Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Ký sự Về Quê hương của Đức Bổn sư

Share |


Bài tường thuật.
(Từ ngày 12 – 20.12 năm 2010 )

Ban thị giả Thư Viện Cổ Pháp vô cùng bất ngờ và rưng rưng nước mắt khi nghe Thầy có chuyến đi thăm Ấn Độ, “ xứ sở được mệnh danh vùng đất vàng chánh pháp”. Như mọi khi, lịch thời gian giảng dạy, hóa duyên của Thầy, chúng tôi thường được biết trước. Tuy vậy, đối với lần hành hương ‘ đường về xứ Phật’ này, thì mọi người không thể không xúc động khi nghe tin. Nhân đây ban thị giả xin ghi lại vài chi tiết về những chặng đường Thầy đã đến trên quê hương đất Phật.
Có lần Thầy chia sẻ “biết khi nào mình đến Đất Phật đích thực các con nhỉ !”. Ước mơ của mọi người con Phật lần này đã trở thành sự thật với Thầy. Visa của Thầy do tòa đại sứ Ấn độ tại Việt nam cấp nhập cảnh Ấn độ sáu tháng. Chuyến đi này được Ông Thư Ký, đại diện cho ủy ban UNESCO tại Bồ Đề Đạo Tràng, bảo trợ để thực hiện công tác dựng Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, tọa lạc ngay khuôn viên thánh tích Bodhgaya. Tượng cao gần hai mét, Ngài mang pháp thân người Việt Nam do các gia đình Phật tử, Sư Cô Thích nữ Diệu Đáo tại Hoa Kỳ phát tâm tôn tạo và các nghệ nhân Non Nước - Quảng Nam điêu khắc.
Tháp tùng cùng đi với Hòa Thượng Thanh Liêm ( Chùa Từ Hóa), Hòa Thượng Thái Hòa ( Chùa Phước Duyên- Huế) gồm có Ni sư Minh Tánh, Ni Sư Như Huy, đại đức Hồng Nghĩa, Hạnh Trí, Vĩnh Tánh, Thiện Tuệ, Tâm Độ, Thiện Bửu, Trung Tuệ. Ngoài ra, còn có cả ban nhạc cung đình Huế : gồm anh Cư, Huế, Xuân và Anh Mừng ( làm phim), anh Sáu, cô Lan, cô Dung, cô Hiền, anh Minh và 15 vị khác bay từ Hà Nội, trong đó có Thầy Hải Hòa.
Vào ngày 11 tháng 12 Thầy rời Việt Nam đến Bangkok. Lần này Thầy được tận mắt chứng kiến không gian Mekong và cảnh sinh hoạt của người dân Thái, một vùng đất thấm nhuần giáo pháp, mọi người luôn giữ gìn nếp sống khiêm cung, thể hiện qua những cử chỉ chắp tay chào nhau, từng bước đi của họ rất an lành và có niềm tin với những gì mà họ đang thực hành qua lời Phật dạy.
Vì từ lâu Thầy đã nghiên cứu cách hành đạo của Tăng Già mỗi nước, nhưng lần đầu đến với Thái Lan, Thầy đã tận dụng mọi thời gian để cảm nhận về một nước Phật thứ hai dọc theo dòng sông huyền bí.
Ngày 12 tháng 12, phái đoàn khởi hành từ Thailand đến India. Bước từ trên máy bay xuống, Thầy luôn cẩn trọng, khoan thai và lặng lẽ, toát lên ý nghĩa của một cuộc trở về đầy tính đại thừa. Có lẽ trước khi Thầy chuẩn bị lên đường là Thầy đã ấp ủ về những dấu ấn của đại sư Huyền Trang (599-664) đến đây vào năm 629. Ý thức tầm quan trọng của chuyến chiêm bái nên Thầy đã hết lòng đem cả trái tim của mình ra để tìm dấu tích khí thiêng từ hàng ngàn năm về trước.
Ra đón Thầy và quý Tôn túc tại phi trường về nội viện thuộc Bodh Gaya ( Bồ Đề Đạo Tràng) có Đại đức Ma-noj, Sư cô Diệu Đáo , Sư cô So-fa. Khu lưu trú cũng nằm gần cạnh Mahabodhi Temple nên thầy đã có dịp đi thiền hành một mình đến đó vào buổi tối cùng ngày. Thầy chia sẻ, “ dù sao thời hiện đại ngày nay đi đến thăm Đức Phật chỉ mấy tiếng đồng hồ bằng máy bay thôi, vì thế chúng ta nên biết dựng lại tâm ảnh của Thế Tôn qua phương pháp tiếp xúc sự nhiệm mầu”. Từ từ Thầy tiến tới cây Bồ Đề mà năm xưa Hoàng đế Asoka (A-dục vương 273 - 236 trước công nguyên) học đạo mỗi ngày với Ngài tại đây. Tháp Mahabodhi Temple, là nơi đánh dấu nơi Đức Phật thành đạo, từ đó Thế Tôn chứng nghiệm, hiểu ra thế nào khổ và con đường giải thoát, dẫn đến thánh đạo an vui. Bấy giờ Thầy mở lời, Ôi ! đấng trụ pháp vương, Ôi hoàng cung Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), Ôi Thánh tăng Nalanda! và Thầy đã cúi lạy trước đỉnh tháp cao vời vợi của thánh địa Đồ Đề Đạo Tràng và Thầy từng bước kinh hành quay trở về với một phong thái kính cẩn. Phương pháp Thầy đảnh lễ là với tất cả lòng biết ơn trải rộng lòng tiếp nhận luồng sinh lộ mới. Sau đó Thầy vẫn lùi bước nhưng ánh mắt Thầy luôn hướng theo tòa tháp, một lãnh địa có hàng trăm bóng dáng xuất thế một thuở xưa kia.
Hôm 13/12 Hòa Thượng Thanh Liêm hướng dẫn Tăng đoàn đi viếng thăm Sarnath (Lộc Uyển). Anh Tùng, Chị Hằng ở Hoa Kỳ cùng có mặt với đoàn để trợ viên dịch thuật. Tứ chúng tới Lộc Uyển thì bầu trời dường như có sự che chở, mây trắng bao phủ quanh, thành quách nơi đây lộ lên như một con sư tử lớn. Từng phiến đá , viên gạch như một pháp khí, vì nơi đây, Đức Phật đã từng dẫm lên đi khất thực mỗi ngày vào thành Vương xá, và có thể cũng là nơi thuyết pháp cho năm vị Đạo Sĩ, anh em Kondanna (Kiều Trần Như) và dân chúng toàn cõi trở về lắng nghe chánh pháp mỗi khi Ngài thuyết kinh.


Thầy và cả đoàn ngồi an tọa tụng kinh suốt một thời khóa tụng niệm theo nghi thức bằng việt ngữ và trì biến kinh Tiếng Phạn (saṃskṛtam संस्कृतम् ). Vào khoản chiều tối mọi người cùng đi đến Sông hằng ( गंगा Ganga ) để phóng đăng và cầu nguyện. Thầy ngồi trên thuyền chăm chú dõi mắt theo từng nhánh sông nhưng các cảm thọ về cái chết của dân chúng bản địa khi nói về những xác thân tứ đại họ luôn coi là bào ảnh vô thường. Dọc theo con đường, xum quanh bờ sông là từng đống lửa đang hỏa táng người thân. Nếu mình nhìn một cách sợ hãi thì sẽ không nhìn ra lý siêu diệu của nó mà phải đón nhận bằng con mắt thiền quán, dưới sự tan rã của đất nước gió lửa trở về với vũ trụ với hư không. Trong khi có mặt tại chỗ diễn ra các nghi thức tang lễ, phần nhiều họ sử dụng kinh Ấn giáo, Bà la môn.., rất ít gặp Người Phật tử nhưng Thầy đã tụng kinh Phật giáo cho người dân bản xứ nghe, họ lắng nghe một cách thành kính và đăm chiêu lạ thường, rồi họ cũng có vài câu hỏi về Phật là ai, thực hành và sống như thế nào, khi đó Thầy tóm tắt đôi nét về một Đạo Phật tại trên đất Ấn Độ cho họ nghe qua, được một số vị học Tăng người việt thông dịch, nghe xong họ rất cảm động và thích thú về một đấng hiện thân ( toàn giác ) mà họ chưa được có cơ may học hỏi giáo pháp của Ngài.
Ngày 14/12 Phái đoàn cùng đi dâng lễ cúng dường và gặp gỡ ban quản trị Bồ Đề Đạo Tràng và có vài lời cảm ơn đến Ông thư ký, đặc trách Ban bảo tồn di sản UNESCO (Liên Hợp Quốc) tại Ấn Độ đã cho phép phái đoàn Tứ Chúng ( xuất gia, tại gia) Việt Nam dựng tượng đài Quan Thế Âm tại khuôn viên Thánh địa. Thầy và mọi người tiếp chuyện trong vài giờ với ban quản lý xong thì dâng lên bức tranh thêu (ngôi Chùa Linh Mụ, biểu trưng cho nền tâm linh Phật giáo dân tộc Việt Nam qua ngàn năm văn hiến). Hội Đồng Quản Trị và Ông Tổng Thư Ký Bồ Đề Đạo Tràng đã yểm trợ cho Tăng Ni Phật Tử Việt Nam dựng tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng và Ông đã cầu nguyện trước tượng đài Bồ Tát Quán Thế Âm. Sau đó Hòa Thượng Thanh Liên thay mặt đoàn cảm ơn HĐQT và Ông Tổng Thư Ký, đồng thời tặng bức hình đức Bổn Sư tới quý vị trong HĐQT và Ông Tổng Thư Ký. Thay mặt HĐQT, ông Tổng thư ký cũng đã nói lời cảm ơn lên phái đoàn Tăng Ni Phật Tử Việt nam. Sau đó tất cả cùng nhau đi tới vị trí sẽ được dựng tượng hóa thân Quán Thế Âm (Avalokitesvara) và đàn tràng được Chư Tăng thiết lập để An vị Thánh tượng Ngài. Đây cũng là dịp cầu siêu chẩn tế, nguyện cầu âm siêu dương thái. Thầy sám chủ và ban kinh sư luôn miên mật gia trì kinh chú trong hai ngày ( 14 – 15 ).Trong buổi chẩn tế có rất nhiều nhà sư Tây Tạng và Phật tử ngoại quốc đến hộ niệm lễ bái. Có thể đây là nghi thức Phật giáo đại thừa An Nam được trình diễn giữa Phật quốc, để lộ lên tính hòa nhập của chánh pháp đi vào mỗi bản địa.
Vào buổi sáng, ngày 15.12, Thầy được các Phật tử báo tin, hôm nay chính là lễ nghi đăng quang ngôi vị pháp tòa của Phật giáo Tây Tạng ( 西藏佛教 ). Đi tham dự lễ đăng quang theo dòng truyền thừa của Karmapa đời thứ 17 hiện trú tại Dharmsala, Ngài được coi là nhân vật kế vị “tự nhiên” của Đức Dalai Lama. Từ bên ngoài nhìn vào, thật là một nghi lễ trang trọng và huyền bí mang màu sắc Mật giáo ( 密宗 mì-zōng ). Liền sau đó, Thầy tiếp tục đi thiền hành ngay trong vườn Bodh Gaya.
Ngày 16.12 tây lịch, Phái đoàn cùng lên đường đi thăm núi Linh Thứu, một thánh tích mà từ bấy giờ kim ngôn Đức Phật thuyết Pháp Hoa Kinh ( 妙法蓮華經 - saddharmapuṇḍarīka-sūtra ) cũng từ đó một tạng kinh đại thừa (大乘, sa. Mahāyāna ) được thiết lập cho đến tận ngày hôm nay. Tất cả đoàn cùng im lặng ngồi xuống trì kinh hoặc thưởng lãm cảnh trí từ trên cao; thiên nhiên, sỏi đá ở đây có vẻ huyền diệu, mát rượi cho những bàn chân hiền lành từ bi của người con Phật một lần về đây bên dấu chân Đức từ phụ. Trước đường lên Linh Thứu sơn là điểm đi ngang qua hang động của hai Thánh Tăng, Ngài Xá Lợi Phất và A Nan. Hòa Thượng Thanh Liêm và Thầy đã lễ bái, kinh hành ngay trong thất động, đến đây Thầy đã bậc khóc thầm lặng khi nghĩ tới một đời sống phạm hạnh “ thiểu dục tri túc” của quý Ngài, Thầy chắp tay búp sen suốt thời gian với những nơi Thầy có mặt như Tịnh Xá Trúc Lâm. Tịnh xá là nơi Đức Thế Tôn của chúng ta thiết lập nền tản Pháp an cư đầu tiên cho Tăng đoàn cũng do Tần bà sa la ( Bimbisāra ) - 558 TCN - 491 TCN) dâng cúng mảnh đất trở thành vương xá An Cư này. Tiếp theo Thầy lên xe đi thăm đại học Na Lan Đà (Nalanda) “Đại học Na Lan Đà được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch trên khu khu đất thênh thang rộng 14 mẫu, được xem là trường đại học đầu tiên và lớn nhất thế giới. Trường đại học khổng lồ này nằm ngoại ô thành Vương Xá (Rajgir) và nhiều bậc anh tài Phật giáo đã được đào tạo tại nơi này như Tổ sư Long Thọ, ngài Mã Minh, ngài Vô Trước, ngài Thế Thân, pháp sư Huyền Trang... Đặc biệt Ngài Long Thọ từng theo học và sau đó trở thành viện trưởng tại đại học này. Thời kỳ vàng son của Nalanda là từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 8. Rồi thế kỷ 12, quân Hồi Giáo xâm chiếm Ấn Độ và Đại Học Na Lan Đà không nằm ngoài mục tiêu hủy diệt của họ, 10.000 tăng sĩ đã ngã xuống một cách bi hùng dưới chiếc gươm lạnh lùng của họ vì tất cả thà chịu chết chứ không yếu hèn chấp nhận cuốn kinh Koran của ngoại đạo, máu của quý ngài đã nhuộm đỏ nền gạch và chảy thành suối trong khắp Nalanda ngày ấy. Theo truyền thuyết thư viện của Nalanda và tàng kinh các đã bị họ phóng hỏa thiêu hủy trong ba tháng trời. Hình ảnh tang thương đó dường như vẫn còn hiện hữu đâu đó khi phái đoàn bước chân vào thánh địa này, có nhiều đệ tử đã bậc khóc khi nhớ đến những cái chết bi tráng bảo vệ Chánh Pháp của quý học tăng năm xưa. Phái đoàn hành thiền Chánh niệm đã kinh hành tưởng niệm đến sự hy sinh vì đạo của quý ngài năm xưa trong niềm xúc động dâng trào. Ước nguyện đại học Na Lan Đà sẽ có ngày phục hưng trở lại để mang ánh sáng giác ngộ đến cho muôn loài”. Thầy không hết bàng hoàng khi nhìn thấy những di vật, toàn cảnh đại học bị tàn phá một cách hãi hùng còn sót lại nhưng rồi nét hùng tráng một thời Tam tạng kinh điển được hiển lộ sáng chói giữa muôn trùng sinh diệt.
Lúc khởi hành đi đến nơi khác thì Thầy cùng phái đoàn đã đến thăm nhà của vị cư sĩ Y khoa JìVaKa. Người mà suốt cả cuộc đời của mình luôn kề cận chăm sóc Tăng đoàn. Jivaka bác sĩ nổi tiếng nhất ở Ấn Độ trong thời gian của Đức Phật. Ông được kêu gọi để điều trị các vị vua và hoàng tử, bao gồm cả vua Tần Bà Sa La mình. Khi Đề Bà Đạt Đa ném xuống một tảng đá và bị thương bàn chân của Đức Phật, nó đã được Jivaka người chữa lành. Hơn thế nữa Ông còn ngăn cản việc giết mẹ của Vua A Xà Thế, tận tình hướng dẫn cho nhà vua biết quay về con đường chánh đạo nên Tần Bà Sa La mới thấu hiểu vì thế đã về nghe Phật giảng pháp, sau đó quy y với Đức Phật. Jivaka cùng với vua Tần Bà Sa La xây dựng một tu viện trong vườn xoài của mình, để dâng cúng lên Thế Tôn, thể hiện lòng kính trọng biết ơn và mỗi ngày hai anh em điều đến thọ pháp và cúng dường thực phẩm cho Tăng đoàn.
Chiều cùng ngày, Sư cô Diệu Đáo dẫn Thầy đi giới thiệu hai khu đất, nằm gần Bồ Đề Đạo Tràng, mục đích cho sau này trở thành hai trung tâm tu học cho Tăng – Ni Việt Nam, những người có nguyện vọng du học và đóng góp cho Phật giáo Ấn Độ hồi sinh:
Tu Viện Tăng tên là Cát Tường (Savastika) – Linh Mụ quốc tự
Tu Viện bên Ni có tên là Tu Xà Đề - (Sujata)
Trong lúc vừa đi thăm đất, tương lai sẽ xây dựng thì sư cô cũng đã có nhã ý muốn thỉnh Thầy làm giám viện và sau đó Thầy đã đi ngang Chùa Việt Nam tại NEPAL do Thượng Tọa Huyền Diệu làm viện chủ “cũng nhằm vào năm 1956, cố Thủ tướng Nehru đã tổ chức hội nghị thế giới tại New Delhi quy tụ các vị đại biểu của các nước theo Phật giáo để kỷ niêm 2.500 năm Đức Phật nhập diệt. Với sự kiện trọng đại này, cùng với đại biểu của các quốc gia bạn, Hòa thượng Tố Liên đã đại diện cho Phật giáo Việt Nam sang Ấn Độ tham dự hội nghị và ngài trở về phổ biến tinh thần phục hồi Phật giáo Ấn Độ của cố Thủ tướng Nehru đề xướng. Đây chính là lần đầu tiên người dân Ấn Độ mới biết Phật giáo, mới biết Đức Phật đã ra đời ở đất nước họ từ 2.500 năm qua, mới biết sự hiện hữu của một Đấng Toàn giác mà cả nhân loại phải kính ngưỡng. Và đây cũng là lần đầu tiên có một lễ quy y tập thể tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng cho nửa triệu người Ấn thuộc thành phần cùng đinh được phước duyên sống theo lời dạy của Đức Phật. Và sự hồi sinh Phật giáo Ấn Độ càng trở nên mãnh liệt hơn khi Chính phủ Ấn Độ quyết định cấp đất cho các quốc gia theo Phật giáo đến xây dựng các ngôi chùa tiêu biểu cho Phật giáo của từng quốc gia tại Bồ Đề Đạo Trang. Đại diện cho Phật giáo Việt Nam là chùa Việt Nam Phật Quốc tự, do Hòa thượng Huyền Diệu xây dựng đầu tiên. Nơi này dành cho mọi người, trong đó có người dân Ấn tìm lại lời dạy quý báu của Đức Phật để áp dụng trong cuộc sống của chính họ, giúp họ thăng hoa được đời sống tâm linh và phát triển được đời sống vật chất ”.
17.12 .2010: nhị vị Hòa Thượng và Tăng Ni Việt Nam đi dự lễ Trai Tăng tại giảng đường Băng- la- đét ( Bangladesh). Thầy được Ban tổ chức ( BTC) mời ban pháp thoại “ Đức Thế Tôn của Chúng Ta” ( http://thuviencophap-net.blogspot.com/2010/12/uc-ton-cua-chung-ta.html ) cho trên tám nước đến đại diện tham dự, do Sư Đức Hiền làm thông dịch. Trong quá trình buổi lễ diễn ra, ở đây chúng ta mới cảm nhận về tính phổ quát nhân văn qua hình ảnh các nền Phật giáo đang hiện hữu ngay trên quê hương Đất Phật. Đặc biệt qua lời chia sẻ ngắn gọn, đầy tinh thần xích lại gần nhau của Thầy.
Ngay sau khi kết thúc lễ hội phạm thực cúng dường thì Thầy và vài vị phụ tá tiễn chân Hòa Thượng sám chủ ra phi trường để về lại Việt Nam.
Chiều 18.12, Thầy lại có chuyến đi đến thị trấn Kushinagar cách Bodh Gaya 450 km về hướng Nam. Khoảng 22h đêm đoàn đến Chùa Kim sơn và chỉ mới đặt chân xuống khỏi xe thì Thầy đã mỉm cười và trấn an mọi người trong đoàn bằng những cử chỉ đậm tình thương Việt “ nước Nam mà cũng biểu hiện tới đây luôn tề”. Có lẽ do thời gian đi bằng xe một quãng đường khá xa, nên mọi người cảm thấy sức khỏe có phần hơi thuyên giảm. Ni sư trụ trì ra tận cổng đón đoàn. Với lòng từ bi của mình, Thầy hứa khả lời Ni sư Trí Thuận cho một thời pháp thoại vào sáng mười chín.

Thật sự đến thời gian này thì Thầy cũng có nhiều thời khóa và sự nghỉ ngơi cũng ít đi. Vào buổi sáng Thầy đã dạy thiền quán cho nội chúng, khoản 30 vị xuất gia trẻ là người bản xứ ( http://thuviencophap-net.blogspot.com/2011/01/buoc-theo-chan-uc-phat.html ) . sau giờ pháp thoại Thầy lại có lịch cùng với đoàn, đi chiêm bái Thánh Tích Kushinagar nơi Đức Phật nhập niết bàn và thăm hai cây Sala, một Phật địa mà chính nơi đây đã diễn ra lễ Trà tỳ báo thân Ngài năm xưa. Ở trong thời quá khứ xa xưa, Kushinagar là một vương thành phồn hoa, dân cư đông đúc và lúc Đức Phật nhập Niết-bàn thì thành này chỉ là một thành nhỏ hoang vắng, dân cư thưa thớt, với những cánh rừng Ta-la xanh ngát. Đến gần giờ đức Thế Tôn đã xả bỏ thọ mạng thì Tôn giả Ananda đã ngấn lệ thưa rằng:
"Bạch Thế Tôn, còn có những thành lớn khác. Một là Chiêm-bà, hai là Xá-vệ, ba là Bệ-xá-ly, bốn là Vương-xá, năm là Ba-la-nại, sáu là Ca-tỳ-la-vệ. Sao Thế Tôn không nhập Niết-bàn ở các nơi ấy, mà quyết định tại thành bằng đất nhỏ hẹp này, một thành nhỏ hẹp nhất trong các thành? Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo: Này Ananda, ngươi chớ nói rằng đây là thành đất nhỏ hẹp, là thành nhỏ nhất trong các thành. Vì sao? Vì thuở quá khứ, thành Câu-thi-na này tên là Câu-thi vương thành, giàu có cùng tột, dân chúng đông đúc.” Đến năm 1927, với sự đồng ý của chính phủ Ấn Độ, cộng đồng Phật tử Myanmar đã phát tâm kiến tạo ngôi tháp Niết-bàn ngay trên nền móng cũ của bảo tháp do vua Asoka xây dựng ngày xưa. Gần 50 năm sau, vào năm 1972, các Phật tử Myanmar lại phát tâm trùng tu bảo tháp này một lần nữa, và đấy chính là bảo tháp Niết-bàn hùng vĩ mà chúng ta thấy ngày nay.
Khoảng chừng bốn tiếng sau, Thầy có mặt tại địa phận mà nơi ghi lại dấu ấn Đức Thế Tôn dừng chân trước khi về Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp cho quê hương, giảng kinh cho hoàng gia. “Kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) một kinh thành trù phú, xa hoa tráng lệ, nơi mà đông cung thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhāttha) sinh ra và lớn lên trong nhung gấm lụa là, trong tình yêu thương tuyệt đối của hoàng thân quốc thích, tràn ngập niềm hạnh phúc với vợ đẹp con xinh, sự kính trọng nể vì của toàn bộ tộc Thích Ca (Sakyā), sự hy vọng và ngưỡng mộ của toàn dân kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Để rồi, từ những thái cực của cuộc đời, nghèo giàu, khổ đau và hạnh phúc, sự sống mong manh, cái chết vô thường.... đã dẫn đến cuộc ra đi vĩ đại, cuộc ra đi vô tiền khoáng hậu, cuộc ra đi làm nên trang sử vàng, chính là sự có mặt của một đạo Phật cứu khổ ban vui, vì lợi ích cho vạn loại hữu tình trên hành tinh này. Một kinh thành chứa đầy kỷ niệm, một kinh thành không thể tách rời Phật giáo, một kinh thành không chỉ là quê hương đức Phật mà còn là quê hương của người con Phật, quê hương của tất cả chúng ta”.
Nhân dịp này Ni sư Như Huy, sư Cô Liên Như và tài xế Pasyan (Pijuy) đi thăm thành Vesàli (Tỳ-sa-li) cách Kushinagar 280 km về hướng Bắc và 180 km về phía Nam bảo tháp Bồ Đề. “Tại đây chúng Nhớ lại lời Phật dạy về sự tai hại của thành kiến, Ðức Phật dạy: "Kiến chấp - Thành kiến sai lầm - làm cho người ta không thể thấy được sự thật". cũng chính là nơi Di mẫu Mahàpajàpati liền đến gặp Đức Phật tại vườn Ni Câu Luật (Nigrodharama), ngoại thành Kapilavatthu và xin Phật cho phép phụ nữ được xuất gia. Bà nói: “Bạch Đức Thế Tôn, thật đại hạnh cho nữ giới nếu Đức Thế Tôn cho phép họ từ bỏ nếp sống gia đình, được sống trong giáo pháp và giới luật của Đức Như Lai”. Mặc dầu thiết tha thỉnh cầu đến ba lần như vậy, bà vẫn bị Đức Thế Tôn một mực từ chối. Nước mắt ràn rụa, bà đành buồn bã quay trở về.
Tuy nhiên, không nản chí trước sự từ chối của Đức Thế Tôn, sau khi Phật trở lại Vesali (Tỳ Xá Ly), bà Mahàpajàpati quyết định rũ bỏ tất cả những đồ trang sức, xuống tóc, đắp y, cùng với 500 người nữ dòng họ Sakya, chân trần đi bộ đến Vesali để cầu xin xuất gia. Đoạn đường từ Kapilavatthu đến Vesali dài 150 dặm (gần 250km). Khi đến nơi, đôi chân của họ sưng phồng và rướm máu, mình mẩy lấm đầy bụi đường. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang ngự tại Mahavana, trong giảng đường Kutagara. Cả đoàn người đứng ngoài giảng đường, kiệt quệ, hốc hác,... hướng về phía Thế Tôn, khóc nức nở.
Tôn giả A Nan thấy bà Mahàpajàpati cùng 500 Thích nữ khóc lóc thảm thiết trước cổng tinh xá, bèn vội ra hỏi: “Vì sao bà cùng 500 người nữ Sakya đứng nơi đây than khóc?”. Mahàpajàpati đáp: “Chúng tôi là người nữ không được Đức Phật cho phép xuất gia thọ Đại giới trong giáo pháp của Ngài”. Nghe vậy, ngài A Nan bèn an ủi họ rồi đến xin Đức Phật cho phép người nữ được xuất gia. Nhưng Đức Phật vẫn một mực từ chối, Ngài nói: “Nếu người nữ xuất gia thọ Đại giới trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho Phật pháp trụ thế không lâu dài”. Tôn giả A Nan liền bạch Phật: “Mahàpajàpati đối với Phật vốn có ân sâu, Người đã nuôi dưỡng Thế Tôn khôn lớn...”. Phật xác nhận: “Đúng vậy! Mahàpajàpati đối với Ta có ân rất lớn. Mẹ Ta qua đời, Mahàpajàpati đã nuôi dưỡng Ta, khiến Ta khôn lớn. Ta đối với Mahàpajàpati có ân rất lớn...”. Tôn giả A Nan đã khéo thỉnh cầu Phật cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn, trở thành những vị Tỳ kheo ni, khi ngài hỏi Phật rằng: Liệu những người nữ trong pháp Phật xuất gia có chứng được Thánh quả không? Đức Phật trả lời: Có thể chứng được! Như vậy, Đức Phật công nhận khả năng thành tựu Thánh quả của nữ giới. Ngài cho phép nữ giới xuất gia với điều kiện phải tuyệt đối giữ gìn Bát kỉnh pháp. “Nếu Đức Thế Tôn đã vì những người nữ nói Tám pháp không thể vượt qua này rồi, thì tôi và năm trăm người nữ Sakya sẽ cùng nhau cúi đầu thọ nhận”. Ngay sau đó, di mẫu Mahàpajàpati và 500 Thích nữ cùng theo bà được Đức Phật cho phép thọ Đại giới, trở thành những vị Tỳ kheo ni đầu tiên của giáo đoàn. Mahàpajàpati chính là người phụ nữ đầu tiên trong Giáo hội Phật giáo thể hiện khả năng tu tập vững vàng của nữ giới một cách thuyết phục”.
Thầy đã về lại Bồ Đề Đạo Tràng 21 giờ cùng ngày.

“Một điều kỳ diệu đối với bất cứ ai được một lần dừng chân nơi đây, hoặc lễ bái, hoặc tụng kinh hoặc kinh hành, hoặc khởi lòng đối với đức Phật chúng ta đều có chung một cảm giác an lành, một niềm hoan hỷ trào dâng, đó chính là sự gia trì của đức Phật cho hàng đệ tử của Ngài hay bất cứ những ai có một chút nghĩ tưởng đến ân đức của Phật”. Như vậy, có thể nói, nếu không do quyết tâm và lòng tin kiên cố vào Đức Phật cũng như vào chính bản thân mình , hẳn sẽ không thể vượt qua bao nhiêu gian khó cho một cuộc hành trình đầy tâm linh. Như sự kiện dựng tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lần này , được xem là một bước nỗ lực thành tựu quý báu vô cùng .
11giờ, vào ngày 20/12/2010 phái đoàn chia tay với Sư cô Diệu Đáo, Sư cô Sofa cùng toàn thể Phật tử đã đến chào tạm biệt Thầy tại phi trường Buddhagaya trong niềm xúc động và cảm mến với ngày xưa đức Phật đã dùng số lượng cát của sông Hằng để ví dụ cho số nhiều không thể đếm được, như "Hằng hà sa số chư Phật, Hằng hà sa số thế giới"...

Ban thị giả cẩn bút

-- Có sử dụng tư liệu khác.
-- Vẻ Đẹp Phật Pháp tường thuật & Vi tính

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang