Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

GẶP NHAU TRONG CÕI LUÂN HỒI

Share |


(Pháp Thoại T.T.Thích Thái Hòa giảng cho hai đệ tử Hải Bình và Diệu Nguyên vào ngày
28/3/năm Ất Dậu, tức ngày 06/05/2005 tại gia đình Anh Võ văn Lộc và Chị Tôn Nữ Thị Hà, ở đường Huỳnh Thúc Kháng-Huế, do đệ tử Nhuận Thuần Nguyên kính ghi, đệ tử Nhuận Tịnh Phương và Nhuận Viên Như vi tính)

Hải Bình và Diệu Nguyên hai con thương quý!

Hôm nay là ngày 28/3/ Năm Ất Dậu, tức là ngày 06/05/ 2005 là ngày mà hai đứa con đã tự nguyện đi tới với nhau để thiết lập đời sống hạnh phúc lứa đôi. Hai con đã được cha mẹ, bà con nội ngoại của cả hai phía đều đồng ý tác thành và đã cung thỉnh Thầy về tại gia đình của hai con để niêm hương cầu nguyện Đức Phật chứng minh cho ước nguyện của hai con được thành tựu.

Và giờ phút nầy, Thầy thay mặt Tam Bảo rưới nước Cam Lồ lên đỉnh đầu hai con, khiến cho đời sống của hai con thấm nhuần nước Cam Lồ để sống với nhau thật đẹp, nhằm tạo ra hạnh phúc cho nhau trong đời sống của tình yêu lứa đôi.

Vậy, hai con trong giờ phút nầy hãy tập trung tâm ý, theo dõi hơi thở để cho dòng nước Từ Bi và Trí Tuệ chảy vào trong thân tâm của hai con, làm cho hai con luôn luôn sống trong an lạc, hiểu biết và thương yêu.

Hỡi hai con Hải Bình và Diệu Nguyên!

Sau đây là những điều mà hai con cần phải lắng nghe, ghi nhớ để làm hành trang suốt đời cho tình yêu lứa đôi của mình.

Vì Cảm Mến Hồng Ân:
Hai đứa con, vì cảm mến hồng của cha mẹ, của ông bà tổ tiên nội ngoại mà đã tự nguyện đi tới với nhau để thiết lập đời sống lứa đôi, như vậy là hai con phải luôn luôn nhìn sâu vào tâm hồn của mình, nhìn sâu vào trái tim của mình, nhìn sâu vào thân thể của mình, để biết rằng trong thân thể ấy, trong trái tim ấy, trong tâm hồn ấy là luôn luôn có mặt của cha mẹ và tổ tiên nội ngoại của mình, để ta biết chăm sóc sự hiểu biết và thương yêu của chúng ta. Ta chăm sóc sự hiểu biết và thương yêu của ta là vì ta cảm mến hồng ân của cha mẹ, tổ tiên, ông bà nội ngoại của ta đối với ta.

Nếu không có cha mẹ ta, không có ông bà nội ngoại của ta, thì không bao giờ có ta giữa cuộc đời nầy. Vậy, ta đã có mặt trong cuộc đời nầy, để đi tới với nhau trong tình yêu lứa đôi là do ta có cha mẹ ta, ta có tổ tiên ông bà nội ngoại của ta, nên ta phải sống thật đẹp, sống thật dễ thương, để trong trái tim của ta là trái tim không bị thương tích, là trái tim của trí tuệ, của từ bi và bao dung. Nếu ta sống không thông minh, thì không những ta bị thương tích về mặt vật lý, về mặt sinh lý mà còn bị thương tích về cả mặt tâm lý, dòng họ và tâm linh nữa.

Trong đời sống lứa đôi, khi một cơn giận nổi lên, ta không vội vã phát ngôn và hành xử, ta hãy thở thật sâu và nhìn sâu vào cơn giận của ta, để ta có thể thấy rằng, nếu ta tiếp tục đi theo con giận, ta sẽ gặp rất nhiều bất hạnh và khổ đau. Sự bất hạnh và khổ đau của ta không phải chỉ xẩy ra cho một mình ta, mà còn xẩy ra cho cả cha mẹ ta và ông bà tổ tiên, nội ngoại của ta nữa. Nên, vì cảm mến hồng ân của cha mẹ, tổ tiên, ông bà nội ngoại của ta, mà ta đã cùng nhau thiết lập đời sống lứa đôi, chứ không phải đến với nhau vì những nhu cầu sinh lý thấp kém.

Trong đời sống hàng ngày, ta đối xử với nhau thật đẹp, qua lời nói, qua cử chỉ hành động, không phải là chỉ để cho ta mà còn là để cho cha mẹ ta, cho những người thương yêu của ta và nhờ vậy mà hạnh phúc của ta được bảo toàn.

Trong cuộc sống của tình yêu lứa đôi, có khi bản thân ta gặp nhiều khó khăn, gặp nhiều tủi nhục, ta có thể chấp nhận, là vì ta nghĩ đến công ơn của cha mẹ và tổ tiên của ta, nhờ vậy mà ta có thể khắc phục được những khó khăn ấy để vượt qua.Vợ Chồng Là Nhân Duyên:
Hải Bình và Diệu Nguyên hai con thương mến!

Nếu hai con không có nhân duyên với nhau trong đời sống vợ chồng, thì hai con sẽ không bao giờ gặp nhau trong đời sống ấy. Bởi lẽ, một người ở phương Nam và một người ở phương Bắc làm sao họ có thể gặp nhau trong đời sống vợ chồng, nếu họ không có nhân duyên ấy. Và nếu họ không có nhân duyên trong đời sống vợ chồng, thì làm sao một người sinh ra từ dòng họ Nguyễn và một người sinh ra trong dòng họ Võ lại có thể đi tới với nhau, thương yêu nhau, quý trọng nhau. Nên, hai con phải biết rằng, đời sống của vợ chồng là đời sống của nhân duyên. Nhân duyên ấy không phải chỉ đời nầy, mà chắc chắn đã có nhiều đời về trước. Đời sống vợ chồng là đời sống có duyên nợ với nhau. Trong duyên có nợ, trong nợ có duyên. Trong duyên và nợ ấy có chất liệu của ân và oán.

Ta phải biết như vậy, để trong đời sống vợ chồng, nếu có sinh khởi bao nhiêu oán thù, ta hứa sẽ trả hết mà không tiếp tục tạo thêm, và trong quá khứ ta đã có ân tình với nhau, thì chính trong đời nầy, ta hứa với nhau rằng, ta sẽ tiếp tục làm cho ân tình đó tiếp tục đẹp ra, đẹp mãi, và tăng trưởng lên hoài, chỉ là những ân tình cao đẹp mà không còn tạo ra bất cứ một sự oán hận nào nữa. Và muốn như vậy, thì hai con phải luôn luôn nuôi dưỡng chất liệu nhân từ trong đời sống hàng ngày.

Chất Liệu Nhân Từ:
Thầy nói với hai con rằng, ta có thể tạo ra được mùa xuân cho chính ta trong mọi lúc, khi mà hai con có chất liệu nhân từ trong tự thân, trong trái tim, trong sự suy nghĩ và trong hành động của mỗi người. Mùa xuân của năm tháng rất là ngắn ngủi, bởi vì nó chỉ có ba tháng thôi, nhưng mùa xuân của nhân ái, của nhân từ và của trái tim, thì bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, đều cũng có thể chế tác và tạo ra được hạnh phúc, an lạc, sức sống và niềm hy vọng cho nhau. Nên, Thầy muốn hai con hãy nuôi dưỡng tình yêu lứa đôi bằng chất liệu nhân từ, hãy lấy chất liệu nhân từ làm lẽ sống, để cho cách suy nghĩ, cách nói năng, cách hành xử của hai con đều tỏa ra chất liệu của nhân từ. Hai con hãy biết rằng, ở đâu có nhân từ, ở đó có hạnh phúc; ở đâu có nhân từ, ở đó có sự bao dung và ở đâu có nhân từ ở đó con người biết bổ sung cho nhau. Nên, tình yêu lứa đôi là gì? Đó là tình yêu biết nhìn nhận những khiếm khuyết của nhau và biết bổ sung cho nhau để hoàn chỉnh. Người chồng có những mặt tích cực nầy, thì lại bị khuyết điểm những mặt kia và người vợ có những mặt tích cực kia, thì lại bị những khuyết điểm của những mặt nầy. Không có bất cứ một người vợ hay một người chồng nào được gọi là toàn vẹn, mà họ chỉ toàn vẹn khi nào hai người biết chấp nhận sự khiếm khuyết của nhau và biết nỗ lực để bổ sung cho nhau. Trong đời sống vợ chồng, nhờ ta biết cầu toàn và ta biết bổ sung cho nhau, nên ta có khả năng tạo ra hạnh phúc cho nhau.

Để bảo toàn cho tình yêu lứa đôi hai con phải biết thực tập những điều sau đây:

1. Tránh Sự Ỷ Thị Và Ỷ Lại:
Không nên ỷ thị vào dòng họ cao sang, hay ỷ lại về kiến thức, về nghề nghiệp, về vị trí xã hội mà coi thường chồng hay vợ của mình. Vì chất liệu ỷ thị và ỷ lại thường làm tan vỡ hạnh phúc lứa đôi và hạnh phúc gia đình.

2. Biết Phát Triển Thêm Thiên Chức:
Hai con Hải Bình và Diệu Nguyên!

Thầy muốn nói với hai con rằng: Hải Bình có thiên chức làm cha và làm chồng, nhưng con phải biết học tập để có thêm chất liệu làm mẹ và làm vợ. Vì sao? Vì nếu một người con trai chỉ biết làm cha và làm chồng, mà không biết bổ sung thêm chất liệu làm vợ và làm mẹ, thì không thể gọi là người con trai toàn hảo và người con trai đó có thể gặp những khó khăn, khi người vợ hay người mẹ vắng mặt ở trong gia đình. Vì vậy, Hải Bình ngoài thiên chức làm cha, làm chồng, còn phải học thêm thiên chức làm mẹ và làm vợ nữa. Và Diệu Nguyên cũng vậy, ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ cũng còn phải học thêm thiên chức làm cha và làm chồng nữa. Hai đứa con phải biết học tập những chất liệu đó của nhau, để bổ sung cho nhau, trong đời sống lứa đôi. Khi người chồng có công việc phải đi xa, người vợ ở nhà không những làm tròn công việc của mình, mà còn gánh vác công việc của chồng, thay chồng dạy con và thay chồng để đảm đang công việc của gia đình chồng một cách toàn vẹn. Và khi người vợ vắng mặt ở trong gia đình, người chồng ngoài trách nhiệm làm chồng, làm cha, còn phải có khả năng đảm đang công việc làm vợ và làm mẹ ở trong gia đình nữa. Người chồng có thể thay thế vợ để lo chu toàn những công việc ở gia đình vợ. Có như vậy, thì tình yêu lứa đôi và đời sống ở trong gia đình mới tạo ra được hạnh phúc và chất liệu hạnh phúc ấy mới được bảo toàn.

3. Hãy Xóa Mặc Cảm Hơn, Thua Và Bằng:
Nếu người chồng quá sắc sảo, người vợ quá yếu kém hay người vợ quá sắc sảo mà người chồng quá yếu kém, thì sự chủ động lại nghiêng về một phía và hạnh phúc giữa hai người bị gãy đi một cánh. Và nếu khả năng của người vợ và người chồng ngang sức nhau, thì hạnh phúc của hai người cũng bị hỏng một khoảng cách, vì sẽ tạo ra sự đối lập và có cách khoảng với nhau. Nên, Thầy muốn hai đứa con không phải chỉ ngang nhau về khả năng, về trí thức, về nghề nghiệp, về khả năng làm ra của cải vật chất mà tất cả những lãnh vực đó các con đều phải có mặt trong nhau. Đời sống vợ chồng không phải là hơn nhau, thua nhau hay ngang nhau mà phải có mặt trong nhau. Ngày xưa người ta đi tới với nhau để thiết lập đời sống lứa đôi, thường dựa trên cơ sở môn đăng hộ đối, nhưng quan niệm ấy là hết sức sai lầm, không thể nào dẫn đến hạnh phúc trong đời sống lứa đôi được. Vì sao? Vì quan niệm môn đăng hộ đối là quan niệm cân xứng, và cân xứng thì khi nào cũng đối lập. Đối lập là do hai bên đều khẳng định bản ngã của mình và gia đình mình đối với nhau, nên khó mà tạo ra được hạnh phúc trong đời sống lứa đôi và gia đình. Quan niệm vợ chồng dưới cách nhìn môn đăng hộ đối của người xưa đã tạo ra những khoảng cách cân xứng và khổ đau cho nhiều cặp vợ chồng ở trong quá khứ. Do đó, Thầy muốn hai con đi tới với nhau không phải là sự cân xứng theo cách nhìn của môn đăng hộ đối, mà theo cách nhìn của nhân duyên là hai người đã có mặt trong nhau.

Hai con đã biết rằng, nhân duyên vợ chồng của hai con đã có mặt trong nhau, thì nhân duyên làm thông gia giữa cha mẹ của hai con, cũng đã có mặt trong nhau và nhân duyên giữa hai dòng họ của hai con, cũng đã có mặt trong nhau, vì vậy mà ta phải đối xử với nhau thật đẹp. Ta biết danh dự của phía nầy là danh dự của phía kia và danh dự của phía kia là danh dự của phía nầy, ta biết như vậy và ta sống như vậy, thì hạnh phúc trong đời sống lứa đôi và hạnh phúc trong đời sống gia đình mới được bảo chứng một cách an toàn.

4. Hoa Trái Của Tình Thương:
Hải Bình và Diệu Nguyên hai con!

Tình yêu lứa đôi của hai con đã được thiết lập trên những nền tảng như vậy, Thầy tin chắc rằng, các con sẽ có hạnh phúc và an lạc. Nếu hai con sống với nhau có chuyện gì bất bình, là hai con phải nhớ ngay đến khung cảnh quý báu hôm nay, để cho những gì không vui tức khắc lắng xuống. Hải Bình đi làm việc về mệt nhọc và căng thẳng do những công việc, hay do những xu thế xã hội, thì Diệu Nguyên phải biết cách làm cho những mệt nhọc và căng thẳng của Hải Bình lắng xuống, và Diệu Nguyên đi làm việc về mệt nhọc và căng thẳng bởi những công việc và những tranh giành hơn thua của xã hội, thì Hải Bình cũng phải biết cách làm cho những cảm giác khó khăn và mệt nhọc của Diệu Nguyên lắng xuống. Hai đứa con biết hành xử với nhau như vậy, thì tình yêu lứa đôi của hai con mới thực sự có ý nghĩa và có ý nghĩa rất là cao, chứ không phải đến với nhau để thỏa mãn những dục vọng thấp kém.

Hai con đến với nhau bằng những ý nghĩa cao đẹp ấy, hai con sẽ sinh ra những hoa trái của tình yêu rất là đẹp và rất có ý nghĩa. Hoa trái ấy, không mang những chất liệu của dục vọng mà mang chất liệu của sự hiểu biết, thương yêu và kế thừa dòng dõi huyết thống và tâm linh.

Hai con thương mến!

Dù cuộc sống của con người là một trăm năm, nhưng trăm năm ấy hết sức là mong manh, mọi giàu sang, danh vọng chỉ là những hương bay gió thoảng, mạng sống của con người chỉ hiện hữu trong từng hơi thở. Tuy vậy, nhưng nếu ta biết sống, thì dù cho ta có hiện hữu trong một khoảnh khắc ấy, cũng có một ý nghĩa và một giá trị nhất định, còn hơn ta kéo lê cuộc đời cả trăm năm mà chẳng có một ý nghĩa gì, nên Thầy muốn hai con sống thật đẹp và thật có ý nghĩa.

Vậy, bây giờ hai con đứng dậy, trước Tam Bảo, trước Thầy, trước Cha mẹ và bà con nội ngoại của hai phía, hai con hãy theo dõi ba hơi thở thật sâu, đưa tay chạm vào trái tim của mình và quán chiếu theo sự hướng dẫn của Thầy:

"Trái tim nầy không phải là tôi, không phải là của tôi, nó là của cha mẹ tôi, là của bà con nội ngoại tôi, là của tất cả mọi người và mọi loài, và cũng là của con cháu của chúng tôi trong tương lai.

Trái tim nầy, trước Tam Bảo, trước Thầy, trước Cha mẹ, trước bà con nội ngoại, trước bạn bè và mọi người, chúng tôi nguyện hiến tặng cho nhau, chúng con xin Tam Bảo chứng minh, xin cha mẹ cho phép và xin bà con nội ngoại, bạn bè đều tùy hỷ và hết lòng yểm trợ".

Vậy, hai con chắp tay lại, hướng về cha mẹ của hai phía, thành kính lạy hai lạy để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ, khi hai con nghe Thầy xướng như sau:

Vì cảm mến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha và mẹ, nên giờ phút nầy chúng con chí thành đảnh lễ cha và mẹ hai lạy. Hai con lạy xuống và quán chiếu theo sự hướng dẫn của Thầy:

"Thân thể nầy từ đỉnh đầu cho đến gót chân, đều là do cha mẹ của chúng con tạo nên. Không những vậy, mà cha mẹ chúng con còn nuôi dưỡng, giáo dục, tác thành sự nghiệp hiểu biết, sự nghiệp trí thức, nghề nghiệp sinh sống và phẩm chất đạo đức cho chúng con, khiến cho chúng con lúc nào và ở đâu cũng có đời sống an ổn và sống có giá trị đối với cuộc đời".

Hai con đứng dậy, chắp tay lại, nghe Thầy xướng hai con sẽ hướng về chí thành đảnh lễ Tổ tiên, ông bà nội ngoại để tỏ lòng biết ơn một cách sâu sắc đến liệt quý vị.

Chúng con vì cảm mến công ơn của Tổ tiên, ông bà nội ngoại mà chí thành đảnh lễ bốn lạy. Hai con lạy xuống và quán chiếu theo sự hướng dẫn của Thầy:

"Cha mẹ của chúng con là sự kế thừa dòng dõi huyết thống và sự nghiệp của Tổ tiên, ông bà nội ngoại. Nếu không có Tổ tiên, ông bà nội ngoại, thì đã không có cha mẹ chúng con và không có cha mẹ chúng con, thì không bao giờ có chúng con, chúng con đã ý thức rất rõ điều nầy, nên chúng con hết lòng biết ơn Tổ tiên, ông bà nội ngoại một cách sâu sắc và hứa sẽ tiếp tục làm rạng rỡ dòng dõi huyết thống và tâm linh của chúng con, ngay trong đời sống lứa đôi của chúng con".

Hai con Hải Bình và Diệu Nguyên!

Sau khi hai con đã biết ơn và đã đảnh lễ Tổ tiên, ông bà nội ngoại và cha mẹ rồi, bây giờ hai con đối diện lại với nhau để lạy nhau một lạy, nhằm tỏ lòng tương kính, tương thuận với nhau và luôn luôn có mặt trong nhau để cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Vậy, hai con khi lạy xuống hãy quán chiếu như sau:

"Chúng ta đến với nhau trong niềm tương kính và tương thuận, biết lắng nghe nhau để hiểu nhau một cách sâu sắc và thương quý nhau một cách chân thực".

Lạy và quán chiếu như vậy xong, hai con hãy đứng dậy và phát tâm hồi hướng. Nghĩa là trong buổi lễ nầy có bao nhiêu điều tốt đẹp, hai con hãy phát tâm hồi hướng đến cho tất cả mọi người và mọi loài, nguyện cho tất cả mọi người và mọi loài đều biết thương yêu nhau và cùng nhau sống trong hạnh phúc và an lạc.

Chúc hai con thành công!


BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang