Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

LẤY LẠI CHỦ QUYỀN

Share |


Thích thái hòa

ĐỐI TÁC KHÔNG BÌNH ĐẲNG

Trong cuộc sống, con người thường suy nghĩ đến bình đẳng và người ta đi tìm sự bình đẳng trong đối tác giữa người này với người kia, giữa tổ chức này với tổ chức kia, giữa khối này với khối kia, giữa quốc gia này với quốc gia kia, nhưng con người quên nhìn lên không gian bao la để thấy chỉ có một mặt trời mà không có hai, và không bao giờ có hai mặt trăng cùng xuất hiện một lúc, và cũng vì ham suy nghĩ bình đẳng giữa đối tác và chạy theo nó, con người đã quên nhìn lại trái tim trong cơ thể của mình, trái tim chỉ có hòa điệu với các bộ phận khác mà không là đối tác bình đẳng, vì vị trí của tim trong cơ thể không có bộ phận nào trong cơ thể có thể thay thế.

Và cũng vì ham chạy theo bình đẳng đối tác, con người đã quên nhìn lại mặt mình, để thấy hai con mắt đang hiện hữu trên khuôn mặt, nó có đối tác bình đẳng không? Nó không hề đối tác bình đẳng, vì một con to và một con nhỏ, một con nằm phía trái và một con nằm phía phải. Đã có bên phải và bên trái làm sao có sự đối tác bình đẳng.

Nên, bình đẳng đối tác, chỉ là những ý niệm của ước muốn mà không phải là chân nghĩa của cuộc sống con người.

Chân nghĩa của cuộc sống chỉ là hòa điệu giữa cái nầy với cái kia, giữa cái kia và cái nầy mà không hề có sự đối tác bình đẳng. Và chỉ có vô thường là đối xử bình đẳng một cách tự nhiên đối với tất cả chúng ta, vì tất cả chúng ta cũng như muôn vật không có cái gì là không vô thường.

HẠNH PHÚC KỲ NGỘ

Ta không bằng lòng với những gì ta đang có, nên ta từ bỏ nó để đi tìm một cái khác và rồi ta không bằng lòng với cái ta mới tìm được, ta lại từ bỏ nó và tìm kiếm một cái khác nữa, cứ như vậy mà cuộc tìm kiếm của ta không bao giờ dừng lại, và không biết nơi cõi Ta bà này nơi nào là chỗ dừng chân lại của ta.

Cõi Ta bà tuy rộng, nhưng không có một chỗ nào cho ta dừng chân, nếu ta không biết buông bỏ những ý tưởng dong ruổi trong ta.

Cõi Ta bà tuy rộng, nhưng nơi nào là vùng đất hứa của ta? Chắc chắn không có nơi nào, nếu tâm ý tìm cầu không dừng lại nơi ta.

Và nơi cõi Ta bà này, nơi nào là vùng đất sạch? Chắc chắn không có vùng nào, nếu tâm ta cấu uế.

Và cũng trong cõi Ta bà này, nơi nào là những sinh hoạt của những người dễ thương? Chắc chắn không có nơi nào và người nào, nếu tâm ta đầy những hạt giống hận thù, trách móc, bất mãn và khát thèm.

Nên, ta hãy làm cho tâm ta lắng yên, tâm không còn những bất mãn, khát vọng và tìm cầu, thì cái nhìn của ta bắt đầu sáng trong, bấy giờ mọi cái đi qua đời ta đều là chân như hiển lộ. Mọi sự tốt đẹp, ta không nhọc công tìm kiếm, mà đều tương ngộ cùng ta, điều ấy mới là kỳ ngộ trong đời sống của hạnh phúc.

THIÊN ĐÀNG CÓ THẬT

Khi người nắm quyền lực không còn biết đặt quyền lợi của cái chung lên trên cái riêng, mà tất cả chỉ là vì bản thân, gia đình và phe nhóm của họ, thì việc trước hết của họ là khống chế và đàn áp kẻ sĩ mà không phải là chiêu hiền đãi sĩ.

Điều đó, kẻ sĩ phải biết để phát nguyện đi vào địa ngục mà tạo dựng thiên đàng.

Thiên đàng cũng được tạo nên từ những con người biết chấp nhận trầy da phỏng trán chứ không phải từ những người chỉ biết chấp nhận cúi đầu.

Thiên đàng có từ địa ngục là thiên đàng có thiệt, vì đó là thành quả của những người phát nguyện dấn thân vào địa ngục để tạo dựng thiên đàng.

Nên, thiên đàng không đến với ta từ sự ngồi yên để đợi chờ ban phát mà từ sự dấn thân bằng đại nguyện và có khi chết người.

Thiên đàng có thật là thiên đàng của những người phát nguyện dấn thân.

ÔNG KỸ SƯ
VÀ CÁI ĐINH VÍT

Có vị kỹ sư đang đi trên chiếc xe hơi, ông ta thấy cái đinh vít giữa đường, ông buộc tài xế dừng xe lại và bước xuống lượm cái đinh vít bỏ vào trong túi áo, rồi lên xe và tài xế tiếp tục lái xe đưa ông về nhà để nghỉ.

Từ ấy, anh tài xế cứ miên man suy nghĩ về hành động lượm cái đinh vít của ông kỹ sư. Anh ta cho rằng, ông ấy bần tiện, một cái đinh vít rơi giữa đường mà cũng buộc tài xế dừng xe lại để lượm bỏ vào trong bọc. Và cũng từ đó, lòng quý trọng của anh tài xế đối với ông kỹ sư cũng mất dần.

Hôm ấy, anh tài xế đến chùa và đem chuyện ấy kể cho tôi nghe với giọng điệu đầy châm biếm. Nhưng, tôi chỉ nhìn anh ta và mỉm cười, rồi sau đó tôi nhắc cho anh ta lời Phật dạy rằng: Khi ta dùng cơm mà trong cơm có những hạt lúa, thì ta lựa những hạt lúa ấy ra, cúp vỏ bỏ đi, lấy hạt cơm sống trong đó mà dùng (Phạn trung hữu cốc, khử bì thực chi).

Như vậy, ông kỹ sư kia là một Phật tử thuần thành đang áp dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống của mình đó chứ?

Ông kỹ sư không phải tiếc cái đinh vít mà tiếc công lao có mặt của cái đinh. Cái đinh ấy là công lao của rất nhiều người mà không phải một người và rất nhiều vật liệu có mặt trong đó, chứ không có một cái đinh nào đơn thuần mà có mặt cả, nên nó phải được đem sử dụng có lợi ích mà không thể phí phạm.

Cũng vậy, Đức Phật có tiếc gì một hạt lúa nằm trong tô cơm, nhưng trong bát cơm có hạt lúa, thì không được vứt nó đi mà phải lượm nó lên, bóc vỏ bỏ đi lấy lọm mà ăn, là vì Ngài trân quý công lao của người lao động, công lao có mặt của hạt lúa và hạt cơm. Bát cơm ta đang ăn và hạt lúa trong cơm ta đang bóc vỏ để ăn là công lao của bao nhiêu người, của bao nhiêu loài, bao nhiêu nhiên liệu và bao nhiêu thời gian, mới có thể hình thành cho ta hạt lúa, hạt cơm ấy, nên hạt cơm, hạt lúa ấy phải được sử dụng cho đúng với công lao của nó mà không nên phí phạm.

Ta phí phạm đối với cái gì là do ta không thấy công lao ở trong cái ấy, nên ta sống vô ơn và thiếu thủy chung đối với nó.

Trong cuộc sống, ta muốn biết ơn những cái lớn, ta phải thấy công lao từ những cái nhỏ; và nếu con người mình sống có thỉ chung, thì ta đã có thỉ chung ngay trong những cái nhỏ, trong những việc nhỏ.

Tôi nói với anh tài xế, nếu đất nước có phước, thì đất nước mình sẽ có được nhiều kỹ sư như vậy, và anh rất có phước, anh mới làm tài xế cho những vị kỹ sư ấy.

Bởi lẽ, cái đinh vít mà ông kỹ sư còn quý đến như thế, huống gì là anh?

Anh tài xế mắt sáng lên, nhoẻn miệng cười và chào tôi tạm biệt!

TỪ NƠI CÁNH TAY TÔI

Bạn đứng cùng phía với tôi, cánh tay phải của tôi là phía phải của bạn; bạn đứng đối diện với tôi, cánh tay phải của tôi là phía trái của bạn.

Vậy, phải và trái có phải là nơi cánh tay tôi hay từ nơi thế đứng của bạn?

Nên, bạn hãy thấy mọi giá trị của cuộc đời từ nơi cánh tay tôi và từ nơi cánh tay bạn để cẩn thận và chín chắn trong việc nói năng và hành xử.

KHÔNG CHÚT GỢN XAO

Ngày hôm nay sẽ là ngày hôm qua của bạn và đã từng là ngày mai của bạn. Và ngày mai của bạn là ngày hôm nay.

Quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời ta là vậy, chúng chẳng có biên giới nào cả. Chúng chỉ là những ý niệm sinh diệt liên tục và trôi nổi bồng bềnh trên tâm thức ta.

Thời gian chỉ là trò chơi của ý niệm và không gian chỉ là những ý niệm của tâm thức kỳ thị.

Bạn hãy đứng về phía tôi, tôi nói bên này là bên phải, thì cũng chính là bên phải của bạn, tôi nói bên kia là bên trái, thì cũng là bên trái của bạn.

Nhưng, bạn hãy đứng đối diện với tôi, thì tức khắc phía phải của tôi là phía trái của bạn và phía trái của tôi là phía phải của bạn. Và ngược lại, phía phải của bạn là phía trái của tôi và phía trái của bạn là phía phải của tôi.

Vậy, ta nên đứng về một phía để cùng nhau nói chuyện hay ta nên đối diện nhau?

Nếu ta cùng nhau đứng về một phía để nói chuyện, câu chuyện của ta có vẻ đơn điệu và càng lúc càng lạt nhách, và ta đứng đối diện nhau để nói chuyện thì câu chuyện của ta càng lúc càng trở nên gay cấn.

Bởi vì phía ta là phải, thì phía đối lập của ta là trái, phía ta là trái thì phía đối lập của ta là phải, và ngược lại cũng vậy.

Vậy, phải trái có phải do thế đứng của ta trong không gian để nhìn đối tượng không nhỉ?

Nên, không gian cũng chỉ là những ý niệm bồng bềnh nổi lên chìm xuống của tâm thức. Và đúng sai, phải trái của đời ta cũng đi theo hướng ấy, mà luân lưu và lận đận với gió bụi cuộc đời. Được mất, khen chê của ta giữa cuộc đời gió bụi cũng lắm nỗi truân chuyên!

Ta hãy ngồi yên để cát bụi thời gian trong tâm ta lắng xuống và ý niệm không gian theo mây gió bay đi, thì ta đứng với ai, dù cùng phía hay đối diện, dù bên phải hay bên trái, tất cả đều là sự tĩnh tại của dòng tâm tươi mát, trong ngần, mọi hiện hữu tha hồ soi bóng mà dòng tâm ấy chẳng có chút gợn xao!

NỖ LỰC
VÀ ĐỊNH HƯỚNG NÀO?

Sự học không có ngằn mé và nhu cầu học hỏi là nhu cầu của sự hiểu biết, nó đã trở thành một đời sống tinh thần có giá trị hết sức cao quý của con người.

Ta học tập để có sự hiểu biết, để có khả năng phân biệt được chánh tà, chân ngụy, đúng sai, thiện ác để nỗ lực dẹp tà, khử ngụy, trừ sai và diệt ác. Nhưng, ta nỗ lực học tập mà ác trong ta càng ngày càng tăng; tà trong ta càng ngày càng lắm; ngụy trong ta càng ngày càng phát triển và những sai lầm trong ta càng ngày trở nên trầm trọng, thì sự học tập của ta đã trở thành nguy hiểm, đem lại tai họa cho ta, cho gia đình và xã hội của ta.

Định hướng cho sự học của ta là để có sự hiểu biết và sống đẹp mà không phải mưu cầu danh lợi, địa vị và quyền bính. Định hướng học tập của ta như vậy là định hướng đúng. Ta đi theo định hướng này, thì cái chánh trong ta càng ngày càng hiển lộ; cái chơn trong ta càng ngày ngày trở nên hiện thực; cái đúng trong ta càng ngày càng trở nên toàn hảo và cái thiện trong ta càng ngày càng trở thành cuộc sống của ta.

Nếu ta nỗ lực học tập mà chệch định hướng này, càng học càng đưa ta đi tới những khôn ngoan vụn vặt và tội lỗi, và rồi ta sẽ bất mãn đối với tất cả. Và trong xã hội cực kỳ văn minh, người ta cũng chỉ đủ khả năng để đáp ứng được những nhu cầu lòng tham của những chàng chăn trâu, mà không bao giờ đáp ứng nổi nhu cầu tham lam của người có học; và trong xã hội người ta có thể dập tắt được cơn giận của người ngu, nhưng khó dập tắt lòng hận thù của những người có học mà tham lam và chấp ngã.

Nên, nỗ lực học tập là tốt, nhưng định hướng sai cho nỗ lực ấy, dẫn ta đến những thảm trạng khốn cùng và bi đát cho ta và xã hội.

LẤY LẠI CHỦ QUYỀN

Có người đã hỏi tôi, Thầy làm nghề gì để sống? Tôi cười và nói: Tôi có nghề đi thiền và ngồi thiền, các anh có thuê tôi đi thiền và ngồi thiền không?

Họ nói: Đi thiền và ngồi thiền thời đại này ai thuê làm gì.

Tôi hỏi: Thời đại này là thời đại nào hả các anh? Có phải là thời đại mà con người không còn niềm tin ở nơi người khác và ngay cả chính mình nữa không các anh? Có phải là thời đại mà con người trở thành những vật vô cảm, sống nhờ quảng cáo, tuyên truyền và lệ thuộc vào điện tử không các anh?

Trong thời đại con người sống bằng những ảo giác điện tử, có những người cũng bỏ tiền thuê những người ngồi thiền và đi thiền để quay phim, nhiếp ảnh, quảng cáo, tuyên truyền và ngay cả phim ảnh nghệ thuật nữa đó chứ!

Trong các phim truyện Trung Quốc, người làm phim đã thuê các nghệ sĩ giả làm hòa thượng, giả làm Phật để ngồi thiền đó, các anh không thấy sao?

Không có thời đại nào là thời đại hoàn hảo và không có thời đại nào là thời đại đang thách thức với chúng ta, chỉ có tâm hư ngụy, dối trá, muốn toàn quyền phát triển là bất hạnh cho đời sống của chúng ta và xã hội mà tất cả chúng ta đang lâm trận.

Nên, việc đi thiền và ngồi thiền để lấy lại chủ quyền cho chính ta là điều hết sức cần thiết trong thời đại này phải không các anh nhỉ?

ĐỪNG BÁM VÍU

Trong đời sống, ta đừng bám sát bởi bất cứ cái gì, dù cái đó ta thích nhất. Không bám sát không phải ta thiếu thủy chung, mà không bám sát là để cho cái đó tự do phát triển, tự do sáng tạo, thích ứng với mọi môi trường mà nó hiện hữu, khiến cho nó đóng góp vào sự hiện hữu của nó một cách hữu ích.

Và ta đừng nên bám sát bởi bất cứ một cái gì mà ta yêu thích, vì cuộc sống tự nó là đổi thay. Ta cố gắng không thay đổi, thì chính tự nó cũng đổi thay. Nó đã đổi thay trong từng khoảnh khắc của sự sống.

Nên, trong đời sống, ta muốn có thanh thản và tự do thì ta đừng bám víu tiền bạc, vì tiền bạc không phải là tất cả của hạnh phúc. Tiền bạc làm ta mất tự do hơn là có tự do. Tiền bạc là để giúp ta giải quyết đời sống có điều kiện mà không phải giúp ta hạnh phúc và tự do.

Lại nữa, ta đừng bám víu vào danh vọng và quyền lực. Những cái đó không phải là hạnh phúc và tự do, nó chỉ làm cho ta mất tự do và hạnh phúc.

Danh vọng và quyền lực chỉ có thể giúp ta dễ kiếm ra tiền bạc, nhưng thường làm cho ta lo lắng, mất hạnh phúc và tự do.

Trong cuộc sống, bạn phải biết tôi luyện tất cả khả năng trong đó có khả năng không bám víu, để trở thành một người giàu có tài sản và tâm hồn.

Bạn có khả năng làm ra tài sản, nhưng bạn không có khả năng buông bỏ nó làm sao bạn có nhân cách và tự do, và làm sao bạn có được một tâm hồn khoáng đạt đối với mọi người, cũng như làm sao mà bạn có được một tầm nhìn xuyên suốt?

Trong cuộc sống, mọi chuyện đến với bạn dù tốt hay xấu, dù thuận hay nghịch, dù hạnh phúc hay khổ đau, dù ràng buộc hay tự do, bạn hãy đem khả năng không bám víu của bạn mà tiếp nhận và ứng xử.

Bạn không nên quá vồn vã với những cái mà bạn cho là như ý, và cũng không nên quá lạnh nhạt đối với cái mà bạn cho là không như ý.

Bạn hãy đối xử một cách trầm tĩnh và lịch sự đối với những gì như ý và không như ý đến với bạn bằng tâm không bám víu, bạn sẽ có tự do và hạnh phúc, và chắc chắn bạn sẽ thành công nhiều mặt trong cuộc sống.

Điều ấy, không phải là lý thuyết mà là một sự trải nghiệm!

KHÔNG PHẢI THÌ ĐỪNG LÀM

Làm vua của một nước nghèo, vua đừng ăn mặc sang trọng, đừng sinh hoạt ở trong cung điện nguy nga, nên sống giản dị mà cao khiết, sống gần dân mà đức vua càng lúc càng sáng, quyết đoán quốc sự thì nhanh chóng rõ ràng, sẵn sàng ban ân huệ cho những ai có công tâm với đại sự, đẩy xã tắc qua một bên. Ai làm vua của một nước nghèo như thế, thì nước không bao lâu trở nên cường thạnh, dân không bao lâu trở nên phú cường, xã hội tự an bình, đức của vua vô cầu mà tỏa sáng giữa muôn dân và rạng ngời trong lịch sử.

Làm vua mà như vậy, thì ân của vua, dân nào dám quên, chiếu sắc của vua, ai mà không dám thi hành.

Trái lại, thì làm vua một ngày là dân khổ một năm, làm vua một tháng dân khổ mười năm và làm vua một năm dân khổ nhiều thế hệ mà quốc gia tụt hậu cả trăm năm.

Làm vua mà thế, thì thôi xin đừng!!!

DÙ CÒN MỘT CHÚT

Trong đời sống, ta có quá nhiều suy nghĩ riêng tư, thì ta có nhiều lo lắng và phiền não.Trái lại, ta không có những suy nghĩ riêng tư, thì ta không có lo lắng và phiền não; và nếu ta còn có một chút suy nghĩ riêng tư, thì ta còn có một chút lo lắng và phiền não.

Nên ta biết rằng, người nào có đời sống không riêng tư, người đó đạt tới sự thảnh thơi và an lạc ngay trong đời sống này mà không phải sau khi chết.

Vậy, trong cuộc sống của chúng ta, có mấy người không có suy nghĩ riêng tư?

Và còn có một chút riêng tư, sao gọi là người có chí lớn? Sao gọi là người có hiểu biết lớn? Sao gọi là người có tâm hồn lớn? Và sao gọi là người có sự bình đẳng với muôn loài?

Nên, còn một chút suy nghĩ riêng tư là còn một chút phiền não và cả đám phiền não đứng chờ chực từ nơi một chút phiền não ấy để bốc lên, đẩy xô đời sống của ta đi mãi hoài trong cát bụi.

GIÀNH!

Đời sống con người, ta đang giành giựt nhau để có những thế đứng trong xã hội và vị trí đứng trong xã hội càng cao là càng tốt.

Và phần nhiều người ta đã lãng quên giành một vị trí để đứng ở trong tâm mình.

Thế đứng của ta trong xã hội càng cao, thì vị trí của ta trong tâm càng bị xóa nhòa.

Tại sao thế? Không sao cả. Hắn là vậy. Hắn là kết quả của giành!

LÊNH ĐÊNH

Có nhiều Tăng sinh nói với tôi, vì chúng con theo Thầy, nên sự học hành của chúng con bị lênh đênh. Nhưng chúng con chấp nhận. Chúng con chấp nhận lênh đênh theo khí tiết mà không chấp nhận lênh đênh theo chữ nghĩa!

Tôi nói: Ta tu hành mà lênh đênh theo chữ nghĩa, để có một cái gì đó, theo tên gọi của đời thường, thì chẳng khác nào ta đang dõi theo ánh trăng già sắp rơi xuống núi, đó không phải là ước nguyện mà là phản bội.

Và ta tu hành mà lênh đênh theo khí tiết, dù khí tiết chưa thành, nhưng ta cũng đã trở thành nhân. Ta bưng cơm ăn, nước uống không thẹn với trời đất, đi đứng nằm ngồi trong cõi thiền môn, không ngại với hộ pháp thiện thần; nói cười không thẹn với người chung quanh.

Vậy, ta lênh đênh theo khí tiết, chẳng khác nào gốc mai già chịu cơn giá rét giữa mùa đông.

Nên, ta lênh đênh theo khí tiết, là vì đại nguyện tu hành. Vì khí tiết tu hành mà lênh đênh là một điều thú vị và ta đã thành công ở nơi sự lênh đênh ấy. Quý vị hãy mở to đôi mắt ra mà nhìn khắp cả mười phương và ba đời, chứ đừng nhắm mắt lại để nước cuốn theo dòng!

Xin cảm ơn quý vị!

GIẶC CỦA THIỀN ĐỊNH

Ngồi thiền là ta có cơ hội ngắm nhìn những ý niệm chìm nổi bồng bềnh trong dòng tâm thức của ta.

Ta chỉ có thái độ ngắm nhìn mà không có thái độ tiếp viện, đồng lõa hay đối kháng.

Ta phải nhẫn nại và đủ can đảm ngồi ngắm nhìn nó mỗi ngày, rồi ta sẽ thấy rất thú vị khi nó chìm xuống hay nổi lên, hay đang lênh đênh bềnh bồng vô định trong dòng tâm thức của ta. Và ta càng nhìn kỹ, thì sự chìm xuống, nổi lên và trôi bồng bềnh của những ý niệm trong dòng tâm thức ta càng lúc càng yếu dần và mất hẳn. Và chúng không còn có khả năng gây trở ngại sự định tâm của ta.

Bây giờ ta có năng lượng định tĩnh của tâm một cách tự nhiên mà không cần tác ý.

Vì tác ý thì không còn định tâm, ngay cả tác ý thiện trong lúc đang thiền tập là không cần thiết.

Trong lúc ta đang thiền tập, mà ta có tác ý đối với điều thiện, thì sự tác ý ấy cũng là bất thiện đối với ta. Vì nó đang đẩy tâm ta chệch hướng đối với đề mục mà ta đang tập trung.

Cũng vậy, cha mẹ rất thương con và luôn luôn ôm con vào trong lòng của mình, nhưng khi cha mẹ đang tập trung tâm ý vào một vấn đề để giải quyết, có tính cách nghiêm trọng đối với vận mệnh sống còn của gia đình, nếu người con xuất hiện trong thời điểm ấy, cha mẹ sẽ không để ý, hay đuổi nó đi chỗ khác, vì nó đang làm trở ngại sự tập trung tâm ý của mình để giải quyết vấn đề có tính cách sinh tử của gia đình.

Do đó, khi ta tập trung tâm vào một đề mục để thiền định, thì bất cứ ý tưởng hay hình ảnh nào xuất hiện trong tâm ta vào thời điểm ấy đều là phi, đều là ma và giặc cả.

Trích từ : Trong con mắt thiền quán.

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang