Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

TỪ KHÔNG LÝ VÀ VÔ NIỆM CỦA KINH KIM CANG ĐẾN HÀNH ĐỘNG ĐẠI NGHĨA VÀ CHÍ NHÂN CỦA NGUYỄN TRÃI

Share |


Thích Thái Hòa

Cuối Trần, tiềm năng chứng ngộ ở trong các giới tu học Phật giáo suy yếu, kéo theo sự suy yếu của cả đất nước, mặc dù chùa chiền vẫn còn giữ những nét tráng lệ nguy nga, tăng sĩ cũng nhiều và niềm tin tâm linh của quần chúng đối với đạo Phật không bị sút giảm mà biến thành nhiều dạng.

Suy yếu về sự chứng ngộ đạo Phật, trước hết là suy yếu về khả năng chánh kiến, chánh tư duy, chánh định, chánh niệm đối với những người thực hành đạo Phật, từ đó kéo theo những suy yếu về chánh tinh tấn, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng trong đời sống của họ, khiến cho Phật giáo cuối Trần, chỉ còn lại một số tăng sĩ và cư sĩ ẩn mật, tĩnh cư để tôi luyện tâm hạnh và nuôi dưỡng trí đức, còn lại phần nhiều là những sinh hoạt duy trì và phát triển tiềm năng đạo Phật qua hình thức tín ngưỡng hơn là tiềm năng chứng ngộ.

Chính đó là điều kiện cho những Nho thần như Lê Quát, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh,… có khuynh hướng Tống Nho kỳ thị tín ngưỡng Phật giáo, và yêu cầu vua Trần Minh Tông thay đổi pháp độ, nhưng bị vua bác bỏ.

Đến đời Trần Dụ Tông, pháp độ trị nước, an dân đã bị các Nho Thần pha trộn theo cách Tống Nho, khiến vua Trần Nghệ Tông nói: “Triều trước dựng nước, tự có pháp độ, không theo chế độ Nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần bắt chước theo nhau.

Vào khoảng năm Đại Trị (Trần Dụ Tông), kẻ học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý sâu xa của lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục của phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương, không kể hết”.1 Sau đó vua ra lệnh đổi pháp độ lại giống như đời vua Minh Tông. Như vậy, nền chính trị của xã hội Việt Nam cuối Trần đã bị các Nho thần có khuynh hướng Tống Nho làm lũng đoạn, Triều đình càng lúc càng suy yếu. Ở phía Nam đất nước lại đối đầu với Chiêm Thành, năm 1389, Chế Bồng Nga đánh vào Thanh Hóa, quân nhà Trần thua chạy. Ở phía Bắc, đất nước phải đối đầu với nhà Minh, đói kém và loạn lạc nổi lên khắp nơi.

Năm 1394, vua Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly soán ngôi. Năm 1397, dời kinh đô từ Thăng Long về Tây Đô ở Thanh Hóa. Năm 1400, Hồ Quý Ly phế bỏ Trần Phế Đế, đặt niên hiệu Thanh Nguyên, lấy Quốc hiệu là Đại Ngu, mở ra triều đại nhà Hồ ở nước ta, sau đó nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương.

Năm 1407, một trăm ngàn quân Minh do Trương Phụ, Mộc Thạch, Chu Vinh đánh chiếm và thống lãnh Đông Đô (tức Thành Thăng Long), bắt cha con Hồ Quý Ly, nhiều quan, tướng giải về Yên Kinh (Trung Quốc), trong đó có Nguyễn Phi Khanh là phụ thân của Nguyễn Trãi. Năm Mậu Tý, 1408, Giản Định Đế (Trần Ngỗi) khởi nghĩa chống Minh, nhưng nội bộ chia rẽ, nghe lời sàm tấu thiếu trung thực của những kẻ nịnh hót, nên Trần Ngỗi đã giết hai tướng tài là Đặng Tất (thân phụ Đặng Dung) và Nguyễn Cảnh Chân (thân phụ Nguyễn Cảnh Dị).

Năm Kỷ Sửu (1409), Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị lập Trần Quý Khoáng cháu của Trần Ngỗi lên làm vua, lấy niên hiệu Trùng Quang, để chống Minh, nhưng đến năm 1413 hoàn toàn thất bại, Trần Quý Khoáng, và các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy,… đều bị quân Minh bắt lưu đày về Yên Kinh.

Năm 1416, nhóm 18 người kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi ra đời ở Thanh Hóa, Nguyễn Trãi trao “Bình Ngô Sách” cho Lê Lợi. Vào 7.2.1418 tức ngày mồng 2, tháng Giêng, năm Mậu Tuất, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương kháng chiến chống Minh, suốt mười năm, đến năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đặt quốc hiệu là Đại Việt và cũng chính năm này, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo.

Suốt thời gian Đại Việt bị Minh đô hộ, tướng Trương Phụ cho tịch thu tất cả văn hóa phẩm cũ và mới của Đại Việt chở về Kim Lăng (Trung Quốc), họ còn sai hai nhà trí thức của nhà Minh là Hạ Thanh và Hạ Thì tiếp tục thu lượm hết tất cả những văn hóa phẩm của Đại Việt. Sau đó nhà Minh cho chở sang Đại Việt, những tác phẩm thuộc Phật, Nho, Lão của người Trung Hoa cho người Đại Việt học. Họ thi hành chính sách đồng hóa Đại Việt theo Trung Hoa một cách triệt để.

Như vậy, có thể các bản kinh Kim Cang 32 phân đoạn của Thái tử Chiêu Minh đời Lương, Kim Cang Bát-nhã Ba La Mật Sớ của Trí Nghiêm đời Đường, Kim Cang Bát-nhã Sớ Luận Toát Yếu của Tông Mật - Khuê Phong đời Đường, Kim Cang Toát Yếu San Định Ký của Tử Cừ đời Tống, Kim Cang Bát-nhã Ba La Mật Chú Giải của Tông Lặc đời Minh…, đã được lưu hành trên đất Đại Việt bấy giờ và đã được rất nhiều trí thức của Đại Việt biết đến, học hỏi và nghiên cứu.

Theo Lê Mạnh Thát, kinh Kim Cang đã được các vua Hậu Lê như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông và ngay cả Nguyễn Thánh Tổ sử dụng để ra đề thi.2

Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai một thiên tài về thao lược chính trị, một nhà văn hóa và tư tưởng lớn, một nhà đại ái quốc, và một nhà đại hành động với hạnh giải tương ưng của triều đại Hậu Lê. Ông sinh năm Canh Thân (1380), gốc Làng Nhị Khê, huyện Thường Phúc, tỉnh Hà Đông, con của Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, cháu ngoại của Trần Nguyên Đán. Ông đỗ khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ) thời nhà Hồ (1400), và Ông đã làm quan cho nhà Hồ với chức Chánh chưởng đài Ngự sử. Sau đó, Ông đã phò Lê Lợi khởi nghĩa đánh Minh, viết Bình Ngô Sách và thắng Minh. Ông viết Bình Ngô Đại Cáo, và cùng Lê Lợi lập nên triều đại Hậu Lê. Ông giữ Quan Phục Hầu, dự hàng Quốc Tính, sau đó Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng ở trong triều đại này kể cả chức dạy vua.

Đối với lễ nhạc, Ông cũng có cách nhìn hết sức độc đáo, Ông tâu với vua: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc… Xin Bệ hạ nuôi dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán hận, than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”.3 Ngày 16.8 năm Nhâm Tuất, tức là ngày 19.9.1442, Nguyễn Trãi đã bị tru di tam tộc qua vụ án Lệ Chi Viên, bởi triều đại do Ông hết lòng phò trợ và gầy dựng nên. Nỗi oan của Nguyễn Trãi phải trải qua 12 năm, mới được vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan.

Con người của Nguyễn Trãi như vậy, thế thì kinh Kim Cang đã có ảnh hưởng gì đến đời sống và hành động của Ông?

Đọc Bình Ngô Đại Cáo, ta nghe Ông nói: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay tàn bạo,…”. Lấy Đại nghĩa là không còn sử dụng những nghĩa cử hay khôn khéo vụn vặt, những hiểu biết thấp hèn.

Nói cách khác, lấy Đại nghĩa tức là phải biết sử dụng đại trí để ứng cơ và ứng thời mới chuyển hóa được những kẻ hung tàn chấp ngã tự tôn. Ta nên biết rằng, chấp ngã là gốc của vô minh và tàn bạo. Nên, chỉ có đại trí tuệ mới trừ diệt chấp ngã và loại bỏ hung tàn mà thôi.

Và đem chí nhân thay tàn bạo, là không sử dụng những tình cảm phe nhóm cục bộ tầm thường, mà sử dụng lòng đại bi mới có thể làm thay đổi được lòng nguời tàn bạo và thù hận.

Ta biết rằng, tàn bạo là đi từ tâm tà kiến, cuồng si và hận thù, nên ta không thể dùng hận thù mà thay thế hận thù, ta không thể dùng cuồng si mà thay thế cuồng si mà chỉ có dùng trí tuệ và từ bi mới có thể chuyển hóa và làm thay đổi tình trạng của tâm thức ấy.

Tuy, Nguyễn Trãi chỉ nói: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay tàn bạo,…”, nhưng trong câu nói ấy, Ông đã chuyển tải giáo lý đạo Phật một cách sâu sắc và nhuần nhuyễn.

Đại nghĩa ấy là Nhất thiết pháp không của Bát-nhã. Nghĩa là các ý nghĩa từ nơi nghĩa Không mà được thiết lập và thành tựu.

Nghĩa Không được Ngài Long Thọ nói ở trong Trung Quán Luận như sau:

以有空義故

一 切 法得成

若無空義故

一切 則不成”.4

Âm:

Dĩ hữu Không nghĩa cố

Nhất thiết pháp đắc thành

Nhược vô Không nghĩa cố

Nhất thiết tắc bất thành.

Nghĩa:

“Vì do có Nghĩa Không

Nên mọi pháp thành tựu

Nếu không có Nghĩa Không

Mọi pháp đều chẳng thành.”

Và Ngài An Tuệ nói ở trong Đại Thừa Trung Quán Luận Thích rằng: “Nhất thiết bất ly không, nhất thiết đắc thành tựu”,nghĩa là: “Vạn hữu không rời không, hết thảy đều thành tựu”.5 Nên, tất cả vạn hữu từ nơi Không mà được thành lập. Nghĩa từ nơi Không mà được thành lập, nghĩa ấy mới là đại nghĩa và nghĩa ấy mới là Như. Như thì ở đâu và lúc nào cũng có. Nên, đại nghĩa mà Nguyễn Trãi nói đó, chính là nghĩa Không của Bát-nhã hay là nghĩa Như từ Không lý, do quán chiếu Bát-nhã đạt tới vô niệm mà thể nhập. Nghĩa của Như, ở trong kinh Kim Cang mà đức Phật đã nói cho Tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Như Lai giả, tức chư pháp Như nghĩa”.6

Hành động mang ngã tính, thì huyễn hoặc và mê hoặc mà không phải là Như. Hành động đã không Như, thì có đâu mà gọi là đại nghĩa. Và hành động mang đầy tính ngã thì không thể nào gọi là nhân. Nhân đã không có, thì làm gì có chí nhân. Chí nhân phải đi từ đại nghĩa. Và đại nghĩa phải được bảo chứng từ Không lý của hết thảy pháp, và cũng từ Không lý ấy, mà Không trí biểu hiện hành động của chí nhân và đại nghĩa để ứng xử và giúp đời.

Nên, hành động Đại nghĩa hay Chí nhân mà Nguyễn Trãi nói ở trong Bình Ngô Đại Cáo là hành động có nội dung vô ngã và vị tha hay là hành động có nội dung của Không lý và Không trí. Ấy là những hành động không rơi vào những ý niệm ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả, đó là nguyên lý hành động của kinh Kim Cang.

Hành động ấy là hành động đích thực của những vị Bồ-tát đại sĩ, mà trong kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy cho Tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Bồ-tát đại sĩ, nên hàng phục tâm mình bằng cách: Ta nguyện đưa tất cả chúng sanh đi vào Niết-bàn tuyệt đối đều giải thoát, giải thoát cho vô lượng, vô số chúng sanh như vậy, mà kỳ thực không thấy có chúng sanh nào được giải thoát cả. Tại sao? Hỡi Tu-bồ-đề! Vì một vị Bồ-tát mà còn ý tưởng về ngã, về nhân, về chúng sanh, về thọ giả, thì vị ấy không phải là Bồ-tát”.7 Đọc một số thơ văn của Nguyễn Trãi, ta thấy Ông rất ngưỡng mộ và tâm đắc với dòng thiền Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng. Điều này ta thấy rất rõ, khi đọc bài thơ Đề Nam Hoa Thiền Phòng và Du Nam Hoa Tự của ông.

Đọc bài thơ Đề Nam Hoa Thiền Phòng (Đề phòng thiền ở chùa Nam Hoa), ta thấy dòng thiền Tào Khê như là ước muốn cả một cuộc đời của ông, mà Ông cần phải vượt qua bao nhiêu khó khăn để được thực hiện:

半 生 邱 壑 便 幽 溪

禪 法 分 明 聽 鳥 啼
萬 里 南 來 山 水 遠
一 生 能 幾 過 曹溪 8
Âm:

Bán sinh khâu hác tiện u khê

Thiền pháp phân minh thính điểu đề
Vạn lý Nam lai sơn thủy viễn
Nhất sinh năng kỷ quá Tào Khê.
Nghĩa
“Nửa đời thích hóc núi suối yên
Pháp tỏ nguồn tâm chim hót thiền
Vạn dặm núi sông từ Nam đến
Cả đời mấy độ đến Tào Khê.”

Và đọc bài thơ Du Nam Hoa Tự (Đi chơi chùa Nam Hoa), ta thấy Nguyễn Trãi nói, chỉ có dòng thiền Tào Khê mới tẩy sạch phong trần của cõi nhân gian từ đời này qua kiếp khác:

神 錫 飛來幾百春

寶 林 香火契前人

降 龍 伏虎 機 何妙

無 樹 非臺語若新

殿 側 起 樓 藏佛钵

盒中遺跡脫真身

門前一派曹溪水

洗盡人間劫 劫塵

Âm:

Thần tích phi lai kỷ bách xuân

Bảo Lâm hương hỏa khế tiền nhân

Giáng long phục hổ cơ hà diệu

Vô thọ phi đài ngữ nhược tân

Điện trắc khởi lâu tàng Phật bát

Hạp trung di tích thoát chân thân

Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy

Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần.

Nghĩa:

Gậy thần dạo đến mấy trăm xuân

Hương khói Bảo Lâm hợp tiền nhân

Rồng xuống hổ quỳ mầu nhiệm quá

Không cây, không đế tiếng vừa vang.

Dựng lầu bên điện thờ bát Phật

Gìn giữ trong hòm giải thoát thân

Trước ngõ một dòng Tào Khê chảy

Đời đời tẩy sạch bụi nhân gian.

Đọc hai bài thơ này, ta thấy Nguyễn Trãi hết sức ngưỡng mộ và tâm đắc với dòng thiền Tào Khê. Dòng thiền này là dòng thiền của Ngài Lục Tổ Huệ Năng (638-713). Ngài Huệ Năng do giác ngộ giáo lý “Vô trú” của kinh Kim Cang mà đã đến Đạo Tràng Hoàng Mai để cầu pháp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.

Bấy giờ tại Đạo Tràng Hoàng Mai, “Ngũ Tổ thường khuyến khích cả tăng lẫn tục, nên chuyên cần trì tụng kinh Kim Cang để tự mình thấy tánh, trực ngộ thành Phật”.9 Bấy giờ, Ngài Huệ Năng đã tìm đến Đạo Tràng Hoàng Mai để bái yết Ngũ Tổ. Tổ hỏi: “Người từ phương nào đến? Muốn cầu vật gì?”. Huệ Năng đáp: “Đệ tử thuộc bách tánh, ở Tân Châu, Lĩnh Nam, đến để lạy Thầy, chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu vật gì khác”.

Tổ nói: “Ngươi là người Lãnh Nam, lại xứ săn bắn mọi rợ, làm sao kham lãnh làm Phật?” Huệ Năng đáp: “Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tính không có Nam Bắc. Thân mọi rợ với thân của Hòa thượng tuy không đồng, nhưng Phật tính nào có khác gì?”.10

Qua sự đối thoại trong buổi sơ ngộ giữa Huệ Năng và Ngũ Tổ, Tổ biết Huệ Năng là bậc pháp khí Thượng thừa hóa thân làm vị nhục thân Bồ-tát, nhưng sợ chúng biết, Tổ đã âm thầm hướng dẫn, dạy dỗ và ấn chứng cho Huệ Năng, khi Ngài Huệ Năng trình bày bài kệ kiến tánh của mình như sau:

菩 提 本 無 樹

明 鏡 亦 非 臺

本 来 無 一物

何 處 惹 塵埃.11

Âm:

Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhá trần ai.
Nghĩa:

Bồ đề vốn không cây
Gương sáng vốn không đài
Xưa nay không một vật
Lấy gì quét trần ai.

Đây là bài kệ kiến tánh của Ngài Huệ Năng đã được Ngũ Tổ ấn chứng từ thế kỷ thứ bảy, đến Nguyễn Trãi là thế kỷ 15, tức là thời gian đã trôi qua tám thế kỷ, mà trong bài thơ Du Nam Hoa Tự, Ông nói: “Vô thọ, phi đài ngữ nhược tân”, nghĩa là lời nói trong thi kệ kiến tánh của Tổ Huệ Năng ngày xưa nơi Đạo Tràng Hoàng Mai của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn là: “Tuệ giác vốn không cây, gương sáng vốn không đài”, lời nói đó nghe chừng như mới đây.

Dòng thiền Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng là dựa trên tinh thần “Ưng vô sở trú” của kinh Kim Cang, để tu tập và kiến tánh. Nên, ở trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Bát-nhã, Lục Tổ nói: “Này thiện tri thức! Muốn thể nhập pháp giới rộng sâu và Bát-nhã tam muội, thì nên tu hạnh Bát-nhã, trì tụng kinh Kim Cang, liền được thấy tánh. Nên biết công đức kinh nầy vô lượng, vô biên, trong kinh đã ca ngợi rõ ràng, không thể nói hết. Pháp môn này là Tối thượng thừa, nói cho bậc đại trí thượng căn. Người tiểu căn, tiểu trí mà nghe, tâm sinh bất tín”.12

Ở phẩm Nghi Vấn, Tổ nói: “Này thiện tri thức! Pháp môn này từ xưa đến nay, lấy vô niệm làm tông chỉ, lấy vô tướng làm bản thể và lấy vô trú làm bản môn. Vô tướng là ngay nơi tướng mà ly tướng. Vô niệm là ngay nơi niệm mà vô niệm. Vô trú, nghĩa là bản tánh của con người ở trong thế gian, thiện ác, xấu tốt cho đến oán thân, ngay cả khi nói lời châm chích xúc chạm, tranh giành lừa dối nhau đều là Không, chẳng nghĩ thù hại. Đối trước cảnh trong mỗi niệm không nghĩ. Nếu niệm trước, đương niệm và niệm sau, mỗi niệm tiếp nối nhau không gián đoạn, gọi là hệ phược. Ngay nơi các pháp, niệm trước niệm sau chẳng trú, tức là giải thoát. Đây gọi là bản môn vô trú”.13

Như vậy, Nguyễn Trãi đã từng đọc tụng, thọ trì và thiền tập một cách miên mật theo kinh Kim Cang Bát-nhã, để Ông có thể đạt tới “yếu chỉ vô niệm, bản thể vô tướng và bản môn vô trú”, như Lục Tổ Huệ Năng dạy, ngay trong mọi hành động ứng xử của Ông, nên Ông nói: “Trước ngõ một dòng Tào Khê chảy, đời đời tẩy sạch bụi nhân gian”.

Và cũng vì vậy, ta không ngạc nhiên gì, khi đọc bài thơ Tống Tăng Đạo Khiêm Quy Sơn (Tiễn Đạo Khiêm Tăng Sĩ Về Núi), Ông đã viết hai câu cuối cùng như sau:

老去狂言休怪我

臨 期我亦上乘禪

Âm

Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã

Lâm kỳ ngã diệc Thượng thừa thiền.
Nghĩa:

Tôi già nói ngông đừng có ngại,

Đến lúc tôi cũng Thượng thừa thiền.

Với hai câu thơ cuối của bài thơ tiễn tăng sĩ Đạo Khiêm về núi, Nguyễn Trãi đã nói rõ định hướng tu tập của mình là phải đạt tới Thượng thừa thiền.

Vậy, Thượng thừa thiền là gì, mà Nguyễn Trãi muốn đạt tới đó?

Thượng thừa thiền là thiền của các bậc Tổ sư. Thiền ấy bên trong đã hiểu rõ bản tâm của Phật. Tâm ấy sáng trong vắng lặng, không sinh, không diệt, không khứ, không lai, không thường, không đoạn, không đồng nhất, không dị biệt, tại thánh không tăng, tại phàm không giảm, tại Niết-bàn cũng Như mà tại sinh tử cũng Như. Bên ngoài thì hạnh giải tương ưng, nghĩa là biết và làm không khác nhau. Biết chính là làm và làm chính là biết. Biết và làm, làm và biết, cả hai điều ấy không có lằn mức khoảng cách nào trong mọi hành hoạt đi đứng nằm ngồi, động tịnh, nói cười, … Mọi thao tác thì linh hoạt, mọi ứng xử thì tức thì. Mọi hành hoạt và nghĩa cử của Tổ sư là từ Tuệ giác mà không phải từ khởi niệm.

Tối thượng thừa thiền là thiền định của kinh Kim Cang. Ở kinh này Đức Phật nói với Tôn giả Tu-bồ-đề rằng: “Như Lai nói kinh Kim Cang Bát-nhã, là vì những vị phát tâm Đại thừa; là vì những vị phát tâm Tối thượng thừa. Những người ấy có khả năng thọ trì, đọc tụng, diễn giảng rộng rãi cho nhiều người khác. Như Lai biết rõ những người ấy, thấy rõ những người ấy, đều thành tựu công đức không thể nghĩ bàn, không có giới hạn, không thể đối chiếu, không thể ước lượng. Những người như vậy có thể gánh vác Tuệ giác Vô thượng của Như Lai”.14

Và Tối Thượng Thừa, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã thuật như sau: “Xét về bản thể tu đạo, thì cần phải biết rằng, thân tâm hiện tiền bản lai thanh tịnh, không sinh, không diệt, không có phân biệt.

Tự tánh viên mãn, tâm thanh tịnh. Nhớ tự tính thanh tịnh viên mãn này là bản sư, hơn nhớ chư Phật mười phương”.15

Như vậy, ta có thể biết rằng, trước khi Nguyễn Trãi làm bài thơ tiễn đưa vị tăng Sĩ Đạo Khiêm về núi, Ông đã phát tâm Đại thừa, phát tâm Tối thượng thừa, thọ trì kinh Kim Cang miên mật và mãnh liệt, đợi cho đến khi cơ duyên hội đủ, thì Ông cũng đạt tới “thân tâm hiện tiền, bản lai thanh tịnh”, đạt tới Thượng thừa thiền, như chính Ông đã nói:

“Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã

Lâm kỳ ngã diệc Thượng thừa thiền”.

Ta có thể đọc đoạn khai thị của Lục Tổ Huệ Năng trước khi thị tịch, cho Pháp Hải là người đã có tâm chép lại Pháp Bảo Đàn kinh của Tổ, để có thể trực nhận được Thượng thừa thiền của Nguyễn Trãi là gì, trong lời khai thị ấy:

Pháp Hải thưa: “Thầy có lưu lại giáo pháp gì để cho những người mê muội được thấy Phật tính?

Tổ dạy: Những người mê muội đời sau, nếu thấy rõ chúng sanh, tức thấy được Phật tính. Nếu họ không biết chúng sanh, thì muôn kiếp họ tìm không gặp Phật.

Quý vị thấy được tự tâm chúng sanh, tức nhiên quý vị thấy được tự tâm Phật tính. Muốn thấy Phật phải biết chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh mê lầm đối với Phật, chứ Phật chẳng mê lầm đối với chúng sanh. Nếu giác ngộ tự tánh thì chúng sanh là Phật. Nếu mê lầm tự tánh thì Phật là chúng sanh. Tự tánh bình đẳng chúng sanh là Phật. Tự tánh tà hiểm, Phật là chúng sanh,…”

Tổ nói bài kệ:

兀 兀 不 修 善

騰 騰 不 造 惡

寂 寂 斷 見 聞

蕩 蕩 心 無 著”.16

Âm

Ngột ngột bất tu thiện

Đằng đằng bất tạo ác
Tịch tịch đoạn kiến văn
Đãng đãng tâm vô trước.
Nghĩa:

Nằm ngang không hành thiện
Xung thẳng không tạo ác
Lặng sâu dứt thấy nghe
Mênh mông tâm chẳng vướng.
Tối thượng thừa thiền là thiền thấy tánh thành Phật, không thông qua mọi ngôn ngữ quy ước, mọi văn tự kiến thức, mọi tư duy hữu ngã, mọi kinh viện điển tích. Vượt ra ngoài mọi kích thước ngang, dọc, sâu, rộng của mọi không gian và vượt ra ngoài quả báo thiện ác của mọi thời gian. Ngay đó mà kiến tánh thành Phật, chứ không phải nơi khác. Ngay đó mà kiến tánh thành Phật, chứ không phải lúc khác. Ngay đó mà không kiến tánh thành Phật, thì không còn có nơi nào khác. Ngay đó mà không kiến tánh thành Phật, thì không còn có lúc nào khác.

Hay nói theo kinh Kim Cang: “Ngay nơi các niệm khởi mà ly, thì gọi là chư Phật, Thế Tôn”.17 Nguyễn Trãi trong bài thơ Thu Dạ Khách Cảm II, Ông đã nói nguyên lý ly tưởng hay ly niệm của kinh Kim Cang bằng cách nói của ông như sau:

一 念息來千念息

雞虫自此了相 爭
Âm:

Nhất niệm tức lai thiên niệm tức

Kê trùng tự thử liễu tương tranh.
Nghĩa:

Một niệm chấm dứt, ngàn niệm tiếp theo cũng chấm dứt

Từ đây sự tương tranh giữa gà và sâu tự chấm dứt.
Qua hai câu thơ ấy, ta thấy Nguyễn Trãi đã mở ra cho mình một con đường mới, con đường chấm dứt mọi tương tranh giữa được và mất, giữa vinh và nhục, giữa thắng và bại, giữa sống và chết, giữa mình và người, giữa loài mạnh và loài yếu, giữa cái ta và cái phi ta, giữa cái hợp lý và cái phi lý, bằng con đường giải phóng niệm khởi của kinh Kim Cang.

Với con đường này, Nguyễn Trãi đã giải phóng tâm thức của ông ra khỏi những khổ lụy hận thù, mà thời đại của ông đã trút vào trong cuộc đời của ông. Và với con đường nầy, con đường hành động mà vô trú, hành động hết lòng mà không khởi niệm, Ông không những chỉ giải phóng cho bản thân ông ra những hư huyễn và bụi bặm của cuộc sống, mà còn giúp cho cả dân tộc của ông và ngay cả cõi nhân sinh mà ông đang sống nữa, như ông nói:

“Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy

Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần.”

Chỉ cần một giọt nước của thiền định Thượng thừa chảy vào trong lòng người và trong lòng cuộc sống, thì tức khắc, nghĩa và phi nghĩa đều trở thành đại nghĩa, nhân và phi nhân đều trở thành chí nhân và tự tính Kim Cang bất hoại sáng choang muôn đời hiển lộ.

Nên từ đó, Không Lý và hành động Vô Niệm của kinh Kim Cang, tức khắc trở thành nguồn sinh lực cho Đại Nghĩa và Chí Nhân của Nguyễn Trãi, khiến cho hành động của Ông sáng choang và bất hoại giữa cuộc đời.

Nên, Đại nghĩa và Chí nhân mà Nguyễn Trãi đã viết ở trong Bình Ngô Đại Cáo là do quá trình thiền tập và quán chiếu Không Lý Bát-nhã và Vô Trú, Vô Niệm của kinh Kim Cang một cách sâu xa, khiến Ông đã có cách nhìn xuyên suốt giữa ta và người, giữa thị và phi, giữa pháp và phi pháp mà chất liệu Kim Cang Vô Trú của dòng thiền Tào Khê cùng với sự xúc tác của thiền khí Trần Thái Tông: “Nếu chưa đạt được tâm Phật, ý Tổ, thì trước hết hãy trì giới, niệm kinh. Đến khi đạt đến trình độ Phật cũng không mà Tổ cũng không, thì còn giới nào cần trì, kinh nào cần niệm? Lúc đó dù cư trú trong thế giới ảo sắc mà thật ra đã là cư trú trong thế giới chân sắc, ở trong phàm thân mà kỳ thực ở trong pháp thân”,18 đã đẩy Nguyễn Trãi đi trên con đường lớn thực tiễn của Đại Nghĩa và Chí Nhân xuyên suốt cuộc đời hành động của Ông.

T.T.H.



Chú thích:

1. Nguyễn Lang, VNPGSL 2, tr 50, Nxb Văn Học Hà Nội, 1992.

2. Lê Mạnh Thát, LSPGVN 2, tr 126, Nxb Tp Hồ Chí Minh.

3. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 11; Việt Sử Cương Giám 17.

4. Trung Quán Luận 4, tr 35, Đại Chính 30.

5. 一 切 不 離 空,一 切得 成 就. (Đại Thừa Trung Quán Luận Thích 4, tr 144, Đại Chính 30).

6. La Thập, tr751a27, Đại Chính 8.

7. La Thập, tr749a, Đại Chính 8.

8. Những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, tôi đã xử dụng tư liệu từ Thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi, Nxb Văn Hóa 1962.

9. Pháp Bảo Đàn, tr 348a10, Đại Chính 48.

10. Pháp Bảo Đàn Kinh, tr 348a15, Đại Chính 48.

11. Pháp Bảo Đàn Kinh, tr 348b24, Đại Chính 48.

12. Pháp Bảo Đàn Kinh, tr350b9, Đại Chính 48.

13. Pháp Bảo Đàn Kinh, tr 353a11, Đại Chính 48.

14. Bản La Thập, tr 750c13, Đại Chính 8.

15. Tối Thượng Thừa Luận, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thuật, tr 377a4, Đại Chính 48.

16. Pháp Bảo Đàn Kinh, tr 361c23 – tr 362b3, Đại Chính 48.

17. Phạn: sarvasaṃjñāpagatā hi buddhā bhagavantaḥ. - Buddhist Sanskrit Texts, no 17, p 80. La Thập, Lưu Chi = 離一切諸相,則名諸佛 = ly nhất thiết chư tướng tắc danh chư Phật. (Đại Chính 8, tr 750b09, tr 754b24).

18. Nguyễn Lang, VNPGSL 2, tr 267-268, NxbVăn Học Hà Nội, 1992..


Web http://www.phatviet.com/ ( ấn bản )

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang