Home
PHÁP THOẠI
NGHIÊN CỨU
PHẬT HỌC
THIỀN HỌC
VĂN HOÁ
LUẬT HỌC
TĂNG GIÀ
TUỔI TRẺ
CHUYÊN ĐỀ
HOẰNG PHÁP
THUVIENCOPHAP.org | Hôm nay:
Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010
HỮU ÍCH CỦA MỘT THIỀN ÁN
THÍCH THÁI HÒA
Trong thiền học ta co công án: "Đầu lọt, bụng lọt, đuôi không lọt".
Thiền án ấy thật phi lý đối với những chiêm nghiệm vật lý.
Có sự hiện hữu nào thuận về vật lý mà cái đuôi to hơn cái đầu và cái bụng không nhĩ?
Không. Một trăm phần trăm là không. Vì là không một trăm phần trăm, nên công án ấy trở thành công án miên mật và sống chết của thiền giả.
Nhưng thiền án ấy, ta chiêm nghiệm từ phía tâm học, thì nó không phải là phi lý mà chân lý đối với tất cả chúng ta.
Ta khởi lên một ý niệm tốt, nhưng ý niệm ấy, ta khó mà duy trì từ khi phát sinh cho đến tận giai đoạn cuối cùng.
Như vậy, ngay cả một ý niệm tốt khởi lên ở tâm thức ta, nó có thể tồn tại ở khoảnh khắc đầu, mà không tồn tại ở khoảnh khắc thứ hai và nó có thể tồn tại đến khoảnh khắc thứ hai, nhưng không thể kéo dài và tồn tại đến khoảnh khắc thứ ba, và lại tiếp tục sau đó hay cả một đời người.
Nên, ngay trong một ý niệm thiện của ta khởi lên từ tâm thức, mà nó có khi đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt, huống chi là sự hành xử của ta xuyên suốt một đời người!
Ta ngồi vào một bữa ăn hay một bữa tiệc, bước đầu ta ăn uống rất từ tốn, sau đó thì còn từ tốn nữa, ta bị điều khiển bởi bản năng ăn, nên ta ăn uống không còn dễ thương và đẹp như buổi ban đầu.
Như vậy, ngay trong bữa ăn, ta bị rơi vào tình trạng: "Đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt".
Ở mặt tình cảm vợ chồng, thân hữu cũng vậy. Bước đầu ta quen nhau, ta thương nhau và quý nhau, nhưng sống gần bên nhau, thấy rõ những nhược điểm của nhau, khiến cho tình cảm của ta không còn như thuở ban đầu ấy và những đối xử của ta với nhau không còn dễ thương như ngày ấy nữa.
Như vậy, đầu và bụng tình cảm của ta đối xử với nhau lọt, mà cái đuôi tình cảm của ta không lọt.
Ở mặt con người chúng ta cũng vậy. Ở tuổi trẻ ta ham học và vô tư, đến tuổi trưởng thành ta có nhiều hạo khí, nghĩa hiệp, thấy việc phải thì làm mà không tính toán, ghét những kẻ so đo, tính toán và bạc nhược; ta sống vì người quên mình, vì nước quên thân, nhưng khi tuổi già hạo khí ẩn mất, nghĩa hiệp không còn, quên hết mọi người mà chỉ thích con cháu, quên hết danh dự và quyền lợi quốc gia, chỉ còn nghĩ tới những quyền lợi lặt vặt cho mình, đó là con người của ta: "Đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt".
Ở mặt xã hội cũng vậy, ta đưa ra một học thuyết, một chủ nghĩa, một chính sách, một chủ trương mà ngày hôm nay làm theo thì tốt, ngày mai làm theo là xấu; ngày hôm qua làm là đúng, mà ngày nay làm là sai. Và lại nữa, cái đúng của ngày hôm qua không còn là cái đúng của ngày hôm nay và ngày mai.
Như vậy, ở mặt xã hội đã rơi vào tình trạng: "Đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt".
Do đó, trong đời sống ta phải sống như thế nào, để đời sống của ta có tiền vận tốt, trung vận tốt, hậu vận tốt, và nếu không được cả ba thời vận đều tốt, thì ít nhất là hai: tiền vận xấu, trung vận xấu, mà hậu vận tốt, chứ đừng bao giờ để xẩy ra tình trạng: "Tiền vận và trung vận tốt, nhưng hậu vận xấu".
Ta sống tiền vận và trung vận tốt mà hậu vận xấu, chứng tỏ đời sống của ta: "Đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt".
Đời sống của một người mà "đầu lọt, bụng lọt mà đuôi không lọt" là đời sống của một người có hành xử với người khác: "Trước mặt tốt, sau lưng xấu; trước mặt là bạn, sau lưng là thù; trước mặt là phải, sau lưng là quấy; trước mặt là khen, sau lưng là chê...".
Đó là đời sống của một người phản trắc, không thỉ chung, hậu quả sẽ xảy ra cho họ rất xấu.
Bởi vậy, thiền án nầy, chúng ta cần chiêm nghiệm thật sâu sắc và hết sức thực tế từ nhiều mặt, để thấy hữu ích của một thiền án đem lại cho đời sống của tất cả chúng ta!
Và thiền án không còn là đối tượng để cho những ẩn sĩ chiêm nghiệm từ núi rừng cô tịch mà là một án treo giữa công đường cho tất cả mọi người trong một xã hội đầy sinh động và đa thù, chọn lựa và thực nghiệm để có nhiều cơ hội đi lên.
Người ấy là chủ
Sống ở đời không ai thích đi làm thuê mướn, mà ai cũng thích làm chủ thôi. Nhưng làm sao ta có thể làm chủ được, khi ta chưa làm chủ được tâm ý?
Tâm ý của ta thường bịa điều động bởi những hạt giống tham, sân, si, kiêu mạn và chấp ngã, nên trong đời sống, ta thường đi làm thuê và nói mướn cho nó, suốt ngày và suốt đêm, không bằng hình thức nầy, thì cũng bằng hình thức khác.
Ta làm thuê cho lòng tham của ta; ta nói thuê cho lòng tham của ta và ta nghĩ thuê cho lòng tham của ta. Và, nếu ta không làm thuê và nói mướn cho lòng tham, thì ta cũng làm thuê, nói mướn cho lòng sân, lòng si và tâm kiêu mạn chấp ngã nơi ta.
Xã hội ngày nay, người ta đã nói nhiều về dân chủ và nhân quyền, như là những miếng mồi chính trị treo lơ lững giưa hư không trước miệng của những chú mèo, nhưng người ta đã quên đi một điều cực kỳ quan trọng là không ai có thể hiến tặng dân chủ và nhân quyền cho ai được cả và không có một quốc gia nào có khả năng và quyền hạn ban tặng dân chủ và nhân quyền cho những quốc gia nào khác.
Tại sao? Vì lòng tham chưa sạch, lòng sân còn ẩn tàng, lòng si còn manh nha hoạt động, tính chấp ngã và bè phái đang bộc lộ trong mọi hành hoạt một cách công khai hay tế nhị. Tế nhị trong chính sách ngoại giao “mềm”, và công khai trong những kho vũ khí chiến lược “cứng”.
Vì vậy, ta không làm chủ được tâm ý, tâm ý của ta đang bị các tham dục, sân hận, si mê, kiêu mạn và chấp ngã điều khiển, thì làm gì có dân chủ, nhân quyền để ta hiến tặng cho người khác và cho những quốc gia khác.
Nên, ta muốn có dân chủ, nhân quyền, thì trước hết ta phải học tập cách làm chủ tâm ý. Ai làm chủ được tâm ý, không để cho tâm ý bị điều động bởi các tham dục, sân hận, si mê, kiêu mạn và chấp ngã, thì người ấy có tự do và chủ quyền đối với cuộc sống. Người ấy có sự tự do, dân chủ và nhân quyền một cách đích thực cho chính nó, mà không cần ai ban tặng hay một quốc gia nào ban tặng. Người ấy là chủ và chủ là người ấy.
Thích Thái Hòa
Thực nghiệm
2010-12-10T23:15:00-08:00
2010-12-10T23:15:00-08:00
Loading...