Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Bài Tham Luận Của Bhikkhu Thích Thái Hòa Đọc Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Hòa Bình Thế Giới Thiên Niên Kỷ

Share |


Bài Tham Luận Của Bhikkhu Thích Thái Hòa – Giáo Thọ Tại Tổ Đình Từ Hiếu Huế, Đọc Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Hòa Bình Thế Giới Thiên Niên Kỷ Của Những Nhà Lãnh Đạo Tinh Thần Và Tôn Giáo Ở Liên Hiệp Quốc Vào Ngày 28-8-2000.
Trước hết, chúng tôi trân trọng kính chào ông Tổng thư ký và Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Tổ chức Hội nghị và toàn thể Đại biểu của các Tôn giáo và các quốc gia trên thế giới đang có mặt tại Hội nghị lịch sử nầy.

Sau đây, chúng tôi xin được đóng góp một vài suy nghĩ của mình cho việc xây dựng con người và xã hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

Kinh thưa quý vị,

Theo tuệ giác của đức Phật thì con người được sinh khởi từ nghiệp (biệt nghiệp và cọng nghiệp), có nghĩa là con người được tạo nên từ tâm ý và hành động của chính mình (biệt nghiệp) và của kết quả hành động chung của cộng đồng nhân loại và các chủng loại, mà mình đang cùng sống (cọng nghiệp). Con người không thể tự tồn tại, mà sự tồn tại của con người gắn liền với sự sinh thành và hủy diệt với những cái khác.

Bởi vậy, muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, hòa bình và ổn định cho thế giới loài người, là chúng ta cùng nắm tay nhau để xây dựng mà không nên độc quyền xây dựng, chúng ta phải tự xóa đi ý thức ích kỷ và độc tôn của chúng ta. Chúng ta phải biết nhìn nhận và chấp nhận khả năng của mọi thành phần trong xã hội cho sự nghiệp hòa bình, hạnh phúc và an lạc của loài người.

Muốn ổn định đời sống xã hội, trước hết chúng ta phải biết ổn định đời sống của ta và của những người chung quanh ta. Và muốn ổn định đời sống của ta và của những người chung quanh ta, thì trước hết chúng ta phải ổn định tâm ý và hành vi của ta và giúp mọi người cùng làm như ta.

Tâm ý và hành động của con người được thể hiện hòa bình, thì xã hội mới thật sự có hòa bình. Thế giới con người chỉ có hòa bình, khi mỗi cá nhân con người nỗ lực thực hiện tâm ý và hành động hòa bình. Liên Hiệp Quốc đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp hòa bình này ở thiên niên kỷ thứ ba.

Và Liên Hiệp Quốc sẽ tìm cách cống hiến những phương pháp chỉ đạo cho các quốc gia trên thế giới và nhắc nhở mọi người rằng: “Bạn chỉ có hạnh phúc, khi nào bạn có tâm ý và hành động hạnh phúc. Bạn chỉ có hạnh phúc khi nào bạn có sự yêu thương, hiểu biết, tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài và môi sinh”.

Từ những hiểu biết ấy, chúng tôi đề nghị những phương pháp thực hiện cụ thể như sau:

I- Phương Pháp Chuyển Hóa Tâm Thức:

Đối với phương pháp này, tôi xin đề nghị Liên Hiệp Quốc thiết lập những trung tâm thực tập Chánh niệm trên toàn cầu, để con người có cơ hội nhìn lại chính mình qua bốn lãnh vực.

1- Nhìn lại thân thể của chính mình, để thấy rõ nó là của tất cả và liên hệ đến tất cả, để loại trừ chủ nghĩa cá nhân và nuôi dưỡng ý thức sống chung hòa bình của thân và tâm trong từng hơi thở vào và ra, để họ biết chăm sóc và trân quý sự sống trong từng giây phút hiện tại.
2- Nhìn lại các cảm giác của mình, để chuyển hóa những cảm giác không lành mạnh, duy trì và thăng tiến những cảm giác lành mạnh có gốc rễ từ hiểu biết và thương yêu.
3- Nhìn lại và khiêm cung hơn về những cái tưởng (tri giác) của mình, hầu có thể lắng nghe và học hỏi thêm; quán chiếu những hạt giống thuộc về tâm thức để chuyển hóa những hạt giống không lành mạnh như tham lam, hận thù, mù quáng, nghi ngờ và sợ hãi để cho tâm họ tỏa ra những chất liệu của chia sẻ, tha thứ, bao dung, tin tưởng và can đảm nhìn thẳng vào vấn đề.
4- Nhìn lại những ấn tượng ở nơi tâm thức và những quan hệ giữa các quan năng nhận thức và đối tượng nhận thức từ thế giới nội tại đến thế giới khách quan, để thấy rõ chân tướng của nó, nhằm chuyển hóa tâm ý mặc cảm tự tôn và tự ti, đưa đến một đời sống có ý thức sống cùng và sống với.

II- Phương Pháp Chuyển Hóa Hành Động:

Đối với phương pháp nầy, tôi xin đề nghị Liên Hiệp Quốc quan tâm đến năm điều sau đây:

1- Ý thức về những khổ đau do sự sát hại sinh mạng, chúng ta sẽ luyện tập cách tôn trọng và bảo vệ sự sống của mình, của người, của mọi loài và của môi sinh.
2- Ý thức về những khổ đau do sự chênh lệch trong sự phân phối tài nguyên thế giới và những bất công xã hội, chúng ta sẽ luyện tập cách tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác và tìm cách chia sẻ tài sản, thì giờ, năng lượng và sự ưu ái đến những người thiếu thốn hơn mình.
3- Ý thức về những khổ đau do thói tà dâm gây nên, chúng ta sẽ luyện tập cách tôn trọng những cam kết của ta và những cam kết của người kia trong đời sống lứa đôi. Chúng ta sẽ tìm cách bảo vệ các thiếu nhi thoát khỏi những hành động tà dâm của người lớn.
4- Ý thức về những khổ đau do sự tiêu thụ thiếu Chánh niệm những thực phẩm của thân và tâm, chúng ta sẽ luyện tập cách chỉ ăn uống những thực phẩm thanh khiết để nuôi dưỡng thân và tâm. Chúng ta sẽ không uống rượu hay sử dụng những chất ma túy làm hại thân và để tránh làm ô nhiễm tâm ta, chúng ta tránh không xem những phim, tiểu thuyết và những chương trình truyền hình có tính cách bạo động và khiêu dâm, cũng nhất định không nghe, không loan truyền những lời phê bình, lên án độc ác, dữ dằn đối với người khác.
5- Ý thức về những khổ đau do những lời nói thiếu Chánh niệm gây nên, chúng ta sẽ luyện tập cách dùng lời ái ngữ, không loan truyền những tin tức thất thiệt, không phê bình và lên án những điều mình không biết chắc. Chúng ta học hạnh lắng nghe kẻ khác để có sự hiểu biết chính xác và có sự cảm thông những gì tốt đẹp giữa mọi người và mọi loài; phải biết giữ gìn và trao đổi mọi nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới, để cho gia tài văn hóa của nhân loại có nhiều màu sắc và hình thái biểu hiện sinh động.

Đó là những ý kiến của chúng tôi, xin chân thành đóng góp ở trong hội nghị lịch sử này.

Trước khi dứt lời, chúng tôi kính chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Huế, ngày 19 tháng 08 năm 2000.

Bhikkhu Thích Thái Hòa





BBT:đã sử dụng hình ảnh minh họa, bởi những hội nghị PG những năm sau.

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang