Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

TRUNG TÂM QUYỀN LỰC

Share |


Ý THỨC THIỀN NIỆM
Tự giác là chất liệu đích thực tạo thành sự tự do cho ta. Trong đời sống hằng ngày, ta thiếu ý thức tự giác, là thiếu tự do.

Tự do không một ai có thể hiến tặng cho ta, nếu ta không có ý thức tự giác.

Không có ý thức tự giác, con người sẽ không có đạo đức mà chỉ là nô lệ đạo đức; không có ý thức tự giác con người sẽ không có niềm tin mà chỉ là kẻ nô lệ niềm tin; không có ý thức tự giác, con người sẽ không có tự do mà là kẻ nô lệ tự do; không có ý thức tự giác con người không có khả năng tự bảo vệ mình và người khác; không có ý thức tự giác, con người bị nô lệ bởi tổ chức tôn giáo, bởi những quy ước luật lệ, bởi tư tưởng, bởi những thần tượng.

Nên, ta có ý thức tự giác là ta có tất cả những gì tốt đẹp của con người và của các bậc đại nhân.

Thiền tập là để ta có cơ hội thắp sáng ý thức tự giác nơi mỗi chúng ta, trong mọi khi và mọi nơi chốn.

Nếu ta thiền tập mà thiếu ý thức tự giác, chúng chỉ đẩy ta vào bóng đêm của cuộc sống, và cứ thiền tập ta trở thành trơ lỳ và vô cảm.

Ta niệm phật là để đánh thức ý thức tự giác nơi ta đứng dậy và biểu hiện tự nhiên nơi ta.

Nếu ta niệm Phật thiếu ý thức tự giác, chúng sẽ đẩy chúng ta đi tới tình trạng nói nhãm, và không có tác dụng thay đổi tâm thức, cũng như cuộc sống và cảnh giới của ta.

Ta thiền tập hay niệm Phật có nội dung của ý thức tự giác là ngay khi ta nghĩ đến những buổi thiền hành hay những thời khóa niệm Phật là hạnh phúc của ta đã có mặt và chúng sẽ được nuôi dưỡng liên tục cho đến khi ta thực sự thiền hành, thiền tọa hay ta thực sự nắm lấy danh hiệu của Phật trong bước đi hay trong tư thế ngồi của ta, và những hạnh phúc đó sẽ tiếp diễn đối với ta, sau những thời khóa thiền tập hay niệm Phật chấm dứt.

Bởi vậy, không có ý thức tự giác ta sống như một kẻ nô lệ hoàn toàn mất trắng tự do và hạnh phúc, ta sống như một kẻ bệnh hoạn, gượng ép và chết ở trong những sự nghi ngờ và ân hận.

TRUNG TÂM QUYỀN LỰC
Cái đói sai chúng ta đi tìm kiếm thức ăn để ăn, cái khát sai chúng ta đi tìm kiếm nước uống để uống. Cái đại tiện buộc ta phải đi vào toilet để ngồi và cho phép ta đứng dậy khi nó không còn muốn.

Vậy, từ vua quan cho đến thứ dân, từ kẻ trí thức cho đến người thiếu học, từ kẻ giàu có cho đến hạng cùng đỉnh đều là kẻ bị đói khát sai sử và đều là kẻ bị đại tiểu tiện điều khiển mỗi ngày và buộc mỗi ngày phải đến hầm xí để ngồi.

Trong đời sống, không ai dám điều khiển vua chúa, không ai dám điều khiển tổng thống, thủ tướng, nhưng vua chúa, tổng thống, thủ tướng hay điều khiển mọi người, thế mà cái đại tiện có quyền lực hơn cả vua chúa, tổng thống, thủ tướng, nó bắt buộc các vị ấy phải vào toilet để ngồi mỗi ngày mà không có ai dám chống lại lệnh ấy, và cái đại tiểu tiện ấy mới là cái toàn quyền ra lệnh cho ta và cho phép ta hành động mỗi ngày mà trong tất cả chúng ta không một ai là không tuân thủ, và không một ai dám chống lệnh và phản đối. Phản đối là chết, là tức khắc trở thành bê bối.

Nên, cái đói khát và cái đại tiện, tiểu tiện mới là cái có toàn quyền ra lệnh cho ta và là trung tâm quyền lực cao nhất sai sử cho ta hành động mỗi ngày, mà trong tất cả chúng ta không một ai có khả năng chống lệnh.

Con người có thể chiến thắng để vượt qua hơn cả muôn loài, nhưng con người đã bị cái đói khát và cái đại tiểu tiện chi phối và sai khiến một cách tội nghiệp. Ta càng ham ăn, ham uống thì ta càng bị đại tiểu tiện điều khiển và ta hoàn toàn mất hết chủ quyền.

Như vậy, đối với cái đại tiện, tiểu tiện mà ta chưa hơn và không có ai hơn. Vậy ta hơn ai và hơn cái gì giữa cuộc đời này, mà ta tự hào và khoa trương lắm thế.

Đại tiện và tiểu tiện là trung tâm quyền lực tối cao của tất cả chúng ta mà trong thế gian này không ai có đủ khả năng thách thức với chúng.

Nếu ta thách thức với chúng là tức khắc ta trở thành người bê bối, bị mọi người tránh xa và ta tự hủy diệt.

Biết vậy, để ta sống trong sự khiêm tốn và tĩnh lặng, học hỏi và hành động một cách thiết thực và sự thương yêu cũng như sự hiểu biết không còn là những mớ lý thuyết, quảng cáo trên phim ảnh, trên sách vở hay chỉ là những thứ “đầu môi chót lưỡi".

VƯỢT THOÁT NÃO PHIỀN
Phần nhiều trong tất cả chúng ta đều có căn bệnh là thương cái gì thì ta nâng niu, ca ngợi cái ấy. Và ghét cái gì là ta tìm đủ mọi cách để chỉ trích và tiêu diệt cái ấy, bởi vậy mà khổ đau phát sinh trong ta, hận thù, bất mãn hay nuối tiếc đều sinh khởi trong đời sống của ta.

Nên, ta không có sự tự do, ta sống như một người bị trói hay một người luôn luôn bị bốc lửa.

Khoa học kỹ thuật dù tinh xảo và văn minh đến đâu, cũng không thể thay thế cho ta để thương và ghét và cũng không thể thay thế cho ta để cảm nhận hạnh phúc hay chịu đựng khổ đau.

Hạnh phúc và khổ đau đều do tâm ta tạo thành và do tâm ta cảm thụ, qua sự tiếp xúc và chiêm nghiệm của ta đối với đối tượng.

Tiếp xúc với mọi đối tượng trong sự chiêm nghiệm và sâu lắng của tâm hồn, giúp ta thấy rõ đối tượng một cách thực tế từ bản chất đến hiện tượng, từ nội dung đến hình thức, từ tác dụng nhân duyên đến kết quả biểu hiện, để giúp ta thấy đâu là điều nên làm và đâu là điều không nên làm, đâu là điều nên nói và đâu là điều không nên nói, đâu là điều quan tâm và đâu là điều không đáng quan tâm, khiến cho ta có tự do giữa những cái thương và ghét, khiến cho căn bệnh thương ghét không còn chi phối được ta, mặc dù đôi khi thân ta còn bệnh mà tâm ta thì đã vượt thoát khỏi não phiền.

Ý THỨC
CẦN ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG

Ta phải có một ý hướng tốt đẹp trong sự tu tập, thì sự tu tập của ta mới có khả năng trở thành tốt đẹp.

Ta không có một ý tưởng tốt đẹp trong sự tu tập, thì những sự tốt đẹp của thân và ngữ hay đời sống của ta không do đâu mà biểu hiện để trở thành hiện thực.

Làm thế nào để ta có thể phát khởi một ý tưởng tốt đẹp?

Ta chỉ có một ý tưởng tốt đẹp khi ta tu tập, ta không nghĩ nhiều về bản thân ta mà nghĩ đến những khổ đau và bất hạnh của nhiều người, mà ta cần có sự tu tập để giúp đỡ họ.

Nếu ý tưởng nầy phát khởi trong ta, thì đó là một ý tưởng tốt đẹp. Ta cần chăm sóc, nuôi dưỡng ý tưởng ấy và biến nó thành hiện thực trong đời sống của ta qua các biểu hiện của thân và ngữ, giữa ta với mọi người và mọi loài.

Ta cần có thầy, bạn, thiện hữu tri thức và môi trường thích hợp để nuôi dưỡng và phát triển ý thức ấy.

Nếu ta có ý hướng tốt, nhưng ta không có thầy, bạn và thiện hữu tri thức cũng như môi trường tốt, thì ý hướng tốt của ta sẽ bị o ép và triệt tiêu.

Nên, phước đức hay thiện duyên của ta không chỉ dừng lại ở nơi một ý tưởng tốt đẹp sinh khởi mà còn là ở nơi môi trường để ý tưởng ấy tồn tại nữa.

Bởi vậy, một vị có phước đức tu tập, họ không phải chỉ có chánh báo trang nghiêm mà còn có y báo trang nghiêm nữa.

Nên ta nhìn vào chánh báo của một người là ta biết ngay y báo của họ và ngược lại.

Y báo và chánh báo phải cộng thông với nhau để giúp ta thành tựu tốt đẹp trên con đường tu tập và chuyển hóa.
PHẬT
Vì chúng sanh mà làm Phật, nên các Ngài được gọi là Thế Tôn là bậc tôn kính của thế gian, là Bậc tôn kính trong đời.

Vì bản thân ta mà làm Phật, thì không bao giờ trở thành Thế Tôn mà là Thế khinh. Thế khinh là người bị thế gian khinh thường./span>

Thế Tôn là hữu đức, thế khinh là vô đức. Thế Tôn là hữu trí, thế khinh là vô trí.

Thế Tôn vì đời sống tương ứng với tâm ly tham, ly sân, ly si, ly kiêu mạn, ly ngã chấp, ly pháp chấp, nên được thế gian tôn kính.

Thế khinh là vì đời sống tương ứng với tâm tham, sân, si, kiêu mạn, chấp ngã, chấp pháp, cái gì cũng là ta và của ta, nên trở thành vô đức và vô trí, do đó bị thế gian khinh thường.

Bởi vậy, Chư Phật xuất hiện ở thế gian là vì hạnh phúc, an lạc của chư thiên và loài người, nên các Ngài luôn được thế gian chắp tay kính lễ.

Phật vì chúng sanh mà làm Phật, nên Phật ấy là của chúng sanh, chúng sanh không phải vì Phật mà làm chúng sanh mà vì lý do nghiệp lực. Vì vậy, chư Phật thương xót nên có mặt ở đời, để làm nơi nương tựa cho tất cả.

Thích Thái Hòa
(Ban Biên Tập trích từ tập TRONG CON MẮT THIỀN QUÁN )

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang