Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Ý Nghĩa Đề Kinh Pháp Hoa

Share |

Đề kinh Pháp Hoa, tiếng Phạn là Saddharmapuṇḍarīka sūtra. Sad, hình thành từ động từ sat, có nghĩa là hiện thực, đích thực, thực tiễn, chân thực, vi diệu, điều không thể diễn tả được,… Sad, Ngài Pháp Hộ, năm 286 TL, dịch là chánh (Đại chính 9, tr.63). Ngài La Thập, năm 406, dịch là diệu (Đại chính 9, tr.01).

- Dharma, hình thành từ động từ धृ = DHṚ, có nghĩa là bảo toàn, duy trì, làm cho hiện hữu, sắp xếp, làm cho có trật tự, duy trì để hiện hữu,… Do đi từ động gốc như vậy, nên Pháp hay dharma có nghĩa là nguyên tắc hay nguyên lý tồn tại,… Các Hán bản đều dịch là pháp.

- Puṇḍarīka, có nghĩa là hoa sen trắng. Ngài Pháp Hộ, năm 265 TL, phiên âm là phân-đà-lỵ và năm 286 TL, dịch là hoa. Ngài La Thập, năm 406 TL, Cấp-đa và Xà-na-khuất-đa, năm 601 TL, đều dịch là liên hoa. Ngài Tăng Duệ là một trong bốn vị đại đệ tử xuất chúng của Ngài La Thập giải thích rằng, hoa sen là loài hoa đặc biệt hơn hết thảy các loài hoa. Và hoa đúng độ nở, gọi là phân-đà-lỵ. Hoa sen chưa nở là dụ cho Nhị thừa đạo; nở ra mà đã rụng là dụ cho Niết-bàn và hoa đang độ nở là dụ cho kinh này (Đại chính 9, tr. 62a).

Vậy, Saddharmapuṇḍarīka, có nghĩa là pháp đích thực, pháp hiện thực, pháp thuần khiết, pháp nguyên vẹn, pháp không thể diễn tả, pháp vi diệu,… Pháp ấy ví như hoa sen trắng.

- Sūtra, có nghĩa là kinh. Kinh có ba nghĩa gồm:

· Khế lý: Xuyên suốt và thích ứng với chân lý.

· Khế cơ: Xuyên suốt và thích ứng với mọi căn cơ.

· Khế thời: Xuyên suốt và thích ứng với mọi thời đại.

Kinh Pháp Hoa là kinh nói về pháp đích thực, pháp hiện thực, pháp chính xác, chân lý xuyên suốt của chư Phật, nên ngài Pháp Hộ dịch Sasddharmapuṇḍarīka là Chánh pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa là kinh nói về pháp chân thực, hiện thực, vi diệu, nguyên vẹn của chư Phật, ví như hoa sen, nên ngài La Thập dịch là Diệu pháp liên hoa kinh.

Tại sao trong kinh này, đức Phật dùng hoa sen để ví dụ cho Chánh pháp? Vì đối tượng nghe kinh này là hàng Thanh văn, tức là những vị tu tập chưa chứng nhập được Niết-bàn tuyệt đối, nên đức Phật muốn dẫn dắt những vị này đi đến Niết-bàn tuyệt đối ấy. Vì vậy, trong kinh này đức Phật sử dụng nhiều ví dụ để dụ cho pháp, khiến cho các đối tượng nghe pháp nương vào các ví dụ mà thâm nhập và thể chứng được Pháp thân chân thực.

Trong tất cả các ví dụ ấy, hoa sen trắng là ví dụ rốt ráo, xuyên suốt, nguyên vẹn và thuần khiết cho pháp mà đức Phật hiển thị trong kinh này. Hoa sen trắng là dụ cho Nhất thừa, Pháp thân chân thực hay Phật tính nơi hết thảy chúng sanh.

Lại nữa, hoa sen được sử dụng để ẩn dụ cho kinh này, vì nó có những đặc điểm như sau:

1- Có hoa là có gương: Hoa sen, hễ khi có hoa là có gương. Đây là dụ cho nhân quả đồng thời của kinh Pháp HoaH. Việc Long nữ hiến châu và tức thời thành Phật ở phẩm Đề-bà đạt-đa (Đại chính 9, tr 35c), là hiển thị cho đặc điểm này.

Lại nữa, nhân quả đồng thời là dụ cho phương tiện và cứu cánh, bản môn và tích môn, lý và sự, trí và bi, quyền và thực, đốn và tiệm, được trình bày trong kinh Pháp Hoa là bất nhị. Nghĩa là chúng đồng thời có mặt trong nhau, không tách rời nhau.

2- Ở trong bùn không ô nhiễm: Hoa sen có đặc điểm ở trong bùn không ô nhiễm. Kinh Pháp Hoa đã sử dụng đặc tính này của hoa sen để dụ cho Phật tính. Phật tính của hết thảy chúng sanh tuy ở trong phiền não, nhưng không bị ô nhiễm. Việc Đề-bà đạt-đa phạm tội ngũ nghịch, đọa Vô gián địa ngục, nhưng Phật tính nơi ông vẫn không mất, khi hội đủ nhân duyên thì Phật tính nơi ông vẫn hiển lộ, nên ông được đức Phật thọ ký thành Phật trong tương lai và ở phẩm Đà-la-ni, loài quỷ nữ do nhiều đời tạo ác nghiệp nên đã đọa làm quỷ, nhưng Phật tính nơi họ không mất khi hội đủ nhân duyên thì Phật tính hiển lộ; vì vậy khi nghe kinh Pháp Hoa, Phật tính nơi họ liền sinh khởi và họ đã phát tâm hộ trì kinh Pháp Hoa. Đây chính là hiển thị đặc điểm này.3- Hoa và cọng tách riêng với lá: Hoa sen có đặc tính hoa và cọng tách riêng với lá. Kinh Pháp Hoa đã sử dụng đặc tính này của hoa sen để ẩn dụ rằng, Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa đều từ nơi Nhất thừa mà biểu hiện, nhưng trong đó, Nhất thừa hay Phật thừa là tối thượng. Việc năm ngàn người, vì tâm tăng thượng mạn, bỏ đương hội Pháp Hoa lui về là hiển thị cho đặc điểm này.

4- Ong và bướm không thể hút nhụy: Do hoa sen có đặc tính này, nên kinh Pháp Hoa đã dùng để ẩn dụ rằng, đối với diệu pháp, thì hết thảy chúng sanh đều có, nhưng chúng sanh, vì tâm tăng thượng mạn, vì tâm tham dục, vì tâm tà kiến, vì tâm hẹp hòi, không tiếp nhận được diệu pháp. Những người đi nửa đường muốn quay trở về ở trong phẩm Hóa thành dụ là hiển thị cho đặc điểm này.

5- Không bị sử dụng để trang điểm: Do hoa sen có đặc tính này, nên kinh Pháp Hoa đã dùng để ẩn dụ rằng, những kẻ tiểu tâm, tà trí, buông lung theo các dục thì không thể sử dụng được diệu pháp để làm việc phi pháp, không thể lợi dụng Chánh pháp để hành hoạt tà pháp. Người say quên hạt minh châu trong chéo áo của phẩm Năm trăm đệ tử thọ ký là hiển thị cho đặc điểm này.

6- Hoa nở sen hiện: Do hoa sen có đặc tính này, nên kinh Pháp Hoa đã sử dụng để ẩn dụ rằng, trong diệu pháp có thực pháp và quyền pháp, trong đức Phật lịch sử có đức Phật siêu lịch sử, trong thiên bách ức hóa thân của Phật Thích-ca đều có Pháp pthân không sanh diệt cũng như Báo thân thanh tịnh và thường trú của Ngài.

Quyền pháp là pháp phương tiện. Đức Phật đã sử dụng pháp này, tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, trình độ của chúng sanh, mà vận dụng để thuyết pháp thích ứng, nhằm khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho chúng sanh, khiến cho hết thảy chúng sanh, dù đang ở vào vị trí nào, hoàn cảnh nào, trình độ nào cũng đều có thể ngộ, nhập được Phật tri kiến.

Thực pháp là thực pháp của Pháp Hoa, là đệ nhất nghĩa chân thực. Pháp ấy là mục tiêu của Phật ra đời giáo hóa chúng sanh. Và là điểm đồng qui từ mọi phương tiện giáo hóa của Phật.

Đức Phật lịch sử là đức Phật ra đời cách đây gần hai mươi sáu thế kỷ ở Nepal, Ấn Độ, giáo hóa chúng sanh và đã nói kinh Pháp Hoa trên đỉnh Linh Sơn, như ở phẩm Phương tiện của kinh này đã trình bày. Đức Phật siêu lịch sử là đức Phật siêu việt thời gian như phẩm Hiện Bảo Tháp và phẩm Như Lai Thọ Lượng của kinh này đã mô tả.

Do những đặc điểm thâm diệu của kinh như vậy, nên đặc điểm hoa nở sen hiện của hoa sen được sử dụng để nói lên những điểm thâm diệu mà thực tiễn của kinh này.

7- Hoa rụng sen thành: Đặc điểm này của hoa sen, được sử dụng để ví dụ cho thời kỳ giáo hóa hàng đệ tử Thanh văn của Phật đã thuần thục rồi, nên Ngài không giảng dạy cho họ những kinh điển dưới mức Pháp Hoa mà giảngdạy kinh Pháp Hoa và thọ ký cho họ thành Phật trong tương lai. Đây gọi là thời kỳ đức Phật thuyết pháp có nội dung “phế quyền hiển thực”, nghĩa là phế bỏ pháp phương tiện mà chỉ thẳng pháp cứu cánh cho hàng thính chúng Thanh văn. Ví như hoa rụng thì sen thành. Việc các vị Bồ-tát từ lòng đất vọt lên ở phẩm Tòng địa dõng xuất và việc Long nữ hiến châu ở phẩm Đề-bà-đạt-đa là hiển thị cho đặc điểm này.

Đề kinh Pháp Hoa bao gồm cả Pháp và dụ một cách thực tiễn và sâu xa như vậy, nên Ngài Nhật Liên Đại Sư (1222 – 1282), Tổ sư của Pháp Hoa Tông Nhật Bản dạy rằng: “Chỉ cần thọ trì, đọc tụng đề kinh Pháp Hoa là có đủ nhân duyên để thành Phật.”.

Theo Hám Sơn – Đức Thanh Đại Sư (1546 – 1623), đời Minh, đề kinh Pháp Hoa là chỉ thẳng Nhất chơn pháp giới của kho tàng tâm Như Lai. Và dùng ý nghĩa ấy mà lập tên vậy. Đại sư còn giải thích, tâm cảnh không hai, thuần là nhất chơn, nên gọi là diệu pháp. Nhưng, hết thảy chúng sanh ở trong diệu pháp mà mê, nên gọi là “tạng thức”. Ở nơi “tạng thức” mà chư Phật giác ngộ, gọi là “Như lai tạng”. Y vào nhất tâm mà kiến lập “Pháp giới liên hoa tạng”.

Do đó, chơn vọng xuyên suốt, nhiễm tịnh dung thông, nhân quả đồng thời, thủy chung đồng một ngằn mé.

Vì vậy, nếu ước theo dụ, thì lấy hoa sen làm biểu tượng;, nhưng nếu ước theo pháp, thì chỉ thẳng bản thể giác ngộ của tâm (Pháp Hoa Kinh Thông Nghĩa).

Theo Thanh Đàm Đại sư triều Gia Long, thì Diệu pháp là chỉ cho thực pháp. Pháp là tâm xưa nay thanh tịnh. Tâm ấy xưa nay không sinh, không diệt, không nhớp, không sạch, không thêm, không bớt, tại phiền não không loạn động, tại trần lao không ô nhiễm, nên gọi là tâm xưa nay thanh tịnh.

Lại nữa, tâm ấy, là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của chúng sanh. Tròn đồng thái hư, rộng lớn không ngằn mé. Linh linh, lặng lặng, suốt xưa, suốt nay, yên yên, lắng lắng, chính là không, chính là sắc, không thể dùng tâm thức suy lường, phân biệt mà có thể biết được.

Đức Thế Tôn, vì muốn đem một việc lớn là “đại tâm” này, mà giao phó cho hàng Bồ-tát, tạo thành nhân địa của tâm, làm gốc tu nhân, sau đó mới thành tựu quả địa tu chứng, nên gọi là diệu pháp.

Lại nữa, diệu pháp là tùy theo tác dụng mà thiết lập vô lượng tên gọi khác nhau như: Đại sự nhân duyên, Phật tri kiến đạo, Cứu cánh Phật tuệ, Nhất thiết chủng trí.

Liên Hoa là thí dụ. Lấy trong sạch không ô nhiễm làm nghĩa. Tất cả thế gian không kham nhận tâm thanh tịnh ấy, nên kinh lấy hoa sen mà dụ cho tâm ấy. Hoa sen sinh ra ở trong bùn, nhưng không bị bùn làm cho ô nhiễm, cũng như tâm ở trong trần lao mà không bị trần lao làm mê hoặc.

Tuy nhiên, tâm không có hình tướng, nhưng hoa lại có xanh, vàng. Do nhân nơi hoa mà rõ được cái thấy; nhân nơi cái thấy mà biết hoa. Sắc tướng của hoa là vô tình; cái thấy, cái biết thuộc về tâm chân thực. Chỉ cần không vọng khởi phân biệt, thì vạn vật và ta vốn là như như (Thanh Đàm – Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Tông Chỉ Đề Cương – Việt Nam Phật Điển Tùng San).

Tóm lại, đề kinh đã dùng hoa sen để ví dụ cho diệu pháp. Diệu pháp chính là nhất thừa và nhất thừa là Phật tính. Phật tính là tính giác ngộ vốn có nơi hết thảy chúng sanh. Tuy, chúng sanh đang bị trôi lăn trong bùn lầy sanh tử, nhưng Phật tính nơi họ không những không mất, mà còn không bị ô nhiễm, khi đủ duyên thì Phật tính ấy sẽ khởi sinh và thành tựu quả vị giác ngộ. Cũng vậy, ví như hoa sen, tuy bị chìm ngập trong bùn, nhưng đủ duyên và đúng thời, sẽ nở ra hương thơm thanh khiết, vô nhiễm.

Do đó, đề kinh đã dùng hoa sen để ví dụ cho đạo lý nhất thừa hay Phật tính vậy.
Thích Thái Hòa

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang