Home
PHÁP THOẠI
NGHIÊN CỨU
PHẬT HỌC
THIỀN HỌC
VĂN HOÁ
LUẬT HỌC
TĂNG GIÀ
TUỔI TRẺ
CHUYÊN ĐỀ
HOẰNG PHÁP
THUVIENCOPHAP.org | Hôm nay:
Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011
BÁT CHÁNH ĐẠO VỚI TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
Tứ vô lượng tâm tức là Bốn tâm vô lượng, bốn tâm vượt ra khỏi giới hạn của ý thức hữu ngã. Tâm đó là Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ và Tâm Xả.
Tâm Từ vô lượng:
Tâm Từ vô lượng là tình thương không liên hệ đến xác thịt, không liên hệ đến dục nhiễm, không phải là tình thương đồng chí, hay tình quê hương xứ sở. Và nó cũng vượt hẳn ra khỏi tình thương nhân loại. Vì tình thương bị lệ thuộc vào xác thịt hay dục nhiễm, đó là tình thương thấp kém, ích kỷ; tình thương ấy sẽ dẫn đến lo âu, sầu muộn, thất vọng và khổ đau.
Tâm Từ lại không phải là tình thương của đồng chí. Vì tình thương của đồng chí là tình thương giới hạn giữa những người đồng quan điểm, đồng lập trường và chí hướng với nhau. Và tình thương ấy sẽ không thương bất cứ ai không đồng quan điểm, không cùng lập trường, không cùng chí hướng và không nằm trong hệ thống tổ chức của mình. Tình thương như vậy sẽ dẫn đến chia rẽ, bè phái, đấu tranh và chết chóc. Như vậy, tình thương ấy cũng dẫn đến khổ đau, sầu muộn cho chính mình và kẻ khác.
Lại nữa, Tâm Từ không phải là tình thương quê hương xứ sở. Vì tình thương ấy bị buộc vào một quốc gia hay một dân tộc nhất định nào đó. Và tình thương ấy sẽ không thương bất cứ một quốc gia hay một dân tộc nào không phải là quê hương dân tộc của mình. Vì vậy mà trên thế giới đã có nhiều quốc gia, vì quá thương quốc gia của mình đến nỗi phải đi xâm lăng những quốc gia khác làm thuộc địa. Và kết quả đã tạo nên khổ đau cho nhiều dân tộc. Và trên thế giới đã có nhiều dân tộc khổ đau vì những tình thương quê hương ấy.
Lại nữa, Tâm Từ là tình thương vượt hẳn ra khỏi tình thương nhân loại. Nếu tình thương chỉ được giới hạn trong nhân loại, thì con người có thể tàn sát loài vật mà không có một chút lương tâm. Nhưng trên thực tế, sự hiện hữu của một số loài vật đã giúp ích cho sự sống loài người không ít.
Như vậy, chỉ thương nhân loại mà không thương loài vật thì quả thực tình thương ấy còn giới hạn và hẹp hòi. Và đương nhiên tình thương yêu nhân loại mà không thương yêu chúng sanh, không thương yêu loài vật thì vẫn gây khổ đau cho chúng, và nuôi lớn ác tâm nơi chính mình. Bởi vậy, Tâm Từ vô lượng là tâm thương yêu vượt hẳn mọi thứ tình thương ở trên, nó không còn bị giới hạn trong một quốc gia hay một xứ sở nào, hay một loài nào; dù đó là chư Thiên, loài người hay những loài thấp kém hơn.
Tâm Từ là tâm thương yêu hết thảy chúng sanh, đem lại niềm vui và an lạc lâu dài cho họ.
Tâm Từ tiếng Pàli gọi là Mettà Citta và tiếng Phạn gọi là Maitri Citta. Và tạm thời hiểu những chữ ấy như là sự từ ái đối với tất cả mọi loài, đem lại niềm vui cho tất cả mọi loài một cách bình đẳng.Nói gọn, Tâm Từ vô lượng chính là tình thương vô ngã, và chỉ có tình thương này mới bao trùm hết thảy mọi thứ tình thương và chính tình thương đó mới là tình thương chân thật. Tâm Từ vô lượng hay tình thương chân thật, không thể phát sinh từ một sự hiểu biết tà vạy, mà nó chỉ phát sinh từ chánh kiến, tức là nó phải phát sinh từ sự hiểu biết chân chánh đích thực. Nó phải được phát sinh từ một cách nhìn hợp lý, đó là nhìn thấy thực tại duyên sinh, vô ngã.
Tình thương ấy phải được phát sinh từ những lời nói đúng đắn, chân thật, đó là chánh ngữ, chứ không thể phát sinh từ những lời nói hư vọng, luống dối, lừa phỉnh. Tình thương ấy phải được phát sinh từ một hành vi đạo đức, tôn trọng sự sống của mọi loài, tôn trọng tài sản của tất cả và tôn trọng hạnh phúc riêng tư của tất cả. Nó phải được phát sinh từ một tâm hồn vô tham, vô sân và vô si. Tất cả tình thương phát sinh từ những hành vi ấy gọi là tình thương phát sinh từ chánh nghiệp, và chỉ có tình thương phát sinh từ chánh nghiệp mới gọi là tình thương vô ngã, chân thật.
Tình thương chân thật không thể phát sinh từ những đời sống tà vạy, lừa đảo, bịp bợm, đầu cơ tích trữ, lường gạt, buôn thánh bán thần, mà nó phải được phát sinh từ một đời sống chánh mạng và nó phải được nuôi dưỡng từ đời sống chánh mạng ấy.
Tình thương chân thật hay Tâm Từ vô lượng không thể phát sinh từ một tâm niệm điên đảo, tạp loạn, xằng bậy, mà nó phải được phát sinh từ một tâm niệm chân chánh, từ một sự nhớ nghĩ hợp lý và nó phải được nuôi dưỡng từ sự nhớ nghĩ hợp lý ấy.
Tình thương chân thật hay Tâm Từ vô lượng không thể phát sinh từ một tâm hồn biếng nhác, giải đãi mà nó phải được phát sinh từ một đời sống siêng năng tinh cần trong chánh đạo.
Tình thương chân thật hay Tâm Từ vô lượng không thể phát sinh từ một tâm thần bất định, tán loạn, vọng tưởng; mà nó phải được phát sinh từ một tâm hồn yên tĩnh, trong sáng và thầm lặng, đó là chánh định, và nó được nuôi dưỡng bằng tâm hồn chánh định ấy.
Nói tóm lại, Tâm Từ vô lượng hay tình thương chân thật chỉ được phát sinh từ sự thực hành Bát chánh đạo, và nếu không thực hành Bát chánh đạo thì không thể nào có được Tâm Từ vô lượng hay tình thương chân thật vô hạn.
Tâm Bi vô lượng:
Tâm Bi vô lượng là tâm nguyện rộng lớn cứu độ tất cả chúng sanh, không phân biệt kẻ oán người thân. Hễ bất cứ ai, bất cứ chúng sanh nào bị khổ đau thì Tâm Bi có bổn phận cứu độ. Bởi vậy, Tâm Bi không phải chỉ cứu độ những người có quan hệ, mà còn cứu độ những kẻ không có quan hệ; không phải chỉ cứu độ những kẻ đức hạnh, mà những kẻ tệ ác cũng cần được cứu độ; không phải chỉ cứu độ chư Thiên và loài người, mà còn phải cứu độ những kẻ đọa đày ở địa ngục giới, ngạ quỷ giới, súc sanh giới.
Nói tóm lại, Tâm Bi là tâm cứu độ tất cả chúng sanh, vì tâm ấy là tâm thương yêu năng động.
Tâm Bi, tiếng Phạn là Karunà Citta nghĩa là tâm hồn hoạt động để cứu giúp kẻ khác thoát khỏi khổ đau. Bất cứ ai có tâm hồn như vậy thì người ấy gọi là có Tâm Bi.
Đối tượng của Tâm Bi cứu độ chính là những chúng sanh khổ đau hoặc vì nghèo thiếu, đói khát, hoặc vì ngu si vô trí, và chính những chúng sanh ngu si vô trí cần phải được cứu độ trước hết. Vì do ngu si vô trí nên không biết điều xấu để tránh xa, không biết điều thiện cần phải gần gũi để làm, không biết tránh xa những người cần phải tránh, không biết gần gũi những bậc đáng gần. Do đó, họ đã tạo nhiều tội lỗi không những thiệt hại cho họ mà còn gây thiệt hại cho những người chung quanh nữa.
Bởi vậy, Tâm Bi cần phải thể hiện để cứu giúp những chúng sanh ngu si vô trí trước hết. Tâm Bi vô lượng, hay tâm cứu độ hết thảy chúng sanh, không thể phát sinh từ một sự hiểu biết sai lầm, không thể phát sinh từ một sự suy tư sai lầm, không thể phát sinh từ những lời nói dối trá sai lầm, không thể phát sinh từ những hành động tà vạy, không thể phát sinh từ sự siêng năng không chính đáng, không thể phát sinh từ sự nhớ nghĩ điên đảo và không thể phát sinh từ tâm tư tán loạn.
Trái lại, chúng phải được phát sinh từ một sự hiểu biết đúng đắn, từ một sự nhận thức hợp lý. Đó là chánh kiến. Vì có chánh kiến mới thấy rõ đâu là hạnh phúc, an lạc lâu dài, đâu chỉ là niềm vui trong thoáng chốc rồi tan biến như ánh chớp trời chiều. Và đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc. Nhờ thấy rõ và biết rõ như vậy mà phát khởi Tâm Bi rộng lớn, cứu độ tất cả chúng sanh. Bởi vậy, nếu không có chánh kiến thì không thể có Tâm Bi. Hay nói cách khác, không có trí tuệ thì không thể có tình thương chân thật và không có sự cứu độ hợp lý theo tình thương ấy.
Lại nữa, nếu không có chánh kiến và chánh tư duy thì không thể nhìn thấy được thực tại vô ngã; do không nhìn thấy được thực tại vô ngã nên vọng tưởng hữu ngã phát sinh, mỗi khi vọng tưởng hữu ngã đã phát sinh thì nó lại làm tác nhân, tác duyên cho những tâm lý ích kỷ, tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn v.v... phát sinh. Một khi những tâm lý này phát sinh, thì không thể có tình thương chân thật; lúc đó chỉ có hận thù, ganh tỵ mà thôi.
Trái lại, một tình thương vô hạn và một sự cứu độ vô hạn phải được phát sinh từ một cách nhìn vô hạn. Một tình thương hợp lý và một sự cứu độ hợp lý; một tình thương chân thật và một sự cứu độ chân thật phải được phát sinh từ một sự hiểu biết chân thật, từ một sự suy tư hợp lý, đó là chánh kiến và chánh tư duy vậy.
Tình thương và sự cứu độ vô hạn phải được phát sinh từ những lời nói chân thật, đó là chánh ngữ. Nó phải được phát sinh từ những hành vi tôn trọng sự sống, tôn trọng tài sản của tất cả mọi người, tôn trọng mọi nhân cách, phẩm giá và hạnh phúc riêng tư của tất cả mọi người, tôn trọng mọi lời nói đã được quy ước với nhau v.v... Tất cả sự tôn trọng như vậy là chánh nghiệp. Và chỉ có sự thực hành chánh nghiệp mới có được tất cả những sự tôn trọng ấy.
Như vậy, không có chánh nghiệp thì không có hành vi tôn trọng sự sống, không có hành vi tôn trọng tài sản của tất cả mọi người, không có hành vi tôn trọng nhân cách, phẩm giá và hạnh phúc riêng tư của kẻ khác v.v... và hẳn nhiên là không có tình thương và không có tâm nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh. Do đó, tình thương và sự cứu độ chúng sanh phải được bắt đầu bằng chánh nghiệp. Hay nói theo thuật ngữ Phật giáo, Tâm Từ và Tâm Bi phải được thực hiện cụ thể bằng chánh nghiệp. Không những Tâm Bi được thực hiện cụ thể từ chánh nghiệp, mà nó còn phải được nuôi dưỡng từ chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định nữa.
Nói tóm lại, Tâm Bi phát khởi rộng lớn và thực hiện Tâm Từ có hiệu quả là nhờ sự thành tựu Bát chánh đạo. Nếu không có Bát chánh đạo thì Tâm Bi vô lượng không biết dựa vào đâu để sinh khởi. Bởi vậy, Bát chánh đạo là tác nhân, là tác duyên cho Tâm Bi vô lượng sinh khởi.
Tâm Hỷ vô lượng:
Tâm Hỷ vô lượng là tâm vui thích, hoan hỷ tùy thuận trước tất cả những hạnh phúc an lạc của mọi người, của chúng sanh mà không phân biệt của kẻ oán người thân.
Như vậy, Tâm Hỷ là tâm không ganh tỵ trước mọi thành công của kẻ khác, trước mọi tài năng của kẻ khác. Trái lại, Tâm Hỷ là tâm rất vui vẻ, hoan hỷ, tùy thuận trước mọi sự thành công và tài năng của kẻ khác. Lòng ganh tỵ đem lại cho con người và chúng sanh khổ đau và thấp kém bao nhiêu thì Tâm Hỷ đem đến cho con người và chúng sanh sự an lạc, hạnh phúc và đời sống cao thượng bấy nhiêu.
Tâm Hỷ, tiếng Phạn là Mudità Citta, nghĩa là tâm hoan hỷ, vui sướng tùy thuận với tất cả mọi người, với tất cả mọi chúng sanh trong tất cả mọi thời gian và mọi không gian mà không có bất cứ một điều kiện nào.
Như vậy, Tâm Hỷ không bị giới hạn trong những thứ tình cảm bé nhỏ như gia đình, tổ quốc, con người mà nó phải vượt ra khỏi tất cả mọi thứ tình cảm bé nhỏ ấy.
Hẳn nhiên, người có Tâm Hỷ vô lượng, không những chỉ vui sướng, hoan hỷ và tùy thuận khi gia đình mình có hạnh phúc mà cũng phải hoan hỷ, vui sướng và tùy thuận khi thấy gia đình của kẻ khác có hạnh phúc, ngay cả gia đình ấy ngày trước có nhiều sự oán đối với gia đình mình. Không những chỉ vui sướng, hoan hỷ và tùy thuận khi quốc gia của mình giàu có, hòa bình mà cũng phải vui sướng, hoan hỷ và tùy thuận khi thấy những quốc gia khác có hòa bình và giàu có, ngay cả những quốc gia ấy trước đã gây chiến làm thiệt hại cho quốc gia mình. Và không những chỉ vui sướng, khi thấy loài người có hạnh phúc, có tiến bộ mà cũng rất vui sướng, khi nhìn thấy tất cả những chúng sanh từ nơi trái đất hoặc từ những tinh cầu khác có hạnh phúc an lạc và tiến bộ.
Bởi vậy, Tâm Hỷ vô lượng đã vượt hẳn mọi tình cảm giới hạn để hòa nhập vào tình thương vô hạn, đem lại sự an lạc và tươi mát cho tất cả chúng sanh trong mọi không gian và trong mọi thời gian.
Tâm Hỷ vô lượng như vậy, không thể phát sinh từ một kẻ hiểu biết tà vạy, hẹp hòi, ích kỷ, mà nó phải phát sinh từ một con người có chánh kiến. Vì do có chánh kiến, con người mới thấy được rằng, sự an lạc không thể phát sinh từ đời sống, ích kỷ, hẹp hòi; không thể phát sinh từ những hành động ích kỷ, lừa đảo, hơn thua mà nó phải phát sinh từ tình thương vô hạn, từ sự cứu độ vô hạn, từ sự tùy hỷ vô hạn; đó là Tâm Từ vô lượng, Tâm Bi vô lượng, Tâm Hỷ vô lượng.
Lại nữa, Tâm Hỷ vô lượng không thể phát sinh từ một sự suy tư tà vạy mà nó phải phát sinh từ một sự suy tư đúng đắn, đó là chánh tư duy. Vì có chánh tư duy mới thấy rõ thực tại duyên sinh vô ngã. Và vì thấy được thực tại duyên sinh vô ngã mới phát sinh sự tùy hỷ vô lượng.
Nếu không có sự suy tư chân chánh để nhìn thấy thực tại duyên sinh vô ngã thì không thể nào có Tâm Hỷ vô lượng.
Vậy, có Tâm Hỷ vô lượng là nhờ có sự suy tư chân chánh. Tâm Hỷ vô lượng phát sinh không những do có chánh kiến, chánh tư duy mà còn phải có tất cả những yếu tố khác của Bát chánh đạo nữa. Nếu không thực hành Bát chánh đạo, thì Tâm Hỷ vô lượng không biết dựa vào đâu để phát sinh.
Do đó, Tâm Hỷ vô lượng phát sinh là do thực hành Bát chánh đạo vậy.
Tâm Xả vô lượng:
Tâm Xả vô lượng không phải là tâm tư lạnh lùng, thờ ơ lãnh đạm mà là một tâm tư bình thản trước mọi suy thịnh, hơn thua, được mất, khen chê của cuộc đời.
Khi làm một công việc có lợi ích, được mọi người ngưỡng mộ tán dương, thì cũng không lấy đó làm một sự vinh hạnh. Khi bị ngộ nhận phỉ báng cũng không lấy đó làm sự sầu muộn, buồn khổ thì gọi đó là Tâm Xả.
Lại nữa, Tâm Xả vô lượng là tâm đem lại lợi ích an lạc cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng sanh mà không hề khởi lên một ý niệm chấp thủ; tâm cứu độ hết thảy tất cả mọi người, mọi chúng sanh mà không hề bị vướng mắc bởi những tâm lý được mất, khen chê, mừng giận v.v... không hề bị vướng mắc bởi những tâm tướng hữu ngã.
Lại nữa, Tâm Xả vô lượng là tâm tùy hỷ với tất cả niềm vui, sự an lạc của tất cả chúng sanh mà không có bất cứ một hậu ý nào.
Tâm Xả như vậy, tiếng Phạn gọi là Upekkhà Citta, nghĩa là xả trừ toàn bộ mọi khát ái. Do Tâm Xả đã xả trừ toàn bộ mọi khát ái, nên không còn mọi ý niệm hữu ngã. Do không còn mọi vọng tưởng về tự ngã, nên mới xả trừ toàn bộ mọi chấp thủ; do xả trừ toàn bộ mọi chấp thủ, nên tự tại giải thoát; do tự tại giải thoát, nên mới đem lại niềm vui cho tất cả chúng sanh và mới có thể cứu độ và tùy thuận niềm vui với tất cả chúng sanh.
Bởi vậy, bất cứ ai có Tâm Xả vô lượng thì người ấy sống giữa cuộc đời không bị đời khống chế, không bị đời quấy nhiễu, không bị đời lừa phỉnh, không bị đời nhiếp phục. Trái lại, họ có thể nhiếp phục và chuyển hóa lại đời.
Bất cứ ai có Tâm Xả vô lượng mà đi giữa cuộc đời, người ấy sẽ không bị vướng mắc bởi tài, sắc, danh, lợi... người ấy đi bước đi của Sư tử chúa, người ấy ngồi như cách ngồi của Sư tử chúa, vững vàng an tịnh; người ấy nói ra như Sư tử rống, làm rơi rụng mọi tâm lý hẹp hòi, ích kỷ và chấp thủ. Người ấy cư trú bất cứ nơi nào, thì niềm tin và sự an lạc sẽ phát sinh ở nơi đó.
Tâm Xả và hiệu năng của nó là vô lượng như vậy, không thể phát sinh từ sự nhận thức tà vạy mà nó phải được phát sinh từ một nhận thức đúng đắn đó là chánh kiến. Nó không thể phát sinh từ một sự suy tư tà vạy mà nó phải phát sinh từ một sự suy tư hợp lý. Đó là chánh tư duy. Nó không thể phát sinh từ những lời nói, việc làm, ý nghĩ, nỗ lực, thiền định tà vạy mà nó phải phát sinh từ những lời nói, việc làm, ý nghĩ, nỗ lực, thiền định đúng đắn.
Nói tóm lại, Tâm Xả vô lượng không thể phát sinh từ sự thực hành tám sự tà vạy mà phải được phát sinh từ tám yếu tố thực hành đúng đắn, đó là Bát chánh đạo.
Nếu không có Bát chánh đạo thì không do đâu mà có Tâm Từ vô lượng, Tâm Bi vô lượng, Tâm Hỷ vô lượng và Tâm Xả vô lượng.
Bốn tâm vô lượng ấy, phải được phát sinh và nuôi dưỡng từ Bát chánh đạo và một hành giả thực hành Bát chánh đạo sâu xa bao nhiêu, thì bốn tâm vô lượng ấy càng tích cực và rộng lớn bấy nhiêu, và càng thực hành bốn tâm vô lượng một cách tích cực bao nhiêu, thì lại càng tiến sâu vào Bát chánh đạo bấy nhiêu.
Do đó, Bát chánh đạo với Tứ vô lượng tâm không thể tách biệt lẫn nhau trong một đời sống có ý thức cao về vấn đề tự giác và giác tha. Nên, Tứ vô lượng tâm không thể tách biệt Bát chánh đạo. Bởi vì, Bát chánh đạo là thuộc về tự giác và Tứ vô lượng tâm là thuộc về giác tha. Nhưng, vấn đề tự giác hay giác tha là hai yếu tố không thể tách rời nơi một thực thể giác ngộ, mà chúng là hai mặt của một đời sống giác ngộ hoàn toàn.
Bởi vậy, Bát chánh đạo với Tứ vô lượng tâm là hai chất liệu không thể thiếu để nuôi dưỡng một đời sống toàn giác. Trong đời sống giác ngộ hoàn toàn, thì Bát chánh đạo với Tứ vô lượng tâm là một.
THÍCH THÁI HÒA
Căn bản
2011-01-12T07:48:00-08:00
2011-01-12T07:48:00-08:00
Loading...