỏi, không tin, không biết rõ.
Tuy rằng, những người ấy, không hỏi, không tin, không hiểu rõ đối với kinh Pháp Hoa nhưng ta đắc trí tuệ Toàn giác, thì những vị ấy tùy theo ở vị trí nào, ta nguyện sử dụng sức mạnh thần thông, sức mạnh trí tuệ để dìu dắt, khiến cho họ đều an trú ở trong Pháp Hoa.[7]
Pháp hành thứ tư ở trong phẩm An Lạc của kinh Pháp Hoa rất là quan trọng, vì là hạnh nguyện thuộc về đại nguyện có nội dung từ Bồ-đề tâm.
Phát khởi hạnh nguyện thương và cứu vớt chúng sanh ra khỏi sinh tử, đi đến Niết-bàn tuyệt đối của Phật mà thọ trì, đọc tụng, diễn giảng, hoằng truyền kinh Pháp Hoa là hạnh nguyện đích thực của Bồ-tát.
Các vị Bồ-tát như Văn-thù, Di-lặc, Trí Tích, Dược Vương, các vị Bồ-tát Tòng Địa Dõng Xuất, Bồ-tát Thường Bất Khinh,… là tiêu biểu cho những vị Bồ-tát đã và đang thực hành đại nguyện Pháp Hoa.
Và với đại nguyện ấy, Bồ-tát Thường Bất Khinh đã thành tựu Tuệ giác Vô thượng, nay chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã là Bồ-tát Thường Bất Khinh, đã từng bị xem thường bởi chúng Bồ-tát 500 vị do Hiền Thủ đứng đầu, chúng Tỷ-kheo ni 500 vị do Sư Tử Nguyệt đứng đầu, chúng Ưu-bà-di 500 vị do Thiện Tư đứng đầu, nhưng những vị ấy đã được Bồ-tát Thường Bất Khinh giáo dục và nay đều là không thối chuyển đối với Tuệ giác Vô thượng, và hiện họ đang có mặt trong chúng Pháp Hoa này.
Như vậy, đối với Pháp Hoa, cực ác như Đề-bà-đạt-đa cũng được thọ ký thành Phật, bị quả báo làm thân súc sanh như Long nữ cũng có thể làm Phật, vậy còn vậy 5000 người Thanh văn tăng thượng mạn, rời bỏ đại hội Pháp Hoa, họ tu học như thế nào sau khi giáo đoàn Thanh văn đã được Đức Phật giáo hóa pháp Nhất thừa, thọ ký cho tất cả từ hàng Bậc thượng trí như Ngài Xá-lợi-phất cho đến những vị chưa hoàn tất pháp học Thanh văn đều là trở thành giáo đoàn Bồ-tát Tăng?
Điều này ở trong phẩm An Lạc Hạnh, Đức Phật đã nói rõ:
“Những người mà không phát khởi được tâm nguyện đại bi là những người mất mát rất lớn.
Như Lai phương tiện tùy nghi thuyết pháp mà họ không nghe, không biết, không hiểu, không hỏi, không tin, không biết rõ.
Tuy rằng, những người ấy không hỏi, không tin, không hiểu rõ đối với kinh Pháp Hoa, nhưng Ta đắc trí tuệ Toàn giác thì những vị ấy tùy theo ở vị trí nào, Ta nguyện sử dụng sức mạnh thần thông, sức mạnh trí tuệ để dìu dắt, khiến cho họ đều an trú ở trong Pháp Hoa.”
Đại nguyện Pháp Hoa là vậy, nên 5000 người tăng thượng mạn kia, khi Đức Phật sắp sửa nói Pháp Hoa họ tự bỏ ra về, Đức Phật không hề ngăn cản mà còn nói họ ra về cũng tốt, vì trong đại chúng không còn hạt lép.
Tuy nói vậy, nhưng đối với 5000 người ấy, Ngài lại càng có trách nhiệm giáo hóa Pháp Hoa cho họ thành Phật, như Ngài đã dạy đại nguyện Pháp Hoa ở trong phẩm An Lạc Hạnh và như Ngài đã từng làm trong quá khứ qua hạnh và nguyện của Bồ-tát Thường Bất Khinh đối với 500 vị Bồ-tát, 500 vị Tỷ-kheo ni và 500 vị Ưu-bà-di.
Còn các vị Bồ-tát Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phổ Hiền xuất hiện ở trong kinh Pháp Hoa là tiêu biểu cho những Bồ-tát đã chứng nhập đời sống Pháp Hoa và yểm trợ hạnh nguyện Pháp Hoa cùng khắp mọi thời gian và không gian. Các thiện tri thức như Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, Tịnh Đức phu nhân ở phẩm Diệu Trang Nghiêm là để yểm trợ cho hạnh nguyện Pháp Hoa, và ngay cả các thần chú có mặt trong kinh Pháp Hoa cũng chỉ vì yểm trợ hạnh nguyện Pháp Hoa, khiến cho tất cả những ai thực hành hạnh nguyện Pháp Hoa đều thành tựu pháp Nhất thừa.
7. Hiệu quả:
Tin và thực hành Pháp Hoa đưa tới cho hành giả những hiệu quả tốt đẹp cực kỳ đặc biệt.
Như phẩm Phân Biệt Công Đức[8] nói: Chỉ cần nghe và tin Như Lai nói về đời sống vô tận của Ngài, mà đã có rất nhiều người đắc Vô sinh pháp nhẫn. Đắc Vô sinh pháp nhẫn là thể nhận được lý tính Không sinh khởi nơi vạn hữu.
Lại có có vô số Đại Bồ-tát chứng đắc pháp môn “Văn triền đà-la-ni.”
Pháp môn Văn triền đà-la-ni là pháp môn có khả năng nghe, hiểu, duy trì và nắm giữ những gì tốt đẹp của mọi thứ ngôn ngữ, khi đi qua thính giác của vị thành tựu pháp môn này, và vị ấy chia sẻ những điều mình đã nghe, đã tin và hiểu ấy cho mọi người.
Lại có vô số Đại Bồ-tát chứng đắc pháp môn: “Đắc nhạo thuyết vô ngại biện tài.”
Đắc nhạo thuyết vô ngại biện tài là người đạt tới khả năng trình bày Chánh pháp không bị trở ngại đối với mọi thành phần nghe. Và mọi thành phần nghe ấy, ai nghe cũng hiểu và ưa thích.
Lại có vô số Đại Bồ-tát đắc “Bách thiên vạn ức vô lượng triền đà-la-ni.”
Những vị chứng đắc đà-la-ni này là những vị có khả năng xoay chuyển vào sự tương quan của mọi pháp mà mình đã được nghe, nhớ một cách sâu rộng và bình đẳng. Lại có khả năng phá trừ phiền não, chuyển hóa sự phân biệt, làm cho Hằng sa Phật pháp được hiểu biết.
Lại có vô số Đại Bồ-tát chuyển thanh tịnh pháp luân. Nghĩa là có khả năng chuyển vận bánh xe Chánh pháp thanh tịnh.
Lại có vô số Đại Bồ-tát chỉ còn tám đời, bốn đời, hai đời hay một đời nữa sẽ thành tựu địa vị giác ngộ hoàn toàn.
Tóm lại, thành quả do tin, hiểu và thực hành Pháp Hoa qua thọ trì, đọc tụng, diễn giảng, tuyên thuyết rộng rãi đến mọi giới là không thể nghĩ bàn, không thể so sánh.
Ở phẩm Tùy Hỷ Công Đức,[9] Đức Phật dạy: “Ai nghe Pháp Hoa mà tùy hỷ, người ấy sẽ thành tựu phước báo tốt đẹp về sự đi lại. Và khi nghe kinh Pháp Hoa biết chia sẻ chỗ ngồi cho người khác cùng nghe, thì sẽ có phước báo lớn ở trong thế gian, như sẽ ngồi vào vị trí của Luân Vương, Đế Thích hay Phạm Vương. Và nếu biết thông báo rộng rãi cho mọi người được nghe kinh Pháp Hoa, thì vị ấy có phước báo làm người ở chung với các vị Bồ-tát, và các căn của vị ấy hoàn chỉnh tốt đẹp, đầy đủ các phẩm chất cao quý của phước báo làm người.”
Ở phẩm Pháp Sư Công Đức,[10] Đức Phật nói: “Nếu có ai hành trì Pháp Hoa qua các hạnh như thọ trì, đọc tụng, diễn giảng, ghi chép thì người ấy sẽ thành tựu 800 công đức thuộc về mắt, 1200 công đức thuộc về tai, 800 công đức thuộc về mũi, 1200 công đức thuộc về lưỡi, 800 công đức thuộc về thân, 1200 công đức thuộc về ý.”
Như vậy, công đức thanh tịnh của sáu căn là do pháp hạnh của Pháp Hoa dẫn sinh và thành tựu.
Ở phẩm Dược Vương Bồ-tát Bổn Sự,[11] Đức Phật nói: “Nếu có người nào nghe kinh Pháp Hoa, hoặc tự mình chép, hoặc bảo người khác chép, thì công đức của người ấy, chỉ có trí tuệ của Như Lai mới biết được là nhiều, ít hay vô hạn.”
“Và nếu ai chép kinh này rồi, đem các loại hoa hương cúng dường thì công đức vô lượng.
Cũng như trong phẩm này, Đức Phật nói: “Nếu có ai nghe phẩm Dược Vương Bồ-tát Bổn Sự này lại thọ trì, người ấy sau khi kết thúc thân nữ, không còn thọ thân nữ trở lại.
Và nếu sau khi Như Lai diệt độ, trong năm trăm năm sau, có người nữ nào nghe kinh Pháp Hoa, tu hành đúng như kinh dạy, đến lúc sinh mạng kết thúc, liền sanh về thế giới Cực lạc của Phật A-di-đà, sinh ra trong hoa sen, an trú trên bảo tòa, được chúng Đại Bồ-tát vây quanh.”
Bồ-tát Dược Vương là tiêu biểu cho vị Bồ-tát thực hành khổ hạnh của Pháp Hoa và là vị Bồ-tát đã đốt thân cúng dường để chứng minh cho sự thành tựu hạnh ấy.
Bởi vậy, Đức Phật dạy: “Nếu có ai nghe phẩm Dược Vương Bồ-tát Bổn Sự mà tùy hỷ và tán dương, người ấy trong đời hiện tại miệng thường phát ra hương thơm hoa sen xanh, lỗ chân lông toàn thân thường toát ra hương thơm chiên-đàn Ngưu Đầu.”
Và công đức của người ấy như đã nói ở trên.
Tuy Bồ-tát Dược Vương đã thực hành Pháp Hoa qua khổ hạnh, không những bản thân Ngài đạt thành quả Pháp Hoa mà những người nghe công hạnh và thành quả ấy mà tùy hỷ và tán dương thì thành quả cũng không thể nghĩ bàn.
Nhưng cũng có khi pháp hạnh của Pháp Hoa cực kỳ đơn giản mà thành quả thực không thể nghĩ bàn, như ở phẩm Phương Tiện nói:
“Hoặc có người lễ bái
Hoặc chỉ là chắp tay
Cho đến chỉ một tay
Hoặc chỉ là cúi đầu
Dùng tất cả cách ấy
Để cúng dường tượng Phật
Cứ như vậy từ từ
Sẽ gặp vô lượng Phật.
Tự thành đạo Vô thượng
Độ vô số chúng sanh
Nhập vô dư Niết-bàn
Như củi hết lửa tắt.
Hoặc người tâm tán loạn
Vào trong chốn chùa tháp
Chỉ xưng Nam-mô Phật
Đều đã thành Phật đạo”.[12]
Như vậy, hiệu quả từ hạnh nguyện Pháp Hoa đem lại cho hành giả phước báo rất nhiều khía cạnh, ngay cả những khía cạnh vãng sanh về Tịnh độ của Phật A-di-đà, hay sanh lên cõi trời Đao-lợi hay Đâu-suất, nhưng hiệu quả thành Phật chính là hiệu quả mà Pháp Hoa muốn trình bày.
8. Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ Đức Phật sử dụng để diễn tả “thực tướng” qua kinh Pháp Hoa gồm có:
a. Ngôn ngữ siêu việt: Tức là ngôn ngữ của thiền định Vô lượng nghĩa xứ - ánh sáng phóng quang từ chặng giữa lông mày.
b. Ngôn ngữ quy ước:
Ni-đà-na (Skt., Nidāna), Hán dịch nghĩa là nhân duyên (因緣): Tức là Đức Phật sử dụng ngôn ngữ theo thể loại trình bày, diễn đạt về duyên cớ, về lý do làm phương tiện để diễn tả “thực tướng” 6
A-ba-đà-na (Skt., Avadāna), Hán dịch nghĩa là thí dụ (譬喻): Tức Đức Phật sử dụng thể loại ngôn ngữ thí dụ làm phương tiện để diễn tả “thực tướng”.
Kỳ-dạ (Skt., Geya), Hán dịch nghĩa là ứng tụng (應頌), trùng tụng (重頌): Tức là Đức Phật sử dụng thể loại ngôn ngữ kệ tụng, tuyên đọc những điều đã thuyết, thích ứng làm phương tiện để diễn tả “thực tướng”.
Ưu-ba-đề-xá (Skt., Upadēsa), Hán dịch nghĩa là luận nghị (論議): Tức là Đức Phật sử dụng thể loại ngôn ngữ của luận lý làm phương tiện để diễn tả “thực tướng”.[13]
Xà-đà-già (Skt., Jātaka), Hán dịch nghĩa là bổn sanh (本生): Tức là Đức Phật sử dụng thể loại ngôn ngữ kể lại những tiền thân của Ngài khi còn ở địa vị Bồ-tát, làm phương tiện để diễn tả “thực tướng”.
Ngoài chín thể loại ở trên, còn có ba thể loại nữa, gồm:
Hòa-ca-la-na (Skt., Vyakarana), Hán dịch nghĩa là thọ ký (授記) hay ký biệt (記別): Loại văn dùng để thọ ký cho đệ tử thành Phật trong tương lai.
Ưu-đà-na (Skt., Udana), Hán dịch nghĩa là tự thuyết (自說) hay vô vấn tự thuyết (無問自說): Không ai hỏi, nhưng thấy đúng thời và đúng căn cơ Đức Phật tự nói.
Tỳ-phật-lược (Skt., Vaipulya), Hán dịch nghĩa là phương quảng (方廣): Thể loại ngôn ngữ được sử dụng để diễn tả những đạo lý có tính cách uyên áo, vi mật.
Ba loại sau này không có trong bản Hán dịch của Ngài La-thập (Kumārajīva), cũng như bản của Xà-na-quật-đa (Jñānagupta).
Chín hay mười hai thể loại ngôn ngữ mà Đức Phật dùng để diễn tả thực tại là ngôn ngữ có tính cách quy ước của loài người, nên chúng chỉ là phương tiện mà không phải là cứu cánh.
Bởi vậy, dùng ngôn ngữ ấy để diễn tả thực tại, hay diễn tả cái thấy, cái biết của Phật thì thực tại, hay cái thấy, cái biết của Phật chẳng bao giờ có mặt một cách đích thực trong các thể loại ngôn ngữ diễn đạt ấy.
Ngôn ngữ để diễn tả thực tại toàn diện, thực tại giác ngộ của Phật, không phải là ngôn ngữ ý niệm, mà chính là ngôn ngữ của thiền định và tuệ giác.
Ngay ở phẩm Tựa của kinh Pháp Hoa đã chỉ cho ta thấy ngay, ngôn ngữ diễn tả toàn diện, hay thực tại giác ngộ của Phật là ngôn ngữ không ngôn ngữ.
Ngôn ngữ không ngôn ngữ là ngôn ngữ diễn tả thực tại, hay ngôn ngữ của Pháp Hoa.
Ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ của ánh sáng thiền định. Nó được phóng ra từ thiền định Vô lượng nghĩa xứ, ở giữa chặng mày của Phật, nhằm diễn tả thực tại không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nó không bị sinh diệt cũng như những nhận thức của con người chi phối.
Ngôn ngữ diễn tả thực tại chứng nghiệm bởi Pháp Hoa qua ánh sáng của thiền định ấy của Đức Phật, chỉ có Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi (Mañjuśrī) trực cảm.
Và như vậy, Đức Phật Thích-ca ngay nơi Linh Sơn đã thuyết kinh Pháp Hoa cho đại chúng bằng ngôn ngữ ấy một cách đầy đủ và toàn vẹn.
Nhưng trong đại chúng chỉ có Bồ-tát Văn-thù nghe được ngôn ngữ ấy, và khi Bồ-tát Di-lặc (Maitreya) hỏi Bồ-tát Văn-thù về hiện tượng phóng quang của Đức Phật trong lúc nhập định ấy và Ngài Văn-thù đã nói về những gì cho Bồ-tát Di-lặc và đại chúng nghe về ánh sáng của thiền định mà Đức Phật đã phóng ra, thì cũng kể từ đó, ngôn ngữ siêu việt của thiền định Pháp Hoa chuyển dịch qua ngôn ngữ quy ước của con người, làm phương tiện giúp con người trực cảm thực tại.
Ngôn ngữ là phương tiện của Pháp Hoa giúp con người trực cảm thực tại, nó không còn đơn thuần là âm thanh, là chữ viết mà ngay nơi mọi biểu tượng, và dù biểu tượng ấy là đưa lên một cành hoa, hay nở một nụ cười, hoặc chắp tay, cúi đầu hay chỉ là đưa ngón tay vẽ hình tượng Phật trên cát...
Tất cả những loại ngôn ngữ như vậy đều là ngôn ngữ của Pháp Hoa, sử dụng để diễn tả hay hiển thị thực tại, khiến cho những ai đương cơ đều có thể chứng nhập thực tướng tịch diệt của vạn hữu một cách toàn diện.
Ấy là ngôn ngữ đặc biệt và độc đáo của Pháp Hoa.
9. Thí dụ:
Một trong những đặc điểm độc đáo và hấp dẫn của Pháp Hoa là dùng ví dụ để diễn tả thực tại, khiến cho người nghe lãnh hội và chứng nhập một cách dễ dàng.
Ví dụ Ba cõi (Tam giới) là nhà lửa và ngoài nhà lửa có ba xe (Tam thừa), và khi thoát khỏi nhà lửa của Ba cõi rồi thì chỉ cho một chiếc xe quý nhất, giá trị cao nhất, là một ví dụ hết sức sống động và độc đáo của Pháp Hoa.
Chính ví dụ này giúp cho đối tượng đương cơ của Thanh văn trực cảm được mục đích ra đời và giáo hóa của Phật chính là giáo pháp Nhất thừa và giáo pháp Tam thừa chỉ là phương tiện.
Hoặc như ví dụ Trưởng giả và đứa con khốn cùng (cùng tử) ở phẩm Tín giải cũng hết sức sâu xa và độc đáo.
Sâu xa là vì cách ví dụ rất sinh động và hàm súc, với hình ảnh người con vốn sinh trưởng trong dòng dõi giàu có, quý tộc nhưng do ham chơi lâu ngày quên mất gốc rễ nên mới trở thành kẻ khốn khổ, phải đi làm thuê mướn bần cùng; nhờ người cha thông minh nên đã biết sử dụng mọi phương tiện để gần gũi và vỗ về con, sau đó đưa con trở về, trao cho hết cả gia tài và dạy dỗ cho cách sử dụng. Cũng vậy, các vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát vốn sinh ra từ Phật thừa, nhưng ham thích theo niềm vui nhỏ nhoi của các thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát mà quên mất Phật thừa. Vì vậy mà họ chỉ có những niềm vui rất hạn chế, hẹp hòi, không có được niềm vui lớn lao của quả Phật. Do đó, Phật rất thương xót, tìm đủ mọi phương tiện để gần gũi, dìu dắt, tạo điều kiện giúp họ quay trở về với Phật thừa.
Sâu xa là vậy, mà độc đáo là vì chính quý vị theo Thanh văn thừa khi nghe Phật nói thí dụ “nhà lửa và ba xe” ở phẩm Thí dụ thì họ nhận ra ngay giáo lý Nhất thừa mới là cứu cánh của Phật muốn chia sẻ cho đệ tử, mà họ đã tự ví mình là cùng tử và vị trưởng giả giàu có biết sử dụng mọi phương tiện để đưa con trở về giao hết gia tài chính là Đức Phật.
Sâu xa và độc đáo hơn nữa là ví dụ này chỉ ra rằng: Cho dù bất cứ ai, bất cứ hạnh loại và trình độ tu học cỡ nào, mà nếu quên mất Phật tính thì đều trở thành kẻ lạc đường và lạc hậu.
Lại như ví dụ “hóa thành” và “bảo sở” ở phẩm Hóa thành dụ là nói lên khả năng phương tiện thiện xảo của Phật, của Bậc Đạo Sư với sự dìu dắt và nhiếp hóa chúng sanh.
Lại như thí dụ “dược thảo”, ở phẩm Dược thảo dụ là dụ cho tâm từ bi bình đẳng giáo hóa của Phật, và Phật tính vốn bình đẳng nơi tất cả mọi người.
Thí dụ “hạt ngọc trong chéo áo” ở trong phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký là dụ cho sự tu tập mà quên mất Bồ-đề tâm, quên mất đại nguyện, thì phải bần cùng khốn khổ. Nếu nhớ lại Bồ-đề tâm và đại nguyện đã từng phát khởi thì sẽ không còn nghèo nàn nữa.
Cũng vậy, người tu tập Bồ-tát đạo thì phải có đức tin và hạnh nguyện của Bồ-tát để đào sâu vào Phật tri kiến. Và vị pháp sư Pháp Hoa là vị tinh cần đào xới để có Phật tri kiến và chắc chắn sẽ có vì đã đến gần.
Thí dụ “kế châu”- hạt minh châu trong búi tóc của vua ở phẩm An lạc hạnh là dụ cho Nhất thừa nằm trong Tam thừa; thật pháp nằm trong quyền pháp, thật trí có mặt trong quyền trí và cứu cánh có mặt ngay trong phương tiện. Phật là đấng Pháp Vương hiển thị Phật tính, thật trí hay thật pháp chỉ cho những vị phát khởi đại nguyện hành trì và hoằng truyền Pháp Hoa.
Và thí dụ “lương y”- vị y sĩ giỏi trong phẩm Như Lai thọ lượng nói rằng: Vị lương y vì muốn trị bệnh cho các con mà phải mượn cớ đi sang nước khác, để các con tự nghĩ mình côi cút, không nơi nương nhờ mà sinh tâm tỉnh ngộ.
Cũng vậy, Phật không có Niết-bàn, báo thân của Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp vẫn còn đó, nhưng Ngài phương tiện nói nhập Niết-bàn là để trị bệnh lười biếng tu học của hàng đệ tử và để dạy cho chúng sanh thấy rằng: Phật rất khó gặp, để họ phát tâm ngưỡng mộ mà tu tập.
Và còn rất nhiều ví dụ khác nữa của kinh Pháp Hoa đều hết sức sâu thẳm và độc đáo; đặc biệt và sống động.
10. Giới, định và tuệ:
Căn bản của Giới học Pháp Hoa là phát khởi Bồ-đề đại nguyện. Vì thế, Bồ-tát khác biệt với Thanh văn chính là do nơi Bồ-đề đại nguyện. Nếu không phát khởi đại nguyện thì dù có tu tịnh hạnh đến mức nào cũng không phải là Bồ-tát.
Và nếu đã phát khởi Bồ-đề đại nguyện mà quên đi mất thì không còn là Bồ-tát.
Tu tập mà không phát khởi đại nguyện Bồ-đề thì dù tu bao lâu cũng không thành Phật, tu đến mức nào cũng vẫn là hạn hẹp. Và tu tập mà quên mất đại nguyện Bồ-đề thì cũng giống như kẻ “quên mất hạt châu trong chéo áo”, nên phải trở thành kẻ nghèo nàn, chỉ làm thuê mướn để kiếm sống qua ngày.
o Phẩm Pháp sư của kinh Pháp Hoa là thiết lập căn bản đại nguyện Bồ-đề.
o Phẩm Hiện bảo tháp là chứng minh cho sự thiết lập căn bản đại nguyện ấy.
o Phẩm Đề-bà-đạt-đa là nhớ lại đại nguyện Bồ-đề và khuyến khích phát khởi đại nguyện.
o Phẩm Khuyến trì là khuyến khích phát khởi đại nguyện và duy trì đại nguyện Bồ-đề ấy.
o Phẩm An lạc hạnh là thực hiện đời sống của đại nguyện Bồ-đề là đời sống Pháp Hoa.
o Phẩm Tòng địa dõng xuất và phẩm Như Lai thọ lượng là nói rõ đời sống rộng lớn, siêu việt thời gian và không gian của đại nguyện Bồ-đề.
o Phẩm Phân biệt công đức, phẩm Tùy hỷ công đức, phẩm Pháp sư công đức, phẩm Bồ-tát Thường Bất Khinh là nói rõ đức tin và thành quả của đại nguyện Bồ-đề.
o Phẩm Chúc lụy là ký thác đại nguyện Bồ-đề, khiến đại nguyện ấy còn mãi.
o Phẩm Như Lai thần lực là yểm trợ triệt để cho đại nguyện Bồ-đề.
Và các phẩm còn lại là các Đại Bồ-tát tiếp tục thực hành đại nguyện Bồ-đề và yểm trợ đại nguyện ấy.
Như vậy, ta thấy Giới học Pháp Hoa là phát khởi đại nguyện Bồ-đề và thường xuyên thực hành đại nguyện ấy cho đến khi thành tựu Vô thượng Bồ-đề.
Thành tựu Vô thượng Bồ-đề đại nguyện là thành tựu Thanh tịnh pháp thân, thành tựu Viên mãn báo thân và thành tựu Thiên bách ức hóa thân.
Do đó, thành tựu đại nguyện Bồ-đề hay thành tựu Giới học Pháp Hoa là thành tựu Pháp thân thanh tịnh của Phật. Pháp thân ấy có mặt cùng khắp pháp giới.
Thành tựu Giới học Pháp Hoa là thành tựu Báo thân thường trú, viên mãn vô lượng phước đức và trí tuệ của Phật. Thân ấy không bị sinh diệt chi phối. Thân ấy hiện hữu qua vô lượng thời gian.
Và thành tựu Giới học Pháp Hoa là thành tựu Thiên bách ức hóa thân của Phật. Thân ấy ngay nơi Báo thân của Phật, cùng một lúc mà hóa hiện cùng khắp để hoằng truyền Pháp Hoa đến mọi phương sở, mọi chủng loại đúng như đại nguyện Bồ-đề.
Do đó, Giới học Pháp Hoa làm cho Giới học Thanh văn, Giới học Duyên giác, Giới học Bồ-tát đều trở thành Giới học viên mãn đại nguyện Bồ-đề.
Thế nên, Giới học Pháp Hoa là cực kỳ độc đáo, đặc biệt, rộng lớn và sâu xa.
Định học Pháp Hoa thiết lập trên nền tảng của đại nguyện Bồ-đề và từ bi mà phẩm chất của người tu học và hoằng truyền kinh Pháp Hoa cần phải có.
Và từ thiết lập ấy mà Định học và Tuệ học Pháp Hoa được dẫn sinh.
Ở phẩm Pháp Sư, Đức Phật nói với Bồ-tát Dược Vương rằng: “Người nào muốn giảng kinh Pháp Hoa sau khi Như Lai diệt độ, người ấy phải vào nhà Như Lai, phải đắp y Như Lai và phải ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai chính là tâm đại bi đối với hết thảy chúng sanh. Y Như Lai là đức tính nhu hòa nhẫn nhục và tòa Như Lai là nguyên lý Không của hết thảy pháp”.
Như vậy, tâm đại bi là Giới học Pháp Hoa, đức tính nhu hòa nhẫn nhục là Định học Pháp Hoa và nguyên lý Không của hết thảy pháp là Tuệ học.
Pháp Hoa đã thiết lập Giới học từ tâm đại bi. Và từ tâm đại bi mà thiết lập Định học và từ Định học ấy mà thiết lập Tuệ học.
Trong Phẩm An lạc hạnh, Đức Phật nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi rằng Định học Pháp Hoa cần có hai mặt là ‘thân cận xứ’ và ‘thân cận quán’:
v Thân cận xứ: Vị thực tập Định học Pháp Hoa thường ưa ngồi thiền, ưa sống ở nơi nhàn tịnh và thường ưa nhiếp phục tâm ý.
v Thân cận quán: Vị ấy thường quán nguyên lý Không của hết thảy pháp, quán chiếu tướng như thực của các pháp.
“Tướng ấy, không điên đảo, không chuyển động, không thối lui, không tiếp diễn, không sở hữu, không ngôn ngữ diễn đạt, không khởi sinh, không xuất hiện, không trỗi dậy, không tên gọi, không tướng trạng, không số lượng, không biên giới, không đối ngại, không ngăn cách.
Chúng chỉ do nhân duyên mà có và từ nhận thức sai lầm mà phát sinh.”
Và thân cận quán này, Đức Phật đã nói với Bồ-tát Vô Tận Ý trong phẩm Phổ môn qua bài kệ như sau:
真觀清淨觀
廣大智慧觀
悲觀及慈觀
常願常瞻仰
Chân quán, thanh tịnh quán
Quảng đại trí tuệ quán,
Bi quán cập từ quán
Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng”
Nghĩa là:
Quán chiếu đúng sự thật,
Quán chiếu thật thanh tịnh,
Quán chiếu trí tuệ lớn,
Quán chiếu bằng đại bi,
Quán chiếu bằng đại từ,
Thường ước nguyện tu tập,
Thường chiêm nghiệm, ngưỡng mộ.
§ Quán chiếu đúng sự thật là nhìn sâu vào mọi đối tượng để thấy rõ tự tính Chân như nơi mọi đối tượng ấy.
§ Quán chiếu thật thanh tịnh là sự quán chiếu trong suốt, không bị mọi ý tưởng về ngã chấp làm ngăn ngại.
§ Quán chiếu trí tuệ lớn là sự quán chiếu không bị các ý tưởng về pháp chấp làm trở ngại.
§ Quán chiếu bằng đại bi là sự quán chiếu cứu độ chúng sanh bằng bản nguyện đại bi rộng lớn, toàn diện và cùng khắp.
§ Quán chiếu bằng đại từ là sự quán chiếu thương yêu chúng sanh bằng bản nguyện đại từ rộng lớn, toàn diện và cùng khắp.
Trong năm pháp thiền quán này, ba pháp quán đầu là Định học Pháp Hoa và hai pháp quán sau là Giới học Pháp Hoa.
Và như vậy, Giới học Pháp Hoa và Định học Pháp Hoa không thể tách rời nhau mà chúng luôn luôn có mặt trong nhau để hỗ trợ nhau, khiến từ đó mà Định học Pháp Hoa phát triển rộng lớn, cùng khắp, toàn diện và viên mãn.
Và thiền định Pháp Hoa chính là “vô lượng nghĩa xứ tam muội” (Anantanirdeśapratiṣṭhānasamādhi)
Pratiṣṭhāna trong tiếng Phạn có nghĩa là xứ, là điểm hay lãnh vực của tâm an trú. Điểm ấy chính là “thực tướng” của vạn hữu.
Anantanirdeśa trong tiếng Phạn có nghĩa là Vô lượng nghĩa. Nội dung của vô lượng nghĩa là Mười như thị.
Như vậy, Định (samādhi) của Pháp Hoa là Định Vô lượng nghĩa. Nhập định này là tâm luôn luôn an trú trong thực tướng của vạn hữu và đồng nhất với thực tướng ấy. Nghĩa là tâm luôn luôn an trú và đồng nhất với Mười như thị.
Thế nên, thiền định Pháp Hoa là thiền định của Phật. Thiền định ấy cực kỳ sâu thẳm, toàn diện và cùng khắp. Do đó, không có bất cứ loại thiền định nào có thể so sánh.
Tuệ học Pháp Hoa được thiết lập trên nền tảng của Định học Pháp Hoa. Nghĩa là từ nơi sự quán chiếu nguyên lý Không của tất cả pháp mà dẫn sinh tuệ học toàn diện.
Toàn diện đối với tâm, toàn diện đối với trí và toàn diện đối với phương tiện lực.
Đối với tâm, Tuệ học Pháp Hoa quét sạch mọi phiền não do chấp ngã và pháp, không những đưa tâm trở về với tự tánh thanh tịnh, mà còn làm cho tâm sinh khởi đại bi, phát khởi đại nguyện để cứu độ hết thảy chúng sanh.
Như ở phẩm Pháp Sư, Đức Phật nói với Bồ-tát Dược Vương rằng:
“Này Dược Vương! Nên biết người ấy, sau khi Như Lai diệt độ, tự họ buông bỏ quả báo thanh tịnh là do lòng thương xót chúng sinh mà sinh ra trong thời đại xấu ác để để diễn giảng kinh Pháp Hoa này một cách rộng rãi.”
Đối với trí, Tuệ học Pháp Hoa chính là Thật trí. Thật trí ấy là trí thấy rõ sự thật toàn diện nơi mọi pháp. Nghĩa là, Tuệ giác thấy rõ Mười như thị ngay nơi mỗi một pháp.
Thế nên, ở phẩm Phương Tiện, Đức Phật nói với Tôn giả Xá-lợi-phất như sau: “Pháp được Như Lai thành tựu hiếm có bậc nhất, rất khó hiểu, chỉ có Như Lai cùng với các Như Lai mới có năng lực xét thấu đến chỗ tột cùng thật tướng của các pháp.”
Thật tướng của các pháp ấy là: Tướng như vậy, Tánh như vậy, Thể như vậy, Lực như vậy, Tác như vậy, Nhân như vậy, Duyên như vậy, Quả như vậy, Báo như vậy, hết thảy gốc rễ và ngọn ngành tuyệt đối bình đẳng như vậy”.
Và từ Tuệ giác hoàn toàn này mà sinh khởi Phương tiện trí, để thiết lập Tam thừa, giáo hóa, dìu dắt hết thảy mọi căn cơ, nhằm đưa họ đến với Nhất thừa Phật đạo.
Điều này, Đức Phật nói với Tôn giả Xá-lợi-phất rằng: “Này Xá-lợi-phất! Ta từ khi thành Phật cho đến ngày nay, đã dùng các loại nhân duyên, các loại thí dụ, trình bày giáo pháp rộng rãi bằng ngôn ngữ, sử dụng vô số phương tiện để dẫn đạo chúng sanh, khiến họ xa lìa mọi vướng mắc.
Vì sao làm được như vậy? Vì Như Lai đều có đầy đủ sự thấy biết và phương tiện toàn vẹn…”
Như vậy, Tuệ học Pháp Hoa là Tuệ học thấy rõ thực tướng toàn diện của mỗi pháp bằng Mười như thị. Và từ sự thấy biết ấy mà thiết lập giáo pháp Tam thừa, để hoạt dụng và đưa các Thánh tăng Tam thừa hội nhập Nhất thừa.
Thế nên, Tuệ học Pháp Hoa cực kỳ sâu xa và đặc biệt.
Nói tóm lại, Giới - Định - Tuệ Pháp Hoa là Giới - Định - Tuệ của bản nguyện Đại bi và Đại trí, nên chính là phương tiện để độ đời, nhưng cũng chính là cứu cánh, là đích điểm đồng quy của mọi phương tiện, nghĩa là ngay nơi phương tiện mà hiển thị cứu cánh.
11. Nguyên ủy của Pháp Hoa:
Nguyên ủy kinh Pháp Hoa, theo Ngài Văn-thù-sư-lợi nói ở phẩm Tựa là có từ Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh cách đây vô số thời kỳ.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã từng nghe kinh Pháp Hoa từ Đức Phật ấy và đã từng giảng dạy, hướng dẫn tu học Pháp Hoa cho 800 đồ chúng, trong đó có Bồ-tát Di-lặc hiện nay.
Ở phẩm Hóa thành dụ, Đức Phật Thích-ca nói rằng, cách đây một quãng thời gian “tam thiên trần điểm kiếp”có Đức Phật ra đời tên là Đại Thông Trí Thắng, thế giới tên là Hảo Thành, kiếp tên là Đại Tướng, đã giảng dạy kinh Pháp Hoa, với nội dung Tam thừa là phương tiện và Nhất thừa là chân thật. Niết-bàn của A-la-hán là tạm thiết lập, Niết-bàn của Phật mới là chân thật tuyệt đối.
Bấy giờ Đức Phật Thích-ca là một trong mười sáu Vương tử, phát nguyện xuất gia làm Sa-di Bồ-tát, đệ tử của Đức Phật Đại Thông Trí Thắng, đã từng thọ học Pháp Hoa với Đức Phật này, cũng đã từng giảng dạy, hướng dẫn vô số đệ tử tu học kinh Pháp Hoa.
Và nhiều vị Thanh văn, Bồ-tát đã từng học Pháp Hoa với Sa-di Bồ-tát Thích-ca ngày ấy, hiện nay vẫn đang có mặt trong hội Pháp Hoa tại đỉnh Linh Sơn này.
Như vậy, nguyên ủy kinh Pháp Hoa là nguyên ủy của giáo pháp Nhất thừa đã có từ Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, theo sự trải nghiệm của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và có từ Đức Phật Đại Thông Trí Thắng đã trải qua “tam thiên trần điểm kiếp” được kể lại từ tuệ giác của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
Và ở trong phẩm Phương tiện, Đức Phật nói với Tôn giả Xá-lợi-phất rằng: “Pháp Nhất thừa chỉ có các Đấng Như Lai giác ngộ mới chứng biết. Và chư Phật xuất thế cũng để khai mở cái thấy biết của Phật ấy cho chúng sanh, để cho họ ngộ nhập; đó là mục đích duy nhất.
“Và chư Phật ba đời chỉ giáo hóa cho chúng sanh làm Bồ-tát, và sau đó là trao cho họ pháp Nhất thừa để làm Phật, mà không có trao thừa nào khác.
“Chư Phật ba đời và mười phương có mặt trong thế gian cũng chỉ làm một việc đó thôi.
“Nên, nay Như Lai cũng vậy.”
Do đó, lịch sử Pháp Hoa là lịch sử truyền thừa của chư Phật.
Lịch sử ấy đã có từ chư Phật với trải qua vô lượng thời gian trong quá khứ, nó đang tiếp diễn ở hiện tại và sẽ tiếp diễn vô tận trong tương lai.
Đó là một trong những điểm độc đáo, không chỉ là nguyên ủy mà còn là lịch sử truyền thừa của Pháp Hoa, đều là vô tận. Vô tận trong quá khứ và vô tận trong vị lai.
Tại sao vậy? Vì nếu có tâm là có Phật, và có tâm là có chúng sanh. Tâm đã vô cùng, thì Phật cũng vô tận. Và Phật vô tận là để giáo hóa vô tận chúng sanh, khiến họ nhận ra được Phật tính ở nơi chính mình mà ngộ nhập.
Thế nên, việc Ngài Văn-thù-sư-lợi nói với Bồ-tát Di-lặc ở phẩm Tựa về nguyên ủy Pháp Hoa, hay Đức Phật Thích-ca nói với Tôn giả Xá-lợi-phất về nguyên ủy Pháp Hoa ở phẩm Hóa thành dụ, cũng chỉ là nói theo ngôn ngữ ước lệ quyền xảo, chứ không nói theo ngôn ngữ diễn tả “thực tướng về nguyên ủy”.
Hai ví dụ “tam thiên trần điểm kiếp” ở phẩm Hóa thành và “vô số tam thiên trần điểm kiếp” ở phẩm Như Lai thọ lượng đã cho ta thấy nguyên ủy kinh Pháp Hoa hay nguyên ủy thành Phật của Phật Thích-ca là một nguyên ủy vượt thoát hẳn mọi ngôn ngữ ý niệm của con người.
Đó là điểm hết sức sâu thẳm, vi diệu và độc đáo, khi Đức Phật nói cho Tôn giả Xá-lợi-phất và thính chúng đương cơ Thanh văn về nguyên ủy tu học Pháp Hoa của Ngài khi còn là chú Sa-di Bồ-tát.
[1] Phẩm Thí Dụ, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang10c.
[2] Phẩm Dược Thảo, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 19.
[3] Phẩm Hóa Thành Dụ, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 22.
[4] Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 27.
[5] Phẩm Khuyến Trì, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 36a.
[6] Sách và trang đã dẫn như trên.
[7] Phẩm An Lạc Hạnh, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 38c.
[8] Phẩm Phân Biệt Công Đức, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 44.
[9] Phẩm Tùy Hỷ Công Đức, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 46.
[10] Phẩm Pháp Sư Công Đức, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 47.
[11] Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 57.
[12] Phẩm Phương Tiện, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 9a.
[13] Phẩm Phương Tiện, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 7c.