Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Chuyện Tấm Cám trong con mắt Thiền, phần 3, 4

Share |


Điều ấy, lại giúp cho ta tin tưởng rằng, chuyện Tấm Cám không thể xuất hiện trong thời đại nhà Trần hưng thịnh mà vào thời cực suy và ở giai đoạn đất nước lệ thuộc Minh.

Phần 3: Ngữ Âm Bụt Và Thời Điểm Xuất Hiện Của Truyện:

Đọc Lý hoặc luận của Mâu tử viết ở Giao chỉ, để nêu lên chánh lý và đoạn trừ những hiểu biết sai lầm về Phật giáo ở thế kỷ thứ hai, Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh do Khương tăng hội dịch, ở thế kỷ thứ ba trên đất Giao chỉ, ta thấy người Việt ở những thời điểm bấy giờ, thì Buddha được đọc với ngữ âm là Phật mà không phải là Bụt.

Cũng vậy, ta đọc sáu lá thứ trao đổi giữa Lý Miễu với hai vị pháp sư là Đạo cao và Pháp minh về Phật hiện chân thân và Phật sự, giữa những vị ấy vào thế kỷ thứ năm, thì Buddha đọc với ngữ âm là Bụt cũng không thấy sử dụng ở trong thế kỷ nầy.

Vào thế kỷ thứ mười, Đinh Khuông Liễn đã cho dựng 200 tàng kinh, trong các tàng kinh ấy, cũng chỉ khắc ngữ âm Phật mà không phải Bụt. Đọc lịch sử Phật giáo đời tiền Lê và Lý, ta cũng không phát hiện Buddha, đọc với ngữ âm Bụt ở trong những thời kỳ nầy.

Đến đời Trần, ta đọc Khóa hư lục của Trần Thái Tông, Thánh đăng ngữ lục và Thiền uyển tập anh được viết vào đời Trần cũng không thấy ngữ âm Bụt được đề cập ở trong những tác phẩm nổi tiếng ấy.

Tuy nhiên, ta đọc Cư trần lạc đạo phú của vua Trần Nhân Tông, với ngữ âm Bụt, vua đã sử dụng nhiều lần ở trong bài phú nầy để thay thế cho ngữ âm Phật, chẳng hạn:

“Thửa mình học cho phải chính tông,
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ…”.
(Hội thứ ba)

“Vậy mới hay!
Bụt ở trong nhà; chẳng phải tìm xa.
Nhân khuấy bổn, nên ta tìm Bụt;
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta…”.
(Hội thứ năm)

“Vậy mới hay:
Phép Bụt trọng thay;
Rèn mới cốc hay.
Vô minh hết bồ đề thêm sáng;
Phiền não rồi đạo đức càng say…”.
(Hội thứ bảy)

“…Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài;
Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc…”.
(Hội thứ tám)

Và ta lại đọc Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, ta cũng lại thấy ngữ âm Bụt, vua cũng đã sử dụng ở trong bài nầy, chẳng hạn:

“…Thờ phụng Bụt trời,
Đêm ngày hương hỏa.
Tụng kinh niệm Bụt,
Chúc thánh khẩn cầu;…”.

Tuy, ở trong hai bài nầy, vua dùng nhiều về ngữ âm bụt, nhưng ngữ âm phật, không phải là không có ở trong hai bài ấy.

Ngoài vua Trần Nhân Tông ra, ta còn thấy Huyền Quang cũng đã sử dụng ngữ âm Bụt trong bài thơ tả về chùa Vân Yên và cuộc sống của vua Trần Nhân Tông rằng:

“Cảnh tốt hòa lành
Đồ tựa vẽ tranh
Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo
Hèn chi vua Bụt tu hành…
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh.

Nương am vắng Bụt hiện từ bi,
Gió hiu hiu mây nhè nhẹ
Kề song thưa thầy ngồi thiền định,
Trăng vằng vặc núi xanh xanh…
Mặc cà sa, nằm trướng giấy,
Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương.
Quên ngọc thực, bỏ hương giao
Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ…
Thầy tu trước đã nên Phật quả
Tiểu tu sau còn vị tỷ kheo”.
(Lê Mạnh Thát- Toàn Tập Trần Nhân Tông, tr 247, Nxb Tổng hợp, Tp Hồ Chí Minh, 2006).

Trong ngôn ngữ và văn học Việt nam, ta thấy từ ngữ Bụt không thể xuất hiện trước thời Trần Nhân Tông viết Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, mà chỉ xuất hiện chính thức trong thời gian hai tác phẩm nầy của vua ra đời.

Như vậy, ngữ âm bụt đã xuất hiện chính thức có văn bản, từ Trần Nhân Tông, trong thời gian khi ông đang làm vua mà ta đã thấy ở trong Cư trần lạc đạo phú, và thời gian sau khi ông đã xuất gia và ngộ đạo, như ta đã thấy ở trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Nghĩa là ngữ âm bụt đã xuất hiện chính thức đầu tiên trong văn học Việt Nam vào khoảng vua Trần Nhân Tông lên ngôi và mất, tức là từ năm 1278 – 1308.

Và kể từ đó, ngữ âm ấy đã có một số ảnh hưởng nhất định, ở trong nền văn học Phật giáo Việt Nam vào triều Lê.

Đọc Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, được chép ở trong bộ “Thiên Nam Dư Hạ Tập” và ghi là do Lê Thánh Tông (1442 – 1497) soạn, ta thấy ngay ngữ âm bụt xuất hiện trong một đoạn ở phần mở đầu của bài văn nầy như: “…Ấy là vậy; hồn là thần, phách là quỷ, no nên bụt, đói nên ma…”.

Lại nữa, bài văn nầy, ở đoạn nói về thiền tăng, ta thấy ngữ âm bụt lại xuất hiện như: “… Hái củi quế tiển trà, khủng khỉnh một bình một bát; nằm am mây tắm suối, nửa bụt nửa tiên,…”.

Qua sự xuất hiện của ngữ âm bụt như vậy, đã giúp cho ta thấy rõ, thời đại của chuyện Tấm Cám không thể xuất hiện trước thời đại nhà Trần mà phải sau thời đại nầy, tức là chuyện Tấm Cám có thể xuất hiện trong thời nhà Trần bị suy thoái, và đất nước bị rơi vào lệ thuộc Minh.

Ta đọc Lĩnh nam trích quái do Trần Thế Pháp sưu tập và biên lại vào đời Trần, trong đó chỉ có 25 truyện, không có chuyện Tấm Cám. Nếu chuyện Tấm Cám xuất hiện ở đời Trần, thì chắc chắn Trần Thế Pháp đã biết và đã sưu tập lại để đưa vào Lĩnh nam trích quái do ông thực hiện.

Điều ấy, lại giúp cho ta tin tưởng rằng, chuyện Tấm Cám không thể xuất hiện trong thời đại nhà Trần hưng thịnh mà vào thời cực suy và ở giai đoạn đất nước lệ thuộc Minh.
Thích Thái Hòa

Chuyện Tấm Cám trong con mắt Thiền, phần 4
Ta không biết tác giả của chuyện Tấm Cám là ai? Nhưng biết chắc chắn rằng, nó không thuộc về những thành phần lao động bình dân, mặc dù nó rất được giới bình dân ưa thích và truyền kể từ thế hệ nầy, đến thế hệ khác, cho đến ngày nay câu chuyện Tấm Cám vẫn là câu chuyện hấp dẫn của dân gian.


Phần 4: Tác giả và văn bản

Ta không biết tác giả của chuyện Tấm Cám là ai? Nhưng biết chắc chắn rằng, nó không thuộc về những thành phần lao động bình dân, mặc dù nó rất được giới bình dân ưa thích và truyền kể từ thế hệ nầy, đến thế hệ khác, cho đến ngày nay câu chuyện Tấm Cám vẫn là câu chuyện hấp dẫn của dân gian và đã được một số nhà văn học xếp nó vào loại những câu chuyện thần kỳ.

Tại sao chuyện Tấm Cám rất được giới bình dân ưa thích, nhưng họ không phải là tác giả? Vì ta đọc kỹ chuyện Tấm Cám, thì những đạo lý và những biểu tượng hay ẩn dụ ở trong câu chuyện nầy rất thực tế và thâm trầm.

Thực tế, vì đó là chuyện Tấm Cám. Tấm và Cám sinh ra từ lúa gạo. Lúa gạo gắn liền với đời sống nông dân và đời sống con người. Nên, Tấm và Cám không những gắn liền với đời sống nhân dân, mà chính nó là đời sống của nhân dân bị nô lệ và bóc lột nữa.

Nó thâm trầm, vì giới bình dân lao động trực tiếp làm ra của cải, lúa gạo, nhưng sự hưởng thụ của họ với những thành quả do họ làm ra quả thực cực kỳ khiêm tốn, họ trực tiếp làm ra lúa gạo, nhưng họ không phải là lúa gạo, họ chỉ là Tấm Cám. Lúa gạo, họ không được thừa hưởng, mà lại bị tước đoạt bởi giai cấp thống trị và bị bóc lột bởi giai cấp tư hữu, giàu có.

Lại nữa, nó thâm trầm, vì cấu trúc những tình tiết trong chuyện và định hướng cho câu chuyện nhắm tới không phải là nhất thời mà lâu dài; không phải là chuyện trước mắt, mà chuyện liên hệ đến nhân quả nghiệp báo luân hồi nhiều đời. Tấm nuôi cá bống, xương cá bống đã hóa thành những vật dụng để tạo ra đủ nhân duyên hiện tiền cho Tấm đi dự hội vua. Trên đường đi, chiếc vân hài của Tấm, bị rớt xuống vũng nước, tìm không ra, đến khi voi của vua đi, đến vũng nước, mà Tấm bị rớt chiếc vân hài, thì dừng lại và hý lên,… chính đó là nhân duyên cho Tấm làm hoàng hậu. Vì vậy, mất chiếc vân hài chưa phải là rủi, mang được cả đôi vân hài xinh đẹp đi đến dự hội chưa hẳn là may! Ấy là một trong những chi tiết cấu trúc đặc sắc và độc đáo của truyện.

Với những tình tiết để cấu trúc nên một câu chuyện linh hoạt và sống động như thế, ngay cả những người có học, nhưng không phải chuyên môn, cũng không dễ gì cấu trúc được cốt truyện như thế, để tạo ra được sự hấp dẫn của nó đối với người nghe hay người đọc, từ nội dung đến hình thức, huống là người bình dân. Do đó, tác giả của chuyện Tấm Cám, nó không phải thuộc về người bình dân mà là người có học.

Người có học ở vào thời kỳ cuối Trần, Hồ và giai đoạn đất nước bị lệ thuộc Minh, ngay cả thời Lê là ai? Chính là những Nho sĩ. Nho sĩ thì ngày đêm ghiền gẫm, học tập từ chương Ngũ kinh, Tứ thư, để thi cử đỗ đạt ra làm quan và hưởng thụ bỗng lộc của triều đình.

Cái học của họ là để phục vụ triều đình và được thăng quan tiến chức, để vinh thân phì gia, chứ không phải để phục vụ nhân dân, hay là cái học của họ không phải để làm cho cái đức vốn sáng nơi mình lại được sáng ra để đổi mới cho dân, và biết dừng lại ở nơi chỗ chí thiện, như sách Đại học nói: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”.

Vì vậy mà Sử thần Ngô Sĩ Liên đời Lê đã phải than: “Bọn nho giả nước Việt ta, đắc dụng ở đời, không phải là không nhiều, song kẻ thì chỉ vì công danh, kẻ thì chỉ vì phú quý, kẻ thì hòa quang đồng trần, kẻ thì chỉ cốt ăn lộc giữ mình, chưa thấy có người nào chí về đạo đức, để tâm đến việc giúp vua nên đức tốt, cho dân được nhờ ơn. Như Tô Hiến Thành đời Lý, Chu Văn Trinh đời Trần, có thể gần được như thế”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 598, Nxb Văn học 2006)

Như vậy, đối với những Nho sĩ là từng lớp có học của xã hội bấy giờ, thì Nho học là sở trường của họ và Phật học là sở đoản của họ, nên họ không thể hiểu sâu vào giáo lý nhân quả nghiệp báo luân hồi trong đạo Phật, để cấu trúc nên câu chuyện Tấm Cám mang một nghĩa thực tiễn và thâm sâu như vậy.

Lại nữa, hàng Nho sĩ lúc bấy giờ họ rất cơ hiềm và kỳ thị Phật giáo, nên cấu trúc câu chuyện liên hệ đến Bụt, liên hệ đến nhân quả - nghiệp báo - luân hồi, rồi đẩy nó đi vào dân gian và biến câu chuyện ấy trở thành niềm tin, hy vọng và sức sống của dân gian, là điều không thể.

Sự kỳ thị ấy, ta thấy Nho thần Lê Quát không hề che giấu, khi ông đã bộc lộ một cách công khai, trong bài văn bia ở chùa Chiêu Phúc, thuộc thôn Bái, lộ Bắc giang rằng: “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sao mà được người tin theo lâu bền như thế! Trên từ vương công dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, dù hết đến tiền của cũng không sẻn tiếc. Ví như ngày nay gởi gắm vào tháp chùa, thì trong lòng sung sướng, như nắm được khoán ước để nhận lấy sự báo ứng ngày sau.

Cho nên, trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tận thôn cùng ngõ hẻm, không phải ra lệnh mà tuân theo, không bắt phải thề mà giữ đúng. Chỗ nào có người ở, tức có chùa Phật, bỏ đi rồi lại dựng lên, nát đi rồi lại sửa lại, lâu đài chuông trống chiếm hết nửa phần so với dân cư.

Đạo Phật thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, khảo xét xưa nay, cũng biết rõ ít nhiều về đạo của Thánh nhân (đạo Nho), dùng để giáo hóa người ta, mà rốt cuộc chưa có thể được tin theo một hướng. Từng dạo xem núi sông, dấu chân đi hàng nửa thiên hạ, mà tìm nhà học và văn miếu, thì chưa từng thấy có đâu. Do đấy, ta rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 599, Nxb văn học, 2006).

Bấy giờ hàng Nho sĩ, thì cơ hiềm kỳ thị hay mặc cảm đối với Phật giáo như vậy, vậy thì tác giả của câu chuyện Tấm Cám là ai? Ta không biết chắc, nhưng họ nhất định không phải là của giới bình dân và của giới Nho sĩ. Họ là của những nhà trí thức nhân dân, họ thật sự có mặt trong lòng dân, và họ đã được nhân dân hết lòng tin tưởng và tôn kính. Họ là ai? Chính họ là những người phật tử yêu đạo, mến đời.

Văn bản của chuyện Tấm Cám hiện nay, ta thấy có ở trong Tập 2, Truyện Cổ Tích Việt Nam tr 36, http://www.ebooks.svdcmedia.com; Bách Khoa Toàn Thư wikipedia; Vietmedia,…

Nội dung văn bản của các câu chuyện chép lại tương đối giống nhau, chỉ có khác một vài cách diễn đạt, nhưng phần kết thúc của chuyện Tấm Cám ở trên trang web Vietmedia khác hẳn với nội dung của các truyện kể của Tấm Cám thường được nhiều người biết đến.

Phần kết thúc của chuyện theo Vietmedia, như sau: “Sau khi Tấm được kiệu về cung vua, vua truyền ngôi cho hoàng tử, phong Tấm làm hoàng hậu. Mẹ con Cám gian ác, vua truyền lệnh đem ra xử chém để răn dạy người đời. Nhưng Tấm thương mẹ ghẻ và thương em, nên xin vua tha tội. Vua chuẩn tấu, nhưng đuổi hai mẹ con Cám ra khỏi hoàng cung về làm dân giả. Khi hai mẹ con ra khỏi hoàng thành, trời bỗng nổi cơn giông tố, sấm chớp nổi lên đùng đùng, đánh hai mẹ con Cám chết giữa đường”.

Kết thúc nầy, ta thấy Tấm thực sự có nhân hậu, nhưng mà mẹ con Cám vẫn không thoát khỏi nghiệp quả xấu ác của mình đã gieo. Kết thúc chuyện như vậy, lại có tính giáo dục rất cao.

Và qua kết thúc câu chuyện Tấm Cám của Vietmedia, ta cũng có thể nhận ra rằng, câu chuyện Tấm Cám khởi thủy, có thể đã không kết thúc bằng cách kết thúc như các văn bản Tấm Cám đã kết thúc và cũng không kết thúc như Vietmedia, mà câu chuyện có thể đã kết thúc, khi Tấm được kiệu từ nơi nhà của bà già nghèo bán nước về cung và tấn phong làm hoàng hậu.

Nếu kết thúc câu chuyện với hình ảnh Tấm làm hoàng hậu, sống đời sung sướng và hạnh phúc, mà lại khởi tâm trả thù mẹ con Cám một cách tàn nhẫn như các văn bản hiện có, chỉ tạo ra được cái cảm giác đả gan của từng lớp hiểu biết thiển cận, nhất thời mà không chinh phục được những thành phần trí thức có tầm nhìn xuyên suốt và lâu dài.

Sau việc trả thù được mẹ con Cám, thì Tấm được gì, hay Tấm tiếp tục vay lại nợ máu, để rồi sau khi phước báo làm hoàng hậu kết thúc, lại tiếp tục gặp mẹ con Cám qua nhiều hình thức khác nhau để báo oán trả thù cho nhau. Vì vậy, câu chuyện kết thúc, bằng Tấm trả thù mẹ con Cám, khi Tấm ở trong cương vị hoàng hậu là câu chuyện thiếu nhân hậu và mất hay. Và kết thúc câu chuyện Tấm Cám như Vietmedia, thì việc xấu tốt của con người đều do trời đất chủ động và thưởng phạt, thì câu chuyện chưa nói lên được lý nhân quả một cách chính xác, sinh động và triệt để.

Vì vậy, theo tôi câu chuyện Tấm Cám chỉ kết thúc, khi Tấm được kiệu về cung làm hoàng hậu và hưởng cuộc đời vinh hoa. Kết thúc như vậy, không những có khả năng đánh thức mẹ con Cám, biết tư duy và tỉnh ngộ về những hành vi xấu ác của mình để ăn năn, tự hối, khiến cho thiện tâm nơi mẹ con Cám có cơ hội sinh khởi và hướng thượng.

Và kết thúc như vậy, khiến cho những người nghe kể chuyện hay đọc chuyện có những suy nghĩ về nhân quả thiện ác, để tự mình khắc phục điều ác và thực hành điều thiện, nhằm hy vọng có một tương lai tươi sáng hơn như cuộc đời của Tấm là một bằng chứng. Và như vậy, ác nghiệp có thể chuyển đổi để trở thành thiện nghiệp, và nhân quả có tính biện chứng đi lên rất sinh động và luân hồi có thể chấm dứt để đời sống con người có thể thăng hoa đến đời sống chí thiện và chí chơn.
Thích Thái Hòa


Còn nữa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang