Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

NÓI CHUYỆN VỚI CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU

Share |

Nhiều người ngoại quốc, nhất là giới nghiên cứu, khi họ đến Việt Nam, họ có tìm đến chùa Từ Hiếu để gặp tôi và hỏi tôi về đạo Phật Việt Nam, họ đã đặt ra những câu hỏi cho tôi rằng, đạo Phật Việt Nam khác với đạo Phật Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và ngay cả Ấn Độ như thế nào?

Đạo Phật Việt Nam khác với đạo Phật Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Campuchia và Lào như thế nào? Và hiện nay tại Việt Nam có trường phái nào đại diện cho các trường phái Phật giáo bị phân chia sau khi Phật nhập Niết Bàn hơn hai trăm năm không?

Chính quyền Cọng Sản Việt Nam đã đối xử với Phật giáo cũng như các Tôn giáo Việt Nam như thế nào suốt thời gian họ cầm quyền?

Họ còn hỏi tôi tại Việt Nam hiện nay khách sạn và nhà hàng nhiều hơn bệnh viện và trường học phải không Thầy?

Tôi đã bị chất vấn bao nhiêu câu hỏi; mà câu hỏi nào cũng nặng nề và hóc búa, nhưng tôi đã trả lời với các vị ấy rằng, những câu hỏi của quý vị đặt ra để nghiên cứu và hỏi tôi rất là hay, nhưng hay hơn hết là các bạn hãy thở cùng với tôi. Tôi đã dắt tay họ cùng đi thiền hành với tôi và bám sát từng hơi thở, sau đó họ cùng tôi ngồi xuống ở Thất Lắng Nghe chùa Từ Hiếu, tôi lại hỏi họ: các bạn có làm chủ được hơi thở của các bạn không? Hơi thở của các bạn do đâu mà có? Nếu không có hơi thở, các bạn có thể tồn tại được không? Các bạn lấy gì để nuôi dưỡng hơi thở? Và nếu những vấn đề nầy các bạn không hiểu, không nhận ra, thì những câu hỏi trước đó của các bạn đặt ra cho tôi giúp ích được gì cho các bạn? Và nếu có chăng, chỉ là những kiến thức?

Tôi nói cho các bạn biết rằng, kiến thức về đạo Phật không phải là đạo Phật và nó cũng chẳng bà con gì với đạo Phật. Kiến thức về lịch sử, không phải là lịch sử và kiến thức về Việt Nam không phải là Việt Nam. Và kiến thức về hơi thở không phải là hơi thở, nên không có hơi thở là ta chết, nhưng không có kiến thức về hơi thở thì chẳng có ai chết cả.

Sau đó, tất cả họ với tôi cùng nhau ngồi thở có ý thức khoảng ba mươi phút, một trong họ đã tự phát biểu: “Hơi thở là sự sống, và những câu hỏi chúng tôi đặt ra cho Thầy là những kiến thức, và những kiến thức nầy lại làm rối rắm hơi thở mà không phải là nuôi dưỡng và thăng hoa hơi thở”. Tất cả họ đã cảm ơn tôi và chào tạm biệt, tôi chỉ thở và đưa mắt tiễn họ mà không nói với họ thêm một lời nào!.

TRƠ TRẼN

Ai cũng muốn sống gần gũi và trở thành Thượng đế, nhưng chẳng có mấy ai đến gần gũi và trở thành như Ngài .

Chỉ có những kẻ láo lường, vô luân, tự phong cho mình là Thượng đế, sống trần truồng giữa những sự “xin cho” một cách trơ trẽn.

Sống và chết, thở và cười, chẳng ai cho và chẳng ai có quyền cho. Vui thì ta cười, buồn thì ta khóc, ai mà cấm ta nhỉ và ai có quyền ban phát cho ta nhĩ! Đủ duyên ta sống, hết duyên ta chết ai mà ban phát sự sống chết cho ta!

Buồn, vui, sống, chết đã không có quyền ban phát, thì Thượng đế còn có nghĩa gì mà tại sao lắm kẻ tự phong mình là Thượng đế để gây ra lắm chướng ngại và tai hoạ cho mọi sinh hoạt của thế giới con người một cách trơ trẽn?

SỐNG ÊM ĐỀM

Ngày 05/6/06, Hai vị có chức năng an ninh của tỉnh Thừa Thiên Huế đến tại Thiền Thất Cây Thị, chùa Thuyền Lâm gặp tôi và hỏi mấy lâu nay Thầy có khoẻ không?

Tôi cười và nói: “Thế gian thường thì tôi cũng thường; Thế gian mất bình thường, thì tôi cũng mất bình thường”.

Hai vị an ninh nói tôi rằng: “Thầy lại nói triết lý”.

Tôi nói với họ, tôi không nói triết lý với hai anh, tôi nói chính cuộc sống đấy.

Thực vậy, ta sống trong một gia đình, cha mẹ ta gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống của gia đình và xã hội, làm con trong một gia đình như vậy, làm sao ta có thể sống bình thường trong cái mất bình thường của gia đình và xã hội ấy được?

Ta chỉ sống êm đềm, khi gia đình và xã hội của ta êm đềm, và ta không thể nào sống êm đềm, khi gia đình và xã hội của ta đang sống trong tình trạng không có êm đềm.

Bởi vậy, ta có thể làm bất cứ điều gì có thể làm được, để đem lại sự êm đềm cho gia đình và xã hội là ta làm, đó là ta đang sống êm đềm.

YẾU CHỈ MỚI

Có vị Tăng sinh thưa với tôi: “Con có đi giảng dạy giáo lý cho các đạo tràng tu học, nhưng con không có xin phép Thầy, con xin sám hối với Thầy.

Tôi nói: “Con đi giảng dạy giáo lý cho các đạo tràng tu học, với tâm vô cầu danh lợi, đem lại niềm tin cho quần chúng đối với Phật, Pháp, Tăng; đối với nhân quả tội phước; đối với sự hiếu kính cha mẹ, ông bà và giang sơn tổ quốc, sống có tình nghĩa giữa con người với con người, thì dù con không xin phép Thầy, nhưng đã bằng mười lần xin phép.

Và nếu con đi giảng, vì mong cầu danh lợi, làm mất tín tâm người nghe đối với Tam bảo, đối với đạo lý nhân quả, đối với đạo đức hiếu kính của gia đình và xã hội, dù cho con có xin phép Thầy đi nữa, thì cũng bằng mười không xin phép”.

Trong xã hội thiếu chi người xin phép và cho phép, thiếu gì cơ quan cho và xin phép, nhưng “xin và cho” chẳng có gì khác hơn là mong cầu danh lợi.

Cho vì danh lợi mà cho, xin vì danh lợi mà xin, cả hai đều đưa nhau đến chỗ phá sản. Trước hết là họ phá sản nhân cách của “xin và cho” và sau cùng, họ phá sản tất cả những gì mà họ đang có được trong tay và trong đời sống của chính họ.

Vị Tăng sinh cúi đầu chắp tay và thưa: “Sáng nay con lại nhận được yếu chỉ mới từ Thầy”.

Thích Thái Hòa



BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang