Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Vài nét về cuộc đời

Share |


Vài nét về cuộc đời
Cố Phật tử thọ Thập Thiện giới
Pháp danh Nguyên Tánh, Thế danh Nguyễn Ngẫu

***
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Kính bạch: - Chư tôn đức Tăng Ni
Kính thưa: - Quý Bác - Chú, Bà con Nội Ngoại, xóm giềng, thân hữu gần xa

Trước khi khấp tiễn linh cữu Cha, Bác, Chú, Cậu, ông Nội – ông Ngoại của chúng con về nơi an nghĩ cuối cùng, nghìn thu vĩnh biệt, kính xin Quý ngài, cùng tất cả quí vị cho phép chúng con ôn lại đôi nét về đấng Tâm linh thân thuộc, trụ cột cao cả ấy của đại gia đình chúng con là Cố Phật tử thọ Thập Thiện giới, Pháp danh Nguyên Tánh, Thế danh Nguyễn Ngẫu, tức Tẩu, hưởng thượng thượng thọ với 94 tuổi đời.

I. Thân thế và gia phong
Cha, Bác, Chú, Cậu, ông Nội – ông Ngoại của chúng con, Cố Phật tử thọ Thập Thiện giới, Pháp danh Nguyên Tánh, Thế danh Nguyễn Ngẫu, tức Tẩu, sinh năm Mậu Ngọ - 1918, tại làng Thành Công, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình thuộc diện nền nếp Nho phong, danh gia vọng tộc, với Cố Nội là Cụ ông Nguyễn Văn Thạnh, quan Đô Úy Thanh Hóa, Ông Nội Nguyễn Văn Ngọ là nhà Đại điền chủ, và Ông Ngoại là quan hàm Thất phẩm Nam triều.
Thân phụ của Cố Phật tử là cụ quan Nguyễn Truyền, hàm lục phẩm Nam triều và thân mẫu là cụ bà Chánh thất Phu nhân Lê Thị Đích. Gia đình có tất cả bảy anh em, năm trai hai gái, và Cố Phật tử là người con trai thứ hai.

II. Giáo dục và trưởng thành
Sinh ra trong một gia đình nền nếp Nho học gia phong, Cố Phật tử ngay từ thuở thiếu thời đã được cha mẹ và ông bà Nội cho theo học cả Hán học lẫn Tân học, đồng thời cũng được giáo dục theo truyền thống "cư Nho mộ Thích" - sống theo Nho nhưng lòng cảm mộ Phật.
Năm lên 20 tuổi, Cố Phật tử được song thân cho phép phối duyên với bà Nguyễn Thị Noãn, ái nữ của Cụ ông Nguyễn Đình Hiển, một nhà giáo và cũng là thầy thuốc Lương y nổi tiếng trong vùng, và cụ Bà Nguyễn Thị Xuân. Cuộc phối duyên giai ngẫu này đã sinh hạ cho Cố Phật tử bảy người con, ba trai và bốn gái, theo thứ tự như sau:
1. Nguyễn Thị Trác
2. Nguyễn Thị Thể
3. Nguyễn Lục
4. Nguyễn Thị Trợ
5. Nguyễn Trí
6. Nguyễn Thị Tha, và
7. Nguyễn Thành Tín
Băng qua thế sự nổi chìm, Cố Phật tử cùng với người bạn đời (mất vào năm 1984) tuy vất vả nuôi con, nhưng vẫn kiên tâm giáo dưỡng con cái nên người, giữ gìn nền nếp gia phong của Tiên tổ họ Nguyễn. Trong bảy người con này, người con gái trưởng, Nguyễn Thị Trác, đã mất vì bệnh già, và người con trai trưởng, Nguyễn Lục, nguyên sĩ quan Binh chủng Nhảy dù, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cũng đã hy sinh vào năm 1969 tại chiến trường Tây Ninh.
Đặc biệt là, với lòng mến mộ Phật pháp thâm sâu, cảm nghiệm hạnh phúc thế gian chỉ là phù phiếm hư ảo, và nhận thức không phước báu nào quý hơn phước báu xuất gia, nên Cố Phật tử đã vui mừng thể theo hạnh nguyện xuất trần của người con trai thứ, Nguyễn Trí và người con gái út, Nguyễn Thị Tha, được xuất gia đầu Phật. Nay chính là Thượng tọa Thích Thái Hòa và Ni sư Thích Nữ Như Huy. Hẳn rõ ràng đây chính là niềm hãnh diện và hạnh phúc nhất của Cố Phật tử, một Cư sĩ tại gia với lòng tin Phật trung kiên.
III. Sự nghiệp và Hành trạng
Sợi chỉ son xuyên suốt cuộc đời của Cố Phật tử chính là tinh thần hoạt động không mệt mỏi vì lòng yêu nước kính Phật, phục vụ xóm làng của Cố Phật tử kể từ ngày thành niên cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Quả vậy, như nhiều gương sáng Phật tử tại gia Việt Nam cùng thế hệ, cuộc đời hoạt động của Cố Phật tử bao gồm ba phương diện chính. Đó là hoạt động xã hội, hoạt động hộ Đạo, và hoạt động họ tộc – xóm làng.
a. Hoạt động xã hội
Như một người con dân tộc Việt Nam, Cố Phật tử đã tham gia vào các hoạt động yêu nước, thương quê hương qua từng giai đoạn lịch sử với một tinh thần nhiệt tình vô tư. Cuộc đời hoạt động yêu nước thương quê vô tư đó có thể đại lược như sau:
- Khi vừa vào tuổi thành niên, Cố Phật tử đã gia nhập làm lính Cậu bảo vệ kinh thành, đóng ở đồn Mang Cá;
- Gia nhập phong trào thanh niên yêu nước của thập niên 1940, Cố Phật tử đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Lào;
- Tuy thế, sau Cách Mạng tháng 8, 1945, Cố Phật tử lại bị lực lượng Cách Mạng bắt đi tù tại CK Dương Hòa – Đình Môn vì tội địa chủ;
- Trong thời kỳ đất nước phân đôi Nam Bắc, dưới thể chế Miền Nam Cộng hòa, Cố Phật tử đã từng đảm nhiệm các trách vụ Huyện đội trưởng Ngũ điền, Dân biểu Hội đồng nhân dân xã Quảng An – Điền Thành đặc trách tài chánh, Xã đoàn trưởng Quảng An – Điền Thành, và Tổng Đoàn trưởng Quận Hương Điền.
- Vì đảm nhiệm các trách vụ khác nhau dưới thể chế Cộng hòa Miền Nam, sau 1975 Cố Phật tử đã bị bắt đi học cải tạo hai lần tại Đông hồ - Quảng Lợi, và bị tước quyền công dân cho đến năm 2004.
b. Hoạt động hộ Đạo
Được giáo dưỡng trong truyền thống gia đình "cư Nho mộ Thích", niềm tin Phật trong Cố Phật tử vốn đã có căn cơ vững chắc, nhưng để chính thức trở thành một Phật tử thực sự, khi Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh về chùa làng Thành Công hoằng Pháp và tổ chức Quy Y vào khoảng năm 1950, Cố Phật tử đã đăng ký Quy Y và được Pháp danh là Nguyên Tánh.
Năm 1970, tại Đại giới đàn Vĩnh Gia – Đà Nẳng, Cố Phật tử lại phát nguyện thọ Thập Thiện giới. Tuy nhiên, tự thấy ngoại duyên nhiều ràng buộc, Cố Phật tử đã không thọ Tại gia Bồ tát giới, mà chỉ giữ nguyên Thập Thiện giới cho đến cuối đời.
Vận dụng những lợi thế có được từ các cương vị xã hội khác nhau, Cố Phật tử đã không mệt mỏi, tích cực hoạt động nhiều Phật sự trong vai trò cư sĩ Phật tử hộ Pháp. Ngoài những tham gia hoạt động hộ đạo trong những kỳ tranh đấu Phật giáo 1963, 1966, cúng dường chư Tăng Ni vào các kỳ Kiết hạ An cư hằng năm, hỗ trợ chư Tôn Tăng Ni khai mở các đạo tràng tu tập cho các Phật tử tại gia trong vùng, Cố Phật tử cũng đã đảm nhiệm các trách vụ Phật sự như:
- Gia trưởng Gia đình Phật tử Thành Công
- Khuông trưởng Khuông hội Phật giáo Thành Công
Trong vai trò Khuông trưởng, Cố Phật tử đã cùng các thành viên trong Khuông hội trùng tu chỉnh trang Chánh điện, xây dựng tượng đài Quan Âm, tượng đài Di Lặc và cổng Tam quan chùa Viên Thành, tức Khuông giáo hội Phật giáo Thành Công, trở thành một chốn Phật khang trang, thuận tiện cho những sinh hoạt tu tập của bà con Phật tử trong làng.
Khi còn sinh tiền, Cố Phật tử thường gần gủi chư Tôn đức trong sơn môn Giáo hội để học hỏi Phật pháp cũng như hỗ trợ các Ngài trong những công tác Phật sự khác nhau. Cảm kích đạo tâm kiên cố, tinh thần hộ Pháp hộ Tăng không mệt mỏi, nên Cố Phật tử rất được chư Tôn đức trong Sơn môn Giáo hội thương quý như: quý Cố Hòa thượng Thích Mật Nguyện – chùa Linh Quang, Cố Hòa thượng Thích Thiện Trí – Chùa Hiếu Quang, Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu - Chùa Từ Đàm, Cố Hòa thượng Thích Thanh Trí – Chùa Báo Quốc, Cố Hòa thượng Thích Đức Tâm – Chùa Pháp Hải, Cố Hòa thượng Thích Chánh Trực – Chùa Sắc Tứ - Quảng Trị, Cố Hòa thượng Thích Chơn Hiền – Chùa Tường Vân, v.v., cùng nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni hiện nay trong Sơn môn Giáo hội.
c. Hoạt động họ tộc – xóm làng
Thấm nhuần nếp đạo gia phong, hiểu sâu lời Phật, Cố Phật tử đã luôn giáo dục con cháu về công ơn của Tổ tiên nguồn cội bằng những hoạt động xây dựng, chăm nom nhà thờ Họ cũng như tổ chức các lễ tế Tổ tiên. Do vậy, cùng với uy vọng của gia thế, và uy tín của bản thân, Cố Phật tử đã được bầu làm Trưởng Phái, Trưởng Tộc họ Nguyễn. Trong vai trò Trưởng phái, Trưởng tộc, Cố Phật tử đã chủ động cùng với anh em, con cháu trong họ Nguyễn, đại trùng tu tộc đường, xây dựng cổng Tam quan nhà thờ Họ Nguyễn thành một nơi thờ tự Tổ tiên họ Nguyễn khang trang huy hoàng.
Việc họ việc làng song song, Cố Phật tử đã rất nhiệt tình với mọi công việc của làng. Thậm chí trước khi mất, Cố Phật tử cũng đã nghĩ tưởng đến xóm làng, dặn dò con cháu cúng 10.000.000 đồng để làng lo việc trùng tu và lễ khánh thành Đình làng. Bất kỳ khi nào có người trong làng mất, dù thân dù sơ, nếu được, Cố Phật tử đều đến chia sẻ, động viên, an ủi, và làm chủ lễ Cầu siêu. Ngoài ra, Cố Phật tử còn nổi tiếng là một vị Cai Gian điều khiển âm cung tài hoa. Do vậy, khi còn khỏe mạnh, mọi đám tang trong làng đều mời Cố Phật tử làm vị Cai Gian, và hầu như không bao giờ Cố Phật tử nại hà từ chối.
IV. Xả báo thân
Vào những ngày đầu xuân Tân Mão, trời Huế trở nên thật lạnh, Cố Phật tử vì tuổi già sức yếu, đã bị nhiễm lạnh, nên bệnh cũ tái phát. Mặc dù được con cháu chăm sóc tận tình, nhưng quả là sức người đâu cưỡng được mệnh trời. Vào đêm 11 tháng giêng xuân Tân Mão (nhằm ngày 13 tháng 2 năm 2011), như dự tri thời chí, Cố Phật tử, sau khi dùng cháo, lì xì tiền cho con cháu, dặn con cháu: "hãy ngồi quanh đây, đừng đi đâu, yên lặng để Ôn nằm nghỉ một chút". Sau khi nằm nghỉ khoảng nửa giờ, Cố Phật tử vùng bật dậy, bảo con cháu dìu đi cầu, nhưng tự mình vệ sinh để tịnh hóa. Khi được dìu trở lại giường, Cố Phật tử ngồi xếp bằng yên lặng khoảng 10 phút, và rồi nằm xuống khoảng 20 phút nữa, nhìn mọi người, và nhìn Thượng tọa Thích Thái Hòa, xong, bình an xả bỏ báo thân vào lúc 22 giờ 10 phút cùng ngày, hưởng thọ 94 tuổi đời.
Nguyện cầu Tâm linh Cha, Bác, Chú, Cậu và Ông Nội – Ông Ngoại của chúng con, Cố Phật tử Pháp danh Nguyên Tánh, Thế danh Nguyễn Ngẫu, tức Tẩu, trượng thừa công đức, sớm sanh về cỏi Phật tịnh độ A Di Đà.
Nam Mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang