Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Thư Của Thượng Tọa Thích Thái Hòa Gửi Tổng Thư Ký Hội Nghị Thượng Đỉnh Hòa Bình Thiên Niên Kỷ

Share |

Thực hiện : Hải Triều
Sáng thứ Ba 29 tháng 8, Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ về Hòa bình, các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo và Tinh thần đã vào hội thảo chính thức. Nhận xét đầu tiên của giới quan sát là dường như báo chí và truyền thông quốc tế nói chung dường như không đặt hội nghị này lên tầm quan trọng hàng đầu. Các bản tin phần lớn chỉ chú ý đến sự vắng mặt của nhiều vị lãnh đạo tinh thần đạo cao đức trọng. Bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Reuters gởi đi từ trụ sở Liên Hiệp mang tựa đề là: Không có Đức Đạt Lai Lạt Ma trong các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới. Sở dĩ có nhiều vị đã vắng mặt tại hội nghị là do sự cản trở mạnh mẽ của các chính phủ độc tài chuyên chính như chính phủ Trung Quốc, chính phủ quân phiệt Miến Điện. Ở Việt Nam, vị lãnh đạo tinh thần được mời là Thượng tọa Thích THÁI HÒA không đến tòa nhà Liên Hiệp Quốc được cũng chính là do sự cản trở của nhà cầm quyền ở Hà Nội.
Ngày 27 tháng 8, ngài gởi bằng e-mail cho ông Tổng Thư ký Hội nghị một bài tham luận bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thượng tọa bày tỏ với Ban tổ chức ý muốn của ngài là được ủy cử Thầy CHƠN PHÁP ẤN thay mặt ngài đọc bản tham luận đó trước hội nghị. Ngoài ra, trong điện thư gởi cùng ngày, Thượng tọa đã nhắc đến những khó khăn gây ra bằng đủ mọi cách cho việc hành đạo của Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thượng tọa Thích Trí Siêu... Ngài còn nói đến hoàn cảnh các nhà trí thức chân thật ở Việt Nam bị bắt bớ, tù đày, quản chế. Ngài cũng nêu lên việc Thiền sư Nhất Hạnh bị ngăn cản không thể về hoằng Pháp tại quê hương. Thư của Thượng tọa Thích Thái Hòa gởi ông Bawa Jain, Tổng Thư ký Hội nghị Thượng đỉnh là một văn kiện rất giá trị về nhiều mặt, sau đây là toàn văn bức thư:

Huế, ngày 27 tháng 08 năm 2000
Thưa Ngài Bawa Jain, Tổng Thư ký Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Thế giới Thiên niên kỷ tại Liên Hiệp Quốc quý mến!

Xin lỗi Ngài, tôi không đến tham dự Hội nghị được đúng như thư mời của Ngài, bởi vì Chính quyền Việt Nam đã sử dụng quyền lực chuyên chế, không cho tôi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Thế giới Thiên niên kỷ, mặc dù tôi đã thể hiện sự kiên nhẫn và thiện chí hòa bình của mình để đóng góp cho sự nghiệp bình an của loài người và mục đích của Hội nghị.

Do đó, đến giờ phút này tôi vẫn tiếp tục kiên nhẫn và thể hiện thiện chí hòa bình đối với Chính quyền Việt Nam, bằng cách tôi gởi thân tôi cho Chính quyền Cộng sản Việt Nam quản lý, nhưng tôi lại gởi hết tâm hồn tôi đến với Hội nghị lịch sử này bằng trái tim hòa bình, bảo vệ môi sinh và sự phân phối tài nguyên trên thế giới, để xóa đi sự chênh lệch về mức sống và nghèo đói của từng khu vực, cũng như toàn cầu trong thiên niên kỷ thứ ba của tôi, qua bài tham luận hơn một ngàn từ bằng tiếng Việt và tiếng Anh mà tôi đã gởi bằng e-mail đến Ngài.
Vậy tôi xin Ngài vui lòng cử một vị trong Ban tổ chức giúp thay tôi đọc bài tham luận ấy trước Hội nghị. Và nếu có thể, xin Ngài cho tôi ủy cử Thầy Chơn Pháp Ấn, là vị Tăng thân của Làng Mai hiện đang có mặt tại New York làm hóa thân của tôi đọc bài tham luận ấy trước Hội nghị.

Thưa Ngài,
Chính quyền Việt Nam có thể cản trở thân tôi đi dự Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Thế giới, nhưng họ không thể nào cản trở tâm tôi tham dự Hội nghị này. Tôi xin hiến tặng trái tim hòa bình này đến Hội nghị và nó sẽ được trải dài cả thiên niên kỷ thứ ba với cuộc sống của loài người kính yêu.

Sự vắng mặt của tôi tại Hội nghị này đã làm lu mờ về thực chất và hình ảnh của sự tự do về Tôn giáo và Nhân quyền ở quê hương tôi.

Và sự vắng mặt của tôi tại Hội nghị này cũng đã giúp cho Ngài và các Nhà lãnh đạo tinh thần và Tôn giáo trên thế giới cảm thông và nhận rõ thêm rằng: Tại sao Ngài Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thượng tọa Thích Trí Siêu và những Nhà trí thức chân thật của Việt Nam đã bị bắt bớ tù đày hoặc bị quản chế hay bị từ chối hộ chiếu xuất cảnh. Cũng như việc Thiền sư Nhất Hạnh không thể về thăm và hoàng Pháp tại quê hương của Người, và các tu sĩ có quốc tịch nước ngoài khi đến thăm Việt Nam đều không được phép ở lại qua đêm tại cơ sở Tôn giáo của họ.
Thưa Ngài,

Với hiện trạng thực tế trên quê hương tôi, những Nhà lãnh đạo Tôn giáo nào tha thiết với đời sống tôn giáo của họ, và tha thiết với sự tự do Tôn giáo cùng với quyền được làm người thì vị đó khó có được tự do; và những vị không biết, không có đời sống tha thiết về tôn giáo thì họ đã và đang lãnh đạo về tôn giáo trên quê hương tôi. Bởi vậy chúng tôi rất mong các Ngài quan tâm đến những nỗi đau thương khó trị liệu này, vì đây là một trong những duyên cớ khiến cho nhiều người mất niềm tin đối với tôn giáo và Chính quyền, đưa xã hội đến sự bất ổn và bạo động.

Và qua Hội nghị này, chúng tôi hy vọng Ngài Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc- Kofi Annan, Ngài Bawa Jain- Tổng Thư ký Hội nghị Thượng đỉnh, các Nhà lãnh đạo Tinh thần và Tôn giáo trên thế giới sẽ tìm ra một phương pháp hữu hiệu làm ổn định đời sống của con người và xã hội toàn cầu.

Và sau đây, tôi mong rằng các Ngài không bao giờ bỏ quên vấn đề tự do Tôn giáo và Nhân quyền cũng như sự yêu cầu phục hoạt Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất của Tăng Ni Phật tử Việt Nam.

Qua Ngài, cho tôi kính lời chào mừng đến quý vị lãnh đạo Tinh Thần và Tôn giáo trên toàn cầu đang có mặt tại Hội nghị.

Xin chân thành cảm ơn Ngài,
Kính chúc Ngài và Hội nghị thành công tốt đẹp.
Trân trọng
Bikkhu Thích Thái Hòa

BBT...Xin mời quý vị tiếp tục lắng nghe và xem lại sử liệu- Tài liệu tham luận trước hội nghị Thiên niên kỷ về những thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu và tinh yếu của năm giới quý báu sẽ giúp con người trên trái đất gắn bó thân thiện với môi sinh và chuyển hoá sân hận bằng những phương pháp Phật dạy, văn bản thuyết trình được thể hiện qua vai trò làm mới xã hội của Đạo Phật. Với sự cho phép của một góc thư viện như THƯ VIỆN CỔ PHÁP này thì chúng tôi xem đây là nơi lưu trữ những sự kiện và hành đạo, hoằng pháp, giáo dục của Thượng Toạ Thái Hoà, ngoài ra BBT không chủ trương khơi lại những chuyện "đi truy tìm quá khứ" như Văn kiện này.



Hình : Đại lễ kỷ niệm Thiên Niên Kỷ Mới tại Tổ Đình Từ Hiếu- Huế (vào năm 2000).

(http://www.vietbao.com/D_1-2_2-282_4-44360/) ấn bản.

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang