Home
PHÁP THOẠI
NGHIÊN CỨU
PHẬT HỌC
THIỀN HỌC
VĂN HOÁ
LUẬT HỌC
TĂNG GIÀ
TUỔI TRẺ
CHUYÊN ĐỀ
HOẰNG PHÁP
THUVIENCOPHAP.org | Hôm nay:
Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2010
ĐỔI MỚI CÁCH NHÌN - HẠNH PHÚC TRONG BÓNG ĐÊM
Thích Thái Hòa
Mọi sự hiện hữu là hiện hữu trong quy luật nhân duyên, nhân quả của chính nó. Nên, quả báo của những loài có cánh thì biết bay trên trời; quả báo của những loài thủy tộc là sống và bơi lội ở dưới nước; quả báo của những loài có xương sống nằm ngang thì phải đi bốn chân; quả báo của những loài có xương sống thẳng đứng thì phải đi hai chân; quả báo của loài người thì có đầu mình, tứ chi và biết suy nghĩ trước khi nói và làm. Và cả vạn loại chúng sanh, không có loài nào là không hiện hữu từ nhân duyên, nhân quả của chính nó.
Vạn loại đã hiện hữu từ nhân duyên và thụ hưởng đời sống theo nghiệp báo, nên nhân duyên thiện ác của chúng sanh sâu thẳm, đa thù, thì quả báo khổ vui của chúng sanh cũng có ngàn sai vạn biệt.
Chim bay trên trời, cá bơi dưới nước không phải là quy luật tự nhiên mà quy luật của nghiệp báo. Nếu chim đem nghiệp báo bay trên trời mà ganh tỵ với nghiệp báo bơi dưới nước của cá và chim muốn chiếm dụng nước để sống và bơi, thì chỉ gây thiệt hại và phí uổng cho đời sống của chim mà thôi. Cá sẵn sàng hiến tặng không gian của cá cho chim không có bất cứ điều kiện nào, mà chim không thể nào nhận được để thừa hưởng, huống gì là chim manh tâm ganh tỵ, tiêu diệt loài cá để chiếm dụng không gian?
Cũng vậy, cá đem nghiệp báo sống dưới nước mà ganh tỵ với đời sống của chim bay trên trời, chỉ làm cho hư cái tâm thảnh thơi của cá. Dù chim hết lòng thương cá và muốn hiến tặng cả không gian rộng lớn cho cá để cá cũng được bay thênh thang giữa mọi phương trời như chim, thì cá cũng không tài nào nhận được cái bay giữa không gian như chim. Chim hiến tặng không gian cho cá mà không có bất cứ điều kiện nào, mà cá còn không nhận được để thừa hưởng, huống gì cá manh tâm đấu tranh và tàn hại loài chim?
Cũng vậy, trong đời sống con người, chúng ta mỗi người đều tùy theo tác nghiệp thiện ác mà nhận lấy đời sống quả báo khổ vui khác nhau.
Vì vậy, ở trong đời có những người giàu có tiền bạc mà nghèo khó tình cảm và bị phụ bạc bởi tình; có những người có uy quyền xã hội mà thiếu vắng hạnh phúc gia đình; có những người giàu có lại khó sinh con, nhưng lại có những người nghèo khó mà sinh con thừa thải, có những người thông minh, tài trí mà chỉ biết đi làm thuê, viết mướn, có những kẻ kém học, nhưng lại ở vị trí cao,… Những sai biệt vừa mâu thuẫn, nghịch lý ấy, ta mới nhìn qua như phi lý, nhưng tất cả đều có cái lý của nhân duyên, nhân quả sâu thẳm và cực kỳ tế nhị của nó.
Mọi sự hiện hữu đúng như chính nó hiện hữu, nó hiện hữu như vậy là như vậy. Khi cái hiện hữu như vậy đã xẩy ra, thì cho dù ta có không muốn nó hiện hữu, thì nó vẫn hiện hữu như vậy. Nó hiện hữu như vậy là như vậy với nhân duyên, nhân quả của chính nó.
Nhân duyên, nhân quả là một thực tại sống động của tâm thức. Tâm thức là tác nhân cho mọi sự hiện hữu sinh khởi. Tâm thức cá nhân tác động như thế nào, thì hệ quả sinh khởi xẩy ra cho cá nhân ấy đúng như thế ấy. Tâm thức cộng đồng tác động như thế nào, thì hệ quả sinh khởi xẩy ra cho cộng đồng ấy đúng như thế ấy.
Vì vậy, không có bất cứ một ai trên đời sống với tâm ý đầy tham đắm, thù hận và ganh tỵ mà có một đời sống thảnh thơi và hạnh phúc bao giờ. Và cũng không có bất cứ một ai sống với tâm thức xả ly, từ bi và độ lượng mà bị khổ đau và bị mọi người ghét bỏ bao giờ.
Nhân đã như vậy, duyên đã như vậy, thì quả tất yếu là phải như vậy. Ta muốn thay đổi hệ quả, thì ta phải biết thay đổi nhân duyên sinh khởi chúng, đó là ta đã có một cách nhìn hợp lý về sự đổi mới trong đời sống của cá nhân và cộng đồng của chúng ta.
HẠNH PHÚC TRONG BÓNG ĐÊM
Thế gian không có cái gì khổ cả, khổ chỉ là những ảo giác của con người. Những ảo giác của con người cá nhân và con người cộng đồng đã tạo nên những khổ hải cho chính họ và thế giới của họ.
Vì vậy, thế giới vật chất chỉ là những dụng cụ giúp con người sống mà không phải thay thế cho con người để sống. Nếu ai cho rằng, vật chất là cứu cánh của hạnh phúc, người ấy sẽ bị rơi vào cạm bẫy của ảo giác. Chính những ảo giác của họ đã làm cho họ khổ đau.
Ta nên biết rằng, những vật chất đã giúp cho ta tiện nghi bao nhiêu, thì ta cũng bị chính nó gây ra cho ta mất tiện nghi bấy nhiêu. Nó giúp cho ta bao nhiêu hạnh phúc, thì nó cũng lấy mất hạnh phúc của ta bấy nhiêu. Nó giải phóng sự đói nghèo cho ta bao nhiêu, thì chính chúng cũng đang làm cho ta đói nghèo, lo lắng và sợ hãi bấy nhiêu.
Một đời sống sung mãn về vật chất đang hấp hối và giãy giụa trên những đống ngói gạch, xi măng, cột sắt là vì chúng đang bị đói nghèo bởi đời sống tinh thần. Và một người sung mãn về đời sống tinh thần, họ nghèo vật chất đến nỗi, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nằm. Họ chỉ biết nhận vừa đủ những gì từ cuộc sống cho họ, và họ biết cám ơn cuộc sống một cách sâu sắc. Và, nếu họ có làm được điều gì hữu ích cho cuộc sống, thì chính cái ấy là của cuộc sống mà không phải của họ.
Từ chối đời sống vật chất là một người điên, nhưng bám víu vào đời sống vật chất là một kẻ khốn nạn. Điên, vì chính đời sống của nó đã bị đảo lộn. Khốn nạn, vì nó muốn thảnh thơi mà thân và tâm của nó luôn luôn mang vào những khối nặng lầm lì, vô tri, không biết nói, không biết cười, không biết cảm thông và sẻ chia.
Thế thì sao? Từ chối ư? – Không! Bám víu ư? – Không! Không từ chối mà cũng không bám víu, mà hãy trân trọng và sử dụng nó như là những phương tiện của cuộc sống mà không phải là cứu cánh.
Vậy, cứu cánh của cuộc sống là gì? Cứu cánh của cuộc sống chính là sự giác ngộ.
Giác ngộ cao nhất, là biết được rằng, những gì ta đang có và đang trân quí hôm nay, chính những cái ấy, tự nó đã và đang biến mất trong từng khoảnh khắc hiện hữu của chính nó. Nó biến mất không phải để trở thành hư vô, mà để tiếp tục tái lập trong những điều kiện nhân quả của nó. Và nhân quả của nó còn đó, nhưng không phải bất biến và thường tại. Nó thường tại ngay ở nơi cái không thường tại của chính nó. Và nó chuyển biến ngay nơi cái bất biến của chính nó.
Ta hãy nhìn bản thân ta, đời sống của ta bằng con mắt giác ngộ, ta sẽ nhận ra rằng, ta không có bất cứ một cái ta nào riêng biệt, độc tồn và tự hữu. Cái ta độc tồn và tự hữu chỉ là những ảo giác.
Không ảo giác sao được? Khi mà bàn tay ta chưa bao giờ là bàn tay hiện hữu một mình, mà nó cùng hiện hữu với những cái khác. Nó hiện hữu với xương, với thịt, với hệ thần kinh, với máu tim, với cha mẹ, với nhân duyên nghiệp quả của chính nó và với cuộc đời.
Nếu giác ngộ được như thế, tầm nhìn và sự hiểu biết của ta đối với bản thân mình, đối với cuộc sống của mình càng ngày càng rộng lớn và sâu sắc. Tình thương chân thực của ta đối với mọi người và mọi loài, cũng từ nơi sự giác ngộ ấy mà sinh khởi và lớn rộng.
Bấy giờ, hạnh phúc của ta chính là tình thương. Tình thương càng lớn, thì hạnh phúc càng nhiều. Tình thương càng đằm thắm và thẳm sâu, thì hạnh phúc của ta càng trở nên cao thượng và diệu vợi.
Muốn chấm dứt mọi tranh chấp và khổ đau của con người cá nhân và cộng đồng ta chỉ cần thực tập ba chữ “đừng ảo giác” mà thôi.
Vì sao? Vì chính ảo giác về một cái ta tự hữu ấy, đã tạo ra những tham đắm, thất vọng và thù hận cho ta. Đời sống bận rộn, tham đắm, thất vọng, hận thù và khổ đau của ta đã được tạo ra từ những ảo giác ấy. Và từ đó, ảo giác đã đẩy ta vào cuộc chạy đua với bận rộn, để kiếm tìm hạnh phúc trong bóng đêm, mà ảo giác vừa là huấn luyện viên, vừa là cổ động viên, đẩy ta đi dài trong bóng đêm tăm tối!
Thích Thái Hòa
Ứng dụng
2010-12-19T01:07:00-08:00
2010-12-19T01:07:00-08:00
Loading...