Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

NGAY TRONG CUỘC SỐNG NÀY

Share |


Thích Thái Hòa

Tham sân si và tính chấp ngã nơi ta, ta có thể diệt trừ được nó chăng? Không thể, vì nó thuộc loại bệnh ung thư về tâm hồn. Vì vậy, ta diệt nó ở dạng này, nó sẽ biến thể và hiện hữu dưới một dạng khác hoặc thô phù hoặc tinh tế hơn.
Tại sao? Vì tham sân si và tính chấp ngã của ta vốn không có thực thể nhất định, tất cả đều được biểu hiện theo duyên.
Duyên liên hệ đến những tác ý không như lý, thì vô minh biểu hiện. Mỗi khi trong ta, vô minh đã biểu hiện, thì chính nó làm nhân duyên cho ngã chấp của ta hiện khởi. Tính chấp ngã của ta đã biểu hiện, thì tham sân si của ta cũng từ đó mà hiện khởi.
Vậy, ta muốn tính chấp ngã hay tham sân si không hiện khởi trong đời sống của ta, thì ta phải làm gì? Ta phải quán chiếu sâu sắc và trực tiếp với những gì nơi ta và liên hệ đến ta với những “tác ý như lý”, thì tham sân si hay tính chấp ngã không có điều kiện để biểu hiện trong đời sống của ta.
Tác ý không như lý là tác ý sai sự thực. Nghĩa là sự thực của thân tâm ta, các cảm thọ của ta, các tri giác của ta, các chủng tử tâm hành của ta, các nhận thức của ta, và ngay tất cả những gì đang hiện hữu chung quanh ta, chúng đều do duyên mà khởi, nên chúng không phải thường, vì nó luôn biến diệt và cũng không phải đoạn, vì chúng vừa diệt liền sinh, mà ta tưởng rằng, chúng là thường hay chúng không phải là thường.
Do ta tưởng chúng là thường, nên ta lúc nào và ở đâu cũng bám víu nó hay hờ hững với nó, khiến cho đời sống của ta bị nô lệ bởi nó hay bị ân hận bởi nó. Và vì do ta tưởng chúng không phải là thường, nên ta sống chập giựt và hưởng thụ một cách vội vã đối với chúng, khiến cho đời sống của ta lúc nào và ở đâu cũng bồn chồn, rát bỏng và thất vọng.
Sống bám víu là điều kiện làm cho tham ở nơi tâm ta khởi lên; sống hờ hững là điều kiện làm cho si ở nơi tâm ta khởi lên. Ta tham bởi bất cứ cái gì thì ta bị làm nô lệ cho cái ấy. Ta si mê với bất cứ cái gì, thì ta bị mù quáng và ân hận bởi cái ấy.
Sống chập giựt và vội vã hưởng thụ là điều kiện cho tham đắm, sân hận, mù quáng, cuồng loạn và cuồng tín khởi lên. Ta cuồng tín và cuồng loạn bởi cái gì, là ta bị cái đó đốt cháy đời sống của ta, ta sẽ bị chết một cách thê thảm bởi cái đó.
Do đó, đối với vạn hữu, ta tưởng chúng là thường hay tưởng chúng không phải là thường đều là tác ý không như lý. Và mỗi khi ta nhìn các đối tượng mà ta khởi lên những tác ý không như lý, chính nó là duyên hay là điều kiện để cho tham sân si và tính chấp ngã ở nơi ta hiện khởi.
Tác ý như lý là tác ý đúng sự thực. Nghĩa là khi tiếp xúc với mọi sự vật, chúng hiện hữu như thế nào là ta tác ý đúng như thế ấy. Nghĩa là do tác ý không lầm lẫn giữa thường và vô thường đối với các sự hiện hữu, khiến cho sự hiểu biết của ta không bị rơi vào hai cực đoan hoặc chỉ có cái này hoặc chỉ có cái kia. Mỗi khi cái biết của ta không bị rơi vào hai cực đoan, thì mọi hành động của ta không bị rơi vào những phiến diện. Hành động không phiến diện là hành động toàn hảo. Hành động toàn hảo là hành động vắng mặt của tham, sân si và chấp ngã. Hành động ấy được dẫn khởi từ như lý tác ý đối với vạn hữu của ta.
Do đó, tham sân si và chấp ngã ở nơi tâm ta không thể nào bị diệt trừ, khi mà nhân duyên sinh khởi nó vẫn còn tồn tại dưới một dạng này hoặc một dạng khác. Và khi nhân duyên của chúng không còn, thì ta không cần khởi diệt mà bản thân của nó tự diệt.
Tham sân si và chấp ngã không thể nào có mặt và tồn tại trong nhân duyên “như lý tác ý”, mà nó luôn luôn tồn tại trong nhân duyên “phi như lý tác ý”.
Vì vậy, ta không cần diệt trừ tham sân si hay tính chấp ngã ở nơi tâm ta, vì sao, vì chúng biểu hiện theo duyên, nên không có thực, mà ta chỉ cần chuyển hóa nhân duyên sinh khởi chúng. Ta chuyển hóa bằng cách nào? Bằng cách quán chiếu để chuyển hóa “phi như lý tác ý” thành “như lý tác ý” đối với mọi sự hiện hữu, để thấy rõ “cái gì do quan hệ nhân duyên mà sinh khởi, cái ấy không phải thường còn mà cũng không phải diệt mất; bản thân của cái ấy không phải là nó, mà cũng không phải mâu thuẫn với nó; bản thể của cái ấy không phải là ngã mà cũng không phải là phi ngã, mà chính nó rỗng lặng mọi tác ý về ngã và phi ngã”.
Mọi ý niệm về ngã hay phi ngã đều rơi vào “phi như lý tác ý” , khiến cho các tâm hành duyên vô minh mà sinh khởi. Và mỗi khi tác ý của ta không rơi vào cạm bẫy của “ngã hay phi ngã”, tức là ta có tác ý như thực. Tác ý ấy dẫn sinh sự tự do và bình an đích thực cho ta ngay trong cuộc sống này.
TVCP

BÀI ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI QUAN TÂM

một tờ kinh thiêng

một tờ kinh thiêng


ALBUM LỄ TANG THÂN PHỤ Thượng Tọa THÍCH THÁI HÒA

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Theo Dấu Chân Thầy

Phim Pictures "Con đường xưa Thầy đi" nhân ngày vào Gia Định-Saigon từ 01 đến 07- 3 - Tân Mão- 2011.


Lên đầu trang
Xuống cuối trang