Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Những xung đột nơi xã hội người mù

Share |


Xung đột là quy luật tồn tại tự nhiên của mọi sự hiện hữu. Quy luật ấy không làm cho thế gian trở thành hố thẳm ngăn cách và sầu hận. Quy luật ấy làm cho thế gian trở thành bức tranh nghệ thuật tuyệt hảo và làm cho sự sống nở thêm hoa và lá; thêm cây xanh và trái ngọt; làm cho bao sự nhớ và thương của cõi người càng thêm có ý nghĩa và thi vị.

Nhưng xung đột do muốn độc quyền về bản ngã và quyền lực cũng như lợi nhuận kinh tế của con người, chính đó là nhân tai. Nhân tai là tai nạn do vô minh của con người tạo ra, khiến cho con người không đi tới được với con người; khiến cho vợ không đi tới được với chồng; khiến cho chồng không đi tới được với vợ; khiến cho cha mẹ không đi tới được với con cái; khiến cho con cái không đi tới được với cha mẹ; khiến cho anh em không đi tới được với nhau; khiến cho thầy trò không đi tới được với nhau; khiến cho mọi tổ chức trong xã hội không đi tới được với nhau; khiến cho các quốc gia đối với nhau trở nên rời rạc.

Những độc quyền ấy càng nhiều, thì những xung đột của nó càng trở nên gay gắt, và tai nạn xảy đến cho xã hội con người khắp cả mọi nẻo đường và cùng khắp trong mọi lứa tuổi mỗi lúc mỗi hiểm nghèo khó tránh.

Các tai nạn khác như thiên tai, địa tai, hỏa tai, thủy tai, phong tai, đao binh tai, tật dịch tai…, cũng từ nơi nhân tai mà chiêu cảm.

Tác nhân của nhân tai chính là tham vọng độc quyền về bản ngã. Nếu không có tham vọng độc quyền về bản ngã, thì những tham vọng khác không thể phát sinh.

Bản ngã sinh ra từ vô minh. Vô minh càng dày thì bản ngã càng lớn. Vô minh càng sâu, thì bản ngã càng cao. Vô minh càng mãnh liệt, thì sự xung đột và sức công phá của nó càng khốc liệt và bạo tàn.

Do đó, mọi xung đột của con người trong thế gian nầy đều đến từ vô minh chấp ngã. Vô minh không còn, thì ngã chấp tự diệt. Ngã chấp không còn, thì vô minh tự tiêu.

Nên, vô minh và ngã chấp luôn luôn hỗ trợ cho nhau, tạo ra vô số tai họa cho con người dưới vô số hình thức khác nhau.

Vô minh và chấp ngã cá nhân tạo ra những xung đột giữa cá nhân với cá nhân; giữa cá nhân với tập thể. Vô minh và chấp ngã tập thể tạo ra những xung đột giữa tập thể với tập thể và giữa tập thể với cá nhân. Chính đó là tác nhân đã, đang và sẽ gây ra không những tai nạn cho xã hội con người mà còn cho cả muôn thú và thiên nhiên.

Sinh hoạt trong xã hội Việt nam hiện nay, con người đi ra đường phần nhiều tự động che mặt, điều ấy tự nó đã nói lên tai họa rất lớn đã xảy đến với xã hội và môi trường sinh hoạt của con người, do chính vô minh và chấp ngã của con người đã tạo ra nó.

Muốn giải quyết những vấn đề xung đột xã hội, ta phải biết giải quyết những vấn đề xung đột nơi con người. Những xung đột của con người không phải đến từ trên trời cao giáng xuống hay từ lòng đất sâu vọt lên mà đến từ nơi tâm vô minh và chấp ngã con người.

Ta phải biết cách làm cho tâm con người sáng lên, mọi sự hiểu biết của con người từ đó mà khởi hiện và mọi hành động của con người là phải khởi động từ đó, khiến cho mọi xung đột trong thế giới con người tự nó hóa giải.

Bấy giờ con người không còn nhìn nhau với cái nhìn “chủ và nô”, hay là những hiện hữu đối lập mà là hỗ dụng sinh tồn. Nghĩa là người nầy hiện hữu là để hỗ dụng cho người kia và người kia hiện hữu là để hỗ dụng cho người nầy. Do biết như vậy, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu, từ gần đến xa, từ thấp đến cao mà vô minh và chấp ngã nơi tự tâm dần dần bị xóa sạch, khiến cho mọi xung đột của xã hội con người không còn là xung đột của nhân tai mà chỉ là những xung đột hỗ dụng của quy luật tự nhiên. Xung đột của quy luật tự nhiên là xung đột để giúp cho con người có đời sống của cân bằng; xung đột theo quy luật tự nhiên là sự xung đột của hòa bình, sự xung đột ấy không bao giờ dẫn đến chiến tranh. Sự xung đột ấy tạo ra những bức tranh đời tuyệt đẹp, để cho người ta thưởng thức sự sống, yêu chuộng và tôn trọng sự sống trong từng khoảnh khắc. Và khoảnh khắc nào cũng là khoảnh khắc mầu nhiệm của sự sống.

Vì vậy, ta nhìn lên một thân cây, ta chỉ thấy lá xanh mơn mởn và ta chỉ biết thưởng thức đời sống qua mơn mởn của những lá xanh, mà không biết thưởng thức đời sống qua những chiếc lá vàng, thì sự thưởng thức của ta trở nên nghèo nàn và lạc hậu.

Nghèo nàn và lạc hậu của ta là ở chỗ đó mà không phải ở chỗ khác. Nghĩa là ta nghèo nàn và lạc hậu là vì ta không có khả năng thưởng thức toàn diện của cuộc sống, chẳng khác nào chàng trai tuấn kiệt mà mù, khi tay của chàng ta chạm vào chú voi và chàng ấy đã biết chú voi qua những cảm giác khuyết tật của mình. Và nhiều chàng trai tuấn kiệt mù mà rờ voi, rồi mỗi vị đều biết chú voi qua những cảm giác và tri giác khuyết tật của họ, thì thử hỏi xã hội của những người mù đến khi nào mới hết xung đột và mới có hòa bình.

Xã hội của những người mù, họ sẽ đi từ sự xung đột nầy đến những sự xung đột khác. Khi họ tiếp xúc với chú voi, họ sẽ bị xung đột nhau bởi những hình tướng của chú voi qua những cảm giác và tri giác của họ. Khi họ tiếp xúc với những chú chó, chú mèo, họ sẽ bị xung đột nhau với những hình tướng của chú chó và chú mèo, qua những cảm giác và tri giác của họ. Nghĩa là trong xã hội của những người mù, khi họ tiếp xúc với bất cứ cái gì, thì họ sẽ bị xung đột bởi cái đó, qua những cảm giác và tri giác của họ. Chính cái xung đột của xã hội người mù là ở chỗ đó và chính chỗ đó làm cho họ nẩy sinh chiến tranh, làm cho họ khổ đau và không có hòa bình.

Giải quyết những xung đột nơi xã hội người mù không có phép lạ nào, ngoài phép lạ làm cho đôi mắt của họ sáng ra.

Nhưng, than ôi ở trong đời, có những người có đôi mắt thật sáng, mà tâm của của họ đã bị mù lòa từ vô lượng kiếp rồi!

Nên, ta phải biết giúp nhau và cùng nhau làm cho tâm sáng lên, thì trước sau gì ta cũng có đôi mắt sáng để nhìn đời, có đôi tai sáng để lắng nghe được tiếng nói của cuộc đời từ nhiều phía. Và bấy giờ ta càng nghe là càng hiểu, càng nhìn là càng yêu và càng trân trọng!


Thích Thái Hòa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang