Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Chuyện Tấm Cám trong con mắt Thiền, phần 1-2

Share |


Phần 1: Chuyện

Đọc chuyện Tấm Cám, ta thấy ai cũng thương Tấm. Tấm mẹ chết sớm, cha lấy thêm vợ, sinh ra Cám, em cùng cha khác mẹ với Tấm. Không bao lâu cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ và sống với người em gái cùng cha khác mẹ.

Mẹ con của Cám rất độc ác với Tấm, bắt Tấm và Cám đi ra đồng mò tép, ai có nhiều tép, thì ban cho yếm đỏ. Tấm lam lũ mò tép để bắt, Cám thì biếng nhác mánh mông, nằm ngủ, đợi đến khi Tấm mò bắt được tép đầy dỏ, Cám liền khuyên Tấm, chị nên ra nơi chỗ nước sâu để tắm rửa cho sạch trước khi về nhà. Tấm nghe lời Cám. Cám liền lấy dỏ tép của Tấm đổ qua dỏ của mình, rồi bỏ về nhà trước, được mẹ ban cho yếm đỏ.

Tấm tắm xong, lên để về nhà, thấy dỏ tép của mình, không còn con nào cả, biết Cám lừa mình để chiếm đoạt dỏ tép, Tấm tủi phận và khóc nức nở.

Bấy giờ Bụt xuất hiện, hỏi Tấm sao con khóc, Tấm kể lại tự sự đầu đuôi cuộc đời của mình cho Bụt nghe. Nghe xong, Bụt rất thương Tấm. Bụt bảo Tấm rằng, con xem lại nơi dỏ của con có còn lại cái gì không. Tấm xem và thưa với Bụt có con cá bống.

Bụt dạy Tấm rằng, ta cho con, con cá bống, con đem nó về nhà thả vào giếng nước để nuôi, và mỗi khi ăn cơm, con nên chia một phần ba cơm của con cho bống. Con hãy gọi bống lên ăn cơm và nói: “Bống bống bang bang, mày ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người”. Con gọi đúng như vậy, thì bống sẽ lên ăn cơm của con cho.

Tấm hàng ngày thực tập đúng theo lời Bụt dạy, Cám và dì ghẻ ngạc nhiên, không biết Tấm làm gì mà ngày nào cũng đem cơm ra giếng nước vứt cơm xuống và nói: “Bống bống bang bang, mày ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người”.

Dì ghẻ sai Cám theo dõi, liền biết sự tình của Tấm là đang nuôi và chăm sóc cá bống dưới giếng nước, và đã học thuộc câu gọi bống lên ăn cơm của Tấm.

Hôm ấy, dì ghẻ của Tấm bảo Tấm dẫn trâu ra ngoài đồng xa để ăn. Ở nhà mẹ con của Cám đem cơm cho bống ăn và nói câu như Tấm thường nói với bống. Bống nghe, liền lên ăn cơm và bống đã bị mẹ con của Cám bắt làm thịt để ăn.

Khi lùa trâu về nhà, Tấm đem cơm ra giếng nước cho bống, Tấm gọi bống lên ăn cơm, nhưng gọi hoài mà không thấy bống đâu cả, bất chợt Tấm thấy một cục máu nổi lên trong giếng nước, khiến Tấm thương và nhớ bống mà khóc nức nở.

Bụt xuất hiện, bảo cho Tấm biết, bống của con, mẹ con Cám đã bắt làm thịt ăn rồi. Bây giờ con hãy tìm xương của nó, nhặt lại cất vào ở nơi bốn cái lọ, rồi chôn ở dưới bốn chân giường.

Tấm nghe theo lời Bụt dạy, tìm xương bống, nhưng tìm hoài không thấy. Tấm lại tủi và khóc. Có một chú gà xuất hiện kêu tộc tộc, Tấm lấy một nạm thóc vứt cho gà ăn. Gà ăn xong, đi vào bếp bươi tro một hồi, thì lồi xương của bống lên. Tấm nhặt xương của bống bỏ vào trong bốn cái lọ và chôn ở dưới bốn chân giường đúng như lời Bụt dạy.

Nghe tin vua mở hội, mẹ con Cám sắm đủ thứ áo quần xinh đẹp để đi dự hội, còn Tấm chẳng có áo quần gì, ngoài bộ áo quần rách như xơ mướp.

Đến ngày đi hội, mẹ con Cám trộn thóc trong thúng gạo, bảo Tấm lượm hết thóc trong gạo rồi đi, còn mẹ con của Cám áo quần xinh xắn, hí hửng đi dự hội trước.

Mẹ con Cám đi rồi, Tấm nhìn thúng gạo trộn lẫn với thóc mà khóc tức tưởi. Bụt xuất hiện hỏi Tấm, sao con khóc? Tấm trình bày tự sự với Bụt. Bụt nói với Tấm, con yên tâm đừng lo, để đó ta giúp. Bụt liền bảo cả đàn chim sẻ bay đến lượm thóc cho Tấm, và chỉ trong chốc lác đàn chim sẻ đã bay đến giúp Tấm lượm xong thóc trong thúng gạo.

Lượm xong thóc, Tấm nhìn lại áo quần của mình, rách như xơ mướp làm sao mà đi dự hội, liền tủi thân lại òa lên khóc.

Bụt lại xuất hiện, bảo Tấm con hãy đào bốn cái lọ dưới chân giường lên, con sẽ có đầy đủ áo quần để đi dự hội. Tấm nghe theo lời Bụt dạy, liền đào bốn cái lọ ở dưới bốn chân giường lên, đúng như lời Bụt dạy, Tấm thấy đầy đủ cả áo quần, khăn nhiễu, dây thắt lưng, trâm cài, nón, đôi giày vân hài đều đẹp đẽ. Tấm liền đi tắm rửa rồi mặc vào, thấy áo quần khăn giày, cái nào cái nấy đối với mình đều vừa vặn, đẹp đẽ, xinh xắn. Tấm lại lượm trong cái lọ ra được một con ngựa bé tí teo, vừa đặt nó xuống đất, con ngựa bé tí teo ấy liền hí lên và hóa thành con ngựa thực. Tấm liền cỡi ngựa đi dự hội vua.

Ngựa phi qua vũng nước, Tấm bị rớt một chiếc giày, dừng ngựa để tìm, nhưng không thấy. Tấm liền phi ngựa đi đến dự hội.

Voi vua cũng trên đường đi đến điểm lễ hội, nhưng khi băng qua vũng nước, thì nó đứng lại gầm lên không chịu đi. Vua sai lính hầu xuống nước tìm thử có chuyện gì, thì mò được chiếc giày, lính trình vua, vua ngắm nhìn chiếc giày, tự nhiên trong lòng thấy hết sức ăn ý.

Đến lễ hội, vua tuyên bố rằng, trong đám đàn bà, con gái dự hội, chân người nào ướm đúng chiếc giày này, tôi sẽ chọn làm hoàng hậu, mọi người chen nhau ướm chân vào chiếc giày, nhưng không có chân ai vừa cả. Sau cùng là Tấm. Tấm ướm chân vào chiếc giày thì vừa vặn xinh xắn. Chiếc giày mà chân Tấm vừa ướm, với chiếc giày nơi tay Tấm đang cầm là một đôi. Tấm liền được triều đình cho kiệu vào cung làm hoàng hậu. Mẹ con Cám thấy thế liền ngạc nhiên, bấm bụng tức ngược.

Vào cung một thời gian, đến ngày giỗ cha, Tấm xin về thăm và lo giỗ. Mẹ con Cám lập mưu giết Tấm, bảo Tấm trèo lên cây cau để hái một buồng cúng cha. Tấm liền leo lên cau để hái, mẹ Cám cầm dao chặt đứt cây cau, cau gãy, Tấm bị rớt xuống ao chết.

Mẹ Cám liền lấy áo quần của Tấm cho Cám mặc, rồi đưa Cám thay Tấm làm vợ vua và báo cho vua biết Tấm chị của Cám đã bị ngộ độc chết, chị chết nên xin được thế em.

Tấm chết hóa làm chim Vàng anh, bay về cung vua đậu trên cây cao, thấy Cám giặt áo quần vua, liền hót: “Giặt áo chồng tao, thì giặt cho sạch; phơi thì phơi bằng sào, chớ phơi hàng rào, rách áo chồng tao”.

Nơi hoàng thành, Vàng anh hót mỗi ngày, vua nghe rất thích và vua đi đâu, thì vàng anh bay theo đó để hót, và rất quyến luyến vua. Thấy vậy, vua nói: “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chun vào tay áo”. Vàng anh liền bay đến đậu trên tay, rồi chun vào trong tay áo của vua. Từ đó, vua quyến luyến với Vàng anh, cho chim ở giường sang, đi đâu cũng đem Vàng anh đi theo mà bỏ quên Cám.

Cám tức giận Vàng anh, liền về kể chuyện với mẹ, mẹ bảo giết Vàng anh đi. Cám nghe lời mẹ đã tìm đủ mọi cách giết được Vàng anh.

Vàng anh chết, hóa thành cây Xoan đào bên cạnh hoàng cung xanh và đẹp. Vua thấy cây Xoan đào xinh đẹp hàng ngày ra đó treo võng nghỉ ngơi, hai nhánh cây Xoan đào phủ xuống như hai táng lọng che vua. Thấy vậy, vua rất thương quý cây Xoan đào.

Cám có linh cảm Xoan đào liên hệ đến Tấm, liền chặt làm khung cửi để dệt. Cám lại nghe tiếng xấu ác trong khung cửi, một khi Cám ngồi dệt vải vọng ra: “Cót ca cót két, lấy giành chồng chị, chị khoét mắt ra”. Nghe con ác kêu, Cám rỡn tóc gáy, vội nén thoi dừng lại không dệt nữa, liền về kể cho mẹ nghe, mẹ Cám bảo hãy tháo khung cửi ấy mà đốt đi, rồi hốt tro đổ ra ngoài đồng thật xa hoàng cung. Cám làm theo lời mẹ.

Không bao lâu, từ đống tro ấy lại mọc lên cây Thị. Và trên cây Thị ấy, chỉ có một trái rất đẹp. Có bà già hàng ngày bán nước đi qua cây Thị, nhìn lên bà thấy trái Thị đẹp và thơm cả một vùng, bà giăng bị vải ra và nói: “Thị ơi, thị rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn”.

Nói xong, trái Thị liền rớt xuống bị vải của bà. Bà đem Thị về nhà cất ở trong buồng và đi bán nước. Tấm từ nơi quả Thị chui ra, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước, dọn sẵn cho bà già, nhiều lần như vậy, bà già đi bán nước về thấy rất ngạc nhiên. Hôm ấy bà rình để xem, thì thấy một người con gái xinh đẹp, từ trong quả Thị bước ra làm công việc ấy. Bà liền bước vào ôm người con gái ấy lại và xé vứt vỏ Thị, cô ấy liền ở lại với bà già bán nước.

Tấm cùng với bà già làm lụng rất giỏi, chẳng bao lâu, dựng nên một quán nước bên đường bán cho khách, Tấm giỏi têm trầu, nên quán rất ăn khách.

Rồi một hôm, vua đi kinh lý, qua quán nước bên đường, thấy quán gọn gàng, sach sẽ, liền dừng xe kiệu uống nước, ăn trầu. Thấy trầu têm cánh phượng, sao giống vợ mình têm ngày trước, vua liền hỏi bà già, trầu ai têm vậy? Bà già thưa, con gái của già. Vua nói, con gái của bà đâu gọi ra xem. Tấm bước ra. Vua liền nhận ra, đó là vợ mình ngày trước, nên rất mừng rỡ. Vua hỏi bà già về sự tình, bà già liền kể hết cho vua nghe. Vua liền truyền lệnh kiệu Tấm về cung và phong làm hoàng hậu. Tấm sống cuộc đời vui sướng từ đây.

Cám thấy Tấm đẹp hơn xưa, liền hỏi chị và xin chỉ bày cách làm đẹp. Tấm bảo Cám đào một cái lỗ thật sâu và xuống ngồi dưới, thì sẽ đẹp. Cám tin Tấm và thực hiện. Cám xuống ngồi dưới cái lỗ sâu, Tấm múc nước sôi tạt xuống. Cám chết queo. Tấm lấy xác của Cám làm mắm và gởi về cho mẹ Cám. Mẹ Cám không biết sự tình, liền gắp mắm mà ăn, nhưng khi phát hiện đầu lâu, liền biết là con gái của mình, mẹ Cám liền lăn ra chết.

Thích Thái Hòa
Còn tiếp ...

Chuyện Tấm Cám trong con mắt Thiền, phần 2
Bụt xuất hiện trong chuyện Tấm Cám là biểu tượng cho thiện tâm ở nơi mỗi chúng ta. Mẹ ghẻ của Tấm xuất hiện trong chuyện là tiêu biểu cho ác tâm nơi mỗi chúng ta.


Phần 2: Những biểu tượng

Chuyện Tấm Cám trong văn học nhân gian có nội dung đại loại như vậy. Một phần nội dung đã phản ảnh đúng được tính nhân quả luân hồi trong đạo Phật đề cập, nhưng nó đã không nói lên được kinh nghiệm giác ngộ đối với đạo lý ấy của đạo Phật qua hành động sau khi vinh hoa của Tấm.

Bụt xuất hiện trong chuyện Tấm Cám là biểu tượng cho thiện tâm ở nơi mỗi chúng ta. Mẹ ghẻ của Tấm xuất hiện trong chuyện là tiêu biểu cho ác tâm nơi mỗi chúng ta. Trong chuyện, Tấm làm đúng theo lời Bụt dạy là biểu tượng cho những tâm hành tương ứng với thiện tâm và Cám làm đúng theo lời mẹ sai khiến là biểu tượng cho những tâm hành tương ứng với ác tâm.

Trong chuyện, cá bống mà Bụt cho Tấm là biểu tượng cho tín căn ở trong đạo Phật. Tấm nuôi cá bống và cho cá bống thức ăn mỗi ngày là biểu tượng Tấm làm đúng lời Bụt dạy để nuôi lớn thiện căn nhân duyên phước đức của mình. Cá bống bị mẹ con Tấm bắt làm thịt ăn, vùi xương cá bống ở trong bếp tro là biểu tượng, mẹ con Cám chỉ phá hỏng được những nhân duyên tạo phước đức cái bên ngoài của Tấm, nhưng không thể phá được cái thiện căn phước đức vốn có bên trong của Tấm.

Chú gà xuất hiện, Tấm lại bốc ít thóc cho chú gà ăn, rồi chú gà đến bếp tro để bươi và xương của cá bống lồi lên là biểu tượng rằng, thiện căn của Tấm dù đã bị những ác tâm và nghịch duyên chôn vùi, nhưng không mất, nên hễ đủ duyên thì nó lại khởi. Chú gà xuất hiện, là tạo điều kiện cho thiện căn nơi Tấm phát khởi. Nên, Tấm lấy thóc cho chú gà ăn một cách tự nhiên, và chú gà đến bếp bươi tro cũng một cách tự nhiên; và cái tự nhiên ấy, lại đủ duyên cho xương cá bống, mà mẹ con Cám chôn trong bếp tro, do chú gà bươi lại khởi.

Bụt dạy Tấm lấy xương của bống, đặt vào trong bốn cái lọ và chôn ở dưới bốn chân giường là biểu tượng rằng: Tín căn lại cần phải được giữ gìn để tồn tại bởi bốn chất liệu của Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn. Tấn căn là căn bản của sự nỗ lực, biến niềm tin Phật trở thành hiện thực. Niệm căn là căn bản của niệm. Nghĩa là duy trì niềm tin Phật một cách miên mật có mặt ngay ở nơi ý thức. Định căn là căn bản của thiền định. Nghĩa là làm cho niềm tin Phật càng lúc càng thấm sâu trong tâm và trở thành những gốc rễ vững chắc, bất động. Tuệ căn là căn bản của trí tuệ. Trí tuệ ấy sáng ra, từ niềm tin kiên cố, bất động đối với Phật.

Bốn cái lọ đựng xương của bống được sử dụng để làm biểu tượng cho bốn căn nầy. Bốn lọ chôn ở bốn chân giường là biểu tượng cho bốn căn nầy, cần được phát triển miên mật bởi Tứ chánh cần. Tứ chánh cần là bốn sự nỗ lực hay bốn sự tinh cần hợp lý.

Một, tinh cần ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh nơi tâm. Hai, tinh cần ngăn ngừa những điều ác đã phát sinh nơi tâm, khiến cho nó không thể phát sinh. Ba, Tinh cần làm sinh khởi những điều thiện chưa có điều kiện để sinh khởi nơi tâm và bốn, tinh cần phát huy những điều thiện đã sinh khởi và khiến chúng tăng trưởng đến chỗ viên mãn. Như vậy, xương của cá bống, Bụt dạy Tấm chôn ở bốn chân giường là biểu tượng cho sự thực hành miên mật Tứ chánh cần nầy, để đủ duyên, chúng sẽ sinh khởi hoa trái của phước đức.

Đồng thời, xương cá bống, bốn cái lọ, bốn chân giường còn là biểu tượng cho các pháp thường tại ở trong thế gian và Phật pháp là từ nơi các pháp thường tại ở trong thế gian ấy mà thành tựu. Nên, các pháp thế gian trong con mắt thiền quán đều là hữu dụng, không có pháp nào là vô dụng cả. Vì vậy ở kinh Kim cang Phật dạy: “Nhất thiết pháp giai thị phật pháp = Hết thảy pháp đều là Phật pháp”. Và ở Pháp Bảo Đàn Kinh, thì Tổ Huệ năng dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, do như cầu thố giác = Phật pháp ở trong đời, giác ngộ không lìa đời, lìa đời cầu giác ngộ, như cầu tìm sừng thỏ”.

Ngày hội của vua là biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc của con người. Mẹ con Cám đi dự hội và trộn thóc trong gạo bắt Tấm lượm xong rồi đi, là biểu tượng cho ác tâm cản trở thiện tâm, cản trở khát vọng hạnh phúc của người khác. Bụt bảo đàn chim sẻ xuống lượm giúp Tấm, để Tấm có cơ hội đi dự hội là biểu tượng cho thiện tâm đã chiến thắng được ác tâm.

Xương cá bống ở trong bốn cái lọ, chôn ở dưới bốn chân giường đã hóa thành áo quần và những dụng cụ giúp Tấm có điều kiện đi dự hội vua là biểu tượng cho tín căn đối với Phật pháp đã được nuôi dưỡng bởi Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn và Tứ chánh cần, khiến sinh khởi Thất thánh tài.

Thất thánh tài là bảy thứ tài sản của bậc thánh, gồm: Tín tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi từ đức tin đối với Phật pháp; Giới tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi do thực hành từ giới pháp của Phật; Tàm tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi do tự mình biết hổ thẹn, khi tự thân làm những điều xấu ác; Quí tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi, do biết xấu hổ với người, khi làm những điều bất chánh; Văn tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi do nghe được chánh pháp của Phật; Thí tài là tài sản của bậc thánh sinh khởi do khởi tâm thí xả; Định tuệ tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi do thực hành định tuệ. Bảy thứ tài sản nầy gọi là bảy thứ tài sản của bậc Thánh, chúng dẫn sinh từ Ngũ căn và Tứ chánh cần.

Vì vậy, các loại tài sản mà Tấm lấy ra từ nơi bốn cái lọ chứa xương cá bống, chôn dưới bốn chân giường gồm: Áo quần, dây thắt lưng, khăn nhiễu, trâm cài, nón, đôi vân hài và con ngựa là biểu tượng cho Thất Thánh Tài vậy.

Bảy thứ tài sản nầy, Tấm sử dụng rất vừa vặn, xinh xắn và đẹp đẽ là biểu tượng cho nhân nào quả nấy, không thể lầm lẫn.

Tấm mặc áo quần, những thứ trang sức xong và phi ngựa đi dự hội vua, đi qua vũng nước, bị rớt một chiếc vân hài, dừng ngựa tìm mấy cũng không ra, liền phi ngựa đến lễ hội. Vũng nước mà Tấm bị rớt xuống đó một chiếc hài là biểu tượng cho vùng trói buộc của ái nghiệp. Voi vua đi ngang vũng nước ấy, dừng lại hý lên mà không chịu đi, cho đến khi lính hầu vớt được chiếc vân hài của Tấm bị rớt trước đó và trình vua chiếc vân hài, vua nhìn thấy chiếc vân hài trong lòng thích ý thì voi mới đi. Ở đây, voi và vua là biểu tượng cho mọi sức mạnh và quyền uy của thế gian, nhưng những sức mạnh và quyền uy ấy không thể nào địch nổi với ái nghiệp.

Đến lễ hội, vua tuyên bố những người đàn bà và con gái nào có mặt trong lễ hội nầy, ướm chân vào chiếc giày vân hài nầy mà vừa vặn, thì sẽ được vua chọn làm hoàng hậu. Những người đàn bà và con gái có mặt trong lễ hội đều ướm chân vào chiếc hài, nhưng không ai vừa cả, người sau cùng là Tấm, khi Tấm ướm chân vào chiếc vân hài thì vừa vặn, và chiếc vân hài mà Tấm đang ướm đó, giống hệt với chiếc vân hài, mà Tấm đang cầm ở nơi tay. Hai chiếc ấy là một đôi. Tấm liền được kiệu vào cung làm hoàng hậu, hưởng cuộc đời phú quý, vinh hoa của thế gian.

Lễ hội là điều kiện cho mọi thành phần xã hội tiếp xúc với nhau, để hưởng thụ niềm vui. Và do hưởng thụ niềm vui mà ái nghiệp sinh khởi; do ái nghiệp sinh khởi, nên bị mắc kẹt với nhau, mà cùng nhau tạo tác để tồn tại với nhau trong cái nghiệp duyên ái thủ ấy. Nên, phần nầy là biểu tượng cho tám chi phần gồm: Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ và hữu của pháp mười hai duyên khởi. Tám chi phần ấy, biểu hiện một cách đầy đủ của nhân và quả trong hiện tại. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả thuộc hiện tại; ái, thủ và hữu là thuộc nhân hiện tại. Mọi xấu tốt ở trong thế gian không ra ngoài quy luật nhân quả. Ai gieo nhân lành người ấy gặt quả vui; ai gieo nhân ác, người ấy gặt quả khổ.

Sau khi được tiến cử vào cung vua làm hoàng hậu, Tấm xin về giỗ cha và bị mẹ con Cám gài bẫy giết chết, để cho Cám thế chân của Tấm vào cung vua làm hoàng hậu, nhưng Cám đã không được vua đối xử nồng hậu như Tấm, không những vậy mà vua luôn luôn nhớ về Tấm.

Phần nầy biểu tượng cho tâm ý của kẻ gian tà. Nhưng, tâm ý gian tà không thể thắng lướt được tâm ý chánh chơn. Quả vui của người nào, thì người ấy hưởng; quả khổ của người nào, thì người ấy chịu, không ai có thể hưởng hay chịu thế cho ai trước đạo lý nhân quả. Nên, mọi người đều công bằng trước quy luật luân hồi trong nhân quả.

Tấm chết tái sinh làm chim Vàng anh, cây Xoan đào, Khung cửi và quả Thị là biểu tượng cho nhân quả nghiệp báo của Tứ sanh ở trong cõi sinh tử luân hồi. Tấm bị mẹ con Cám giết chết bị ái nghiệp dẫn dắt làm chim Vàng anh là biểu tượng cho ái nghiệp sinh ra từ trứng gọi là noãn sanh; Vàng anh bị Cám giết cho mèo ăn, vứt lông xuống đất nơi ẩm thấp, mọc thành cây Xoan đào là biểu tượng cho ái nghiệp sinh ra từ Thấp sanh. Cây Xoan đào bị Cám chặt làm khung cửi, thì trong khung cửi liền vọng ra những lời nói xấu ác là biểu tượng cho những oan nghiệp của Tấm sinh ra từ hóa sinh. Nghĩa là do ái nghiệp mà bị quả báo sinh ra từ sự biến hóa, nên từ khung cửi mà hóa ra yêu quỷ. Khung cửi bị Cám chặt và đốt thành tro, hốt tro đem đổ ở đồng vắng, cách hoàng thành rất xa. Tro của khung cửi mọc thành cây Thị, rồi có một trái Thị duy nhất, và rụng vào trong cái bị vải của bà già nghèo bán nước, bà ấy đem về nhà cất, Tấm liền từ trong trái Thị sinh ra làm người, đó là biểu tượng cho ái nghiệp dẫn sinh từ thai sinh, nghĩa là làm người sinh từ bào thai.

Tấm ở với bà già nghèo bán nước, cần mẫn với công việc giúp bà già mọi công việc, mở ra quán nước bán cho khách, têm trầu cánh phượng để cho khách dừng chân nơi quán uống nước, ăn trầu với tấm lòng chân thật của Tấm và bà già. Vua xuất hiện nơi quán nước, uống nước và ăn trầu, nhân ở nơi miếng trầu cánh phượng mà nhận ra Tấm là hoàng hậu của mình, nên cho quân lính kiệu về hoàng cung. Tấm trở thành hoàng hậu và sống cuộc đời sung túc hạnh phúc tột bậc của cõi người.

Miếng cau trầu vua ăn là biểu tượng cho duyên nghiệp vợ chồng. Bà già bán nước là biểu tượng cho giai cấp nghèo khổ của xã hội. Vua là biểu tượng cho giai cấp quyền quý của xã hội. Tấm từ nơi giai cấp nghèo khổ mà tới sống ở trong giai cấp quyền quý là biểu tượng cho bản chất sống động và linh hoạt của nhân quả.

Khi làm hoàng hậu sung sướng, Tấm lại trả thù mẹ con Cám. Cám bị chết bởi nước sôi của Tấm tạt, Cám trở thành hủ mắm, Tấm gởi về cho mẹ ghẻ hủ mắm, bà ăn, đến khi phát hiện đầu lâu của con gái mình, bà lăn ngã ra chết.

Đây là phần kết thúc của chuyện. Phần nầy biểu tượng rằng, nhân nào quả nấy của mẹ con Cám, nhưng phần nầy cũng biểu tượng rằng, sống trong vinh quý, Tấm đã bị đánh mất mình, bởi vinh hiển, nên không vượt qua được oán nghiệp của mình đối với mẹ con Cám, khiến Tấm đã trả thù với mẹ con Cám một cách tàn bạo. Và mẹ con Cám phải nhận lấy khổ báo mà chính họ đã từng gieo rắc cho Tấm.

Kết thúc chuyện như vậy, nhằm biểu tượng rằng, nhân quả của oán nghiệp trả vay trong cõi luân hồi không bao giờ chấm dứt. Tấm và Cám là hai thành phần gắn liền với lúa gạo. Từ nơi lúa gạo mà sinh ra tấm và cám. Cũng vậy, từ nơi tâm mà sinh ra thiện ác. Thiện hay ác gì cũng đều có quả báo cả. Thiện thì quả báo vui, ác thì quả báo khổ.
Thích Thái Hòa
Còn nữa...

Trang nhà : http://www.phattuvietnam.net/9/11366.html (ấn bản)

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang