Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

GIỚI THIỆU LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN BÁT NHÃ VÀ BÁT NHÃ TÂM KINH TẠI VIỆT NAM THỜI LÝ (1009 – 1226)

Share |


GIỚI THIỆU
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN BÁT NHÃ VÀ BÁT NHÃ TÂM KINH TẠI VIỆT NAM THỜI LÝ (1009 – 1226)

THÍCH THÁI HÒA

Vạn Hạnh Thiền Sư và Lý Công Uẩn đã mở đầu cho Triều đại Nhà Lý tại Việt Nam, từ năm 1009 và đã dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long từ năm 1010, xây dựng sự tự chủ, độc lập và phát triển đất nước theo tinh thần Phật Giáo, mở ra một trang sử rạng ngời và uy hùng cho dân tộc Việt Nam hơn hai thế kỷ.
Là một nhà giáo dục vĩ đại, là một nhà trí thức uyên áo, thông kim bát cổ, là một nhà lương tâm, lương tri của thời đại, và là một Thiền sư thấu đạt pháp Tổng trì tam ma địa, chứng ngộ nguồn tâm, thanh thản giữa sự sống và sự chết, nên Vạn Hạnh Thiền sư đã không thể ngồi yên, khi nhìn thấy cảnh cai trị nước, lãnh đạo dân của Nhà vua Lê Long Đỉnh như sau: “Vua tính thích giết. Hễ người sắp bị hành hình, hoặc dùng cỏ tranh quấn vào mình mà đốt để cho người ấy lửa cháy gần chết. Hoặc sai người hề nước Tống là Liêu Thủ Tâm cầm dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh thịt, để cho họ không chóng chết. Người ấy có kêu gào đau đớn, thì Liêu Thủ Tâm nói đùa: “Nó không quen chịu chết” là Vua cười to. Đi đánh giặc bắt được tù, thì giải tới bờ sông, đợi khi nước triều rút, sai người làm chuồng dưới nước, rồi nhốt cả vào trong. Đến khi nước triều lên, thì họ ngáp ngáp mà chết. Hoặc bắt họ trèo lên cây cao, rồi chặt gốc cây cho đổ để người rơi xuống chết, vua tự mình đến xem cho là vui.” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1). Và cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, là Nhà vua đã từng róc mía trên đầu Nhà sư Quách Ngang hoặc Quách Mão, rồi giả vờ lỡ tay để làm cho đầu Nhà Sư chảy máu, Vua liền cười rầm lên. Với tình cảnh nhà cai trị đất nước hung tàn, bạo ngược như thế, nên Vạn Hạnh Thiền sư với phong cách và lương tâm của mình không thể ngồi yên, để nhìn cảnh quê hương đổ nát, vương triều anh em hư đốn, nhân dân khốn khổ lầm than mà phải ra tay cứu nước, giúp dân bằng tất cả những phương tiện thiện xảo vốn có của mình, do đó Vạn Hạnh Thiền Sư đã có lời tâm sự với Lý Công Uẩn rằng: “Gần đây, tôi thấy sự lạ kỳ của lời sấm, biết họ Lý thịnh đạt cường tráng, chắc chắn cơ nghiệp hưng khởi vậy. Nay, xem các dòng họ trong thiên hạ, thì họ Lý đa số, nhưng không có ai khoan từ, nhân thứ giống Thân vệ, lại được lòng dân chúng mà binh quyền nằm trong tay. Làm chủ để vạn dân đi theo, ngoài Thân vệ ra, ai là người đảm đang việc ấy?
Tôi đã hơn bảy mươi tuổi, nguyện cho cái chết đến chậm lại, để xem cái đức chuyển hóa của Thân vệ như thế nào? Thật là dịp may ngàn năm mới gặp một lần!” (Cận giả thần kiến phù sấm chi dị, tri Lý thị tráng thịnh nhi hưng nghiệp tất hỹ. Kim quan thiên hạ chi tính, Lý tối đa, vô như Thân vệ khoan từ nhân thứ, phả đắc chúng tâm, nhi chưởng ác binh bính giả. Tòng chủ vạn dân, xả Thân vệ, kỳ thùy đương chi?
Thần niên thất thập hữu dư, nguyện tư tu vật tử dĩ quan đức hóa như hà? Thành thiên tải nhất ngộ chi hạnh dã! (Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, và tham khảo thêm Đại Việt Sử Lược 2).
Theo Đại Việt Sử Lược 2, và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, thì việc lên ngôi Hoàng Đế của Lý Công Uẩn, hiệu là Lý Thái Tổ, ngoài sự sắp xếp của Thiền Sư Vạn Hạnh còn có Chi hầu Đào Cam Mộc nữa. Đại Việt Sử Lược 2 chép: “Cảnh Thuỵ năm thứ hai (1009) Ngọa Triều mất, con nối ngôi còn nhỏ. Lúc ấy, vua (Lý Công Uẩn ) 36 tuổi, đem 500 quân Tùy Long vào làm túc vệ. Bấy giờ trong nội có Chi hầu Đào Cam Mộc thăm dò, biết ý Lý Công Uẩn muốn lên ngôi, liền trong khi vắng vẻ nói khích rằng: Chúa Thượng hôn bạo, ương ngạnh, làm nhiều điều bất nghĩa. Trời ghét cái đức của Chúa Thượng, nên không cho sống lâu. Con nối ngôi thì nhỏ, chưa đảm đương được nhiều khó khăn, lắm việc rối rắm. Trăm thần không chỗ nương tựa. Dân dưới xôn xao mong tìm chân chúa. Thân vệ sao không nhân lúc nầy, mà xa theo dấu vua Thang, vua Võ, gần xem việc họ Dương, họ Lê, trên thuận lòng trời, dưới hợp ý dân, hay là còn ôm giữ chặt lấy tiểu tiết ư?
Lý Công Uẩn tuy trong lòng vui vì lời ấy, nhưng nghi có âm mưu, nên giả vờ mắng rằng: Sao ông lại dám nói ra lời như thế. Ta chắc chắn phải bắt ông đưa lên quan. Đào Cam Mộc chậm rãi nói: Tôi thấy thiên thời nhân sự như thế, mới dám nói. Nay, Ngài muốn bắt nạp cho quan, thì tôi thật không từ cái chết. Lý Công Uẩn nói: Ta không nỡ tố cáo ông, chỉ sợ lời nói lộ ra đều chết cả. Đào Cam Mộc lại nói với Lý Công Uẩn rằng: Người trong nước đều nói họ Nguyễn đáng lên thay thế nhà Lê. Sấm đồ đã xuất hiện không thể che giấu được. Chuyển họa thành phúc chính là lúc nầy đây. Thân vệ còn nghi ngờ gì nữa? Lý Công Uẩn nói, ta xem chí ông cùng với Vạn Hạnh không khác. Nếu thật đúng như lời, thì kế phải làm sao?
Cam Mộc đáp: Nay trăm họ mỏi mệt, dân không chịu nổi mệnh lệnh. Nếu Thân vệ lấy ân đức vỗ về. Trăm họ chắc chắn cùng nhau thuận theo, cũng như nước chảy xuống chỗ thấp, ai mà ngăn lại được. Đào Cam Mộc biết việc gấp, sợ sinh biến, liền nói với khanh sĩ trong triều, ngay ngày hôm đó, đều họp cả tại triều đường, mà lập mưu rằng: Nay là lúc ức triệu người đã có lòng khác, trên dưới đều rời bỏ đức nhân. Người ta oán giận chính sách bạo ngược của Tiên Vương, nên không muốn theo về Tự quân. Họ đã suy tôn chí lớn của Thân vệ. Bọn chúng ta không nhân lúc nầy lập Thân vệ làm Thiên tử, bất chợt có biến, thì có giữ được đầu cổ của mình không? Do thế, tất cả cùng theo giúp Thân vệ lên chánh điện, lập Thân vệ làm Thiên Tử. Bá quan đều tung hô: Muôn năm !”
Như vậy, Theo Đại Việt Sử Lược 2, ta biết ngày chấm dứt triều đại tiền Lê, và Lý công Uẩn lên ngôi vào ngày Quý sữu, mùa đông, tháng mười, năm Kỷ dậu (1009).
Tuy nhiên, ngày tháng Lý Công Uẩn lên ngôi hiệu Lý Thái Tổ, các sử liệu ghi chép có khác nhau đôi chút, nhưng điều đó không phải là sự quan tâm nghiên cứu ở trong phạm vi của bài nầy.
Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vào tháng bảy, mùa thu, năm canh tuất (1010).
Ta hãy đọc Chiếu dời đô, để biết được ý nguyện của vua trong việc làm nầy, bài chiếu Vua viết như sau:
“Xưa từ đời nhà Thương đến đời Bàn Canh đã năm lần dời đô; từ đời nhà Chu đến Thành vương cũng ba lần dời đô. Đâu có phải các vua thời tam đại theo riêng ý mình mà tự đổi dời? Do muốn đóng đô ở trung tâm, vì tính việc vạn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới do chí dân, nên thấy có thuận lợi, thì liền thay đổi. Cho nên, vận nước lâu dài, phong tục giàu thạnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê cứ làm theo ý riêng của mình, không để ý đến mệnh trời, không bước theo dấu cũ của Thương, Chu, thường đóng đô ở đây, đưa đến triều đại không lâu bền ở đời, số phận ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, vạn vật không có thích nghi. Trẫm rất xót xa điều nầy, nên không thể không chuyển dời!
Huống gì thành Đại la, kinh đô cũ của Cao Vương, ở tại trung tâm trời đất, được vị thế rồng cuộn hổ ngồi. Vị trí Chính Nam Bắc Đông Tây, thuận hợp với hướng nhìn sông, dựa núi. Địa thế của nó rộng mà bằng, đất đai của nó cao mà thông thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khổ ngập lụt, vạn vật rất phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt, đây là vùng đất hơn hết. Thật là chỗ hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, là kinh đô bậc nhất của muôn đời Đế vương.
Trẫm muốn nhân ở nơi sự thuận lợi của địa cuộc nầy, mà quyết định chỗ cư trú. Các khanh nghĩ thế nào? “
( Tích Thương gia chi Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi tam đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn tử tôn chi kế, thượng thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh, Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương, Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tánh hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.
Huống Cao vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị, tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn chi khốn, vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội,vi vạn thế đế vương chi thượng đô.
Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà? -Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và tham khảo thêm Hoàng Việt Văn Tập).
Đọc bài Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ được ghi lại ở trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Hoàng Việt Văn Tập, ta thấy Nhà vua rất uyên bác về sử học và đã rút ra được bài học kinh nghiệm của lịch sử và vận dụng nó vào lịch sử của đất nước mà chính mình đang nắm trong tay. Đọc lịch sử Trung Quốc ta biết Nhà Thương do vua Thành Thang thành lập từ năm 1766 trước Tây lịch, bấy giờ đóng đô ở đất Bặc, và hiện nay nó thuộc huyện Thương Khâu, Hà Nam. Trọng Đinh lại dời đô đến đất Hiêu, nay thuộc Huyện Huỳnh trạch, Hà Nam. Hà Đàn Giáp lại dời đô đến đất Tương, nay thuộc huyện An dương, Hà Nam. Tổ Ất lại dời đô đến đất Cảnh, nay thuộc huyện Hà Tân, Sơn Tây và sau đó, lại dời đô sang đất Hình, nay thuộc huyện Hình Đài, Hà Bắc. Và Bàn Canh là vua thứ mười bảy của nhà Thương đã dời đô đến đất Ân, nay thuộc huyện Yển sư, Hà Nam. Lại nữa, trong bài Chiếu, Lý Thái Tổ cũng đã đề cập đến ba lần dời đô của nhà Chu. Nhà Chu là tiếp nối nhà Thương, do Chu Văn Vương dựng nghiệp ở đất Kỳ, từ năm 1122 trước Tây Lịch, đến Chu Vũ Vương dời đô đến Trường An, hiện nay là Thiểm Tây, và Chu Thành Vương lại dời đô đến Lạc Ấp, nay là Hà Nam. Nhà Chu là tiếp nối nhà Thương, nhà Thương là tiếp nối nhà Hạ và nhà Hạ là do Hạ Vũ Vương dựng nghiệp từ năm 2205, trước Tây lịch. Trong bài Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã nói rõ việc dời đô của các vua ở trong ba thời đại ( Hạ, Thương, Chu) không phải tư ý mà là vì cái chung, tức là vì sự lợi ích lâu dài của đất nước và muôn dân.
Như vậy, qua bài Chiếu dời đô, chắc chắn ta biết rằng, Vua Lý Thái Tổ không những là am tường lịch sử nước ta mà còn giỏi lịch sử nước của người.
Và đọc Chiếu dời đô, ta thấy Vua không những giỏi về sử học mà còn giỏi về phong thuỷ học, và đã biết vận dụng phong thuỷ học vào con đường trị nước, an dân của chính mình. Và lại xúc động hơn, là cương vị của một vị Thiên Tử, Vua không tự cho mình là trên hết và độc quyền quyết định mà đã hỏi kiến ý của các thuộc cấp một cách chân tình và mang đầy tính dân chủ như sau: “Trẫm muốn nhân nơi sự thuận lợi của địa cuộc nầy, mà quyết định chỗ cư trú. Các khanh nghĩ thế nào?” Chính câu hỏi nầy của Vua khiến ta có cảm tưởng rằng, tính dân chủ ít ra cũng đã được thể hiện rất sớm trong lịch sử chính trị ở nước ta, mà muộn nhất là vào thời đại Triều Lý.
Theo các sử liệu, ta có thể biết rằng, sự nghiệp trí thức và sự nghiệp chính trị của vua Lý Thái Tổ phần nhiều là do Thiền Sư Vạn Hạnh tác thành ở chùa Lục Tổ ngay khi tuổi còn nhỏ. Theo Công Dư Tiệp Chí, thì Lý Công Uẩn là rất thông minh và tính hay đùa nghịch, nên đã có lần bị thầy phạt, trói bắt nằm dưới đất. Đêm khuya muỗi đốt ngủ không được, cậu bé ấy liền tức cảnh ngâm bài thơ rằng:
“Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiên,
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên.
Dạ thâm bất cảm trường thân túc,
Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên”.
Nghĩa là:
Trời làm chăn gối, đất là nệm,
Nhật nguyệt nhìn ta ngủ trước hiên.
Đêm khuya không dám dài chân duỗi,
Sợ đạp sơn hà xã tắc nghiêng.
Bài thơ ấy do cậu bé ấy làm hay ai làm ta không cần biết, nhưng bài thơ ấy do cậu bé tức cảnh mà ngâm lên, điều đó cũng chứng tỏ cho chúng ta biết rằng, cái hạo khí của bài thơ đã huân thành chủng tử và ý hướng của cậu. Đối với một cậu bé có những chủng tử đầy hạo khí như vậy, đã lọt vào con mắt của Thiền Sư Vạn Hạnh, khiến Ngài đem hết lòng giáo dục để tác thành, làm nên lịch sử sáng ngời cho quê hương đất nước.
Theo Thiền Uyển Tập Anh, Vạn Hạnh Thiền Sư họ Nguyễn, năm sinh không rõ, nhưng theo Lê Mạnh Thát – trong cuốn Lịch sử Phật giáo Việt nam, tập 2, tr 545, Nhà xuất bản T P Hồ Chí Minh, năm 2001 cho rằng, Ngài Vạn Hạnh có thể sinh vào năm 932 hay sau đó một thời gian. Và theo Thiền Uyển Tập Anh, Ngài người làng Cổ pháp, phủ Thiên Đức (hiện nay là làng Đại Đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh).
Thiếu thời, Ngài rất thông minh, giỏi thông ba học, nghiên cứu trăm luận, xem thường công danh, năm 21 tuổi xuất gia ở chùa Lục Tổ, cùng với Định Huệ thờ Thiền Ông làm thầy, ngoài việc hầu thầy, Ngài tinh tấn học tập quên cả mỏi mệt. Sau khi Thiền Ông mất, chuyên tu và thành đạt pháp Tổng trì tam ma địa, nên Ngài nói ra điều gì thì thiên hạ đều cho là phù sấm. Hoàng đế Lê Đại Hành hết lòng tôn kính Ngài. Ngài thuộc thế hệ thứ bảy, dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi của Chùa Pháp Vân. Ngài đã từng giúp cho Vua Lê Đại Hành trị nước an dân, nhưng khi thấy vua Lê Long Đỉnh không còn là minh quân và vận trị nước của triều Lê không còn, nên Thiền Sư Vạn Hạnh đã cùng với Đào Cam Mộc sắp xếp việc triều chính và đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua hiệu Lý Thái Tổ năm 1009.
Vào ngày rằm, tháng 5, năm Ất sửu, Thuận Thiên 16 ( 1025 ), ở chùa Lục Tổ, Ngài đã gọi đồ chúng đến dặn dò và nói bài kệ thị tịch như sau:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.
Nghĩa là:
Thân như ảnh, chớp có rồi không
Vạn vật xuân tươi, thu héo mồng
Quy luật thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như đầu cỏ sương hong.
Sau khi, Vạn Hạnh Thiền Sư đọc xong bài kệ thị tịch cho đồ chúng nghe, Ngài còn nói thêm:” Ngã bất dĩ sở trú nhi trú, bất y vô trú nhi trú”. Nghĩa là tôi an trú vào chỗ không an trú, an trú vào chỗ mà ý niệm vô trú không thể tựa vào. Nói xong, Ngài liền xả thân.
Đọc thi kệ và lời dặn cuối cùng của Thiền Sư Vạn Hạnh, ta thấy rõ cách nhìn về nhân sinh và vũ trụ của Ngài đã phản ảnh hết sức trung thực theo tinh thần của kinh Kim Cang Bát Nhã.
Chẳng hạn, câu “ Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”, Ngài đã sử dụng biểu tượng “điện và ảnh” để diễn tả tính chất vừa hư ảo bất thực, vừa tạm bợ nhanh chóng của thân phận con người mà bài kệ trong kinh Kim Cang Bát Nhã, Đức Phật đã diễn tả tính chất bất thực và hư ảo ấy của các pháp do duyên khởi hay các pháp hữu vi như sau:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán.”
Nghĩa là:
Hết thảy pháp tương tác duyên khởi,
Như mộng, huyễn, bọt nước, ảo ảnh,
Như sương và cũng như điện chớp,
Hãy thường quán chiếu như vậy.
Thân phận của con người, thân phận của mọi loài, thân phận của cỏ, cây, hoa, lá và ngay cả thân phận của mặt trời, mặt trăng, trái đất, núi rừng và biển cả, nếu đối với không gian vô cùng, thì chúng chỉ là những hạt bụi, những bọt nước, hạt sương; nếu đối với thời gian vô tận, thì chúng chỉ là những ráng nắng hay chỉ là những ánh chớp và nếu đối với thực tại vô ngã, thì chúng chỉ là mộng, là huyễn, là ảo ảnh, hoàn toàn không có ngã tính, không có tự thể thực hữu. Chúng có đó rồi không đó, chúng không đó rồi có đó, đó là cái có, cái không của quy luật nhân duyên, nhân quả vận hành. Và ngay ở nơi có mà không và ngay ở nơi không mà có, đó là cái có và cái không thuộc về quán chiếu Bát Nhã mà Thiền Sư Vạn Hạnh cả một đời thường sống và thường chiêm nghiệm, rồi đúc kết và trao truyền lại cho tất cả chúng ta.
Câu hai: “ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”, đây là cách nhìn xuyên suốt về quy luật sinh diệt, thăng trầm, tán tụ của mọi sự hiện hữu. Không có sự sinh ra nào mà không có sự hủy diệt kèm theo, không có sự đi lên nào mà không kèm theo sự đi xuống, không có sự vinh quang nào mà không kèm theo sự tủi nhục và không có sự xanh tươi nào mà không kèm theo sự úa tàn.
Đây là quy luật hết sức tự nhiên của các pháp hữu vi, nhưng quy luật nầy trở thành khắt khe và cay nghiệt đối với những ai chưa từng sống mà chỉ chuẩn bị và săn đuổi sự sống và nó lại càng cay nghiệt hơn đối với những ai đang bám víu vào những gì mà mình đã có, đang có như thân thể, cảm giác, tri giác, hay nỗ lực bám víu vào tiền tài, sắc đẹp, danh vọng… Nhưng quy luật nầy đối với Vạn Hanh Thiền Sư, chúng chẳng có gì khắc nghiệt, chúng chẳng có gì để đáng sợ hãi cả. Và điều nầy ta sẽ thấy Ngài Vạn Hạnh đã nhấn mạnh hay biểu lộ phong thái ung dung, tự tại của mình qua hai câu cuối:
“Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.
Nhậm vận, trong Toàn Việt Thi Lục và Hoàng Việt Thi Tập là “dụng vận”. Trong Việt Sử Tiêu Án là “ Tuỳ vận”. Nhậm vận là vận hành theo quy luật tự nhiên; Tùy vận là theo sự vận hành của quy luật và dụng vận là ứng dụng sự vận hành theo quy luật. Hai câu nầy, Ngài Vạn Hạnh đã nói rõ sự chứng nghiệm tâm linh và phong cách ứng xử của mình đối với mọi hoàn cảnh, hay mọi tình huống xảy ra cho bản thân và xã hội.
Đối với bản thân sống và chết là quy luật, là lẽ đương nhiên, nên chẳng có gì để ngạc nhiên đối với cái sống và cái chết, dù là chết trong lúc tuổi đang lên hay là chết trong lúc tuổi đã già. Lại nữa, sự mong manh của cuộc sống đời người, không phải là đến khi già nua, mà ngay ở nơi lứa tuổi cường tráng cũng mong manh như những giọt sương hong ở đầu ngọn cỏ vậy. Sự mong manh của cái thịnh hay cái suy, của cái sống hay cái chết, chúng không những không làm cho ta ngạc nhiên, không những không làm cho ta sợ hãi mà còn làm cho ta thanh thản trong khi sống và trong khi chết, trong khi lên và trong khi xuống, trong khi đến và trong khi đi, trong khi tụ và trong khi tán nữa.
Đối với xã hội cũng vậy, cái đi sau là tiếp nối của cái đi trước và có thể làm cho xã hội phát triển và cực thịnh, nhưng đồng thời cái đi sau cũng có khi không có khả năng tiếp nối và phát triển cái đi trước, mà còn làm cho cái đi trước lụn bại suy tàn, cụ thể là Lê Long Đỉnh đã không tiếp nối được sự nghiệp của Vua Lê Đại Hành mà đã làm cho triều Lê lụn bại và cáo chung để mở màn cho một Triều đại Nhà Lý.
Thật vậy, sự suy bại của một triều đại, hay sự thay ngôi đổi chủ của một chính phủ, còn nhanh hơn là sự chuyển dịch của một đời người. Nên, Ngài Vạn Hạnh đã cảnh báo cho Lý Thái Tổ hay bất cứ những ai đang nắm quyền lực trong xã hội rằng, không những cái suy của một đời người, hay của một triều đại, chóng tan biến như những hạt sương đầu ngọn cỏ mà cái thịnh của đời người hay cái thịnh của một triều đại, cũng dễ tan biến một cách nhanh chóng như vậy không khác.
Do đó, Ngài Vạn Hạnh muốn nói cho tất cả chúng ta biết rằng, chính cái thịnh hay cái suy của con người hay của xã hội, cả hai đều không có tự tính, chúng thịnh hay suy đều lệ thuộc vào quy luật hợp ly của nhân duyên, và nếu ta nắm được quy luật nầy, thì ta có thể tự chủ được cuộc sống, thăng hoa được bản thân, và nếu ta là người nắm quyền lực của xã hội, thì ta có thể xây dựng và phát triển đất nước, đem lại sự giàu đẹp và văn minh cho xã hội mà chẳng có gì để lo lắng và sợ hãi cả.
Bằng vào sự giác ngộ và nắm vững quy luật là: “vạn pháp đều không có tự thể thực hữu và ly hợp là tùy thuộc vào nhân duyên”. Ngài Vạn Hạnh lại nói:” Tôi an trú vào chỗ không an trú, an trú vào chỗ mà ý niệm vô trú không thể tựa vào”. Do nắm vững quy luật nầy, nên Ngài đã tự do hành đạo, sử dụng mọi phương tiện mà không hề bị bất cứ phương tiện nào trói buộc. Ngài đã sử dụng thiên văn, địa lý, sấm vỹ và ngay cả việc sắp xếp triều chính, nhưng Ngài vẫn vô trú đối với những cái đó. Phải chăng, Ngài Vạn Hạnh đã chứng nghiệm và ứng dụng giáo lý vô trú của kinh Kim Cang Bát Nhã trong mọi hành động cứu nước giúp dân, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh của mình một cách triệt để.
Làm lợi ích cho tất cả chúng sanh mà vô trú, nghĩa là không những chỉ vô trú ở nơi những phương tiện của hành động mà còn vô trú ở nơi ý hướng hay mục tiêu của hành động nữa. Tích cực hành động mà vô trú, tinh thần nầy Đức Phật đã dạy cho Tôn giả Tu Bồ Đề ở trong Kinh Kim Cang Bát Nhã như sau: “ Phật bảo, nầy Tu Bồ Đề! Các Đại bồ tát, nên hàng phục tâm mình như thế nầy: Nếu có bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh ra từ trứng, từ thai, từ ẩm thấp, từ biến hóa; hoặc loài có hình sắc, hoặc loài không có hình sắc, hoặc loài có tri giác, hoặc loài không có tri giác, hoặc loài không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta hướng dẫn cho họ đều đi vào giải thoát ở trong Niết Bàn tuyệt đối. Làm cho vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh giải thoát như vậy, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát cả. Vì sao? Nầy Tu bồ đề! Vì nếu một vị Bồ tát mà còn có những vọng tưởng về một bản ngã, về một con người, về một chúng sinh và về một sinh mệnh thì không còn là vị Bồ tát chơn thực.
Lại nữa, nầy Tu Bồ Đề! Bồ tát thực hành bố thí không nên vướng mắc với bất cứ một thứ gì, nghĩa là không vướng mắc với sắc tướng, mà cũng không vướng mắc ở nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc giác và ấn tượng để bố thí, Bồ tát hãy bố thí mà không vướng mắc ở nơi hình tướng vọng tưởng như thế. Vì sao? Vì Bồ tát bố thí không vướng mắc bởi hình tướng vọng tưởng, thì phước đức của họ không thể nào nghĩ và lường được”( Trích dịch dựa theo bản của Ngài La Thập, trang 749, Đại 8, và có đối chiếu Phạn văn).
Với tinh thần hành động một cách triệt để mà tâm vô trú của kinh Kim Cang Bát Nhã, khiến cho chàng trai tiều phu của xứ Rợ hồ năm xưa ấy, đứng dậy, ứng đáp một cách sắc bén, chớp nhoáng và ngang tàng, chẳng có gì sợ hãi trước Ngũ Tổ giữa cõi tâm tông vô trước rằng: “Phật tính vốn bình đẳng không có Nam Bắc”, khiến cho Ngũ Tổ quát tháo và mỉm cười, rồi sau đó ấn chứng cho chàng trai tiều phu ấy trở thành Lục Tổ Huệ Năng.
Đến thế kỷ thứ mười, Vạn Hạnh Thiền Sư đã tu tập tại chùa Lục Tổ, ở làng Dịch bảng, phủ Thiên Đức của Việt Nam lúc bấy giờ, và sự nghiệp trí thức cũng như sự nghiệp đức hạnh của Vua Lý Thái Tổ cũng đã được Vạn Hạnh Thiền sư giáo dục và tác thành ngay ở nơi ngôi chùa nầy.
Bởi vậy, không những triết lý hành động của Vạn Hạnh Thiền Sư chuyển tải tinh thần của kinh Kim Cang Bát Nhã, là hành động một cách triệt để mà vô trú, mà ngay cả triết lý và hành động của Vua Lý Thái Tổ cũng chuyển tải tinh thần ấy.
Bằng tinh thần hành động triệt để mà vô trú của kinh Kim Cang Bát Nhã, nên Vạn Hạnh Thiền Sư đã sử dụng tất cả mọi phương tiện để có thể dựng đạo giúp đời, và Vua Lý Thái Tổ cũng bằng tinh thần ấy, để lãnh đạo quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước, đem lại hạnh phúc cho muôn dân.

Năm 1018, vua Lý Thái Tổ đã cử Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tống để thỉnh Đại Tạng kinh, đến năm 1020 thì Đại Tạng kinh mới đưa về Thăng Long
Năm 1023 vua sai người sao chép thêm một bản Đại Tạng kinh nữa và đến 1027 lại tiếp tục sao chép thêm một bản Đại Tạng kinh nữa.
Năm 1034 vua Tống lại tặng cho triều đình Thăng Long một bộ Đại Tạng kinh nữa, và năm 1036 vua Lý Thái Tông lại cho sao chép thêm một bản Đại Tạng kinh nữa.
Như vậy, vào thời vua Lý Thái tông tại đất nước Việt Nam chúng ta đã có ít nhất là sáu bộ Đại Tạng kinh, trong đó có một bộ do vua Lê thỉnh từ Tống và năm bộ còn lại do Triều đình Nhà lý thỉnh hoặc sao chép.
Do đó, vào thời điểm này việc nhu cầu học hỏi kinh điển của mọi thành phần xã hội rất lớn, và lẽ đương nhiên là các dịch bản Bát Nhã và Bát Nhã Tâm Kinh của các ngài Cưu Ma La Thập, Huyền Tráng… đã được phổ biến rộng rãi trong giới Tăng Ni, Phật tử cũng như các giới quyền qúy và giới nguyên cứu học thuật và nó đã được các giới này chiêm nghiệm và ứng dụng vào đời sống.
Ta có thể thấy được sự hỏi chiêm nghiệm nầy qua Hoàng đế Lý Thái Tông. Sự kiện được ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh như sau: "Bấy giờ Hoàng đế Lý Thái Tông thường tham vấn thiền chỉ với Thiền Lão ở núi Thiên Phúc. Kim chùy vừa giáng thì óc liền thông. Nhưng lúc rãnh rỗi việc nước, vua lấy thiền duyệt làm vui, nhân cùng các bậc kỳ túc khắp nơi giảng cứu các chỗ dị đồng. Vua trước bảo "Trẫm nghĩ đến nguồn tâm của Phật Tổ, từ xưa thánh hiền chưa khỏi bị chê bai, huống là người hậu học. Nay, Trẫm muốn cùng các đại đức, sơ tỏ ý mình, mỗi vị thuật một bài kệ để xem chỗ dụng tâm ra sao". Tất cả đều chắp tay đồng ý. Mọi người đang tìm ý, Vua đã làm xong bài kệ:
"Bát Nhã chân vô tông,
Nhân không ngã diệc không.
Quá hiện vị lai phật,
Pháp tánh bản lai đồng".
Nghĩa là:
Bát Nhã thật vô tông,
Người không, ta cũng không.
Phật trước, nay, sau nữa
Pháp tánh bản lai đồng.
Mọi người đều phục Vua có tài ứng đối lanh lẹ.
Và đọc Thiền Uyển Tập Anh, ta cũng thấy tư tưởng Không của Bát Nhã cũng đã ảnh hưởng sâu sắc với Thiền sư Định Hương.
Thiền sư Định Hương ở chùa Cảm Ứng, Ba Sơn, phủ Thiên Đức, họ Lã, người Châu Minh. Gia thế tu tịnh hạnh. Thời trẻ đến chùa Kiến Sơ tham học với Thiền sư Đa Bảo.
Sau khi ngộ đạo, đáp ứng lời mời của đô trưởng thành hoàng sứ Nguyễn Tuân về trú trì chùa Cảm ứng, tiếp Tăng độ chúng rất đông. Đến ngày 03 tháng 03 năm Canh Dần (1050) triều Lý Thái Tông, sư bệnh, gọi đồ chúng đến từ biệt và đọc bài kệ:
"Bản lai vô xứ sở
Xứ sở thị chân tông.
Chân tông như thị huyễn,
Huyễn hữu tức Không Không".
Nghĩa là:
Xưa nay không xứ sở,
Xứ sở là chân tông.
Chân tông huyễn như vậy,
Huyễn hữu là Không Không.
Trong bài kệ Thị Tịch, Thiền sư Định Hương đã nói đến Không Không, như là sự giác ngộ tối hậu của mình, khi chiêm nghiệm về các pháp hữu vi hư huyễn.
Không Không là một trong hai mươi nghĩa không của bộ Đại Bát Nhã do ngài Huyền Tráng dịch vào đời Đường.1
Không Không nghĩa là tánh không ở nơi cái Không. Tự tánh các pháp là Không đã đành mà tự tánh của cái Không cũng là không và cái ý niệm về không, cái ý niệm ấy cũng không có tự thể thực hữu, chúng chỉ là huyễn hữu, nên gọi là Không Không.
Lại nữa, tất cả các pháp đều là Không, ý niệm về cái Không ấy cũng không nốt, vì thế mà gọi là Không Không.
Lại nữa, hữu cũng Không, vô cũng Không, thị cũng Không, phi cũng Không, phi thị cũng đều Không, vì thế mà gọi là Không Không.
Kinh Đại Bát Niết Bàn nói rằng: Không Không, nó không đồng với sự chứng đắc về Không Không Tam muội của các hàng thánh giả Thanh Văn.
Bồ Tát tu tập về ý nghĩa của Không là như vậy, nên gọi là Không Không.2
Lại nữa, Trí Độ Luận giải thích, thế nào là Không Không. Tất cả mọi vật đều không, cái không ấy cũng Không, nên gọi là Không Không. Lại nữa, đem Không mà phá vỡ nội Không, ngoại Không, nội ngoại Không, phá vỡ cả ba Không đó, gọi là Không Không.3
Lại nữa, đọc Thiền Uyển Tập Anh, ta lại thấy, Tăng Thống Huệ Sinh (?-1064), đã đáp ứng lời mời của vua Lý Thái Tông vào trai tăng ở Đại Nội. Trong dịp này vua nói với Tăng Thống Huệ Sinh rằng:
Trẫm nghĩ nguồn tâm của Phật Tổ, người học chớ nên chỉ trích nhau, xin cùng thạc đức các phương, mỗi vị bày tỏ điều hiểu biết của mình, để xem chỗ dụng tâm của qúy vị ra sao? Tăng Thống Huệ Sinh liền đáp ứng bằng bài kệ:
"Pháp bổn vô như pháp
Phi hữu diệc phi không
Nhược nhơn tri thử pháp,
Chúng sanh dự Phật đồng.
Tịch tịch lăng già nguyệt,
Không không độ hải chu.
Tri không không giác hữu,
Tam muội nhậm thông chu”.4
Nghĩa là:
Pháp vốn như không pháp,
Không có cũng không không.
Nếu người biết pháp này,
Chúng sanh cùng Phật đồng.
Trăng lăng già lặng lặng,
Thuyền vượt biển không không.
Biết không không,biết có
Thiền định tự viên dung.
Tư tưởng Không Không mà Tăng Thống Huệ Sinh nói cho vua Lý Thái Tông, đó là Tánh Không mà Bát Nhã Tâm Kinh hiển thị rằng: "Trong Tánh Không ấy, không có Sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có Nhãn giới cho đến không có Ý thức giới; không có Vô minh cho đến không có cái hết Vô minh; không có Lão tử và không có cái hết Lão tử; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không có trí, không có đắc, vì không có cái để đắc".
Hay là nói theo cách của Đại Trí Độ Luận: Không Không, nghĩa là hữu cũng không, vô cũng không, thị cũng không, phi cũng không, phi thị cũng đều không.5
Từ Không - Không của Tăng Thống Huệ Sinh, ta đi tới tư tưởng Sắc không của Thái Hậu Ỷ Lan.
Thái Hậu Ỷ Lan là hoàng hậu của vua Lý Thánh Tông đã từng Nhiếp chính trong thời gian vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1069 và là Thái Hậu của vua Lý Nhân Tông.
Thái Hậu đã từng hỏi thiền sư Thông Biện về ý nghĩa Phật, Tổ và lịch sử phát triển Phật giáo. Thái Hậu Ỷ Lan rất nhân từ đức hạnh, người đời bấy giờ xưng tụng là Quan Âm nữ, nghĩa là người con gái của Bồ Tát Quán Thếâ Âm.
Thái Hậu Ỷ Lan thường mời Quốc Sư Thông Biện vào cung để tham vấn yếu chỉ của thiền và đã hiểu sâu được yếu chỉ, nên Thái Hậu có làm bài kệ ngộ đạo có ghi lại trong Thiền Uyển Tập Anh, trang 21 như sau:
"Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không câu bất quản,
Phương đắc khế chơn tông".
Nghĩa là:
Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không.
Sắc không đều chẳng quản,
Mới được hợp chơn tông.
Tư tưởng Sắc không là một trong những tư tưởng chủ yếu của Bát Nhã Tâm Kinh.
Tư tưởng nầy, trong Tâm Kinh Bát Nhã của Phạn được diễn tả như sau:
“Iha ‘Sàriputra rùpamï ‘sùnyatà ‘sùnyataiva rùpamï, rùpàn na prïthak ‘sùnyatà ‘sùnyatà: yà na prïthag rùpamï, yad rùpamï sà ‘sùnyatà, yà ‘sùnyatà tad rùpamï; evamï eva vedanyà- Samïjnõà-samïskàrà-vijnõànamï”.
Nghĩa là:
“Nầy Xá Lợi Tử! Sắc là tánh Không, chính tánh Không là sắc. Sắc chẳng khác tánh Không, tánh Không chẳng khác sắc. Sắc ấy chính là tánh Không, tánh Không ấy chính là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức đều cũng như vậy.”
Và đoạn kinh này trong Bát Nhã Tâm Kinh dịch bản Hán của ngài Huyền Tráng là:
“Xá Lợi Tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc; sắc tức thị Không, Không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”.6
Nghĩa là:
“Nầy Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì sắc, sắc chính là Không, Không chính là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.”
Kinh nói:
"Sắc chẳng khác Không,
Không chẳng khác Sắc".
Là xác định Sắc và Không là hai pháp riêng biệt, nhưng chúng lại thống hợp với nhau không hề tách rời và luôn luôn có mặt trong nhau.
Như vậy, Sắc có mặt ở đâu, thì Không có mặt ở đó; Không có mặt ở đâu, thì Sắc có mặt ở đó. Chúng tương nhập vào nhau và bất nhị.
Lại nữa, Kinh nói:
"Sắc tức là Không,
Không tức là Sắc".
Hai chữ "tức là" của Kinh xác định rằng: Sắc và Không, không phải là hai. Chúng chỉ là một. Cái này chính là cái kia và cái kia chính là cái này.
Như vậy, trong bài kệ ngộ đạo của Ỷ Lan Thái Hậu, hai câu đầu là nêu rõ sự trực nhận chân lý bản nhiên và hai câu sau là phong thái sống và hành động sau khi đã giác ngộ.
Và như vậy, qua những thi kệ ngộ đạo của vua Lý Thái Tông, Thiền sư Định Hương, Tăng Thống Huệ Sinh và Thái Hậu Ỷ Lan, ta cũng còn có Thiền sư Viên Chiếu (999- 1090 ) với thi kệ:
"Thân như tường bích dĩ đồi thời
Cử thế hốt hốt thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di".7
Nghĩa là:
Thân như tường vách khi xiêu đổ,
Vũ trụ thoáng chốc quen chẳng buồn.
Nếu đạt tâm Không, vô tướng sắc,
Sắc Không ẩn hiện tự chuyển luân.
Thiền sư Đạo Huệ ( ?- 1172), thời vua Lý Anh Tông, có thi kệ Thị Tịch nói về sắc thân và diệu thể (tánh không) như sau:
"Địa thủy hỏa phong thức,
Nguyên lai nhất thiết không.
Như vân hoàn tụ tán,
Phật nhật chiếu vô cùng".
Hựu vân:
"Sắc thân dự diệu thể,
Bất hiệp bất phân ly.
Nhược nhân yếu chân biệt,
Lô trung hoa nhất chi".8
Nghĩa là:
Đất, nước, gió, lửa, thức,
Nguyên lai hết thảy Không.
Như mây tan rồi tụ,
Trời Phật chiếu vô cùng.
Lại nói:
Sắc thân cùng diệu thể,
Chẳng hợp, chẳng lìa xa.
Nếu ai cần biết rõ,
Trong lò một cành hoa.
Và thiền sư Minh Trí (?- 1196), học trò của ngài Đạo Huệ, thông minh, hiểu rõ tông chỉ của kinh Viên Giác, Nhân Vương, Pháp Hoa và sách Truyền Đăng, dạy dỗ đồ chúng không biết mỏi mệt, Ngài đã diễn tả tư tưởng Sắc Không qua một dạng không ảnh mà cũng không hình, sắc thân chính là cái không ảnh, không hình ấy, qua bài kệ Thị Tịch như sau:
"Tùng phong thủy nguyệt minh,
Vô ảnh diệc vô hình
Sắc thân giá cá thị
Không không tầm hưởng thinh"9
Nghĩa là:
"Gió tùng trăng nước tỏ
Không ảnh cũng không hình
Sắc thân là cái đó
Không- Không tiếng vọng tìm"
Như vậy, ta thấy tư tưởng Không của Bát Nhã đã phát triển sâu rộng trong đời sống đạo, chiêm nghiệm đạo và chứng đạo của các thiền sư đời Lý và ngay cả hàng vua chúa như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tôn, Lý Nhân Tông và Thái Hậu Ỷ Lan.
Và qua sự diễn đạt ngộ đạo về Không, nhất là tư tưởng Sắc không, bản dịch Bát Nhã Tâm Kinh của ngài Huyền Tráng đã được các Thiền sư, cư sĩ, Phật tử đời Lý đọc tụng và hành trì một cách có hiệu quả trong đời sống đạo của chính họ và đã ảnh hưởng đến những sinh hoạt nhất định của xã hội.
Đối với bản thân, tư tưởng Bát Nhã đã giúp cho họ thấy rõ Sắc là Không, Không là Sắc, như vậy họ nhận ra được sự thật đó, là họ không còn sợ hãi trước cái lẽ sống chết, còn mất, thăng trầm của con người hay của xã hội và cuộc đời.
Và đối với xã hội, thì tư tưởng Sắc - Không, của Bát Nhã đã giúp cho họ thấy được sự liên hệ giữa mình và người, giữa mình và mọi vật, do đó họ không còn cảm giác cô đơn trong cuộc sống, hay quá tham đắm vào cuộc sống, đồng thời cũng giúp cho họ thấy rằng, mình gây thiệt hại cho kẻ khác, cho xã hội cũng chính là mình đang gây thiệt hại cho chính mình. Bởi vì, Bát Nhã Tâm Kinh đã dạy: "Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc."
Do đó, do đạt được lý Sắc - Không của Bát Nhã mà Tăng ni, phật tử đời Lý sống có tâm hồn phóng khoáng hài hòa, và đoàn kết để xây dựng và phát triển đạo đời một cách tốt đẹp.
Trong các Thiền sư, Vua chúa và Phật tử đời Lý có nhiều thi kệ nói về Lý tánh Bát nhã, nhưng ta chưa tìm ra được một bản kinh nào thuộc về Văn tự bát nhã, do các ngài chú giải hay dịch thuật cả, điều nầy chắc chắn có nhiều lý do, mà ta cần chiêm nghiệm và nghiên cứu, để có thể thấy rõ được vấn đề.
Tuy nhiên, vào thời Lý, đất nước ta đã có ít nhất là đến sáu bộ Đại Tạng Kinh được lưu hành, chắc chắn trong đó, các dịch bản kinh Bát Nhã như: Phóng Quang Bát Nhã, do Ngài Vô La Xoa dịch, vào thời Tây Tấn; Quang Tán, do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch, vào thời Tây Tấn; Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật, Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, Bát Nhã Tâm Kinh, do Ngài Cưu Ma La Thập dịch, vào thời Diêu Tần; Đạo Hành Bát Nhã, do Ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch, vào thời Hậu Hán; Đại Minh Độ Kinh, do Ngài Chi Khiêm dịch, vào thời Ngô; Ma Ha Bát Nhã Sao Kinh, do Đàm Ma Ty Cộng Trúc Phật Niệm dịch, vào thời Tiền Tần; Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, 600 cuốn, do Ngài Huyền Tráng dịch, vào đời Đường và rất nhiều kinh thuộc văn hệ Bát Nhã đã được các vị Pháp Sư khác, dịch từ Phạn sang Hán vào thời Tống và trước Tống, chắc chắn các dịch bản nầy cũng đã được lưu hành tại Việt Nam vào thời Lý, làm nền tảng cho sự học tập, nghiên cứu, ứng xử và chứng ngộ cho Tăng ni phật tử bấy giờ, và nó là chất xúc tác, tạo nên sinh lực làm hưng vượng nền văn minh, văn hóa vàng son của dân tộc Việt Nam vào thời đại Nhà Lý.
Trong lịch sử, đất nước Việt Nam đã bao nhiêu lần thay ngôi đổi chủ, và chủ mới thì luôn luôn tìm cách xóa đi những tư tưởng và dấu tích của chủ cũ, rồi viết lại những trang sử với tư ý tô điểm cho thời đại của mình. Mặc dù, nó được gọi là chính sử, nhưng cũng khiến cho những thế hệ về sau, nếu không có thông minh, thật khó lòng nhận ra đâu là chân sử. Và khắc nghiệt hơn nữa, đất nước Việt Nam đã bao lần bị ngoại bang xâm lăng, Nhà Minh muốn thống trị dân tộc Việt Nam theo kinh viện Tống Nho, đã đốt hoặc chở hết kinh sách do người Việt nghiên cứu, viết lách, dịch thuật hoặc sáng tác về Kim Lăng nhằm cắt đứt sự tiếp xúc và tiếp nối của người Việt đối với cội nguồn văn hóa của họ. Lại nữa, dân tộc Việt Nam hết lệ thuộc Minh lại lệ thuộc Pháp, khiến cho nhiều chùa tháp, kinh sách bị phá hủy, mà cụ thể là Bảo Tháp và chùa Báo Thiên là một trong những công trình kiến trúc vỹ đại, mang tính văn hóa tự chủ và độc lập của dân tộc Việt Nam đời Lý, đã bị phá bỏ vào thời Pháp thuộc, và người Pháp muốn áp đặt Thánh kinh lên dân tộc Việt Nam, nhằm xóa đi những truyền thống tín ngưỡng tâm linh, văn hóa cao đẹp của người Việt vốn đã có mấy ngàn năm.
Lại nữa, hết lệ thuộc Pháp, dân tộc Việt Nam lại rơi vào lệ thuộc ý thức hệ, nên truyền thống tâm linh và văn hóa Việt Nam, lại một lần nữa bị đánh xóa. Do quá nhiều lần truyền thống tâm linh và văn hóa Việt Nam bị đánh xóa, nên rất nhiều người Việt Nam hiện nay, họ không còn biết gốc rễ tâm linh và văn hóa của họ là gì, họ không còn có khả năng đọc và hiểu một cách tường tận về gia phả trong dòng họ của họ, nên việc yêu dân tộc và yêu văn hóa Việt Nam của họ, chẳng khác nào những người mù nguyên thủy mà yêu ánh sáng vậy. Và cũng do nhiều lần truyền thống tâm linh và văn hóa Việt Nam bị ngoại bang đánh xóa một cách tinh vi, khiến cho nhiều người phá hoại truyền thống, phá hoại dân tộc mà tưởng rằng, mình là người đang xây dựng và yêu dân tộc.
Bởi vậy, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần bị đánh phá, không những chỉ là những thế lực của ngoại bang, mà còn ngay ở nơi tự thân của mỗi thời đại khi nắm giữ quyền hành, điều đó đã khiến cho nền văn hóa Việt Nam không còn mang chất liệu xuyên suốt, và cũng chính điều đó đã khiến cho những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam nếu không thông minh khó mà có được một sự nhận định chính xác.
Do đó, những gì chúng tôi có thể giới thiệu và chia sẻ được với các độc giả trong phạm vi của bài nầy cũng chỉ là hết sức khiêm tốn.

T.T.H.





1 Huyền Tráng- Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 5, Đại Tạng Tân Tu 5, trang 23.
2 Đại Bát Niết Bàn kinh 16- trang 461, Đại Tạng Tân Tu 12
3 Đại Trí Độ Luận 31, tr 287, Đại Tạng Tân Tu 25
4 Thiền Uyển Tập Anh, tr 57, bản trùng khắc triều Lê, tháng 4, năm Vĩnh Thạnh thứ 11. Khắc chữ "địch" = Địch, nghĩa là tiến lên mở đường, đạo phải, lấy dùng. Nhưng, thầy Lê Mạnh Thát LSPGVN III,tr 247, nxb T.p Hồ Chí Minh 2002, đã phiên âm là chu ( ). Mà chu mới đúng âm vận và ý nghĩa của thi kệ nầy. Có lẽ người khắc bản in đã khắc nhầm chữ “chu” thành chữ “địch” . Do đó, tôi đã sử dụng cách phiên âm của thầy Lê Mạnh Thát và dịch "thông chu" là viên dung.
5 Đại Trí Độ Luận 33, trang 287, Đại Tạng Tân Tu 25.
6 Huyền Tráng- Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tr 848, Đại Tạng Tân Tu 8.
7 Thiền Uyển Tập Anh, tờ 11, bản trùng khắc triều Lê, tháng 4, năm Vĩnh Thạnh thứ 11, bài kệ thị tịch của Thiền sư Viên Chiếu câu thứ ba khắc thiếu chữ “tướng” ở cuối câu.
8 Thiền Uyển Tập Anh, trang 24 a.
9 Thiền Uyển Tập Anh, trang 27 a.

SÁNG NAY

BƯỚC CHÂN EM!


Sáng nay,
Trong từng bước chân thiền hành,
Em có thấy gì không em nhỉ!
Trời cao bay thấp
Trời chạm đầu em,
Từng thiên thể đưa bước chân em đi về lẽ phải.
Chạm xuống đất sâu,
Côn trùng và cây cỏ đứng dậy hát ca,
Và thăng hoa em từ chân trái nhiệm mầu!

Sáng nay
Trời bỗng xuống thấp
Đất chợt lên cao,
Ngàn vạn ngôi sao định hướng em về,
Với từng bước chân đi
Trong nhiệm thể.

Sáng nay
em không là một mình
Và em chưa bao giờ chật hẹp.
Trên em có trời
Dưới em có đất
Sau lưng em dòng tâm linh - huyết thống chảy dài,…
Chung quanh em,
là cỏ, là hoa, là chim hót, suối reo,
là nắng, là sương trong từng giọt mặt trời,…
Và trước mắt em là gió, là mây,
là trăng sao lấp lánh,…
là máu tim của thế hệ tương lai,…

Em hãy đi từng bước chân,
như đất trời chuyển động,
trong nhịp sống diệu kỳ
Em hãy thở và cười với những niềm tin bất động,
để em là tất cả và bước chân em
là thực tại nhiệm mầu!

Tuệ Nguyên

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang