Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Nói với chiếc lá hay nói với Phước Đức

Share |


Thích Thái Hòa

Nỗi thất vọng lớn nhất của con người là chạy bươn về phía trước hay chạy ngược về phía sau để kiếm tìm cho mình một bản ngã. Bản ngã trong cơm áo, gạo tiền, trong kiến thức chữ nghĩa, trong địa vị quyền uy hay trong những lý tưởng hão huyền…

Tự thân của bản ngã là hão huyền. Hão huyền trong tư duy và hão huyền trong thực tế. Lịch sử loài người đã bị cày nát, để trở thành hầm hố ngăn cách, thù hận ngàn đời bởi những hão huyền ấy.

Chiếc lá không hề đi tìm cho nó bất cứ một bản ngã nào, nên chiếc lá lúc nào và ở đâu cũng hiện thực và bình dị. Nó vốn bình dị với chính nó và bình dị với những gì liên hệ với nó. Nó là hiện thực, vì nó không hão huyền với chính nó. Nó không hão huyền với những gì mà gốc rễ của nó đã và đang cưu mang. Nó là hiện thực, vì nó đang tiếp nhận ánh sáng mặt trời, mặt trăng, những giọt nước của mưa hay sương, những hơi ấm và lạnh được chuyển động từ lòng đất lên thân cây qua cành và lá. Lá đã tiếp nhận và tặng lại một cách bình dị đối với những gì mà nó đã liên hệ, suốt cả cuộc hành trình.

Lá đã tiếp nhận như thế và ngàn đời vẫn tiếp nhận như thế. Nó không bám víu khi đến mùa phải rụng. Nó rụng một cách thanh thản nhẹ nhàng, để hội chứng cho những gì vĩnh cửu ngay giữa những cuộc ảo hóa, phù sinh.

Con người sao không thấy mình là lá và là lá của hoa nhỉ! Và con người sao không thấy mình là người giữa tất cả mọi người, để cho nhân tính và tình người được tự nhiên hiển lộ. Và tại sao con người không thấy mình là bọt nước giữa đại dương để quê hương con người trở thành thẳm sâu và rộng lớn. Và tại sao, con người không tự thấy mình là một vệt sáng chớp nhoáng giữa trời không, để không gian vô biên là cõi tuyệt đối bình an cho mọi sinh thể đi về và mình cũng được đi về ngay ở trong sinh thể ấy!

Thực tại là toàn diện. Con người vốn là một thực tại toàn diện. Nhưng vì con người muốn nghe tiếng nói của riêng mình và muốn cất lên tiếng nói ấy, nên bỗng chốc trở thành kẻ độc hành giữa sa mạc hoang liêu mà tiếng nói của riêng mình nghe như chừng đồng vọng. Công lý trở thành những khát thèm và hố thẳm. Tiếng nói công lý đã trở thành ngôn ngữ của đọa đày viễn mộng. Bình an cho con người chỉ là những nhát kiếm bén nhọn quờ quạng đâm thủng giữa hư không. Nên, bình an chỉ là những ảnh tượng muôn đời cho con người khát vọng.

Càng khát vọng con người càng đánh mất và xa lạ với chính mình và cuộc sống. Càng ước vọng con người lại càng có những tiếng thở dài nghe ra não nuột. Não nuột, vì ước vọng bao giờ cũng được đáp lại bằng những sự thất vọng, ê chề.

Thất vọng không phải do dòng sông, mặt trời, mặt trăng, biển cả, núi rừng hay cuộc đời mà do tâm thức đầy vô minh và tham vọng của con người tạo ra.
Cuộc đời vốn hoàn hảo ngay từ buổi bắt đầu. Cuộc đời không cần con người hoàn hảo. Con người hãy hoàn hảo lại chính mình để thích ứng với cuộc đời, chứ cuộc đời không cần thích ứng với con người đâu nhé!

Không có con người, thì dòng sông vẫn chảy, nhưng không có sự trôi chảy của dòng sông, thì con người không còn là con người nữa, con người là cát bụi ven đường cho gió cuốn mù sa.

Không có con người thì không gian vẫn đầy ắp không khí, nhưng không có không khí thì con người là gì, mỗi người phải tự trả lời lấy một cách nghiêm túc cho thân phận của chính mình.

Có những người đã đem hết khả năng và kiến thức học hỏi của mình suốt cả một đời người để trả lời rằng, không có không khí thì chết. Nhưng, họ nào có biết ai chết? Và cái gì chết?

Chết không có gì quan trọng và mới lạ đối với con người. Không có không khí, thì không có bất cứ một ai có thể sinh ra, thì lấy gì để sống. Không có sống, lấy gì để chết? Chết là một vinh hạnh lớn của con người, vì con người dù sống ít hay nhiều, dài hay ngắn gì đi nữa thì vẫn đã từng có sự sinh ra và đã từng có sống. Đã từng có sống, nên phải có chết và đã từng chết nhiều lần ngay nơi sự sống.

Đằng này, không có không khí là không có sự sống, không có cái sinh ra sự sống, thì làm gì có sống. Đã không có sự sống, thì làm gì có sự chết. Sự chết cũng mầu nhiệm như sự sống vậy. Và mỗi khi sống đã không thể, thì chết làm gì mà có thể. Chết không thể xảy ra, nếu không có sự sống. Sống không thể xảy ra, nếu không có sự chết. Nên, không có không khí thì không có ai chết cả và không có bất cứ cái gì để chết cả.

Vậy, trước khi sự sống và sự chết cùng xảy ra cho nhau và cùng nhau chơi trò chơi trốn tìm, cút bắt, thì ta là gì, mặt mũi như thế nào, ấy là công án mà nỗi thất vọng của con người vẫn muôn đời lận đận, ám ảnh và khát thèm để kiếm tìm cho đời mình một bản ngã!

Chiếc lá mỗi ngày vẫn đong đưa trên cành và đùa chơi với những chú chim non, với những cánh bướm vàng theo sự vận hành của thiên nhiên.


PHƯỚC ĐỨC CÙNG TA HIỆN HỮU

Ta muốn đại tiểu tiện, ta đi tìm toilet và có toilet cho ta, là ta có phước đức.
Ta muốn ăn uống cái gì, ta đi tìm kiếm phẩm vật ẩm thực và phẩm vật ẩm thực có cho ta, là ta có phước đức.
Ta bị bệnh, ta muốn tìm thầy thuốc để chữa bệnh và có thầy thuốc cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn học hỏi, ta đi tìm thầy dạy và có thầy dạy cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn tu tập, ta đi kiếm môi trường và có môi trường cho ta , là ta có phước đức.
Ta muốn thở và có hơi thở cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn nói, và có ngôn ngữ cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn nhìn và có cái thấy cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn nghe và có cái nghe cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn ăn và có cái ăn cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn ngửi và có cái ngửi cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn tiếp xúc và có cái tiếp xúc cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn nhận thức và có cái nhận thức cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn đi và có cái đi cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn cầm nắm và có cái cầm nắm cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn ngồi và có cái ngồi cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn nằm và có cái nằm cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn ngủ và có cái ngủ cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn từ bỏ và có cái từ bỏ cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn thương và có cái thương cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn từ bỏ cái ác và có cái ác cho ta từ bỏ là ta có phước đức.
Ta muốn thực tập điều thiện và có cái thiện cho ta thực tập là ta có phước đức.
Ta muốn hiếu với cha mẹ và có cha mẹ để cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn có tình cảm với vợ hay chồng hoặc con cái và có vợ hay chồng hoặc con cái để cho ta tình cảm thì ta có phước đức.
Ta muốn có tình cảm với dòng họ và quê hương mà ta có dòng họ và quê hương để cho ta tình cảm, là ta có phước đức.
Ta muốn có tình cảm với tất cả mọi người và có mọi người để cho ta tình cảm là ta có phước đức.
Ta muốn cứu giúp chúng sanh và có tất cả chúng sanh để cho ta cứu giúp là ta có phước đức.
Ta muốn học hạnh ly dục và có các bậc ly dục cho ta học tập là ta có phước đức.
Ta muốn học hạnh Bồ-tát và có các Bồ-tát cho ta học hạnh là ta có phước đức.
Ta muốn kính lễ và học hạnh chư Phật và có chư Phật để cho ta kính lễ và học hạnh là ta có phước đức.
Ta muốn vào địa ngục để rèn luyện tâm chí và có địa ngục cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn vào thế giới của súc sanh để chứng nghiệm sự ngu dốt của loài súc sanh, liền có thế giới súc sanh cho ta là ta có phước đức.
Ta muốn vào thế giới của A tu la, để chứng nghiệm sự đam mê quyền lực và hận thù, có thế giới ấy cho ta là ta có hạnh phúc.
Ta muốn sống nhân từ trong nhân loại và có nhân loại để cho ta nhân từ là ta có phước đức.
Ta muốn sống bằng thiện nghiệp của chư thiên và có chư thiên thiện nghiệp cho ta là ta có phước đức.
Vậy, hết thảy phước đức đối với ta, ta đã có, đang có và sẽ có.
Cái đã có, ta nỗ lực duy trì không để rơi mất, đối với cái đang có, ta không những nỗ lực duy trì mà còn làm cho nó thăng tiến, không gián đoạn và với những điều phước đức mà ta chưa có, ta nỗ lực làm cho nó sinh khởi qua nhân và duyên.
Nhân duyên làm cho phước đức của ta chưa sinh sẽ sinh, đang có sẽ tăng trưởng, đã có không bị rơi mất. Nhân duyên tốt đó là Tam Bảo, là Thầy hiền, Bạn tốt, là môi trường thích ứng với các điều thiện.
Phước đức của ta phát sinh là do ta biết sống với tất cả mọi người, mọi loài và muôn vật bằng tất cả tấm lòng, ta phải biết thận trọng lời nói mỗi khi hành xử, phải biết giữ gìn hành động mỗi khi tiếp xúc để không gây thiệt hại sự sống giữa ta và muôn loài, ta phải biết khiêm tốn và cám ơn sâu sắc những hạt cát và cọng rau, vì tất cả đang giúp ta làm nên sự sống nhiệm mầu!

THÍCH THÁI HÒA

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang