Home
PHÁP THOẠI
NGHIÊN CỨU
PHẬT HỌC
THIỀN HỌC
VĂN HOÁ
LUẬT HỌC
TĂNG GIÀ
TUỔI TRẺ
CHUYÊN ĐỀ
HOẰNG PHÁP
THUVIENCOPHAP.org | Hôm nay:
Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011
GẬY THIỀN DỰNG NƯỚC NON
Đạo Từ của TT Thích Thái Hòa Cố vấn giáo hạnh GĐPTVN nói trong buổi lễ cấp chứng chỉ cho hai mươi mốt trại sinh huynh trưởng trúng cách khóa học Huynh trưởng Vạn Hạnh của GĐPTVN, vào ngày14/7/Giáp Thân, tức ngày 29/8/2004, tại Chùa Thuyền Lâm, Huế
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư tôn đức,
Kính thưa liệt quý vị,
Trại sinh trại Vạn Hạnh đã trải dài mười một năm kể từ năm 1993 và nay là 2004.
Trải qua mười một năm nay, quý vị đã học tập và rèn luyện tâm chí của mình và như lời tác bạch của anh Nguyên Ngộ-Nguyễn Sĩ Thiều-trại phó Vạn Hạnh: “là trại sinh Vạn Hạnh đến năm mươi huynh trưởng, nhưng hôm nay, chỉ còn lại hai mươi hai huynh trưởng trại sinh Vạn Hạnh và trong đó có một huynh trưởng đã bị con đường công danh sự nghiệp của thế gian lôi kéo, nên đã xa rời tổ chức, quay lưng lại với lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, hiện nay chỉ còn lại hai mươi mốt vị”.
Hiện nay, chúng ta còn lại hai mươi mốt vị huynh trưởng trại sinh Vạn Hạnh. Hai mươi mốt trại sinh Vạn Hạnh nầy, suốt thời gian mười một năm đã tu học, đã tinh tiến, đã khẳng định lại chính mình trong ngôi nhà Phật giáo, trong ngôi nhà Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Thay mặt chư Tôn đức hiện tiền, tôi xin tán dương Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Ương, cũng như Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên, đã khắc phục mọi khó khăn, duy trì truyền thống Gia Đình Phật Tử Việt Nam cho đến ngày nay, để đóng góp vào việc hoằng dương chánh pháp và phát triển đạo Phật trong mọi thời gian, khắp mọi không gian và đã vượt qua mọi khó khăn, vận dụng mọi phương tiện thiện xảo để có thể tạo thành được hoa trái của Vạn Hạnh ngày hôm nay. Đó là một việc làm mà như anh Nguyên Ngộ-Nguyễn Sĩ Thiều đã nói:
"Trái tim nhiều khi thổn thức, nhiều khi co bóp không đều và có khi rướm máu, đêm ngày đều khó an lành. Cho nên, qua bao khó khăn đó, ngày nay chúng ta đã có được sự chứng minh của chư Tôn đức hiện tiền và Tam Bảo gia hộ”.
Thưa quý vị!
Thành quả đã có rồi, nhưng mà giữ được thành quả đó là cả một công trình, là cả một nghệ thuật cũng là cả một chiến lược.
Thành quả có trong tay, nhưng mà đôi khi vô ý, thiếu chánh niệm sẽ bị đánh rơi.
Có những thành quả đã bị đánh rơi trên lề đường vỡ toang từng mảnh; có những thành quả đã bị đánh rơi xuống đáy biển, không biết đâu để tìm kiếm; có thành quả đã bị đánh rơi và lún sâu vào bùn lầy; và tệ hơn nữa, là có những thành quả bị đánh rơi vào những hỗn tạp, ô nhiễm của thế gian.
Tôi mong rằng, thành quả các anh chị đang có được, hãy giữ lấy. Hãy giữ lấy, như người vượt biển giữ phao, hãy giữ lấy và trân quý như người mù, mà có lại đôi mắt sáng, hãy giữ lấy như người què mà có lại sự phục hồi của đôi bàn chân lành lặn để trở về.
"Dù bao nhiêu gian khổ, dù gặp nhiều nguy khó, lý tưởng chúng ta vẫn tôn thờ…"
Thưa quý vị!
Lý tưởng của Vạn hạnh là gì?
Lý tưởng của Vạn hạnh có gốc rễ từ Bồ đề tâm, do Bồ đề tâm mà có thượng cầu phật đạo, hạ hóa chúng sinh và từ nơi bồ đề tâm mà ta biểu hiện nhất hạnh và từ nơi nhất hạnh mà ta thành tựu vạn hạnh.
Vạn hạnh mà thiếu nhất hạnh thì vạn hạnh không thành.
Nhất hạnh mà không có Bồ đề tâm thì nhất hạnh đó trở thành tà ma ngoại đạo.
Do đó, trại sinh Vạn Hạnh phải có một hạnh để mà hành trì. Trong một hạnh để hành trì đó, nó sẽ có đầy đủ cả vạn hạnh. Và ngay trong một hạnh để hành trì đó, quý vị phải thiết lập trên nền tảng của bồ đề tâm, và luôn luôn nhớ bồ đề tâm của mình. Nếu trại sinh Vạn hạnh mà chưa phát khởi được bồ đề tâm, thì vạn hạnh chưa thành. Do đó, dù cuộc đời có gian khổ, thế giới có đảo điên, thì người trại sinh Vạn Hạnh phải luôn luôn nhớ lấy bồ đề tâm của mình.
Đối với đời dù gian khổ bao nhiêu, thì người trại sinh Vạn Hạnh phải bước vào trước hết để chịu đựng, để hóa độ, mà không được thối lui. Nếu ta thối lui, tức là ta mất vạn hạnh, mất nhất hạnh và ta mất luôn bồ đề tâm của mỗi chúng ta.
Nhân đây, tôi xin nhắc nhỡ trại sinh Vạn Hạnh rằng, nếu quý vị nào chưa phát tâm thọ trì thập thiện giới và bồ tát giới, thì quý vị hãy phát tâm thọ trì các giới pháp ấy. Nếu quý vị là trại sinh Vạn Hạnh mà chưa phát khởi bồ đề tâm để lãnh thọ giới pháp có nội dung vạn hạnh, thì làm sao gọi là trại sinh Vạn Hạnh được.
Vạn hạnh, như vua Lý Nhân Tông đã từng nói:
"Vạn hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh cổ pháp
Trụ tích trấn vương kỳ".
Như vậy, vạn hạnh đối với không gian là phải biết xuyên suốt ba cõi, đến và đi thong dong, tự tại trong ba cõi.
Đối với thời gian, vạn hạnh không những là thấy việc trước mắt, mà còn thấy cả việc của quá khứ, và của tương lai nữa. Thấy việc quá khứ trong hiện tại, thấy việc tương lai trong hiện tại. Và phải biết ứng dụng cái thấy ấy, vào trong đời sống thực tế, chứ không phải cái thấy mơ hồ, không phải cái hiểu biết mơ hồ, mà phải là cái thấy, cái hiểu thực tế.
Thấy thực tế là gì? Đó là cái thấy của “ Trụ tích trấn vương kỳ”, tức là sử dụng gậy thiền để trấn giữ non sông. Giữ gìn non sông là giữ gìn lẽ phải; giữ gìn lẽ phải là giữ gìn đạo pháp. Đạo pháp với non sông là một; non sông với đạo pháp là một. Ta làm cho đạo pháp vinh quang, chính là ta làm cho non sông phồn thịnh, ta làm cho non sông phồn thịnh là ta làm cho đạo pháp vinh quang. Tinh thần ấy chính là tinh thần Vạn hạnh.
Ta làm với tinh thần tự nguyện, tự giác, vô cầu, vô tướng, vô trú. Vì ta làm với tinh thần như vậy, nên ta không cần ai khen mà cũng chẳng sợ ai chê. Thấy đúng với đạo là ta làm, thấy đúng với lý tưởng thì ta thề nguyền bước vào trước hết và thấy có lợi ích cho nhân quần xã hội, thì dù khó khăn đến mấy cũng chẳng từ nan. Đó là tất cả những gì mà trại sinh Vạn Hạnh phải biết và phải tiếp tục thực tập, tiếp tục thực hiện lý tưởng Vạn Hạnh trong đời sống thực tế của mình. Làm được như vậy, thì quý vị mới xứng đáng là con của Phật, là con của Tổ, xứng đáng mang vào trong đời sống của mình, trong lý tưởng của mình, trong lịch sử đời mình là trại sinh Vạn Hạnh và tốt nghiệp khóa học Vạn Hạnh là khóa cao nhất của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Quý vị làm được như thế, thì quý vị sẽ cống hiến sự cao quý của mình lên Tam Bảo và quý vị sẽ duy trì được tổ chức của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, báo đáp công ơn của Tam Bảo, báo đáp công ơn của Thầy Tổ, của các bậc tiền bối hữu công, của giang sơn tổ quốc, của chư anh linh Thánh tử Đạo và nhất là chúng ta đã không hỗ thẹn, với cha mẹ ta, đã sinh ra ta và đã nuôi lớn ta, tác thành sự nghiệp cho ta, dìu dắt ta đi trên con đường Thánh để học đạo, tu đạo và hành đạo.
Quý vị làm được như thế, là quý vị đã xứng đáng cho sự có mặt của chư tôn đức đang hiện diện chứng minh cho quý vị hôm nay.
Quý vị làm được như thế, tức là quý vị đã làm vui lòng các anh Nguyên Tín – Nguyễn Châu, anh Nguyên Ngộ-Nguyễn Sĩ Thiều, các anh đều đã trên dưới tám mươi tuổi, thân thể có nhiều bệnh hoạn, hoàn cảnh có nhiều khó khăn, nhưng tâm trí vẫn còn sáng suốt, vẫn sẵn sàng chia đắng sẻ cay với anh em.
Tôi xin nhắc lại, tất cả trại sinh Vạn Hạnh, không nên sống với nhau bằng cái đầu, mà nên sống với nhau bằng trái tim. Đã sống với nhau bằng trái tim, thì tất cả những gì sai lầm của nhau, hãy gạt qua một bên, những gì tốt đẹp của nhau, thì cùng nhau trân trọng và tuyên dương. Làm được như vậy, tức là chúng ta xứng đáng con cháu của Vạn Hạnh.
LỜI KINH TRÊN BIỂN
Tuệ Nguyên
Hoá thân làm một cuộc chơi
Xa nguồn vế tận biển khơi một mình
Ta ngồi giữa biển chép kinh
Để xem gió động sóng tình ra sao
Biển tình sóng dợn càng cao
Thì kinh ta chép là sao soi đuờng
Sóng tình dào dạt biển thương
Thì kinh ta chép soi đường vô minh
Sóng tình càng diệt càng sinh
Thì kinh ta chép lung linh nghĩa mầu
Kinh ta không để nguyện cầu
Kinh ta là để trải màu áo thương
Mai kia chung cuộc vô thường
Thì ta về lại trên nguồn tuệ xưa.
Chuyện đạo
2011-01-03T20:21:00-08:00
2011-01-03T20:21:00-08:00
Loading...