Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Bồ Tát Diệu Âm và Con Đường Hành Động

Share |


(GIỚI THIỆU PHẨM BỒ TÁT DIỆU ÂM TRONG KINH PHÁP HOA)

I. Ý nghĩa và duyên khởi:

Diệu Âm Bồ-tát là một vị Bồ-tát đang tu tập và hành đạo nơi thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm ở phương Đông, của Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai.
Vị Bồ-tát nầy đã gieo trồng các gốc rễ công đức, trực tiếp phụng sự trăm ngàn vạn ức ức Phật, đã từng gieo trồng và thành tựu tuệ giác rất sâu.
Các loại thiền định mà vị Bồ-tát nầy đã từng tu tập và thành tựu:
Diệu Tràng Tướng Tam Muội: là loại thiền định đi vào thể tịch diệt của tất cả tướng, hay thể nhập vô tướng của tất cả tướng, nên gọi là Diệu Tràng Tướng Tam Muội.

Pháp Hoa Tam Muội: là loại thiền định an trú vào tự tánh vô nhiễm của tất cả pháp. Cũng gọi là an trú diệu pháp.
Tịnh Đức Tam Muội: là loại thiền định an trú vào tự tánh thanh tịnh, tự tánh Niết-bàn đầy đủ bốn đặc tính Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Tú Vương Hý Tam Muội: là thiền định có tuệ chiếu thẩm thấu các căn cơ một cách tài tình, giống như sự dạo chơi của ánh sáng mặt trăng giữa không gian.
Vô Duyên Tam Muội: là thiền định từ bi không mắc kẹt.
Trí Ấn Tam Muội: là an trú vào thiền định có dấu ấn trí tuệ. Tâm định hết thảy tuệ đều sinh. Tuệ ấy thấy rõ thực tướng của vạn hữu, ví như dấu ấn, ấn vào vạn pháp, nên gọi là Trí Ấn Tam Muội.
Giải Nhất Thiết Chúng Sanh Ngữ Ngôn Tam Muội: thiền định biết hết thảy tiếng nói của chúng sanh. Nghĩa là đi vào thiền định nầy, thì có khả năng sử dụng một từ ngữ để diễn đạt vô lượng từ ngữ và vô lượng từ ngữ không đi ra ngoài một từ ngữ. Lại có khả năng nghe, hiểu và nói cho mọi loại chúng sanh về thể, tính, tướng, dụng, lực, nhân duyên, quả báo, gốc rễ và ngọn ngành của họ một cách tường tận.
Bởi vì mỗi loài chúng sanh đều có thể, tính, tướng, dụng… riêng, nên mỗi loài tự nó biểu hiện mỗi loại ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của nhân duyên nghiệp lực không có ai giống ai, và không có loài nào giống loài nào. Nhưng, đi vào thiền định nầy thì có khả năng hiểu hết thảy mọi ngôn ngữ ấy của tất cả mọi loài chúng sanh.
Tập Nhất Thiết Công Đức Tam Muội: thiền định tập hợp hết thảy công đức.
Thanh Tịnh Tam Muội: đi vào thiền định nầy, thì lục căn tiếp xúc với lục trần, tâm không khởi lên sự ô nhiễm. Và các căn đều có khả năng hỗ dụng cho nhau một cách tự tại, nên gọi là Thanh Tịnh Tam Muội.
Thần Thông Du Hý Tam Muội: đối với mọi cảnh giới tùy ý dạo chơi, tùy duyên hóa độ, gọi là Thần Thông Du Hý Tam Muội.
Tuệ Cự Tam Muội: thiền định như ngọn đuốc trí tuệ, có khả năng phá trừ chỗ tối tăm, nên gọi là Tuệ Cự Tam Muội.
Trang Nghiêm Vương Tam Muội: thiền định dùng vạn đức để trang nghiêm. Đức là chúa tể của mọi sự trang nghiêm, nên gọi là Trang Nghiêm Vương Tam Muội.
Tịnh Quang Minh Tam Muội: thiền định của ánh sáng soi chiếu trong suốt.
Tịnh Tạng Tam Muội: thiền định kho tàng trong suốt. Kho tàng trong suốt là chỉ cho Như Lai tạng, Phật tính, Bản nguyên tự tánh. Ngay trong nhất niệm tịnh tâm là thâu nhiếp và thể nhập tất cả sự thanh tịnh.
Bất Cộng Tam Muội: thiền định đặc biệt. Loại thiền định tâm không rơi vào những thiên chấp, tâm luôn luôn an trú vào thực tướng Trung đạo, nên gọi là Bất Cộng Tam Muội.
Nhật Triền Tam Muội: thiền định có khả năng chuyển động như mặt trời. Thật trí do quán chiếu sâu vào không lý vạn hữu mà sinh khởi, nhưng vẫn tự do không bị mắc kẹt vào không lý ấy. Giống như mặt trời từ không gian mà sinh khởi, chuyển vận và chiếu sáng, nhưng mặt trời không bị mắc kẹt bởi không gian.
Mười sáu loại thiền định do Bồ-tát Diệu Âm thực tập và thành tựu nầy đều có nguồn gốc từ Pháp Hoa Tam Muội. Hễ chứng đắc Pháp Hoa Tam Muội thì không những thành tựu các loại thiền định kể trên, mà bất cứ loại thiền định nào cũng có thể thành tựu.
Bởi lẽ, như Phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự nói: “Kinh Pháp hoa là vua ở trong các Kinh”, thì đương nhiên “Pháp hoa Tam Muội” là vua trong tất cả thiền định. Pháp Hoa Tam Muội là loại thiền định thể nhập Phật tính hoàn toàn.
Đối với mười sáu loại thiền định nầy, Bồ-tát Diệu Âm đã thành tựu rất sâu, và Ngài có thể tùy cơ để sử dụng một trong những loại thiền định ấy nhằm khai Phật tri kiến cho chúng sanh, thị Phật tri kiến cho chúng sanh, ngộ Phật tri kiến cho chúng sanh và nhập Phật tri kiến cho chúng sanh.
Nên, sự hoằng truyền kinh Pháp Hoa của Bồ-tát Diệu Âm là bằng năng lực của hết thảy thiền định, mà không phải khổ hạnh như Bồ-tát Dược Vương.
Bồ-tát Dược Vương hoằng truyền kinh Pháp Hoa bằng niềm tin và nguyện lực của khổ hạnh, trong khi đó Ngài Diệu Âm Bồ-tát hoằng truyền kinh Pháp Hoa bằng niềm tin và nguyện lực của thiền định.
Bởi vậy, từ nơi thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai ở phương Đông, Bồ-tát Diệu Âm đã chạm ánh sáng tuệ giác Pháp Hoa đã được đức Phật Thích-ca Mâu-ni phóng đi từ nhục kế và chặng giữa lông mày ở nơi Linh Sơn của cõi Ta bà nầy; và Bồ-tát Diệu Âm đã xin phép đức Phật Bổn sư để đi đến cõi Ta bà đảnh lễ và cúng dường đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và thăm Ngài Văn Thù Sư Lợi cũng như các vị Bồ-tát khác đang lưu trú ở cõi Ta bà nầy như Dược Vương, Dõng Thí, Tú Vương Hoa, Thượng Hạnh, Trang Nghiêm Vương, Dược Thượng, bằng năng lực của thiền định.
Diệu Âm là tên của một vị Bồ-tát đã từng diễn tấu mười vạn chủng loại nhạc khí để cúng dường Đức Vân Lôi Âm Như Lai trải qua một vạn hai ngàn năm, và cũng đã từng dâng cúng tám vạn bốn ngàn bình bát làm bằng bảy chất liệu quý báu lên đức Phật nầy.
Do công hạnh như vậy, nên vị Bồ-tát nầy sinh vào quốc độ của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai. Và cũng do công hạnh cúng dường âm nhạc lên đức Vân Lôi Âm Như Lai, nên vị Bồ-tát nầy có tên là Diệu Âm.
Diệu Âm, tiếng Phạn gadgadasvara. Ngài La-thập dịch gadgada là diệu và svara là âm. Như vậy, diệu có nghĩa là điêu luyện và âm (svara) có nghĩa là tự tại. Diệu Âm là vị Bồ-tát đã từng có khả năng điêu luyện diễn tấu mười vạn chủng loại âm nhạc và có khả năng tự tại, tự chủ đối với hết thảy các loại âm nhạc ấy, để cúng dường đức Phật Vân Lôi Âm, nên gọi là Diệu Âm.
Và duyên khởi của phẩm nầy là do ánh sáng Tuệ giác của đức Phật Thích-ca Mâu-ni phóng ra từ giữa chặng lông mày, chạm đến thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai và chạm vào thân của Bồ-tát Diệu Âm, khiến cho vị Bồ-tát nầy thưa với đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, xin phép qua thế giới Ta bà để lễ bái, cúng dường đức Phật Thích-ca và gặp Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương tử cũng như những vị Bồ-tát khác nơi cõi Ta bà nầy. Ấy là duyên khởi của phẩm kinh nầy.

II. Nội Dung Chủ yếu:

Nội dung chủ yếu của phẩm nầy gồm có:
1. Tuệ giác nhất thừa và trung đạo
Diệu Âm Bồ-tát là vị Bồ-tát đang hành đạo ở thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí ở phương Đông, là vị Bồ-tát có khả năng thực hành và hoằng truyền pháp Nhất thừa bằng Trung đạo, nên khi đức Phật Thích-ca phóng ra ánh sáng từ đỉnh đầu và từ nơi lông trắng giữa hai đầu mày, chiếu vượt qua hằng hà sa cõi Phật ở phương Đông và chạm đến cõi Phật của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, và đồng thời ánh sáng ấy cũng đã chạm tới thân thể của Bồ-tát Diệu Âm, là vị Bồ-tát đang tu học và hành đạo ở thế giới ấy.
Ánh sáng phóng ra từ đảnh đầu của đức Phật Thích-ca, đó là ánh sáng của tuệ giác Nhất thừa và ánh sáng phóng ra từ giữa chặng lông mày của đức Phật Thích-ca là ánh sáng của tuệ giác Trung đạo. Chỉ đi đến Nhất thừa bằng Trung đạo và chỉ thể nhập tuệ giác Nhất thừa bằng tuệ giác Trung đạo mà không bằng bất cứ tuệ giác nào khác.
Bằng ánh sáng tuệ giác Nhất thừa và Trung đạo nầy phóng đi từ cõi Ta-bà bởi đức Phật Thích-ca Mâu-ni, thì ở nơi thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai ở phương Đông, Bồ-tát Diệu Âm đã lãnh hội một cách toàn vẹn ánh sáng tuệ giác Nhất thừa và Trung đạo đó, và đã đi đến với tuệ giác Nhất thừa bằng tuệ giác Trung đạo. Điều nầy, chứng tỏ rằng, đối với tuệ giác Nhất thừa và Trung đạo giữa cõi Phật kia với cõi Phật nầy là một, giữa Bồ-tát Diệu Âm ở cõi Phật kia và Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi ở cõi Phật nầy là một. Thực tại thì dù phương Đông hay phương Tây, phương Nam hay phương Bắc, phương trên hay phương dưới cũng chỉ là một, nhưng phương pháp hoằng hóa để khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến thì đa thù, bởi vậy mà có Phật cõi nầy, có Phật cõi kia, có Bồ-tát cõi nầy, có Bồ-tát cõi kia, có thân tướng nầy và có thân tướng kia, có loại thiền định nầy và có loại thiền định kia, có loại âm thanh nầy và có loại âm thanh kia, có pháp môn nầy có pháp môn kia..., và dù cho phương pháp có đa thù, thân tướng Bồ-tát có đa dạng, ngôn ngữ có nhiều thanh âm cũng đều quy về với Nhất thừa Trung đạo. Và cảnh giới của chư Phật, thì đồng đẳng và dung thông vô ngại với nhau, không những chỉ dung thông vô ngại về mặt lý tánh mà còn ngay cả sự tướng nữa.

2. Pháp thân bình đẳng, báo thân và ứng thân sai thù
Diệu Âm Bồ-tát trước khi đến cõi Ta bà để đảnh lễ đức Phật Thích-ca Mâu-ni, thăm Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, cũng như các vị Bồ-tát đang hành đạo ở đây, Bồ-tát Diệu Âm đã được đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí dặn dò như sau:
“Ông đừng khinh thế giới Ta bà mà sinh khởi ý tưởng cho rằng, thế giới ấy là thấp kém. Nầy Thiện Nam tử! Thế giới Ta bà cao thấp không bằng, đủ các thứ núi đất đá, đầy dẫy những thứ dơ xấu. Thân Phật thấp nhỏ, thân Bồ-tát cũng vậy.
Tuy rằng, thân thể của ông cao đến bốn vạn hai ngàn do tuần, thân của tôi cao đến sáu trăm tám mươi vạn do tuần. Thân ông đoan chánh số một, với trăm ngàn vạn phước tướng, với ánh sáng thù diệu. Nên, khi ông đến thế giới Ta bà, đừng khinh thường thế giới ấy.
Đối với đức Phật, Bồ-tát và quốc độ của thế giới ấy, ông đừng sinh ý tưởng cho rằng là thấp kém”.
Lời dặn của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí ở thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm đối với Diệu Âm Bồ-tát cho chúng ta thấy những điều như sau:
2.1. Diệu Âm Bồ-tát đang tu tập và hoằng truyền kinh Pháp Hoa để thể nhập Phật tri kiến mà chưa thành tựu pháp thân, và chưa có khả năng thấy được pháp thân của chư Phật bình đẳng, nên còn sinh ý tưởng phân biệt thắng liệt giữa Phật cõi nầy với Phật cõi kia, giữa Bồ-tát cõi nầy với Bồ-tát cõi kia và giữa quốc độ nầy với quốc độ kia.
2.2. Và cũng chưa thấy được bản nguyện độ sinh sai thù giữa các đức Phật để cảm nên y báo và chánh báo sai thù của các Ngài về thân tướng và các cõi.
2.3. Và cũng vì chính Bồ-tát Diệu Âm còn một ít tri chướng chưa đoạn trừ hết, nên đức Phật Bổn sư của Ngài đã căn dặn với Ngài những điều cần thiết là “đừng khởi lên ý tưởng đối với đức Phật, Bồ-tát và quốc độ Ta bà là thấp kém”.
2.4. Chính lời căn dặn nầy, đức Phật Bổn sư của Bồ-tát Diệu Âm đã tịnh hóa hay Phật hóa cách nhìn nhận thực tại, nhìn nhận bản nguyện, nhìn nhận tâm đại từ bi cho học trò của mình, trước khi học trò của mình đi đến cõi Ta bà. Cảm nhận được điều nầy, nên Bồ-tát Diệu Âm đã thưa với đức Phật Bổn sư của mình rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Nay con đến thế giới Ta bà là do năng lực của đức Như Lai, là do thần thông du hóa của Như Lai, là do công đức trang nghiêm và trí tuệ của Như Lai”.
Do gia trì lực của đức Phật Bổn sư, nên Bồ-tát Diệu Âm đã thấy được pháp thân của chư Phật là bình đẳng, thực tướng các pháp ở cõi nầy, cõi kia đều là như thị, nhưng bản nguyện độ sinh tùy duyên mà khởi, nên báo thân và ứng hóa thân của các Ngài có sai thù. Và quốc độ của các Ngài giáo hóa là do nghiệp cảm duyên khởi, không có tự tánh.

3. Bất ly đương xứ
“Bấy giờ Diệu Âm Bồ-tát không đứng dậy khỏi chỗ ngồi, thân không hề dao động mà chỉ nhập định, do năng lực thiền định mà tại Linh Sơn, cách pháp tòa của đức Thế Tôn không xa, xuất hiện tám vạn bốn ngàn hoa sen quý báu, với vàng Diêm Phù Đàn làm cuống, bạch ngàn làm cánh, kim cương làm tua, ngọc chân thúc ca làm đài”.
Nhờ gia trì bởi giới, định và tuệ của đức Phật Bổn sư, nên Diệu Âm Bồ-tát không rời khỏi pháp tòa, chỉ do năng lực thiền định mà tại Linh Sơn, cách pháp tòa của đức Phật Thích-ca không xa, lại xuất hiện tám vạn bốn ngàn hoa sen quý báu.
Điều nầy là kinh nói rõ ý, thực tại hay pháp thân thì không có khởi hay diệt, đến hay đi, đồng nhất hay dị biệt, nhưng đến hay đi, sinh hay diệt, có hay không, đồng nhất hay dị biệt là đều do nguyện lực hay nghiệp lực và nhân duyên mà biểu hiện.
Nên, pháp thân hay thực tại vô tướng, vô ngã ở cõi Phật Tịnh Quang Trang Nghiêm cũng đồng đẳng với cõi Phật Thích-ca ở Ta bà, do đó pháp thân thì bất động không sinh diệt mà nguyện lực thì có mặt ở chỗ nầy với thân nầy, với ngôn ngữ nầy, với việc làm nầy, với nhân duyên thế nầy và khi thì có mặt ở chỗ kia, với thân như thế ấy, ngôn ngữ như thế ấy, với việc làm như thế ấy, với nhân duyên như thế ấy.
Cho nên, đối với bản nguyện hay nguyện lực thì cõi Phật Tịnh Quang và cõi Phật Ta bà biểu hiện nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo khác nhau, nhưng đối với pháp thân hay thực tại vô tướng, vô ngã thì giữa hai cõi chỉ là một. Nói cách khác, hai cõi đồng nhau về bản môn, còn hạnh môn không những sai thù mà còn vạn biệt. Dù sai thù, vạn biệt nhưng chúng lại có tính đồng quy.
Do đó, việc Diệu Âm Bồ-tát và tám vạn bốn ngàn Bồ-tát từ cõi Phật Tịnh Quang Trang Nghiêm đến cõi Ta bà nghe đức Thích-ca giảng Pháp Hoa tại núi Linh Thứu, là những ứng hóa thân đồng bản nguyện và bản hạnh Pháp Hoa.

4. Đến từ bản nguyện và Ấn chứng từ bản môn
“Ở cõi Ta-bà tại núi Linh Thứu xuất hiện tám vạn bốn ngàn hoa sen quý báu, khiến Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi thắc mắc và hỏi đức Thích-ca, đây là điềm lành gì? Đức Phật Thích-ca dạy cho Văn Thù Sư Lợi rằng, ấy là đại Bồ-tát Diệu Âm, và tám vạn bốn ngàn Bồ-tát từ thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm của đức Như Lai Tịnh Hoa Tú Vương Trí ở phương Đông muốn đến cõi Ta bà để kính lễ Như Lai và nghe kinh Pháp Hoa.
Ngài Văn Thù Sư Lợi thưa đức Thế Tôn, vị Bồ-tát ấy đã gieo trồng thiện căn như thế nào, và tu tập công đức gì mà có thần lực vĩ đại như vậy? Vị Bồ-tát ấy đã tu tập thiền định nào, kính xin đức Thế Tôn chỉ dạy cho con loại thiền định ấy.
Kính xin đức Thế Tôn dùng thần lực làm cho vị Bồ-tát ấy đến đây để cho chúng con được thấy.
Đức Thế Tôn dạy ngài Văn Thù Sư Lợi, đức Phật Đa Bảo nhập diệt đã lâu, Ngài sẽ làm hiện ra cho quý vị thấy rõ hình tướng của Bồ-tát Diệu Âm.
Bấy giờ đức Phật Đa Bảo gọi Bồ-tát Diệu Âm rằng, hỡi Thiện nam tử hãy đến đây! Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi là pháp vương tử muốn thấy thân ông.
Ngay khi ấy, Bồ-tát Diệu Âm ẩn thân tại quốc độ của mình, cùng với tám vạn bốn ngàn Bồ-tát xuất phát.
Bao nhiêu quốc độ mà phái đoàn của vị Bồ-tát ấy đi qua đều chấn động sáu cách, đều mưa hoa sen với bảy chất liệu quý báu, đều có trăm ngàn nhạc khí của chư Thiên không đánh mà tự kêu lên.
Vị Bồ-tát ấy mắt như cánh hoa sen xanh rộng lớn. Giả như trăm ngàn mặt trăng cùng hòa hợp lại với nhau, thì diện mạo đoan chánh của vị Bồ-tát ấy lại đẹp hơn. Thân vị Bồ-tát ấy màu sắc hoàng kim, dùng vô lượng trăm ngàn công đức mà trang nghiêm, uy đức rực rỡ, ánh sáng chiếu khắp, tướng quý đầy đủ, thân vững chắc như đại lực sĩ. Vị Bồ-tát ấy ngồi trên đài bằng bảy chất liệu quý báu, vượt lên không gian, cách mặt đất bảy cây Đa-la, với các vị Bồ-tát vây quanh mà đi đến núi Linh Thứu của thế giới Ta bà”.
Qua đoạn kinh văn ở trên, ta thấy rằng, đức Phật Thích-ca Mâu-ni là đức Phật thuộc về hạnh môn của tích môn, đang nói với Ngài Văn Thù Sư Lợi, là vị Bồ-tát thuộc pháp vương tử, về hạnh môn thuộc bản môn của Diệu Âm Bồ-tát ở thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm, của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí ở phương Đông, về pháp hạnh và những công đức thành tựu và thần lực của vị Bồ-tát nầy.
Và từ nơi hạnh môn của tích môn đức Phật Thích-ca đã trình bày một cách rõ ràng về hạnh môn của bản môn kinh Pháp Hoa nói chung và Diệu Âm Bồ-tát nói riêng. Sự trình bày như vậy của đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã được đức Phật bản môn là Phật Đa Bảo xác chứng bằng cách Phật Đa Bảo đã gọi Diệu Âm Bồ-tát, và Diệu Âm Bồ-tát đã xuất hiện ngay nơi cõi Ta-bà tại Linh Sơn với đầy đủ tất cả công đức đã từng tu tập.
Điều nầy cho chúng ta thấy rằng, cái biết của đức Phật Thích-ca và Phật Đa Bảo là một, cái biết của đức Phật Thích-ca và cái biết của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí ở thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm ở phương Đông là một. Không những cái biết của các Ngài đồng nhau về bản môn mà còn đồng nhau về tích môn và cả hạnh môn nữa.
Do đó, ở trong đoạn kinh nầy, đức Phật Thích-ca và Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi đóng vai trò hạnh môn thuộc về tích môn, tích hóa. Và đức Phật Đa Bảo và Bồ-tát Diệu Âm đóng vai trò hạnh môn thuộc về bản môn, bản hóa. Đức Phật Đa Bảo là Phật bản môn, xuất hiện ở trong phẩm nầy là để xác chứng những gì mà đức Phật tích môn, tức là đức Phật Thích-ca nói về hạnh môn của bản môn đối với Diệu Âm Bồ-tát là chân thật, là đúng với tự thân của chính nó.

5. Bồ-tát Diệu Âm với thiền định giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn
Bồ-tát Diệu Âm là vị Bồ-tát có khả năng hiểu hết thảy ngôn ngữ của mọi loài và có khả năng sử dụng mọi ngôn ngữ, mọi âm thanh để độ đời, để khai tri kiến Phật cho chúng sanh, để thị tri kiến Phật cho chúng sanh, để ngộ tri kiến Phật cho chúng sanh và nhập tri kiến Phật cho chúng sanh.
Ngôn ngữ và âm thanh của vị Bồ-tát nầy là ngôn ngữ và âm thanh của diệu pháp, có khả năng diễn đạt diệu pháp dưới vô số hình thái khác nhau cho chúng sanh nghe và cũng có khả năng nghe vô số chủng loại âm thanh của hết thảy chúng sanh.
Chúng sanh có nhiều loại và mỗi loại lại có những thứ ngôn ngữ riêng biệt của nó. Với thiền định Giải nhất thiết ngữ ngôn, Diệu Âm Bồ-tát không những hiểu chúng sanh qua ngôn ngữ diễn đạt mà hiểu và nghe chúng sanh qua ngôn ngữ của thể tính, của nguyện lực hay của nghiệp lực.
Với thiền định có khả năng hiếu hết thảy ngôn ngữ của chúng sanh và cùng với âm thanh diệu pháp, vị Bồ-tát nầy có khả năng diễn đạt một ngôn ngữ thành vô lượng ngôn ngữ, một âm thanh thành vô lượng âm thanh, một pháp thành vô lượng pháp, âm thanh của một thế giới thành âm thanh của vô lượng thế giới... và vô lượng âm thanh và vô lượng ngôn ngữ hội nhập vào một thể tính ngôn ngữ. Thể tính ngôn ngữ của Diệu Âm chính là (अ.(A), là Om. A là nguyên ngữ của mọi ngôn ngữ. Nên Diệu Âm chính A, và A là Diệu Âm. Diệu Âm không phải... chỉ diễn đạt Nhất thừa phương tiện mà là âm thanh của Nhất thừa pháp. Âm thanh ấy mỗi khi được tuyên xướng, diễn bày sẽ có khả năng đưa Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa quy nhập Nhất thừa.
Do đó, Diệu Âm là âm thanh của thiền định và tuệ giác, có khả năng diễn xướng Nhất thừa cho hết thảy chúng sanh hướng về và ngộ nhập.

6. Bồ-tát Diệu Âm với thiền định hiện nhất thiết sắc thân
Do thành tựu thiền định hiện nhất thiết sắc thân, Bồ-tát Diệu Âm có thể sử dụng bất cứ thân nào để làm lợi ích cho chúng sanh.
Ở trong phẩm kinh nầy, đức Phật Thích-ca đã nói với Bồ-tát Hoa Đức rằng, “Ông chỉ thấy Bồ-tát Diệu Âm qua thân tướng ở đây, nhưng vị Bồ-tát ấy biểu hiện đủ loại thân thể, ở khắp mọi nơi giảng nói kinh Pháp Hoa cho các loại chúng sanh”.
Đức Phật Thích-ca đã nói với Hoa Đức Bồ-tát rằng, Bồ-tát Diệu Âm có thể biểu hiện bất cứ sắc thân nào để thuyết giảng Pháp Hoa cho thích ứng với nghiệp cảm của những loại chúng sanh đó, đức Phật Thích-ca đã kể đến ba mươi bốn biểu hiện sắc thân thuộc về phàm thân và bốn thánh thân để thích ứng theo chủng loại mà giảng kinh Pháp Hoa.
Ba mươi bốn phàm thân và bốn thánh thân mà Bồ-tát Diệu Âm có khả năng biểu hiện ấy, chỉ là những sắc thân tiêu biểu và đại loại, chứ thật ra có bao nhiêu chủng loại chúng sanh là Bồ-tát Diệu Âm có thể biểu hiện bấy nhiêu sắc thân thích ứng để vì họ diễn thuyết diệu pháp.
Cho nên, chúng sanh có bao nhiêu sắc thân và có bấy nhiêu chủng loại, thì Bồ-tát Diệu Âm có khả năng biểu hiện bấy nhiêu sắc thân thích ứng và sử dụng bấy nhiêu ngôn ngữ thích ứng để diễn bày Pháp Hoa, nhằm khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến, ngộ Phật tri kiến và nhập Phật tri kiến cho họ.
Do đó, thiền định giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn và thiền định hiện nhất thiết sắc thân gắn liền với nhau của hạnh môn Pháp hoa.
Thiền định giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn là biểu hiện cho ngữ nghiệp thanh tịnh và thiền định hiện nhất thiết sắc thân là biểu thị cho thân nghiệp thanh tịnh.
Ngữ nghiệp và thân nghiệp thanhh tịnh được biểu hiện từ nguyện lực thanh tịnh và nguyện lực thanh tịnh lại dẫn khởi từ Bồ-đề tâm và chúng được nuôi dưỡng và phát triển bởi tâm ấy. Bồ-đề tâm nguyện càng sâu thì hạnh môn càng lớn. Nên, từ nơi pháp thân mà biểu hiện vô số thân để hóa độ chúng sanh; từ nơi một âm thanh mà có thể hiểu xuyên suốt mọi thứ âm thanh; từ nơi một ngôn ngữ mà có thể hiểu xuyên suốt mọi thứ ngôn ngữ và có khả năng sử dụng mọi thứ ngôn ngữ để diễn thuyết diệu pháp.
Như vậy, đối với bao nhiêu quốc độ trong mười phương, có bao nhiêu chủng loại chúng sanh dù phàm hay thánh, thì Bồ-tát Diệu Âm đều có khả năng biểu hiện bấy nhiêu thân hình và ngôn ngữ thích ứng để diễn thuyết diệu pháp, khơi mở Phật tri kiến cho hết thảy muôn loài trong hết thảy mọi thế giới.
Thế nên, căn bản của hạnh môn Pháp Hoa là bồ-đề tâm và bồ-đề nguyện, còn thiền định giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn và thiền định hiện nhất thiết sắc thân là bồ-đề hạnh.
Bồ-đề tâm, bồ-đề nguyện và bồ-đề hạnh là chất liệu không những tạo nên hạnh môn của Pháp Hoa, mà là hạnh môn của tất cả các hạnh của Bồ-tát đạo, không những ở thế giới Tịnh Quang Trang Nghiêm của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai ở phương Đông mà ngay thế giới Ta-bà của đức Phật Thích-ca đang giáo hóa nữa.
Chính bồ-đề tâm, bồ-đề nguyện, bồ-đề hạnh đã từ thế giới bản môn biểu hiện ở thế giới tích môn, kính lễ đức Phật Thích-ca, chuyển lời thăm hỏi của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí đến đức Phật Thích-ca và đức Phật Đa Bảo, và đồng thời Bồ-tát Diệu Âm ra mắt Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, cùng các vị Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Đắc Cần Tinh Tấn Lực, Bồ-tát Dõng Thí và các vị Bồ-tát đồng đẳng khác.
Nên, khi đức Phật Thích-ca nói Bồ-tát Diệu Âm có khả năng biểu hiện vô số sắc thân để diễn thuyết diệu pháp cho vô số chúng sanh, thì tám vạn bốn ngàn Bồ-tát cùng đi với Bồ-tát Diệu Âm đều thực hành thiền định hiện nhất thiết sắc thân và vô lượng Bồ-tát ở thế giơí Ta-bà cũng đều thực hành thiền định hiện nhất thiết sắc thân và lại còn thực hành các pháp thuộc đà-la-ni tức là các pháp thiền định giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn nữa.
Như vậy, việc có mặt nơi cõi Ta bà của Bồ-tát Diệu Âm đã đem lại lợi ích không những cho cõi kia với tám vạn bốn ngàn Bồ-tát được thiền định hiện nhất thiết sắc thân mà cho cõi Ta bà nầy cũng rất nhiều, với bằng chứng sau khi đến và đi của Bồ-tát Diệu Âm đã có đến bốn vạn hai ngàn thiên nhân được vô sanh pháp nhẫn (tuệ giác không sinh), Bồ-tát Hoa Đức được định Pháp Hoa.
Sự đến và đi lợi ích như vậy, biểu thị kết quả của hạnh môn Pháp hoa do Bồ-tát Diệu Âm thực hành.
Và với sự đến và đi như vậy của Bồ-tát Diệu Âm đã trả lời một cách sâu sắc là tại sao có phẩm Bồ-tát Diệu Âm nầy ở trong kinh Pháp Hoa.

III. Phương pháp thực hành

Thực hành theo phẩm kinh nầy, ta cần thực hành ba điểm như sau:
1. Thọ trì đầy đủ tam tụ tịnh giới
Thọ trì đầy đủ Tam Tụ Tịnh Giới là thành tựu viên mãn về Phật giới uẩn.
a. Thọ trì nhiếp luật nghi giới:
Nghĩa là ta phải phát khởi Bồ-đề tâm, nguyện lãnh thọ hết thảy các học xứ, có khả năng phòng hộ và đoạn trừ các điều ác của thân, ngữ, ý để thành tựu thanh tịnh pháp thân của Phật.
b. Thọ trì nhiếp thiện pháp giới:
Nghĩa là ta phải phát khởi Bồ-đề tâm, nguyện lãnh thọ hết thảy các học xứ, có khả năng thực hành tất cả các điều thiện thuộc về thân, ngữ, và ý để thành tựu báo thân trang nghiêm của Phật.
c. Thọ trì nhiêu ích hữu tình giới:
Nghĩa là ta phải phát khởi Bồ-đề tâm, nguyện thọ trì hết thảy các học xứ, có khả năng nhiếp hóa làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, thuộc về thân, ngữ, và ý để thành tựu thiên bách ức hóa thân của Phật.
Như vậy, ta thực hành đầy đủ các tụ thanh tịnh giới trên nền tảng của Bồ-đề tâm thì ta có thể thành tựu được ba thân gồm pháp thân, báo thân và ứng hóa thân để có thể tùy duyên hóa độ chúng sanh.

2. Thực tập thiền định hiện nhất thiết sắc thân
Đây là loại thiền định có khả năng biểu hiện một thân thành nhiều thân và nhiều thân hội nhập vào một thân.
Thiền định nầy là được thiết lập trên nền tảng của thân hành thanh tịnh.
Thân hành thanh tịnh là do thực tập thân hành niệm, nghĩa là quán chiếu và nhìn sâu vào các động tác của thân thể qua hơi thở, hoặc qua các động tác đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc khiến cho các ý niệm sát, đạo và dâm lắng yên, không còn hoạt động ở trong tâm thức, do đó chúng không còn tác động khiến cho thân biểu hiện những hành vi giết hại muôn loài, không còn có tác động khiến cho thân thể biểu hiện những hành vi trộm cắp và không còn có tác động khiến cho thân thể biểu hiện những hành vi tham dục đối với khác phái hay đồng phái.
Và với thân hành thanh tịnh như vậy được tác động bởi bồ-đề tâm, và nguyện lực, có thể biểu hiện dưới vô lượng hình thức, vô lương sắc tướng, vô lượng tên gọi để cho thích ứng từng đối tượng, từng chủng loại, từng cảnh giới nghiệp lực để hóa độ chúng sanh, khiến cho tất cả họ đều phát khởi Bồ-đề tâm, tu tập Bồ-tát đạo và thành tựu Phật đạo.
Tu tập Thiền định hiện nhất thiết sắc thân được thiết lập trên nền tảng của giới tức là Bồ-đề tâm và thân hành thanh tịnh như vậy, bằng sự Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai cần ta có thể chứng nghiệm và thành tựu được.
Đối với loại thiền định nầy không những Bồ-tát Dược Vương, Diệu Âm, Quán Thế Âm mà tất cả Bồ-tát đã đoạn trừ hết ngã chấp, đã đoạn trừ hết mọi vọng tưởng về tự ngã đều chứng đắc và thành tựu.
Nhờ thành tựu và chứng đắc loại thiền định nầy mà các Ngài có khả năng biểu hiện từ một thân thể thành nhiều thân thể cùng một lúc trong mọi không gian, để thích ứng với mọi nhu cầu của mọi đối tượng để thuyết pháp và cứu độ.
Ngày nay với những sự thành tựu của khoa học, kỹ thuật phim ảnh và điện tử, điện toán, khiến cho một hình ảnh có thể biểu hiện ra nhiều hình ảnh, một thân thể có thể biểu hiện ra nhiều thân thể không còn là điểm khó tin, khó hiểu.
Với đầu óc tinh xảo của khoa học còn có thành tựu những pháp lạ như thế, huống nữa là những đầu óc của giới đức, thiền định và tuệ giác, với trái tim của Bồ-đề nguyện lực, thì việc một thân biểu hiện nhiều thân để độ đời không còn là huyền thoại hay tưởng tượng mà là rất hiện thực đối với những ai đã thành tựu đối với các thiền định.

3. Thực tập thiền định Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn
Đây là loại thiền định có năng lực hiểu rõ ngôn ngữ của hết thảy chúng sánh.
Thiền định nầy là được thiết lập trên nền tảng của ngữ hành thanh tịnh.
Ngữ hành thanh tịnh là do công phu thiền tập, khiến cho các tâm hành thuộc về ngữ hoàn toàn lắng yên.
Tầm (vitakka), tứ (vicara), tưởng (sạmjnã) là những tâm hành thuộc về ngữ.
Trong khi thực tập thiền định với sự vắng mặt của tầm (vitakka) và tứ (vicara) ta sẽ an trú vững chãi ở Nhị thiền, ta có hỷ và lạc do thiền định phát sinh. Và trong khi thực tập thiền định mà tâm thức hoàn toàn vắng mặt của những hoạt động của thọ và tưởng, tâm ta sẽ an trú vững chãi và thấm sâu vào Diệt thọ tưởng định.
Do đó, ngữ hành thanh tịnh là ngữ không bị tác động bởi tầm, tứ, và tưởng hay tư duy hữu ngã.
Tư duy hữu ngã hoàn toàn vắng lặng, tâm hoàn toàn ở trạng thái thuần tịnh và trong sáng. Từ nơi thể tính ấy mà nhìn thấy hết thảy tướng của thế gian đều là tướng của tịch diệt và hết thảy nhân duyên nghiệp báo của chúng sanh trong thế gian đều là hư huyễn, bất thực, nhưng chúng sanh do vô minh mà sinh khởi tham ái, chấp thủ, nghiệp hữu, nên mù mịt đắm chìm trong nhân duyên nghiệp quả khổ vui hư huyễn bất thực ấy, quên mất đường về, không biết nẻo ra, nên Bồ-tát hưng khởi đại bi tâm, lập thệ và nguyện để cứu độ chúng sanh.
Lắng nghe mọi cử chỉ, mọi động tác, mọi âm thanh của chúng sanh từ mọi phía, mọi ngôn ngữ từ mọi đối tượng để hiểu sâu vào thể tính, tướng trạng, nhân duyên, năng lực quả báo và gốc rễ ngọn ngành của mọi tâm trạng phát ra ngôn ngữ, hay cử chỉ, nhằm ứng hóa thân thích hợp với từng đối tượng ấy, nhằm thuyết pháp theo ngôn ngữ của họ, để giúp họ thóat khỏi khổ đau, tìm đủ mọi phương tiện để đưa họ vượt ra khỏi những khổ vui hư huyễn, đạt đến niềm vui giải thoát và giác ngộ của Phật.
Trên con đường chuyển hóa chúng sanh từ mê đến ngộ, từ ngu đến trí, từ phàm đến thánh, từ khổ đến lạc, Bồ-tát phải tu tập thành tựu hai loại thiền định Hiện nhất thiết sắc thân và Giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn và luôn luôn sử dụng hai loại thiền định nầy bằng trái tim Bồ-đề và nguyện lực.
Ta phải thực tập thiền định để hiểu rõ mọi thứ ngôn ngữ của chúng sanh qua các trường đào tạo ngôn ngữ học.
Ta phải thực tập thiền định để ta có ngôn ngữ của trái tim và bằng chính ngôn ngữ nầy, có khả năng dập tắt mọi ngôn ngữ dối trá, xảo quyệt, hận thù và phân hóa, khiến cho diệu âm chân thật được biểu lộ trong mọi sinh hoạt thực tế của con người.
Thích Thái Hoà

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang