Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

PHẬT TÂM TRÊN CÁT - TÌNH YÊU NAM BÌNH

Share |

Vâng lời Thầy, tôi xuống xúc cát đổ vào một cái khay và đem lên trình Thầy, với tâm đầy háo hức.

Bài kệ đầu tiên ấy, Thầy viết bằng chữ Hán trên giấy, từng nét chữ rõ ràng, trao cho tôi và nói:

Điệu hãy nhìn đây, bắt chước mà viết. Viết bên trái trước, bên phải sau, trên trước, dưới sau. Và Thầy liền đưa ngón tay viết ngay chữ “Phật” và chữ “Tâm” trên cát cho tôi xem, rồi Thầy lại xoá và viết tiếp chữ “Nhân và chữ Tâm” cho tôi xem; rồi Thầy lại xoá và viết tiếp chữ “Quán Phật” cho tôi xem, rồi Thầy lại xoá và lại viết chữ “Quán Tâm” cho tôi xem, rồi Thầy lại xoá và hỏi Điệu đã biết cách viết chưa?



Tôi dạ và thưa Thầy rằng: con thấy chữ “Quán” (觀)sao viết nhiều nét, khó nhớ và khó viết quá!

Thầy cười và nói: mới viết không mà đã thấy khó, huống chi là “Quán”! Nhưng, không sao, chẳng có gì khó cả, nếu đã quyết tâm!

Tôi dạ, Thầy nói: Điệu hãy bưng khay cát vào phòng, ngồi yên lắng một mình để tiếp tục viết và học đi!

Vâng lời Thầy, tôi bưng khay cát vào phòng ngồi một mình và bắt đầu đưa ngón tay viết chữ trên cát. Mắt tôi đăm nhìn từng nét, miệng lẩm bẩm “Phật” rồi xoá; cứ như thế tay tôi viết “Phật”, mắt tôi nhìn “Phật”, miệng tôi lẩm bẩm “Phật”, rồi đưa tay xoá cát; và đến lược viết chữ “Tâm” cũng vậy, rồi tôi viết ghép hai chữ “Phật Tâm”, mắt tôi nhìn “Phật Tâm”, miệng tôi lẩm bẩm “Phật Tâm”, “Phật Tâm”, “Phật Tâm”…, rồi xoá đi và viết lại.

Cứ như vậy mà viết, càng viết thấy lòng mình càng vui, thấy tay mình càng nhuyễn và chữ mình càng đẹp so với bước khởi đầu.

Và tôi lại viết ghép ngược lại, thay vì viết “Phật Tâm”, tôi lại viết “Tâm Phật”. Tay tôi viết “Tâm Phật”, mắt tôi nhìn “Tâm Phật”, miệng tôi lẩm bẩm “Tâm Phật”, cứ như vậy, hết viết đến xoá, hết xoá đến viết không biết bao nhiêu lần!

Trong quãng đời hành Điệu, Thầy tôi đã dạy tôi viết “Phật Tâm” trên cát, tôi không những vâng lời Thầy viết “Phật Tâm” mà còn viết ngay cả “Tâm Phật”, trên cát để cúng dường Thầy nữa.

“Phật Tâm và Tâm Phật” đã gắn liền với quãng đời hành Điệu của tôi.

Quãng đời ấy, là quãng đời của tôi có thật, nhưng xin quý vị đọc mà đừng tin, vì sự kiện ấy là của một thời gian đã đi qua, nó đã trở thành nắng mưa, sương gió, và mây trời đang rong chơi giữa cõi vô cùng, mà thực tại hiện tiện là quý vị đang đọc tôi viết “Phật Tâm và Tâm Phật” trên giấy mà không phải là trên cát…!

Thích Thái Hòa


TÌNH YÊU NAM BÌNH

Hai con Trần Hoài Nam và Nguyễn Thị Xuân Bình thương quý!

Hôm nay là ngày 19 tháng giêng năm Bính Tuất, tức 16 tháng 2 năm 2006 tại chánh điện của chùa Long Thọ - Huế, Bà con nội, ngoại dòng họ đã đưa hai con Hoài Nam và Xuân Bình đến ngôi Già Lam Phạm Vũ này để tổ chức cầu nguyện, xin chư Phật, Bồ Tát chứng minh cho sự đi tới của hai con trong đời sống lứa đôi được viên mãn trong cõi người trăm năm này.

Đến Để Thăng Hoa:
Hai con Nam và Bình thương mến!

Thế giới của súc sinh đến với nhau bằng con đường tình dục, thế giới loài người họ cũng đến với nhau bằng con đường tình dục và thế giới của chư thiên trong dục giới, họ cũng đến với nhau bằng con đường ấy, nhưng tùy theo bản năng, tùy theo khả năng nhận thức, tùy theo phước báo, mà tình dục trở thành đa dạng, phức tạp. Người Phật tử không phải đến với nhau bằng tình dục, mà người Phật tử đến với nhau bằng tình yêu cao đẹp. Hai con Trần Hoài Nam và Nguyễn Thị Xuân Bình, là Phật tử, nên hai con đến với nhau không phải bằng chất liệu tình dục tầm thường, mà đến với nhau bằng tình yêu cao thượng, để thăng hoa đời sống đạo đức và truyền thống tâm linh của con người.

Trong thế giới của súc sinh, nó đến với nhau để thỏa mãn nhu cầu tình dục mà không phải kế thừa truyền thống và thăng hoa huyết thống của mình trong chiều hướng tốt đẹp. Chỉ có thế giới loài người và những con người có tâm đạo, những người có văn hóa, là những người có khả năng nâng tình dục trở thành tình yêu cao đẹp. Vậy, hai con rất có phước, phước rất lớn, nên đã đủ nhân duyên để đưa bản năng tình dục trở thành tình yêu cao thượng và thiết lập tình yêu lứa đôi trong tình yêu cao thượng ấy, ở trong thế giới loài người, ta có cha, có mẹ, có bà con tổ tiên nội, ngoại, đó là một phước báu, mà phước báu đó không phải loài người nào cũng thừa hưởng được. Có người có cha không có mẹ, có người có mẹ không có cha, có người có cha, có mẹ, nhưng không có ông bà, có người có ông bà nhưng không có cô, dì, chú, bác, có người có cô, dì, chú, bác nhưng mà không có con cháu kế thừa. Cha mẹ hai con đã không những tạo ra thân thể toàn vẹn cho hai con trong thế giới loài người, mà còn tạo ra sự nghiệp học hành, trí thức và nghề nghiệp, và đã không phải dừng lại đó, mà còn tác thành đạo đức tâm linh cho hai con nữa. Ngày hôm nay, là ngày mà hai con hứa đi tới để sống với nhau trong tình yêu lứa đôi, được dòng họ nội ngoại của hai con và tổ tiên cha mẹ, chú, bác, cô, dì, anh em và bạn bè của hai con đồng tình ủng hộ, như vậy tình yêu của hai con đã được hợp pháp. Hợp pháp không những về mặt thủ tục mà còn hợp pháp về mặt tâm linh nữa.

Hai con thương mến! Hai con đến với nhau để kế thừa dòng dõi huyết thống của mình và để phát triển dòng dõi huyết thống của mình trên nền tảng đạo đức, trên nền tảng tâm linh cao quý. Bởi vậy, hai con phải biết nuôi dưỡng phước đức của mình, phải biết nuôi dưỡng thiện căn của mình. Có người bảo rằng, mình muốn là được. Đúng vậy, có những cái ta muốn là được, nhưng có những cái ta muốn mà không bao giờ được, ta muốn mà được là chỉ ở trong phạm vi nhân duyên của ta có thể cho phép. Còn những cái ta muốn không thực tế, thì không bao giờ trở thành hiện thực với chúng ta và có những cái ta không muốn mà nó vẫn đến với ta. Hai con phải thực tập để nuôi dưỡng và phát triển phước đức ở nơi tự thân. Hai con muốn có một tình yêu đẹp, muốn có một đời sống hạnh phúc, các con phải biết phát triển thiện căn phước đức. Trước hết, các con phải có lòng hiếu thảo đối với cha và mẹ, với tổ tiên ông bà của mình, bởi vì mình có hiếu thảo với ông bà, cha mẹ của mình, nên mình mới kết thành tình yêu lứa đôi. Chính sự hiếu kính đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ mà tạo ra phước đức cho mình và chính phước đức đó có khả năng duy trì hạnh phúc tốt đẹp trong đời sống lứa đôi của hai con. Nếu mình không có phước đức, thì người vợ rất hiền cũng trở thành dữ, người chồng rất hiền cũng trở thành dữ, nếu cha mẹ không có phước đức, thì người dâu rất hiền cũng trở thành bất hiếu, người rể rất hiền cũng trở thành bất hiếu, trái lại, nếu hai con có phước đức, thì người vợ đã hiền lại hiền thêm, đã dễ thương lại càng dễ thương thêm, và nếu có những yếu tố không đẹp thì có khả năng chuyển sang hướng rất đẹp. Nên, nếu có phước đức sẽ hóa giải tất cả những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày của con người. Yếu tố phước đức đó có khả năng, không những duy trì phước đức cho con người trong hiện tại, mà còn trong nhiều đời về sau. Bởi vậy mà hai con phải luôn luôn nuôi dưỡng thiện căn phước đức của mình. Trần Hoài Nam, con hãy nghĩ rằng là con có phước đức, nên phải nuôi dưỡng phước đức đó, nên đối với người lớn hơn mình, mình luôn luôn kính trọng, đối với người ngang mình, mình luôn luôn sống thủy chung và đối với những người thua mình, mình tìm cách nâng đỡ họ, giúp đỡ họ bớt cô quạnh và mình cũng đem lòng từ bi của mình mà chia sẻ đối với những loài vật xung quanh.

Xuân Bình cũng vậy, đối với những bậc trưởng thượng, mình sinh tâm kính trọng, đối với những bậc ngang hàng, mình sống chung thủy và đối với những người thấp kém, thì mình đem tâm che chở và đối với các loài vật, mình đem tâm chia sẻ và giúp đỡ để phước đức mình tăng lên. Hai con thỉnh thoảng mua chim thả để cho tăng trưởng phước đức của mình. Mình mua chim để thả là mình trả tự do cho những loài ở không gian, để tâm hồn và cuộc sống của mình có cơ hội thênh thang như những loài sống trong không gian vậy. Và thỉnh thoảng mua cá để thả, để mình trả tự do cho những loài thủy tộc và đưa tâm mình đi tới với sự tự do như các loài thủy tộc tự do bơi lội trong mọi nguồn nước vậy. Và thỉnh thoảng mình bố thí cho những người nghèo khó hơn mình ở cõi người để phước đức của mình càng tăng lên. Khi phước đức của ta tăng lên, ở không gian nào ta cũng có hạnh phúc, ta đi đâu cũng được mọi người thương và quý, bởi vì ta đã có phước đức trong mọi không gian, ta bố thí và phóng sanh các loài thủy tộc thì ta có phước ở trong các đại dương, đối với loài người và những loài ở trên khô, ta rải lòng nhân ái với các loài đó, để ta tăng trưởng phước đức. Các con cứ thực tập phước đức như vậy, thì tình yêu của hai con sẽ được bảo toàn, không những bảo toàn ở nơi này, mà còn được bảo toàn ở nơi kia, không những bảo toàn ở thời gian này mà còn bảo toàn ở nơi thời gian khác.

Nhìn Su ?? Thi?t L?p H?nh Phc:
Hoài Nam và Xuân Bình, hai con hãy nhìn sâu vào trái tim mình, hãy nhìn sâu vào nơi não trạng của mình, để thấy những ước muốn của mình là gì. Hai con nhìn sâu vào trái tim, nhìn sâu vào não trạng của hai con để có thể thấy những ước muốn trong đời sống lứa đôi là gì? Có những ước muốn gì không lành mạnh, hai con sẽ từ từ chuyển hóa để nó đi về phía lành mạnh. Cặp trai gái đến với nhau, họ có những ước muốn làm họ hoàn toàn thất vọng, bởi vì có những ước muốn vượt ra khỏi khả năng, hoàn cảnh và điều kiện của họ. Trái lại, mình hãy nhìn vào những ước muốn của mình, để mình có thể thiết lập đời sống hạnh phúc lứa đôi ngay ở nơi ước muốn của mình. Nếu khả năng của mình bị hạn chế, điều kiện của mình bị hạn chế, nhưng mình ước muốn quá cao, thì trước sau gì cũng thất vọng bởi những ước muốn đó, cho nên hai con phải nhìn sâu vào ước muốn của mình, trước khi hai con đến với nhau. Và sau khi đã thành lứa đôi rồi, các con phải nhìn sâu vào những ước muốn của mình một cách thực tế, cụ thể để có thể thể hiện được và đừng bao giờ có những ước muốn hão huyền.

Thầy muốn nói với hai con rằng, có những người con trai, con gái khi họ đến với nhau để thành lập đời sống lứa đôi, họ không tổ chức tại chùa, tại nhà, mà họ tổ chức tại khách sạn, tại các nhà hàng, và họ cho rằng tổ chức như vậy là văn minh, tổ chức như vậy là có vẻ giàu có, nhưng mà theo Thầy, tổ chức tại nhà, tại chùa đó là một vinh dự rất lớn, trái lại tổ chức tiệc tùng tại các nhà hàng đó là một bất hạnh, bất hạnh ở chỗ nào? Bởi vì, mình phải xác định rõ, mình đi tới với nhau để làm gì? Con trai, con gái trong đời sống lứa đôi không phải đi tới với nhau để khoe của, không phải đi tới với nhau để tìm những chỗ sang trọng, hão huyền, mà nơi đó không có gốc rễ của tổ tiên, ông bà, nơi đó không có gốc rễ gì của đời sống tâm linh. Nên, những gia đình có văn hóa, những gia đình có truyền thống tâm linh sâu, không ai đưa con trai, con gái của mình đến nhà hàng để tổ chức hôn lễ ở đó, bởi vì sao? Khi gia đình trai đi cưới vợ cho con mình, tức là gia đình đó muốn đưa cô dâu đi về dòng họ của mình để bái yết tổ tiên của mình, bái yết bàn thờ tâm linh của mình và để cho tổ tiên ông bà trong dòng họ của mình xác nhận rằng, trong dòng họ mình bây giờ có thêm một người dâu, một người con dâu, một người cháu dâu và người cháu dâu đó sẽ sinh con, nở cháu ra trong dòng họ của mình, và các vị gia trưởng hay trưởng họ phải đứng trước bàn thờ dòng họ của mình khấn vái một cách thành khẩn, để tổ tiên trong dòng họ của mình chứng minh rằng, trong dòng họ của mình bây giờ đây, kể từ giờ phút này trở về sau có một nàng dâu, mà nếu ta tổ chức ở nhà hàng dù sang trọng đến mấy cũng không có giờ phút đó và đây là cái điểm mà tất cả quý vị có mặt trong buổi lễ này, cũng phải rất cẩn thận, suy nghĩ chín chắn để tổ chức hôn lễ cho con cháu mình. Tổ chức tại các chùa, tức là mình đã đưa buổi hôn lễ trong đời sống lứa đôi mang tính huyết thống, mang tính dòng dõi của thế tục lên một bực, tức là trở thành dòng dõi của tâm linh và dòng dõi tâm linh đó có khả năng hướng dẫn và làm đẹp, làm vinh hoa, làm an ổn cho dòng dõi huyết thống, nhờ vậy hạnh phúc lứa đôi được bảo toàn và khi cặp trai gái tới với nhau sẽ được vị trưởng tộc hay trưởng họ cáo bạch nơi bàn thờ tổ tiên, ông bà nội, ngoại và vị Tăng trụ trì đã cáo bạch lên với Tam Bảo, để chứng minh cho hai người đó luôn nói ra với nhau điều tốt đẹp, nghĩ những điều tốt đẹp cho nhau và có những gì không ổn trong đời sống của tình yêu lứa đôi, thì ta cũng phải biết rằng, cái thương tổn của mình sẽ ảnh hưởng đến bàn thờ tổ tiên huyết thống và tâm linh của mình, nhờ đó hai người có thể nhẫn nhục với nhau trong đời sống lứa đôi. Bởi vì trong đời sống, khi ta yêu mà chưa phải là hôn nhân, thì tình yêu đó là rất đẹp đối với ta, nhưng khi đã đi đến hôn nhân rồi, đời sống lứa đôi không có gì là đẹp nữa, nó chuyển sang một ý nghĩa khác, đó là ý nghĩa trách nhiệm và bổn phận. Sống trong đời sống lứa đôi mà thiếu đi trách nhiệm, thiếu đi bổn phận, thì trước sau gì tình yêu lứa đôi sẽ vỡ thành từng mảnh và mỗi người, mỗi mảnh. Nên đời sống lứa đôi phải được thiết lập, phải được bảo toàn bởi hai dòng họ của mình và được bảo toàn bởi dòng dõi tâm linh. Nếu không biết cách bảo toàn như vậy, thì khó mà có hạnh phúc, điều đó chắc chắn mấy mệ, mấy bác, mấy cô cũng đã cảm nhận được. Thầy muốn nói với hai con, khi hai con đã tới với nhau, đã biến tình yêu của nam nữ thành tình yêu đôi lứa, thì hai con phải rất thận trọng và phải có ý thức rất lớn về trách nhiệm của mình, trách nhiệm làm chồng, trách nhiệm làm vợ, trách nhiệm làm cha, trách nhiệm làm mẹ, trách nhiệm làm con, trách nhiệm làm dâu, trách nhiệm làm rể, trong những trách nhiệm đó mà ta thiếu một cái, thì tình yêu lứa đôi của ta bị hỏng và không thể có hạnh phúc được. Không phải ta chỉ có trách nhiệm làm chồng, làm vợ, bởi vì trách nhiệm làm vợ, làm chồng là phải gắn liền với trách nhiệm làm dâu, làm rể, gắn liền với trách nhiệm làm cha, làm mẹ và trách nhiệm làm con, làm cháu và một trong những trách nhiệm đó thiếu đi, thì tình yêu lứa đôi của chúng ta không được bảo toàn. Điều đó, hai con phải nhớ và Hoài Nam không phải chỉ có thiên chức làm cha, thiên chức làm chồng, thiên chức làm rể mà con cũng phải học thiên chức làm vợ, thiên chức làm mẹ, thiên chức làm dâu, để con có thể hiểu sâu được những gánh nặng của người vợ và thương vợ mình một cách sâu sắc hơn.

Và Xuân Bình cũng vậy, không phải chỉ có thiên chức làm vợ, thiên chức làm mẹ, thiên chức làm dâu, mà còn phải học thiên chức làm rể, thiên chức làm cha, thiên chức làm chồng, để có thể hiểu sâu và thông cảm những gì khó khăn ở nơi người chồng mình và có thể thay thế khi chồng vắng mặt, mình có thể gánh vác những công việc đó và ý thức trách nhiệm này nó phải luôn được học tập, luôn luôn được nuôi dưỡng, mình học tập từ cha mình, từ ông mình, từ mẹ mình và từ bà nội mình, từ chú, bác, cô, dì, của mình để làm giàu lên đời sống của mình và cái giàu có ý thức trách nhiệm như vậy, sẽ bảo chứng cho đời sống hạnh phúc lứa đôi của mình. Do vậy, muốn trong đời sống lứa đôi có hạnh phúc, hai con phải có chất liệu ý thức trách nhiệm của mình rất là cao, rất là lớn. Trong khi sống với nhau trong đời sống lứa đôi, người vợ phải biết người chồng có những khó khăn và mình sẵn sàng chia sẻ khó khăn đó cho chồng và người chồng đó cũng phải biết rằng, người vợ rất khó khăn, nên mình phải chia sẻ những khó khăn đó cho người vợ mình và nếu không biết được như vậy, ta không thể nào tạo ra hạnh phúc cho nhau trong đời sống lứa đôi.

Hai con phải sống hết lòng với nhau, Hoài Nam phải nghĩ rằng, trái tim của mình là trái tim của Xuân Bình, trái tim của mình là trái tim của dòng họ không những của Hoài Nam, mà còn của cả dòng họ nội, ngoại của Xuân Bình. Và Xuân Bình phải nghĩ rằng, trái tim của mình là trái tim của Hoài Nam, là của cả dòng họ nội, ngoại của Hoài Nam. Khi mà mình hiểu được như vậy và mình biến cái hiểu, cái biết đó vào đời sống của mình, thì đời sống lứa đôi của hai con mới được bảo toàn và được dòng họ hai bên bảo chứng.

Giọt Nước Cam Lồ Và Cảm Niệm Ân Sâu:
Bây giờ Hoài Nam và Xuân Bình quỳ xuống, Thầy sẽ thay mặt Tam Bảo rưới nước Cam lồ lên trên đỉnh đầu của hai con, để dòng nước Cam lồ này đi vào từ trên đỉnh đầu của hai con, nó có khả năng làm cho tất cả oi bức trong đời sống tình yêu lứa đôi được lắng xuống và sự an lạc, sự tươi mát trong đời sống tình yêu lứa đôi, cũng như đời sống của con người xuất hiện. Khi nào trong đời sống tình yêu lứa đôi có gì bực bội, hai con nhớ những giờ phút này, thì tâm hồn của mình sẽ được tươi mát trở lại. Đây là nước Cam lồ, giọt nước này khi rưới vào đỉnh đầu, nó sẽ chảy vào trong đời sống của hai con, làm cho hai con tâm luôn tươi mát, an lạc và những ưu tư, phiền muộn trong đời sống của con người, khi mới khởi lên, đều được dập tắt.

Hai con đứng dậy, khi nghe Thầy xướng hai con chí thành lạy xuống bốn lạy và quán chiếu rằng:

Đệ tử chúng con, Trần Hoài Nam và Nguyễn Thị Xuân Bình, vì cảm mến công ơn tổ tiên, ông bà nội, ngoại và cha mẹ của chúng con cả hai phía mà đến với nhau, thiết lập đời sống lứa đôi. Chúng con hứa, chúng con sẽ sống với nhau thật đẹp, thật dễ thương để cho ra những hoa trái tình yêu của chúng con sẽ làm sáng rỡ dòng họ của hai phía, xin ông bà, tổ tiên, nội, ngoại, cha mẹ cả hai phía, chứng minh cho sự phát nguyện của chúng con trong giờ phút này.

Hai con đã có cơ hội lạy tổ tiên, ông bà của mình rồi. Bây giờ đây hai con đứng đối diện với nhau, nghe Thầy xướng và hai con lạy xuống, đưa tâm theo sự hướng dẫn của Thầy trong khi hai đứa con đang lạy nhau.

Hai chúng con, Trần Hoài Nam và Nguyễn Thị Xuân Bình đến với nhau vì thương cha mẹ, tổ tiên, ông bà, vì thương chính bản thân mình, kể từ giờ phút này, hai chúng con nguyện tương kính, tương thuận với nhau suốt đời, nên chí thành đảnh lễ nhau một lạy.

Hai con lạy xuống, theo dõi hơi thở thật sâu và theo sự hướng dẫn của Thầy:

"Chúng ta là Trần Hoài Nam và Nguyễn Thị Xuân Bình đi tới với nhau để thiết lập đời sống lứa đôi, đời sống ấy thật sự có hạnh phúc khi hai ta biết thương quý nhau, trong sự tương kính, tương thuận mà không phải thương quý nhau trong tình cảm tầm thường và nhờ sự thương quý nhau trong sự tương kính, tương thuận cao đẹp đó, cho nên tình yêu lứa đôi của hai ta sẽ mãi mãi có mặt không phải chỉ bên nhau, mà có mặt ở trong nhau, nên Hoài Nam đi ở đâu là có Xuân Bình ở đó và Xuân Bình đi ở đâu là có Hoài Nam ở đó.

Ta không chỉ có mặt với nhau trong đời này, mà ta đã từng có mặt với nhau trong nhiều đời quá khứ và ta tiếp tục có mặt với nhau mãi mãi trong đời tương lai. Có mặt với nhau để tạo ra hạnh phúc cho nhau, để làm đẹp cuộc đời cho nhau và đem lại vinh quang cho những người thân yêu đã từng sinh ra hai chúng ta".

Tập Kiên Nhẫn Và Học Hỏi:
Hai con quỳ xuống!

Hai con đã có cơ hội để lạy Tam Bảo, lạy tổ tiên ông bà nội ngoại, cha mẹ của mình và đã lạy nhau, như vậy kể từ giờ phút này trong trái tim của hai con, trong dòng máu của hai con đã có Tam Bảo, đã có dòng họ nội ngoại tổ tiên của hai phía và đã có tâm hồn thật sự của hai con. Vậy, trong đời sống tình yêu lứa đôi, ta không được mơ mộng hão huyền, mơ mộng vượt ra khỏi tầm tay và khả năng của ta mà phải rất thực tế, thiết thực và ta phải có trách nhiệm với nhau trong đời sống lứa đôi. Ta phải nhẫn nhục thì mới tạo ra hạnh phúc cho nhau, ta nhẫn nhục từ nay cho đến trọn đời, ta nhẫn nhục để ta sinh con đẻ cháu, ta nhẫn nhục để ta nuôi con ta, cháu ta và ta nhẫn nhục để ta thật sự có phước đức. Tất cả sự phước đức đi từ nơi sự nhẫn nhục mà có, nên khi nào vợ vụng thì chồng sẽ từ từ giúp vợ vượt ra khỏi cái vụng về, mà chồng vụng về, thì vợ phải bình tĩnh, nhẫn nại để giúp chồng vượt ra khỏi mọi sự đổ vỡ trong đời sống, nhiều khi chỉ một lời nói thôi, mình có thể vẫy tay biền biệt với nhau. Cũng chỉ một lời nói thôi, mình có thể gắn bó với nhau suốt đời, nên trong đời sống lứa đôi, các con phải luôn cẩn thận lời nói với nhau. Khi nào mà thấy có những bất bình, vợ chồng không nên nói gì với nhau hết, mình chỉ im lặng, theo dõi hơi thở và sau đó tiếp tục công việc của mình. Khi cơn giận đi qua, chồng mới nói chuyện với vợ, và vợ có thể nói chuyện với người chồng để hai bên ngồi lại với nhau, chia sẻ những vụng về cho nhau nghe. Chúng ta nói với nhau đúng lúc, nếu ta nói lời hay, ý đẹp mà không nói đúng lúc, thì lời hay ý đẹp đó trở thành độc hại, ta nói với nhau bằng lời hay, ý đẹp nhưng không đúng chỗ, thì lời hay ý đẹp đó sẽ tạo ra sự chia rẽ cho ta. Vì vậy, ta nói lời hay, ý đẹp phải thông minh, ta biết nói đúng chỗ và đúng lúc.

Hai con tuy là đã 37 tuổi và 32 tuổi, đối với người đời như vậy là đã trưởng thành, nhưng đối với cuộc sống con người, thì chưa khôn lớn gì cả, rất là còn ngây thơ, nên các con phải luôn khiêm tốn, để có cơ hội học hỏi từ cha mẹ, từ ông bà, từ cô, dì, chú, bác, từ bạn bè của mình, từ người lớn để cho cái hiểu biết của hai con giàu lên, cái giàu có hiểu biết mới là cái giàu có đích thực, giàu có tâm hồn mới là giàu có đích thực, các con không nên đem cái giàu có của cải để so sánh với nhau, bởi vì giàu có của cải là giàu có rất phù du. Các con đã thấy rất rõ trong đời này, có đôi người vì kém phước đức, nên không giữ được cái nhà của mình suốt cuộc đời. Có đôi người mới 30 tuổi, 40 tuổi thôi, mà nhà cửa đã thay tới năm bảy lần. Nên giàu có, có tính cách nhà cửa, tiện nghi, vật chất, cái đó rất là mong manh, không bền, Thầy muốn hai con giàu có về mặt hiểu biết, giàu có về tâm hồn, giàu có về phước đức. Với sự giàu có ấy, Thầy tin tưởng rằng, hai con sẽ có một sự giàu có vĩnh viễn và làm được nhiều lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho dòng họ mình.

Hai con phải biết rằng, ta có cha mẹ, tổ tiên ông bà, cô, dì, chú, bác và có cả thế hệ tương lai con cháu của ta, nên ta nói ra cái gì đều phải cẩn thận, phải chín chắn, ta làm cái gì cũng phải cẩn thận, phải chín chắn, suy nghĩ cái gì phải cẩn thận, phải chín chắn, nếu không cẩn thận, không chín chắn, nó vỡ, thì không phải chỉ vỡ cho hai đứa con, mà vỡ cho cả cha mẹ hai con, vỡ cho cả dòng họ của hai con và vỡ luôn thế hệ con cháu của hai con nữa.

Ngày nay, ở xã hội Tây Phương, vợ chồng họ tới với nhau như là thay áo quần vậy, nên cái đó rất là đau khổ cho thế hệ trẻ Tây phương. Và may mắn rằng, các con có văn hóa Việt Nam, có truyền thống đạo đức Việt Nam, là con người Việt Nam, biết yêu văn hóa Việt Nam, yêu truyền thống Việt Nam nữa, nên có được buổi lễ tổ chức như thế này. Nên các con làm cái gì phải luôn luôn cẩn thận, đừng làm cho trái tim huyết thống, trái tim văn hóa, trái tim đạo đức, trái tim tâm linh của mình bị vỡ ra, khi vỡ ra thì họa không phải chỉ cho hai con, mà cho con cháu của hai con nữa, điều đó hai con phải hết sức cẩn thận, hai con có nhớ không ?

Ươm Mầm Và Chăm Sóc Hoa Trái:
Hoài Nam và Thanh Bình, nếu không thành lập đời sống lứa đôi thì thôi, còn khi đã thành lập đời sống lứa đôi rồi, thì đương nhiên phải có hoa trái của tình yêu, các con sẽ sinh con, nên khi sinh con, muốn con có hiếu thảo, thì các con phải đến với nhau rất là hiếu thảo và trước khi đến với nhau để mà sinh con, thì Hoài Nam phải khởi lên tâm niệm như thế này: Mình đến với Xuân Bình để sinh ra một người con rất là dễ thương, một người con có hiếu thảo, một người con có lợi ích cho gia đình và xã hội và Xuân Bình cũng có tâm niệm như vậy. Và khi hoa trái đã có ở trong lòng Xuân Bình, thì Xuân Bình đi, đứng, nằm, ngồi luôn luôn như một người tu. Mình ăn chay. Ăn chay để trợ duyên thêm cho cái thai nhi, khiến thai nhi hút được tinh chất thanh tịnh, tinh anh hơn và khi đứa con sinh ra, tâm nóng giận, tâm sát hại nó ít. Do đó, mấy đứa con phải rất cẩn thận. Còn mình lấy vợ, lấy chồng để chơi cho vui, không quan trọng chi cả, buồn thì đi, vui thì ở, chuyện đó là chuyện của đám Tây phương, không dính dáng gì đến văn hóa Việt Nam. Còn văn hóa Việt Nam, khi lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cháu là không phải để cho mình, mà cho cha mẹ mình, cho dòng họ của mình, cho quê hương xứ sở của mình, cho nên dứt khoát mình phải chăm sóc hoa trái đó rất cẩn thận.

Hoài Nam khi tới với vợ mình, không được uống bia, không được uống rượu, không được hút thuốc, bởi vì tất cả những cái đó gây thiệt hại lên não trạng của mình và làm nên những di chứng cho con cháu của mình về sau. Đó là những điều mà Thầy dặn hai con trong lúc này.

Bây giờ đây hai con quỳ xuống và trong gia đình có phát biểu gì không? Quý ôn, quý mệ có gì dặn dò con cháu trong giờ phút này không?

LỜI PHÁT BIỂU CỦA THÂN QUYẾN:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Thượng tọa Pháp sư,

Kính bạch chư Đại Đức Tăng- Ni hiện tiền.

Thật hi hữu và phước đức cho gia đình chúng con, cũng như của hai cháu Nam và Bình. Chúng con thường nghe lời dạy của Đức Thế Tôn: "Làm được thân người là khó, gặp được chúng Tăng là khó, nghe được Chánh Pháp lại càng khó hơn".

Hôm nay gia đình chúng con có được duyên lành, trong ngày lễ trọng đại của Nam và Bình, chúng con về đây trong Đại Hùng Bảo Điện trang nghiêm, thanh tịnh chùa Long Thọ để được lắng nghe những lời vàng, ý ngọc mà Thượng tọa pháp sư đã trao, cũng như sự thật tâm cầu nguyện của chư Đại Đức Tăng, Ni hiện tiền.

Chúng con thiết nghĩ: Pháp bảo là vô giá, dù có đem rừng vàng, biển bạc cũng không thể đổi lấy lời hay, ý đẹp để chúng con làm hành trang trong cuộc sống.

Bởi vậy, trong giờ phút trang nghiêm thanh tịnh này, chúng con không biết nói gì hơn, chỉ xin dâng lòng tri ơn sâu sắc đến Thượng tọa pháp sư cũng như chư Đại Đức Tăng, Ni hiện tiền, chỉ biết đầu thành đảnh lễ Tam Bảo tam bái để cúng dường.

Chúng con cũng xin cầu nguyện mười phương Chư Phật, chư Đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng gia hộ cho quý Ngài thân tâm thường lạc, phước trí thường minh, để làm nơi nương tựa cho chúng con và cho hết thảy mọi loài chúng sinh.

Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Cùng Nhau Hồi Hướng:

Thưa quý vị trong hai dòng họ cùng hai con Nam và Bình thương mến,

Trong buổi lễ này, chư Tăng đã niêm hương bạch Phật, cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho hai con Nam và Bình, và đã có pháp thoại hướng dẫn cho hai con trong đời sống lứa đôi, và với bao nhiêu nghi lễ cần thiết đã được thực hiện.

Kể từ giờ phút này, có bao nhiêu phước đức, thì chúng ta xin hồi hướng cho tất cả mọi người và mọi loài, để tất cả mọi người và mọi loài đều được thừa hưởng phước đức do chúng ta tạo ra. Có như thế thì việc làm của tất cả chúng ta mới có ý nghĩa, có phước đức và tất cả chúng ta càng lúc càng thăng tiến thêm lên và chính phước đức đó sẽ nuôi dưỡng ta đi trọn vẹn trên con đường an lạc và hạnh phúc.

Xin tất cả quý vị đứng dậy để chúng ta cùng hồi hướng:

"Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật Đạo".
(Pháp thoại, TT. Thích Thái Hòa giảng cho cho hai Phật tử Trần Hoài Nam và Nguyễn Thị Xuân Bình tại Chánh điện chùa Long Thọ, ngày 19 tháng 01 năm Bính Tuất, đệ tử Nhuận Từ Nguyên, Nhuận Thuần Nguyên kính ghi, đệ tử Nhuận Tịnh Phương và Nhuận Viên Như vi tính).

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang