Home
PHÁP THOẠI
NGHIÊN CỨU
PHẬT HỌC
THIỀN HỌC
VĂN HOÁ
LUẬT HỌC
TĂNG GIÀ
TUỔI TRẺ
CHUYÊN ĐỀ
HOẰNG PHÁP
THUVIENCOPHAP.org | Hôm nay:
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010
NÓI VỚI NHÀ GIÁO DỤC
Cầu học với tâm danh lợi, thì càng học, tâm ta càng trở nên tăm tối và đời sống của ta lại càng trở nên gần gũi với cái gian, cái ác; học tập với tâm vô cầu, thì càng học, tâm ta càng sáng lên và đời sống của ta lại càng trở nên gần gũi với cái chơn, cái thiện.
Ngày xưa có vị lang y tài giỏi, thấu hiểu mọi phương thuật chữa bệnh. Có lần ông ta chữa lành bệnh cho những người nghèo, những người nầy đem thổ sản để cảm ơn ông, ông không nhận, những người ấy năn nỉ ông, ông nói: “Tôi đã nhận được từ nơi tấm lòng cao quý của quý vị rồi”.
Rồi, ông lại chữa lành bệnh cho những người giàu có, những người nầy đem vàng bạc đến tạ ơn ông, những người ấy năn nỉ ông, ông nói: “Vàng bạc quý thật, nhưng không quý bằng tấm lòng của quý vị đã đối xử với tôi, tôi từ chối phẩm vật biết ơn, mà chỉ nhận nơi quý vị tấm lòng biết ơn là nhiều lắm rồi”.
Những người con trong nhà thấy như vậy, ngạc nhiên hỏi: “Thưa cha, cha chữa bệnh đối với những người nghèo, họ không có tiền của, khi họ lễ tạ, cha từ chối mà nhận nơi họ một tấm lòng, điều ấy chúng con dễ hiểu, nhưng đối với người giàu, sao cha không nhận lễ vật của họ mà từ chối, điều ấy làm cho chúng con khó hiểu?”.
Ông lang y nói: “Cái khổ do bệnh đem lại, thì giữa người giàu, người nghèo có khác gì nhau. Và cái chết, thì người giàu, người nghèo gì, có ai mà không sợ. Nhưng, một đôi khi cái khổ do bệnh đem lại, hay cái chết do nỗi sợ đưa đến, thì người có tiền của, tâm của họ lại hoảng loạn hơn nữa, khiến bệnh của họ tăng lên và cái chết đến với họ một cách nhanh chóng các con ạ! Ta chữa bệnh chỉ nhìn vào cái thân tâm của người bệnh mà chữa, mong cho họ mau thoát khỏi bệnh, chứ ta đâu có chữa bệnh với tâm phân biệt giàu nghèo!”.
Ông lang y ấy, có nhiều người đến xin học pháp thuật chữa bệnh của ông, nhưng phần nhiều đều bị ông từ chối, ngay cả con ông, tại sao? Vì người đến xin học, không phải bằng tấm lòng mà bằng tâm mưu sống. Ông nói: “Thà đốt hết sách vỡ, còn hơn dạy cho những kẻ cầu học với tâm mưu cầu danh lợi. Tại sao? Vì học với tâm mưu cầu danh lợi, thì ngay nơi cái nhân học đã là ác rồi, huống gì những hậu quả do cái nhân học ấy đem lại, thì nó quấy ác và tàn hại cuộc sống đến chừng nào!”.
Thật vậy, người có học mà ác, chẳng khác nào con vi khuẩn ác tính ẩn sâu, khoét đục và hủy hoại mọi giá trị sự sống cao quý của con người. Vì vậy, tội lỗi của họ, nước bốn biển không thể rửa sạch, lửa hỏa diệm sơn không thể đốt tiêu, xác thân của họ, vùi sâu ngàn thước dưới lòng đất và đã trải qua ngàn đời, mà mùi hôi của họ vẫn còn nồng nặc.
Ấy nên, những người làm giáo dục, phải cẩn thận. Không phải chỉ cẩn thận và chín chắn ở nơi cách học và cách dạy, mà còn phải cẩn thận ở nơi định hướng của cái học cho người học và cái dạy cho người dạy. Nếu không, chính các ông là con vi khuẩn cực kỳ độc hại, nằm ẩn sâu trong môi trường giáo dục, và những con người do các ông giáo dục, đào tạo đều trở thành những trái ung thối của xã hội đó vậy!
Thích Thái Hòa
Em hãy hát đi,
mùa xuân còn đó,
rồi trăng sao
sẽ đưa lối em về;
Quê cũ - đường xưa
đôi hàng trúc biếc;
Vườn cà - ruộng lúa
mấy rặng tùng xanh.
Em hãy hát đi,
mùa xuân còn đó,
dáng mẹ gầy
vì mắt mẹ đăm chiêu;
vì mắt mẹ
là tình yêu muôn thuở,
là sông xanh
em tắm giữa trưa hè.
Em hãy hát đi,
mùa xuân còn đó;
vì quê mình
còn vọng tiếng chuông khuya;
Dân tộc - chùa thiêng
sương trăng kỳ diệu
Đạo vàng - đất thánh
thảo mộc đơm hoa.
Em hãy hát đi,
mùa xuân còn đó;
Vườn hoa nhưng nụ,
mây trắng chiều bay;
Trẻ mục đồng
tìm trâu theo dấu cũ,
lùa trâu về
thổi tiếng sáo vô thanh.
Em hãy hát đi,
đời không cô quạnh;
Gọi bình minh về
nắng ấm vườn hoa;
Đàn bướm nhỏ
hồn nhiên đôi cánh vỗ,
trong vườn thiền
còn mấy nụ hoa tươi.
Em hãy hát đi,
hát khi chiều xuống;
Gọi nhau về
với nguồn cội xa xưa!
Đừng đi nữa,
chim bay về tổ cũ,
vì muôn đời
nhật nguyệt mọc phương đông.
Em hãy hát đi,
lời ca thanh thản;
Giữa ngược xuôi,
giữa cay đắng phũ phàng;
Hãy an nhiên,
em hãy hát ca đi,
Sự sống - tình người
mùa xuân còn mãi...
Tình ca muôn thuở-
Tuệ Nguyên
Phật giáo
2010-10-29T06:27:00-07:00
2010-10-29T06:27:00-07:00
Loading...